Bảo tồn đa dạng sinh học biển xuyên quốc gia

Việt Nam có đường biên giới trên biển với nhiều quốc gia láng giềng - đó chính là cơ sở để thiết lập các khu bảo tồn biển xuyên biên giới mà theo kinh nghiệm thế giới sẽ giúp cho công tác giám sát, bảo vệ lãnh hải và tài nguyên được an toàn hơn.

Theo định nghĩa của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), “Một khu bảo tồn xuyên biên giới (Transboundary Protected Area – TBPA) là vùng trên đất liền hay trên biển có hai hoặc nhiều đường biên giới chung giữa các quốc gia, các đơn vị lãnh thổ như tỉnh, vùng, vùng tự trị hoặc các vùng nằm ngoài giới hạn chủ quyền và phạm vi quốc gia, có vai trò bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa, được hợp tác quản lý thông qua luật pháp hoặc các biện pháp khác”

Hợp tác quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã phát triển mạnh và luôn được coi là vấn đề quan trọng trong các đàm phán ngoại giao, đa phương và song phương. Rất nhiều công ước quốc tế quy mô toàn cầu, khu vực đã được ký kết như Công ước Di sản, Công ước Ramsar, Công ước Đa dạng sinh học, Chương trình Ủy ban con người và sinh quyển MAB của UNESCO…

TBPA có lịch sử phát triển đã gần 80 năm. Năm 1932, TBPA đầu tiên của Mỹ và Canada được thành lập mang tên Waterton – Glacier. Đến năm 2007, danh mục TBPA của thế giới đã lên đến 227.

Việt Nam có đường biên giới lục địa với Trung Quốc, Lào, Campuchia và trên biển với nhiều quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Brunei…, đó chính là cơ sở thiết lập các khu TBPA với các quốc gia láng giềng trên đất liền và trên biển.

Riêng đối với các khu TBPA trên biển, từ 30 năm trước, các tổ chức quốc tế IUCN, WWF, IMO đã tích cực thúc đẩy ba mô hình: Transboundary Marine Protected Area (khu bảo tồn biển xuyên biên giới -TBMPA) đối với các vùng biển đã phân định ranh giới quốc gia; Marine Peace Park (Công viên biển hòa bình – MPP) đối với các vùng còn tranh chấp xung đột; và Particularly Sensitive Sea Areas (PSSA) – khu biển đặc biệt nhạy cảm hàng hải.

Tiềm năng phát triển TBMPA của Việt Nam
 


Các khu vực có tính đa dạng sinh học biển cao tại vùng biển Việt Nam 

Theo bản đồ hiện trạng phân bố các khu có tính đa dạng sinh học biển cao của Việt Nam ở trên, có thể thấy Việt Nam có bốn khu có tiềm năng phát triển thành các khu TBMPA:

Khu vực Vịnh Bắc Bộ. Hiện có bốn khu bảo tồn biển quốc gia đã được thành lập gồm: Khu bảo tồn biển Đảo Trần (Quảng Ninh), Khu bảo tồn biển Cô Tô (Quảng Ninh), Khu bảo tồn Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ (Quảng Trị). Vịnh Bắc Bộ hiện không còn tranh chấp về biên giới – lãnh thổ với Trung Quốc, bởi vậy ta có thể đề xuất với Trung Quốc xây dựng một số TBMPA hoặc PSSA thí điểm phía Bắc vịnh hay toàn thể vịnh Bắc Bộ;

Khu vực biển quần đảo Hoàng Sa. Vùng này có tính đa dạng sinh học cao, tuy còn vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, nhưng Việt Nam có thể đề xuất xây dựng MPP, PSSA tại khu vực này.

Khu vực quần đảo Trường Sa. Khu vực này gồm có: Khu bảo tồn biển Nam Yết, quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và đang đề xuất thêm khu bảo tồn biển Đảo Thuyền Chài. Vùng biển đảo Trường Sa đang có sự tham gia và chiếm giữ các đảo của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc; Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan tại Biển Đông (DOC), tuy nhiên các xung đột, va chạm vẫn thường xuyên xảy ra và rất khó sớm có giải pháp chính trị để phân chia lãnh thổ biển rõ ràng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể đưa ra một đề xuất để các bên liên quan sớm xem xét: lồng ghép mô hình hợp tác MPP, PSSA Trường Sa cho tiểu vùng hay toàn vùng biển quần đảo Trường Sa như là một bước tiến trong công tác bảo tồn thiên nhiên.

Khu vực Vịnh Thái Lan, gồm: Khu bảo tồn đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Vùng cận biển này có thể đề xuất với tất cả hay riêng rẽ từng quốc gia Campuchia, Malaysia, Thái Lan để xây dựng TBMPA hay PSSA.

***

Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập quốc tế toàn diện thì việc thiết lập TBPA, TBMPA, MPP, hay PSSA là rất cần thiết. Bởi vậy cần nghiên cứu, xây dựng quy hoạch phát triển TBPA trên đất liền và cả trên biển; lồng ghép vào các chương trình hoạt động bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học quốc gia, quốc tế, cũng như lồng ghép vào các hoạt động ngoại giao và quan hệ quốc tế, các chương trình phát triển bền vững đại dương.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề xuất các chính sách riêng biệt cho bốn vùng biển Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa, Vịnh Thái Lan, phù hợp với công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và khai thác tài nguyên biển hợp, lý tuân thủ Công ước Luật biển UNCLOS 82, DOC 2002 và các công ước quốc tê về đa dạng sinh học biển, công ước RAMSAR, Công ước Di sản, các công ước của IMO….

Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành để điều phối quản lý và phát triển các khu xuyên biên giới trên đất liền và trên biển giữa các cơ quan: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông và các bộ ngành, địa phương liên quan.

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)