Báo Trung Quốc: Vì sao lương công nhân thấp?

Công nhân buộc phải chịu mức lương thấp do chủ doanh nghiệp ấn định bởi họ chưa thực sự được làm chủ đất nước, không có quyền tự tổ chức công đoàn của mình.

Bài “Vì sao lương công nhân Trung Quốc thấp?” đăng trên Thời báo Hoàn Cầu số ra ngày 8/8/2012 và nhiều báo TQ khác mà chúng tôi tóm dịch dưới đây giải thích: công nhân buộc phải chịu mức lương thấp do chủ doanh nghiệp ấn định bởi họ chưa thực sự được làm chủ đất nước, không có quyền tự tổ chức công đoàn của mình, mặc dù Điều 1 Hiến pháp TQ viết : “Nước CHND Trung Hoa do giai cấp công nhân lãnh đạo”. Đây là lý do TQ hàng năm xảy ra hàng nghìn cuộc biểu tình chống chính quyền và Đảng CSTQ phải thừa nhận bất ổn xã hội là điều đáng lo nhất hiện nay.

Sau khi xảy ra mấy vụ công nhân nhảy lầu tự vẫn vì lương không đủ sống, dưới sức ép của dư luận, Tập đoàn Công nghệ Foxconn [Foxconn Technology Group, của Đài Loan đóng tại Trung Quốc] trong một tháng liên tiếp tăng lương hai lần cho công nhân Trung Quốc, kết quả lương mới cao hơn gấp đôi lương cũ. Công ty Honda sau khi phải ngừng sản xuất do công nhân Trung Quốc bãi công, cũng đồng ý tăng lương 24%.

Các sự kiện nói trên phơi bày một sự thật là l âu nay công nhân Trung Quốc đã bị trả lương quá thấp. Chuyện này xảy ra phổ biến ở Trung Quốc.

Foxconn là công ty xuyên quốc gia nổi tiếng có tên trong danh sách 500 công ty mạnh nhất toàn cầu, thế mà trước đây họ chỉ trả lương cho công nhân Trung Quốc ở mức 900 Nhân dân tệ (RMB ; hiện nay 1 RMB tương đương 0,159 USD) một tháng. Nhà máy phụ kiện của Honda tại Phật Sơn (Quảng Đông) cũng chỉ trả lương 1500 RMB. Ngày 1/5/2010 tỉnh Quảng Đông mới bắt đầu thực thi tiêu chuẩn lương tối thiểu, quy định mức lương này ở Phật Sơn là 920 RMB. Thâm Quyến quy định tiêu chuẩn lương tối thiểu là 900-1000 RMB, thi hành từ 1/7/2010.

Chỉ sau khi xảy ra sự kiện Foxxconn và Honda tăng lương do chịu sức ép từ dư luận, chính quyền các địa phương nói trên mới làm được một việc tối thiểu là điều chỉnh tiêu chuẩn lương thấp nhất cho người lao động.

Công nhân Trung Quốc làm việc trong các công ty lớn khi đòi tăng lương đều phải dựa vào việc chính phủ nâng mức tiêu chuẩn lương tối thiểu. Đây thực sự là một chuyện ngược đời, thế mà rất ít người Trung Quốc thắc mắc. Trong khi công nhân phương Tây làm cho các công ty đó khi đòi tăng lương họ chẳng cần dựa vào mức lương tối thiểu do nhà nước quy định.

Vậy tiêu chuẩn lương tối thiểu được quy định như thế nào?
 

Trong thời kỳ tích lũy tư bản nguyên thủy, các nhà máy “máu và nước mắt” [ở phương Tây] thời ấy đều thuê nhiều lao động nữ và trẻ em nhằm hạ giá thành sức lao động. Chính quyền phải đặt ra tiêu chuẩn lương tối thiểu để bảo vệ quyền lợi cơ bản của lao công nữ và nhi đồng. Ngày nay chính phủ các nước phát triển cũng quy định lương tối thiểu để bào vệ quyền lợi của lao công người nhập cư, người làm hợp đồng, học sinh làm thêm. Việc đó hoàn toàn không có liên quan gì tới vấn đề chế độ lương của các công ty nhà máy lớn.

Thí dụ lương tối thiểu ở Mỹ (do nhà nước quy định) là mỗi giờ 7,5 USD, thế nhưng lương công nhân 3 công ty xe hơi lớn nhất Mỹ thì cao tới trên 100 nghìn USD/năm, chưa kể các khoản phúc lợi, nghĩa là mỗi giờ được trả 43,75 USD [so sánh: lương Tổng thống Obama là 400 nghìn USD] ; nếu tính cả các khoản phúc lợi và tiền hưu trí thì mỗi giờ họ được nhận 75 USD, nghĩa là cao gấp 10 lương tối thiểu. Thí dụ một thợ chuyên làm việc lắp bánh xe cho ô tô xuất xưởng mỗi ngày lĩnh 340 USD ; nếu kể cả phúc lợi và tiền hưu trí thì mỗi ngày nhận 600 USD. Lương tối thiểu do chính quyền Mỹ quy định chỉ có liên quan tới những người làm tạp công như đưa cơm, rửa bát đĩa v.v… Có thể thấy mức lương tối thiểu do chính quyền Trung Quốc quy định (900-1000 RMB/tháng, tương đương hơn 3 triệu VNĐ) là quá thấp.

Mỹ và Nhật quy định lương tối thiểu bằng 32% GDP bình quân đầu người, do đó lương tối thiểu ở Mỹ là 15.000 USD/năm, ở Nhật – 11.000 USD. Tỷ lệ của lương tối thiểu so với GDP bình quân đầu người ở một số nước còn cao hơn. Như ở Pháp là 51% (15.500 USD/năm), Australia – 51% (19.000 USD/năm),  Anh – 61% (hơn 22.000 USD/năm), Bỉ – 52%, Hà Lan – 47%, Bồ Đào Nha – 42%, Canada – 41%, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha – 37%, Austria – 35%. Tỷ lệ này ở Hàn Quốc, Đài Loan, Phillippines cũng cao hơn 32%.

Theo số liệu của IMF, Trung Quốc năm 2009 có GDP bình quân đầu người tính theo sức mua là 6576 USD, 32% của con số này là 1190 RMB/tháng. Thế nhưng lương tối thiểu của mấy thành phố phát triển nhất ở Trung Quốc đều không đạt mức này. GDP bình quân đầu người năm 2008 của thành phố Quảng Châu là hơn 80.000 RMB ; 32% là 2130 RMB/tháng. Thế nhưng sau đợt tăng lương mạnh năm 2010, lương công nhân Quảng Châu cũng chỉ mới vượt mức 1000 RMB, tức chưa bằng một nửa tỷ lệ 32%.

Các tính toán nói trên chỉ muốn nói lên hai vấn đề:

– Lương tối thiểu ở Trung Quốc rõ ràng thấp hơn trình độ phát triển kinh tế nước này;

– Lương tối thiểu chỉ để áp dụng cho tạp công, học sinh làm thêm, lao công thuê theo giờ.

Theo thông lệ của các đại công ty, tiêu chuẩn lương công nhân của họ bao giờ cũng cao gấp mấy lần mức lương tối thiểu. Thế mà công nhân Trung Quốc làm cho công ty ô tô Honda hàng tháng chỉ nhận được lương danh nghĩa là 1510 RMB [235 USD, khoảng 5 triệu VNĐ], trừ đi các khoán khấu trừ, đến tay chỉ còn 1211 RMB. Nếu trừ đi chi tiêu hàng tháng (ăn, trọ, tiền điện thoại, nhu yếu phẩm …) thì chỉ để dành được 456 RMB.

Vậy các công ty xe hơi Nhật đặt nhà máy tại Mỹ trả lương như thế nào? Có người nói họ cũng trả lương rất thấp cho công nhân Mỹ, nhằm tăng sức cạnh tranh. Thực ra lương thợ Mỹ tại các nhà máy xe hơi Nhật cũng vào khoảng 100.000 USD/năm. Sở dĩ nhà máy Nhật có sức cạnh tranh là do họ đặt nhà máy tại các vùng có giá sinh hoạt rẻ và lương thấp ở miền Nam nước Mỹ. Hơn nữa, chủ Nhật không đuổi thợ khi kinh tế suy thoái.

Công nhân Nhật làm việc cho nhà máy Nhật đặt trên đất Trung Quốc được trả lương rất cao. Một thợ Nhật mới hơn 20 tuổi sang Trung Quốc tăng cường cho nhà máy Honda được lĩnh lương hàng tháng là 50.000 RMB [hơn 7.500 USD], nếu kể các khoản phúc lợi khác (như phụ cấp xa gia đình 300 USD/ngày [nguyên văn như vậy], bằng 2 tháng lương thợ Trung Quốc; được nhà máy bao ăn ở miễn phí) thì cao gấp 50 lần thu nhập của công nhân Trung Quốc ; như thế là rất vô lý vì GDP bình quân đầu người của Nhật chỉ gấp 5-10 lần Trung Quốc.

Điều đáng nói ở đây là sự khác biệt lớn tới vô lý như thế lại được người Trung Quốc coi là chuyện bình thường, thậm chí còn coi đó là “ưu thế so sánh” của Trung Quốc.

Mấy năm qua, các nhà kinh tế Trung Quốc bàn nhiều, tán dương nhiều về cái ưu thế này. Một nhà kinh tế gạo cội tỏ ý không tán thành chuyện có người lo ngại về mức lương thấp của công nhân Trung Quốc. “Lương thấp là nguyên nhân làm nên sức cạnh tranh của Trung Quốc. Hãy xem nước Mỹ, lương công nhân của họ cao khủng khiếp, vì thế sao mà họ có được sức cạnh tranh?”, “Vấn đề lương lao động Trung Quốc thấp đều là do báo đài làm rùm beng, chứ số người e ngại về chuyện lương thấp chỉ là thiểu số. Lương thấp thì có nhiều việc làm hơn” – ông này nói.

Mấy năm trước, ông Trương Ngũ Thường, một đại gia tổ sư kinh tế học dòng chính Trung Quốc lớn tiếng nói :  Thuyết cho rằng phân hóa giàu nghèo ở Trung Quốc quá lớn là “láo toét”, là do Ngân hàng Thế giớí và rất nhiều người ưa bày chuyện dựng nên mà thôi. Thậm chí ông còn nói công nhân mất việc là đáng đời. Ông kể : “Bạn tôi mở một xí nghiệp phần mềm ở Đông Hoàn ; trong một năm có tới phần nửa công nhân bỏ việc… Nếu ai thực sự muốn tìm việc thì đến Đông Hoàn sẽ kiếm được ngay một chỗ làm lương tháng 600 RMB”.

Không ít nhà kinh tế dòng chính khác đều chê người lao động Trung Quốc thích đòi lương cao. Đại gia bất động sản Nhiệm Chí Cường trả lương 300 RMB cho tốp nông dân ông lấy từ một làng quê quen biết lên Bắc Kinh lao động, sau hai tháng họ bỏ về quê hết, họ thà chịu sống nghèo ở nhà còn hơn đi làm. Ông Cường rủa: (Họ nghèo) Thật đáng kiếp!

Thực ra mức lương 300-600 RMB ấy còn thấp hơn nhiều mức lương mà Foxconn và Honda trả cho thợ Trung Quốc (900 và 1500 RMB).

Ở Mỹ, sau Thế chiến II, công đoàn ở Mỹ có vai trò rất quan trọng trên chính trường. Trong những ngày bầu cử Quốc hội hoặc Tổng thống, người lao động Mỹ thể hiện rất rõ tinh thần làm chủ xã hội. Năm 1960, Kennedy và Nixon tranh cử Tổng thống, tính cho tới chiều ngày bỏ phiếu, Nixon dẫn đầu về số phiếu, nhưng đến tối thì tình hình lật ngược, kết quả Kennedy thắng cử. Đó là do chiều tối những người lao động đi làm về mới đến phòng bỏ phiếu. Lá phiếu của tầng lớp lao động chiếm đa số dân đã đánh bại Nixon, chứng tỏ họ có vai trò quyết định trên vấn đề lựa chọn người lãnh đạo đất nước. Bởi lẽ đó các chính khách Mỹ kể cả Tổng thống đều rất coi trọng công đoàn và người lao động.

Tại Trung Quốc thì khác. Người lao động Trung Quốc không có quyền tự tổ chức công đoàn của mình để có thể mặc cả với chủ thuê lao động. Chẳng những chủ xí nghiệp-công ty có quyền tùy ý hạ mức lương phát cho người lao động mà còn có quyền đuổi việc bất cứ ai.

Hồ Anh Hải lược dịch.
Các ghi chú trong ngoặc ( ) là của người dịch

Nguồn: http://blog.huanqiu.com, ngày 8/8/2012

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)