Bao giờ khoa học và đại học Việt nam mới chịu gia nhập WTO?

Mọi người đang hăng hái lên thuyền ra khơi, sao đám người kia vẫn còn nhởn nhơ trên bến? Mà lý ra chính họ phải ngồi vào khoang lái mới phải!


Lao động cơ bắp từ các tay chèo không thể đưa thuyền vươn xa ra đại dương. Nguồn năng lượng giờ đây phải là tri thức của thời đại. Nơi sản sinh và truyền bá những tri thức đó, để đất nước không bị thua thiệt trong cuộc chơi toàn cầu bằng sức mạnh kinh tế và bằng dân trí, chính là các trường đại học tiên tiến và một nền khoa học bắt kịp mặt tiền trên thế giới. Cả hai giờ đây đều chưa sẵn sàng.
Trước hết, còn nhiều vùng đất bao la trên bản đồ khoa học chưa có dấu chân người Việt. Công nghệ cao và khoa học mũi nhọn – nguồn sức mạnh của các nước tiên tiến- ta chưa có đã đành. Nhiều ngành khoa học trực tiếp liên quan đến nền kinh tế thị trường, về toàn cầu hoá, về con người hiện đại trong vai trò chủ nhân của thiên nhiên và xã hội…, những lĩnh vực sát sườn với đời sống đó vẫn còn quá mới mẻ đối với chúng ta. 
Cấu trúc các ngành khoa học nặng về hàn lâm (academic disciplines) lâu nay không còn thích hợp nữa, khi giờ đây trên bản đồ khoa học thế giới ngày càng hình thành nhiều khoa học liên ngành (interdisciplinarity) xuất phát từ yêu cầu cuộc sống. Sự tụt hậu này là một trong những lý do khiến khoa học của ta “chân không đến đất, cật không đến trời”, chẳng những chưa có mấy vai trò trong nền kinh tế, mà rất ít hy vọng trở thành nguồn sức mạnh văn hoá như đúng bản chất của nó.
Nhờ giao thoa với các khoa học tự nhiên, trước hết là công nghệ xử lý thông tin, khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới đã bứt phá ra khỏi các hệ tư tưởng để trở thành những động lực trực tiếp của nền kinh tế thị trường. Vậy tại sao nhiều người vẫn cứ xem đây như một vùng “cấm ky”? Nói không ngoa, giờ đây không phải khoa học tự nhiên và công nghệ, mà chính khoa học xã hội và nhân văn với những tư duy và công cụ hiện đại mới là cái gì tối cần thiết đối với chúng ta. 
Quản lý khoa học nặng về hành chính không thể tạo nên hành trang đưa các nhà khoa học hội nhập với thế giới. Hành chính hoá cao độ ắt phải tư duy theo lối mỳ ăn liền, dần dà làm triệt tiêu đội ngũ tinh hoa trong khoa học công nghệ. Bởi thế, rất ít “đấu thủ” Việt Nam xuất hiện trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong số đó, gần hai phần ba là từ các ngành toán và vật lý. Bức tranh độc đáo Việt Nam này làm cho không ít người ngộ nhận rằng các tạp chí khoa học quốc tế chỉ là sân chơi của khoa học cơ bản. Nên nhớ rằng chỉ riêng Elsevier (có trụ sở ở Hà Lan) đã xuất bản gần 2000 đầu tạp chí khoa học, thể hiện đầy đủ diện mạo khoa học thế giới, trong đó khoa học cơ bản (cần một định nghĩa!) chỉ chiếm một phần nhỏ.
Áp lực đè nặng lên nhà khoa học ở các nước là sự xuất hiện trên các diễn đàn khoa học danh tiếng trên thế giới. Không phải để lấy danh, mà là lẽ sống, là niềm đam mê, và vì nếu không nghiên cứu khoa học ở tầm quốc tế như thế, nhà trường không thể đào tạo ra những sản phẩm có chất lượng.
Vậy, tại sao trong khi giới doanh nhân của ta đang phải nhảy lên các sân chơi quốc tế, nắm rõ luật chơi và đẳng cấp các đối thủ của mình, thì những “nhà trí thức” vẫn còn luẩn quẩn ở sân nhà và bằng lòng với luật chơi của mình?    


Phạm Duy Hiển

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)