Bàn tiếp về triết lý dân tộc

Muốn xây dựng một triết lí riêng cho dân tộc phải xuất phát từ lịch sử, từ truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc, kế thừa và chắt lọc tinh túy của các nền triết học đã ảnh hưởng tới dân tộc ta, kế thừa những tư tưởng lớn nảy sinh trong quá trình chống thiên tai và dịch họa để tồn tại. Đồng thời phải căn cứ tình hình cụ thể hiện tại của đất nước đang chuẩn bị hòa nhập với thế giới.


Đạo Phật vào nước ta khá sớm, trước tiên ở khu vực chùa Dâu, đến thế kỷ XI đã trở thành quốc đạo và tiếp tục phát triển ở triều Trần. Ngày ấy Trương Hán Siêu đã phê phán gay gắt: “danh thổ khắp nơi thì một nửa đã là chùa chiền, lũ lượt đi ở chùa không cày mà có ăn, không dệt mà có mặc”. Triết lí của đạo Phật thì cao siêu nhưng dân ta tiếp nhận ở đạo Phật chủ yếu là lòng từ bi, khuyên làm điều thiện tránh làm điều ác.
Mặc dầu không có đền chùa, Khổng giáo đã có ảnh hưởng lớn và rất sâu sắc đến nhân dân ta. Lấy chữ nhân làm trung tâm, đạo Khổng đã dạy cho nho sĩ và dân nước ta đạo lí làm người. Làm người thì phải biết trọng lễ nghĩa, biết giữ chữ tín, biết hòa với mọi người mà không hùa về ai, còn dạy người cầm quyền trước hết phải biết tu thân, tề gia rồi mới trị quốc, bình thiên hạ! Nói như Mạnh Tử: dân làm quý, xã tắc làm thứ, vua làm khinh. Đến đời Nguyễn Trãi còn viết: mến người có nhân là dân, mà chở thuyền lật thuyền cũng là dân. Qua hàng nghìn năm lịch sử những lời dạy của các thầy Khổng Mạnh đã thấm sâu vào các sĩ phu và qua họ ảnh hưởng tới nhân dân nước ta.
Với việc xây dựng Văn Miếu năm 1075, vai trò của Khổng giáo được khẳng định là đạo học chính thức ở nước ta. Trong ngót nghìn năm các triều đình phong kiến đã lấy Tứ thư, Ngũ kinh làm nội dung để thi tuyển các quan lại phục vụ chế độ phong kiến, và chế độ thi cử đó chỉ chấm dứt năm 1919. Các sách đó vừa dạy chữ vừa dạy người, ngay sách vỡ lòng Tam tự kinh đã dạy con trẻ: ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lí.
Nhưng cả hai đạo trên đều không thay thế mà hòa quyện vào cái đạo truyền thống của dân tộc là đạo thờ cúng tổ tiên, trong đó có việc thờ cúng Thành hoàng ở mỗi đình làng, là nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm. Nếu nước trọng sĩ thì làng trọng sĩ: già làng là người huy động trai tráng rào làng chống giặc hoặc đắp đê chống lụt. Chính sự liên kết các làng xóm để chống thiên tai và dịch họa đã sớm hình thành nhà nước sơ khai ở nước ta. Tinh thần yêu nước thương nòi đã sớm hình thành với câu: nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng. Chính quyền quân chủ tập trung tổ chức nhân dân chống thiên tai và giặc ngoại xâm đã củng cố lòng yêu nước đó. Tuyên ngôn độc lập đầu tiên ra đời khi Lý Thường Kiệt chống Tống xâm lược và lần thứ hai được Hồ Chí Minh tuyên bố trước thế giới ngày 2.9.1945. Trước họa ngoại xâm để huy động đại đoàn kết dân tộc, Hội nghị Diên Hồng đã được vua Trần tổ chức lần thứ nhất vào thế kỷ XIII và Hồ Chí Minh tổ chức lần thứ hai bảy thế kỷ sau đó. Truyền thống yêu nước thương nòi đó là nét vô cùng đặc sắc của cư dân Việt ở đồng bằng sông Hồng, bị người Hán cai trị hàng nghìn năm không những không bị đồng hóa mà ngược lại đã đồng hóa nhiều quan lại phương Bắc đến trị họ (như trường hợp Vũ Hồn).
Đến khi thực dân Pháp vào thống trị, nước ta mới biết đến triết học duy lí của Đềcác và của thế kỉ ảnh sáng dẫn tới các cuộc cách mạng tư sản dân quyền. Nỗi khổ của nhân dân ta trong suốt nghìn năm thống trị của chế độ phong kiến, tiếp đến dưới ách của chế độ thực dân các quyền tự do dân chủ của cá nhân lại tiếp tục bị hạn chế. Nhưng chính nhà trường của thực dân đã đào tạo nên những trí thức yêu nước như Ngô Gia Tự, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Trần Văn Giàu… Tuy là những chiến sĩ cộng sản, họ vẫn thấm nhuần đạo lí làm người của Nho giáo.
Khổng Tử là người duy vật không tin ở thần thánh, khi nói: Quỷ thần kính nhi viễn chi. Người dạy học trò quan tâm đến những việc của đời nay, không giống các đạo khác hướng người ta hi vọng vào thế giới bên kia. Chính vì vậy nên các sĩ phu yêu nước của ta đã tiếp thu chủ nghĩa Mác một cách dễ dàng. Thấy được bế tắc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, sĩ phu Nguyễn Tất Thành, con một nhà khoa bảng, đã gặp chủ nghĩa Mác và xem nó như một công cụ giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh đã thấm nhuần đạo lý làm người nên Người đã lấy đạo lý đó để dạy đảng viên và cán bộ là phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư và cán bộ phải thực sự là người đầy tớ của dân. Như vậy bằng cách chống lại những thói hư tật xấu còn tồn tại trong một xã hội nông nghiệp lạc hậu như: ích kỉ, gian dối, háo danh…, Hồ Chí Minh đã bổ sung một khía cạnh còn thiếu của chủ nghĩa Mác là chỉ chú trọng đến đấu tranh xã hội mà ít quan tâm đến rèn luyện con người. Đó là sự đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh cho chủ nghĩa Mác ở nước ta. Chính vì tin tưởng vào nhân cách chính trực của nhà nho Huỳnh Thúc Kháng, mà khi đi vắng người đã giao cho cụ chức Chủ tịch nước chỉ với một lời dặn: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Ngày nay nước ta từ một nước nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu đang trên đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nông dân chiếm số đông, giai cấp công nhân đại công nghiệp chưa lớn mạnh, bên cạnh đó lại có giai cấp tư sản nước ngoài và đội ngũ các nhà tư sản doanh nghiệp ngày càng đông, đồng thời bắt đầu xuất hiện đội ngũ công nhân áo trắng. Chúng ta lại đang trên đường hòa nhập vào một thế giới đầy rủi ro và bất trắc, trong đó vẫn thống trị “triết lí của sức mạnh mù quáng, cá lớn nuốt cá bé” thì phải chăng triết lí của chúng ta là: dựa vào truyền thống yêu nước của dân ta, là Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo, trung thành với chính sách Đại đoàn kết và đạo lí làm người của Hồ Chí Minh.


NGND Nguyễn Văn Chiển

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)