Báo chí khoa học ở Việt Nam: Ước mơ còn dang dở

Báo chí khoa học Việt Nam đã ít nhiều đem khoa học đến gần hơn với công chúng nhưng chưa hoàn thành nhiệm vụ giúp người dân thực sự hiểu về khoa học một cách toàn vẹn và sâu sắc.


Ảnh: wfsj.org

Tháng 12/2019, một loại virus gây bệnh viêm đường hô cấp cấp được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc. Hơn một năm qua, bóng ma của loại virus mà sau này được định danh là Covid-19 vẫn đang bao phủ toàn cầu. Tính đến tháng 4/2021, đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 2.9 triệu người chết, 136 triệu người nhiễm bệnh, đình trệ các hoạt động thương mại, dịch vụ, giáo dục, xáo trộn cuộc sống của hàng tỉ người trên thế giới1.

Trong lúc gồng mình chống lại virus, thế giới cũng chao đảo bởi một cơn đại dịch khác: đại dịch thông tin (infodemic) – mà trong kỉ nguyên truyền thông xã hội, mức độ lan truyền còn khủng khiếp hơn virus. Khi hiểu biết của giới chuyên môn về loại virus này còn hạn chế, sự bùng phát của tin đồn, tin bịp, tin xuyên tạc không chỉ khiến dư luận hoang mang mà còn cản trở công tác phòng và chống dịch. Đến mức WHO đã cảnh báo rằng đại dịch thông tin có thể phải trả giá bằng mạng sống của rất nhiều người.

Trong bối cảnh đó, vai trò của truyền thông trở nên vô cùng quan trọng. Một hệ thống truyền thông khoa học minh bạch và chuyên nghiệp sẽ góp phần lọc bỏ thông tin độc hại, tạo ra những người đọc thông minh, đủ năng lực thẩm định những thông tin sai trái, bảo vệ bản thân và gia đình trước cơn đại dịch.

 

Kì vọng về một nền báo chí khoa học toàn thiện

 

Nhưng không phải cho đến đại dịch Covid-19 mà báo chí luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với truyền thông khoa học2. Một nền báo chí khoa học chuyên nghiệp sẽ góp phần củng cố vai trò trung tâm của khoa học – công nghệ trong tiến trình phát triển đất nước3. Nghiên cứu về thực trạng báo chí khoa học ở Việt Nam (khảo sát từ năm 2016 đến 2021), chúng tôi nhận thấy các nhà báo Việt Nam luôn kì vọng báo chí khoa học sẽ làm tốt vai trò và chức năng này.

Trước tiên, các nhà báo cho rằng nhiệm vụ then chốt của báo chí khoa học là phổ cập kiến thức và nâng cao nhận thức của người dân, các cơ quan chuyên trách và đơn vị hoạch định chính sách về các vấn đề khoa học. Đặc biệt, trong bối cảnh trình độ dân trí ở nước ta còn chưa cao, ngoài kiến thức thu nạp từ nhà trường phổ thông, người dân hiếm có cơ hội được tham quan bảo tàng khoa học, dự khán triển lãm công nghệ để tiếp cận nguồn tri thức khổng lồ và không ngừng biến đổi của nhân loại. Đại đa số người dân thường dựa vào báo chí như kênh thông tin khoa học chủ đạo. Vì vậy, báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử phải là những nguồn cung cấp thông tin hữu ích, giúp trang bị cho người dân những kiến thức khoa học căn bản, cần thiết cho đời sống và công việc hằng ngày.

Không chỉ cập nhật tri thức, mà quan trọng hơn, các nhà báo còn nhận thức rằng báo chí cần đặt ra những câu hỏi, khai vỡ những ưu điểm và hạn chế của những ứng dụng khoa học, phân tích những tác động tích cực cũng như hệ quả tiềm tàng của chúng với đời sống. Từ đó, báo chí có thể đưa ra những định hướng, chỉ dẫn cho công chúng và cơ quan quản lý trong quá trình tiếp nhận và ứng phó với những vấn đề khoa học gây tranh cãi như biến đổi khí hậu, vệ sinh an toàn thực phẩm, công nghệ gene, ứng dụng tế bào gốc và trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh.

Hơn nữa, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, sự phụ thuộc hoặc thiếu tỉnh táo trong chuyển giao công nghệ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất của nền kinh tế mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy lâu dài đối với phát triển. “Liệu Việt Nam đang trở thành bãi rác công nghệ?” là câu hỏi nhiều lần làm nóng nghị trường và cộng đồng khoa học trong nước. Khủng hoảng môi trường biển tại Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung năm 2016 hay sự dang dở của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là những bài học đắt giá cho sự bất cập trong quản lý ứng dụng khoa học công nghệ ở Việt Nam. Thông qua nguồn tri thức tiếp thu từ báo chí khoa học, công chúng hình thành tư duy và kĩ năng để đánh giá, chọn lựa và phản biện các chủ trương, chính sách về khoa học và công nghệ, đặc biệt là đối với những vấn đề thiết thân với đời sống hằng ngày của mỗi người. Báo chí lúc này trở thành một diễn đàn, nơi người dân có thể cất lên tiếng nói góp phần hoàn thiện chính sách. Chỉ khi người dân biết rõ, hiểu đúng và đủ khả năng làm chủ khoa học và công nghệ thì khoa học mới thực sự trở thành trung tâm của sự phát triển bền vững.

… nhưng “lực bất tòng tâm”

 

Trong đại dịch Covid-19, có thể nói, báo chí Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể trong việc lan tỏa những thông tin khoa học đúng đắn về phòng chống dịch bệnh, trấn an người dân. Tuy nhiên, trong những ngày đầu bùng phát dịch, báo chí đã không được “tỉnh táo” như vậy mà còn nhiều lúng túng, thậm chí có phần “hùa theo” những tin sai lệch trên mạng xã hội. Còn trong những ngày gần đây, báo chí lại tiếp tục xoáy sâu vào những tai biến (dù chiếm một tỉ lệ rất nhỏ) sau khi tiêm vaccine, rất dễ gây hoang mang dư luận.


Giữa đại dịch thông tin, càng cần sự định hướng của báo chí khoa học. Ảnh: undrr.org

Cách xử trí có phần “không đồng nhất” trong đại dịch vừa qua phản ánh phần nào thực trạng và năng lực nói chung của báo chí khoa học ở Việt Nam. Báo cáo của PGS. TS Nguyễn Đức An (ĐH Bournemouth, Vương quốc Anh) (2014)4 về báo chí khoa học ở Đông Nam Á và Sổ tay báo chí khoa học viết về môi trường, biến đổi khí hậu, sức khỏe của Red (2021)5 đều cho rằng báo chí khoa học ở Việt Nam còn thiếu và yếu. Kết quả khảo sát thông điệp khoa học công nghệ trên báo chí, cùng với phỏng vấn sâu các nhà báo khoa học của chúng tôi cũng cho thấy mong muốn của các nhà báo về một nền báo chí khoa học chuyên nghiệp dường như chưa thể đạt được.

Từ trước đến nay, có thể dễ dàng nhận thấy sự vắng bóng của thông tin khoa học trên ấn phẩm báo chí. Chắc chắn sẽ có những phản biện rằng tại sao lại thiếu khi chuyên mục “Khoa học công nghệ” hay “Khoa học giáo dục” luôn có mặt tại chân trang hay trên tiêu mục website của nhiều tờ báo? Tuy nhiên nếu nhìn kĩ, hầu hết các tác phẩm nằm trong các chuyên mục này hiếm khi chạm tới cốt lõi của vấn đề khoa học. Đa số thông tin được “dán nhãn” là khoa học thường chỉ xoay quanh các sự kiện công nghệ, giáo dục hoặc y tế. Một trưởng ban đại diện của một tờ báo lớn tại khu vực miền Trung chia sẻ rằng vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ cũng được xếp vào tin khoa học và thậm chí nó có khả năng thu hút nhiều lượt xem hơn những thông tin khoa học có chiều sâu. Sự thất thế này được một số nhà báo giải thích rằng khoa học không phải là ưu tiên của tòa soạn báo chí và càng không phải là một đề tài có khả năng “câu view”, “hút độc giả”. Trước khi Covid-19 trở thành một vấn đề được cả thế giới lưu tâm, không mấy khi một vấn đề khoa học được chọn xuất hiện ở trang bìa hay bài đinh của các tờ báo Việt Nam.

Không chỉ thiếu, các tác phẩm báo chí viết về khoa học thường hời hợt, hạn chế hàm lượng tri thức và tinh thần phản biện khoa học. Chúng ta dễ dàng bắt gặp trên báo những kết quả nghiên cứu mới được công bố bởi một tạp chí, viện nghiên cứu quốc tế hay một công nghệ mới được triển khai tại các nước phát triển chỉ được lược dịch dưới dạng tin vắn hoặc tin ngắn. Ví dụ, khi khảo sát về công nghệ biến đổi gene trên báo in trong hai năm 2017-2018, chúng tôi nhận thấy gần hai phần ba số lượng tin bài được khảo sát mang tính tức thời – sự kiện (event-oriented) hơn là tính hệ thống – vấn đề (issue-oriented). Cuốn theo sự kiện, hiếm thấy báo chí dành dung lượng cho những tuyến bài bình luận, điều tra hoặc phản ánh dài hơi, đi sâu phân tích về phương pháp nghiên cứu, đánh giá ưu, nhược, những mâu thuẫn lợi ích, cũng như tác động lâu dài của ứng dụng khoa học đối với đời sống kinh tế, chính trị và xã hội Việt Nam.


Khi robot Sophia đến Việt Nam vào năm 2018, báo chí Việt Nam hoặc là viết những thứ không liên quan đến trí tuệ nhân tạo, hoặc là thổi phồng những tác động của công nghệ này. Ảnh: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/

Năm 2018, Robot công dân đầu tiên Sophia đến tham dự Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 do Chính phủ và Ban kinh tế Trung ương tổ chức. Thời điểm đó báo chí ngập tràn những tin tức về dung mạo, trang phục, lịch trình di chuyển của Sophia nhưng lại không có nhiều tác phẩm cho độc giả thấy 4.0 và trí tuệ nhân tạo đã, đang và sẽ đem lại những gì cho Việt Nam. Nếu chỉ dừng lại ở tường thuật mà không thể chuyển tải một thông điệp, không nêu được vấn đề, báo chí khoa học không thể tác động lâu dài đến nhận thức của độc giả. Không những thế, sự hồ hởi, lạc quan quá mức đối với những lợi ích của khoa học biến nhà báo trở thành những cổ động viên, thay vì những người gác cổng thận trọng, giúp độc giả tỉnh táo nhận thức được chân giá trị khoa học và công nghệ.

Ở chiều ngược lại, đôi khi báo chí Việt Nam lại phóng đại, cường điệu hóa những nguy cơ chưa được chứng minh để thu hút sự chú ý của độc giả. “Robot Sophia sẽ tận diệt loài người”, “Thực phẩm biến đổi gene – Khi bước tiến công nghệ trở thành vũ khí hủy diệt” là những tiêu đề không khó bắt gặp trên nhiều trang báo mạng. Chính một nhà báo tham gia phỏng vấn chia sẻ rằng có một thời gian, chỉ cần đọc báo Việt Nam thì cảm thấy ăn bất cứ cái gì cũng có khả năng gây ung thư. Nhạy cảm với rủi ro là cần thiết nhưng thiếu chứng lý khoa học trong tường thuật không chỉ khiến công chúng bối rối mà còn đẩy nhiều doanh nghiệp, ngành sản xuất rơi vào tình trạng điêu đứng. Thực tế cho thấy, những vụ việc như nước mắm nhiễm arsen, sữa nhiễm melamine, cà phê nhuộm pin hay bưởi gây ung thư đã phần nào bị thổi bùng bởi sự ngây ngô và thiếu tinh thần phản biện của không ít nhà báo. Họ mải mê chạy theo sự kiện đến mức không kịp kiểm chứng thông tin hay chấp nhận bỏ qua thao tác phối kiểm nguồn tin.

 

Nguyên nhân và thách thức

 

Đi tìm nguyên nhân cho sự thiếu chuyên nghiệp trên, có thể tạm chỉ ra một vài yếu tố khách quan và chủ quan như sau.

Về phía chủ quan, các nhà báo viết về khoa học ở Việt Nam không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ chính tòa soạn họ đang làm việc. Ban biên tập thường không xem khoa học là một mảng đề tài cần lưu tâm như chính trị, xã hội, giải trí hay thể thao. Rất nhiều phóng viên chia sẻ rằng khái niệm báo chí khoa học chưa thực sự được hiểu đúng và đủ ở Việt Nam. Thậm chí có phóng viên còn cho rằng tạp chí khoa học chuyên ngành là một nhánh của báo chí khoa học! Và kể cả khi ban biên tập nhận thức được tầm quan trọng của thông tin khoa học, họ vẫn cảm thấy bối rối trong việc triển khai tuyến bài liên quan đến lĩnh vực này.


Đã có lúc, đọc báo chí Việt Nam thấy ăn gì cũng có thể bị ung thư. Trong ảnh là sách của Vũ Thế Thành để phản ứng lại với những tin tức thiếu chính xác liên quan đến thực phẩm. 
 

Nhiều phóng viên thừa nhận chưa tìm ra cách thức để truyền tải thông điệp khoa học một cách chính xác, dễ hiểu và hấp dẫn đến công chúng. Một thực tế là, đội ngũ phóng viên phụ trách mảng khoa học ở Việt Nam đa phần là phóng viên kiêm nhiệm. Vì vậy, tin bài của họ thường chung chung, nặng tính thông tấn. Các phóng viên thiếu nền tảng tri thức và kĩ năng cần thiết của một nhà báo chuyên trách để chủ động tiếp cận, mổ xẻ và phân tích các vấn đề khoa học một cách tường minh và sâu sắc.

Thêm vào đó, các nhà báo cũng chịu áp lực không nhỏ của việc chi trả nhuận bút qua lượt truy cập. Bởi vậy, chỉ cần thiếu tỉnh táo, người làm báo rất dễ rơi vào cái bẫy của việc đưa tin một cách giật gân để thu hút sự chú ý của độc giả. Sự lên ngôi của PR, can thiệp của truyền thông “bẩn” cũng là một trong những yếu tố khiến báo chí khoa học khó tuân thủ các nguyên tắc công bằng, cân bằng, khách quan và tôn trọng sự thật.

Về phía khách quan, có thể thấy rằng nhà báo khoa học Việt Nam khó có thể tìm được những đề tài khoa học thực sự hấp dẫn. “Nghiên cứu chỉ dùng để đút ngăn bàn” là một thực tế phổ biến ở Việt Nam. Hơn nữa, các nhà khoa học không được đào tạo để truyền bá kết quả nghiên cứu cho công chúng. Họ “ru rú” trong tháp ngà và không mặn mà với báo chí. Một số nhà khoa học còn e ngại báo chí “nói sai”, “nói dại” nên ít nhiều né tránh truyền thông. Một số nhà khoa học cởi mở hơn thì bận rộn và thiếu kĩ năng giao tiếp với báo chí. Quy chế phát ngôn đặc thù ở một số đơn vị cũng trói buộc các chuyên gia trong việc kết nối với báo chí. Vì vậy, các nhà báo chỉ quanh đi quẩn lại phỏng vấn một vài gương mặt quen thuộc. Đối với một số vấn đề mới, đặc biệt là những vấn đề gây nhiều tranh cãi, các phóng viên khoa học thậm chí không thể tìm được chuyên gia có trình độ phù hợp để tham vấn ý kiến.

Việc thiếu một mạng lưới các nhà báo khoa học, hạn chế về năng lực khai thác thông tin quốc tế, thiếu hỗ trợ từ các cơ quan quản lý khoa học, ràng buộc bởi cơ quan chủ quản…cũng là nguyên nhân dẫn đến sự nghèo nàn của báo chí khoa học Việt Nam. Sự thiếu vắng của một nền báo chí khoa học chuyên nghiệp có thể cản trở tiến trình hội nhập của Việt Nam – một quốc gia đang phát triển vốn là điểm tiếp nhận hơn là đầu mối của phát minh khoa học.

Để vượt qua được những trở lực đó, cần có sự chung tay đồng bộ và quyết liệt của tất cả các cấp ngành có liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng khoa học, tòa  soạn và bản thân mỗi phóng viên. Đó là một hành trình dài và không đơn giản. Thay đổi đầu tiên và mang tính cốt lõi mà chúng ta có thể làm ngay là nâng cao nhận thức của các tòa soạn về báo chí khoa học. Chỉ khi nào báo chí khoa học được đặt đúng vị trí của nó và người làm báo khoa học có đủ năng lực thì chất lượng báo chí khoa học mới được cải thiện. Và không còn con đường nào khác hơn ngoài đào tạo. Chương trình đào tạo báo chí khoa học (SJCOOP) do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Các nhà báo khoa học thế giới (WFSJ) tổ chức năm 2013 là một minh chứng cho hiệu quả của công tác đào tạo. Nhiều nhà báo trưởng thành từ chương trình này đã trở thành những cây bút khoa học tiêu biểu ở Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tổn thất không thể đo đếm cho thế giới. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để con người nhìn lại những giá trị căn bản của cuộc sống. Covid-19 đã tái khẳng định tầm quan trọng của báo chí khoa học trong việc giúp công chúng tiếp nhận thông tin một cách chính xác và nhanh chóng. Từ đó, họ có thể có những hành động phù hợp để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước cơn đại dịch. Sự hồi sinh của báo chí khoa học thực sự là một tín hiệu đáng mừng. Và với sự trở lại của báo chí khoa học thế giới, chúng ta có quyền hy vọng vào một sự thức giấc, hy vọng kịp thời, của báo chí khoa học Việt Nam.□

——-

*Nghiên cứu sinh ngành báo chí, Đại học Bournemouth, Anh. Bài viết là một phần của luận văn nghiên cứu về báo chí khoa học ở Việt Nam của tác giả.

 

Tài liệu tham khảo:

[1]. Worldometer (2021), Covid-19 Coronavirus pandemic, Nguồn: https://www.worldometers.info/coronavirus/ [Truy cập: 10/04/2021].

[2]. Nelkin, D (1995), Selling science: How the press covers science and technology. Nxb Freeman, New York.

[3]. Nguyễn Đức An & Trần Thị Yến Minh (2019), Science journalism for development in the Global South: A systematic literature review of issues and challenges. Public Understanding of Science, 28(8), tr. 973–990.

[4]. Nguyễn Đức An (2014), The curent status of science journalism in Southeast Asia, Research Report Prepared on behalf of World Federation of Science Journalists for the International Development Research Centre.

[5]. RED (2021), Sổ tay báo chí khoa học viết về môi trường, biến đổi khí hậu, sức khoẻ, Dự án nâng cao hàm lượng thông tin khoa học trong tác phẩm báo chí.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)