Bàn về “Cơ hội của Thánh Gióng” *

Có lẽ ai cũng nhận thấy rằng đó là một cuộc trao đổi rất thú vị, thẳng thắn, đầy trách nhiệm với dân tộc của TS. Vũ Minh Khương về thực trạng xã hội, về tình thế của đất nước, về những gì đang chờ đợi ta ở phía trước, những gì cần phải làm thật đáng suy ngẫm. Tuy vậy người viết bài này mong muốn trao đổi thêm với anh về một vài vấn đề chưa thật rõ hoặc không ổn.


Với tư cách của một người làm công tác nghiên cứu khoa học, Vũ Minh Khương có thể dự báo những thay đổi của đất nước (về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…) trong vài ba năm tới? Những kịch bản nào có thể xảy ra? Đây là điều vô cùng quan trọng. Dự báo càng chính xác, chúng ta càng có khả năng lèo lái con thuyền của dân tộc. Nếu chỉ: hoặc là “chúng ta bắt kịp vận tốc của thế giới” hoặc “chúng ta bị tụt hậu” e rằng đơn giản quá chăng?

Vũ Minh Khương khẳng định: “Chúng ta đã nhìn rõ con đường mình cần phải đi và hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện tham gia vào cuộc đua trở thành cường quốc”.

Cá nhân tôi thì chưa nghĩ như vậy. Ở đây chúng ta cần phải phân biệt rõ giữa con đường mình cần phải đi với hướng đi. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh là đất nước đã trải qua nhiều bước đi thăng trầm nhưng riêng hai chữ “loay hoay” thì theo tôi, chúng ta đã và vẫn đang. Cho đến hôm nay chúng ta cũng chỉ mới nhìn thấy hướng đi. Con đường đi cụ thể ra sao thì còn rất nhiều chuyện để bàn. Điều này cũng tương tự như một người đi lạc, chỉ mới biết được rằng đi về phía ấy sẽ ra khỏi vùng núi đồi ấy mà thôi. Con đường cụ thể cần vạch ra: đi vòng qua mé sườn đồi, hoặc tụt thẳng xuống vách núi dựng đứng hoặc tìm cho được… cáp treo thì còn bỏ ngỏ. Việc tham gia vào các tổ chức khu vực và quốc tế để hội nhập chỉ là điều kiện thúc đẩy phát triển. Hội nhập không phải là con đường. Hội nhập là xu thế tất yếu, không thể cưỡng lại. Hội nhập và con đường để trở thành cường quốc là hai chuyện không như nhau. Cần nhớ rằng trong một trăm mấy chục nước thành viên của WTO số cường quốc chỉ trên dưới một chục. Vậy đâu là con đường đất nước cần phải đi? Đây thực sự là một câu hỏi lớn. Hội nhập thì không phải. Chế độ chính trị mới với đa nguyên đa đảng ư? Cũng không hẳn! Hãy nhìn sang Philippines, Indonesia và một số nước khác tương tự sẽ rõ. Chế độ dân chủ kiểu phương Tây ư? Rất có thể! Nhưng trong số các quốc gia theo chế độ dân chủ có bao nhiêu nước thực sự là cường quốc? Con đường nào họ đã đi qua? Có một mẫu số chung nào chăng. Nói cách khác, điều gì làm nên sự khác biệt giữa các cường quốc ấy với các nước có cùng chế độ dân chủ còn lại? Tại thời điểm đang xét, Việt Nam vẫn còn nằm trong tốp gần cuối của các nước đang phát triển, đề cập đến cuộc đua trở thành cường quốc liệu có thích hợp?

 

Cần phải kích hoạt được hoài bão và khát vọng của nhiều người trong giới trẻ. Ảnh: TP Online

Đáng tiếc là Vũ Minh Khương có phần vội vàng khi viết: “Lý thuyết phát triển cho rằng đây (sự lớn mạnh của đối thủ cạnh tranh – NVC) là động lực lớn nhất để phát triển” và “Hiện thực lịch sử và lý thuyết đều chứng minh chỉ có sức mạnh tinh thần mới làm nên kỳ tích”. Với quan niệm tuyệt đối hóa sức mạnh tinh thần, anh nhiều lần đề cập đến việc “khơi dậy sự thể hiện hoài bão, khát vọng”, “cần khơi dậy, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng đưa đất nước vươn lên”, “khơi dậy khát vọng và trí tuệ toàn dân”… Anh cho rằng “Hoài bão, khát vọng sẽ sinh ra ý chí và phẩm chất để chinh phục mục đích”.  Tất cả những gì anh viết, kể cả những điều viện dẫn từ Lý thuyết phát triển đều chỉ là những điều kiện cần. Nếu chỉ có sức mạnh tinh thần không thôi chắc chắn không đủ để làm nên kỳ tích. Hoài bão và khát vọng không khác bao nhiêu với nhiệt tình cách mạng, mà chỉ có nhiệt tình cách mạng thì… Dĩ nhiên Vũ Minh Khương có nói đến việc khơi dậy trí tuệ của toàn dân (1 lần) nhưng có vẻ như anh quá nhấn đến hoài bão và khát vọng (6 lần). Ngoài ra, có một điều cũng cần phải được minh định: rốt cuộc động lực lớn nhất để phát triển là gì, là sự lớn mạnh của đối thủ cạnh tranh (theo Lý thuyết phát triển) hay sức mạnh tinh thần (theo Vũ Minh Khương)?
Có lẽ khó có thể cho rằng anh đã giải mã được vấn đề: “Nhà lãnh đạo phải tạo môi trường, phải khuyến khích họ lên tiếng và bộc lộ. Nhà lãnh đạo phải có cơ chế “nuôi dưỡng” hoài bão và khát vọng đó. Đồng thời chính họ phải có hoài bão và khát vọng lớn hơn nữa để tạo thành khát vọng toàn dân”.
Xuất phát điểm của anh là ở nhà lãnh đạo. Điều này, ở một góc độ nào đó, là không sai. Vai trò của người lãnh đạo, ai cũng biết là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, Vũ Minh Khương chưa chạm đến tận cùng của vấn đề. Ở đây có hai điều cần phải xem lại. Thứ nhất, rõ ràng là Vũ Minh Khương cứ mãi loay hoay với hoài bão và khát vọng. Nhà lãnh đạo chỉ có hoài bão và khát vọng không thôi thì hẳn khó làm nên chuyện gì, chưa kể là có thể gây ra đại họa. Chắc nhiều người trong chúng ta chưa quên chiến dịch chim sẻ; cả nước cùng nấu sắt nấu thép bên Tàu cách nay mấy chục năm. Thứ hai, những nhà lãnh đạo vừa có hoài bão, khát vọng vừa có khả năng “đọc” thực trạng xã hội, hoạch định chiến lược phát triển, quản lý và điều hành đất nước hiệu quả ở đâu ra? Nói cách khác, làm thế nào để những nhà lãnh đạo như thế luôn xuất hiện? Đây mới là cái gốc của mọi chuyện.
Câu hỏi thứ hai này mở ra một vấn đề rộng lớn hơn. Vấn đề không chỉ ở chỗ làm xuất hiện nhà lãnh đạo kiệt xuất đóng vai trò đầu tàu mà là tổng quát hơn, tạo một môi trường xã hội sao cho từng cá nhân trong cộng đồng được đặt ngồi đúng chỗ của mình, tạo sự kết nối giữa từng thành viên trong xã hội để làm bật lên sức mạnh cộng hưởng của toàn dân tộc. Chìa khóa của vấn đề, theo chúng tôi, là ở cách tổ chức xã hội. Chính điều này tạo nên sự khác biệt giữa các cường quốc với các quốc gia cũng theo chế độ dân chủ còn lại trong WTO. Nói các khác, chính cách tổ chức xã hội là mẫu số chung của các cường quốc này (dĩ nhiên không hoàn toàn như nhau).

 

Trong xã hội, chỗ đứng của mỗi người phụ thuộc vào năng lực cá nhân, tư cách phẩm hạnh và mức độ phấn đấu. Ảnh: VNN

Cách tổ chức xã hội khoa học, chặt chẽ sẽ đặt mỗi cá nhân vào đúng chỗ dành cho mình, làm cho mỗi cá nhân phát huy tối đa khả năng đã bộc lộ, khơi dậy những khả năng còn tiềm ẩn. Không những thế, cách tổ chức xã hội tốt còn gắn kết các cá nhân trong sự hợp tác chặt chẽ, khai thác triệt để năng lực đồng sáng tạo của các thành viên trong cùng một nhóm, một tổ chức và trong toàn thể cộng đồng, tạo sức mạnh chung cho cả một dân tộc.
Cách tổ chức xã hội tốt sẽ dựng nên một xã hội quy củ theo tinh thần thượng tôn pháp luật với những chuẩn mực giá trị xã hội được tôn vinh: tinh thần công dân, ý thức cộng đồng, tinh thần bác ái, ý thức trách nhiệm, ý thức tôn trọng quyền con người, ý thức tự giác… Trong xã hội ấy ai cũng tìm được chỗ đứng của mình, chỗ đứng ấy phụ thuộc vào năng lực cá nhân, tư cách phẩm hạnh và mức độ phấn đấu.
Cách thức tổ chức xã hội khoa học, chặt chẽ sẽ thiết lập nên một hệ thống chính trị với các thiết chế chính trị cơ bản mạnh có khả năng quản lý, điều hành xã hội, phát triển đất nước, và một hệ thống cơ quan hành chính các cấp hoạt động linh hoạt, hiệu quả, minh bạch, thực sự vì dân.
Trở lên là chuyện vĩ mô, nay xin trao đổi thêm về vài chuyện nhỏ nhặt hơn. Vũ Minh Khương viết: Đổi mới của 20 năm trước là chúng ta “cởi trói” cho một cơ thể khỏe mạnh bị trói buộc. Vẫn biết rằng mọi so sánh là khập khiễng song ở đây đúng là có chuyện không ổn. Dẫu rằng người Việt đã chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ nhưng hai chữ nhược tiểu e rằng vẫn còn phù hợp, khái niệm “một cơ thể khỏe mạnh” xem ra khó được chấp nhận. Người Việt chúng ta đã thắng nhưng đó là chiến thắng của chính nghĩa, của nghệ thuật chiến tranh: lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy chí nhân thay cường bạo. Nếu không tỉnh táo để có những nhìn nhận khách quan về lịch sử cũng như thực trạng xã hội hiện thời chúng ta rất dễ đưa ra những kết luận đầy cảm tính.
Khi bàn về giới trẻ, Vũ Minh Khương cho rằng: tôi cảm nhận thấy một điều lớn hơn đó là ngọn lửa sôi sục vươn lên trong nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻTuy nhiên họ đang tản mạn, lúng túng và bị kìm nén. Đây là nhận xét không chính xác, có phần lạc quan tếu, có khoảng cách khá xa với thực trạng xã hội. Thực tế thì hiện nay giới trẻ đang mất phương hướng bởi lẽ như chính Vũ Minh Khương đã viết: hiện xã hội ta đang bị đảo lộn thang giá trị…; vật chất trở thành thước đo của mọi sự phấn đấu, nỗ lực. Không thể căn cứ vào vài ba trăm bài viết hưởng ứng gửi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ hoặc vài ba chục ý kiến giao lưu trực tuyến của một số người để có thể cho rằng cảm nhận nói trên của Vũ Minh Khương là đúng. Nếu không đánh giá đúng thực trạng giới trẻ chắc rằng chúng ta không thể đề ra chiến lược thích ứng trong tình hình hiện tại. Tai hại hơn, Vũ Minh Khương cho rằng giới trẻ đang tản mạn, lúng túng và bị kìm nén. Thực ra thì Vũ Minh Khương muốn nhắn gửi thông điệp gì ở đây?
Có lúc TS. Vũ Minh Khương đã phạm phải sai lầm đáng tiếc như trả lời câu hỏi: Làm thế nào để có tinh thần Thánh Gióng như vậy? Vũ Minh Khương nói: Theo tôi, trước hết chúng ta phải nhìn thẳng vào mình và phải biết xấu hổ, nếu cần. Ta hãy tự hỏi: tại sao một dân tộc giàu nhân văn, yêu cái đẹp như vậy mà tỷ lệ người bị HIV, nghiện ma túy lại cao hơn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…? Tại sao người Việt vốn trọng tín nghĩa, khảng khái, chân chính, thậm chí sẵn sàng chết vì lòng trung nghĩa mà nay lại bị xếp hạng nạn tham nhũng cao nhất nhì Đông Nam Á?
Không ai có thể đồng ý với anh về việc đem những đặc điểm chung của dân tộc như trọng tín nghĩa, khảng khái, sẵn sàng chết vì lòng trung nghĩa đối lập với nạn tham nhũng, tuy là quốc nạn, nhưng chỉ có ở giới chức quyền – một bộ phận của dân tộc đã bị tha hóa.
Dẫu gì thì cũng rất cám ơn anh, người đã bước đầu kích hoạt được hoài bão và khát vọng của nhiều người trong giới trẻ.
———

* Cơ hội của Thánh Gióng – Tuổi Trẻ 18 – 6 -2005

PV

Tác giả