Bill Gates: “Nghiên cứu vì người nghèo”

Mới đây tại Lindau (Đức) đã diễn ra cuộc gặp gỡ hàng năm giữa 59 nhà khoa học được giải thưởng Nobel thuộc các lĩnh vực  hóa học và vật lý học, y học và tâm lý học và các nhà nghiên cứu trẻ từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với các nhà khoa học trẻ thì đây là dịp họ được tư vấn về hoạt động nghề nghiệp vô cùng bổ ích. Bill Gates là người sáng lập hãng Microsoft và là một trong những người giầu nhất thế giới đã tham dự cuộc gặp gỡ này và trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Frankfurt toàn cảnh (F.A.Z.) ông đã nói về vấn đề tiêm chủng, mục tiêu toàn cầu về  y tế và vai trò của quỹ rất hùng mạnh do ông sáng lập.


Thưa ông, ông và Quỹ-Bill-và-Melinda-Gates đã trở thành một trong những đối tượng có thế lực nhất khi đề cập đến y tế toàn cầu, đến việc hỗ trợ tăng cường công tác y tế đặc biết với các nước thuộc Thế giới thứ ba.  Ông trông chờ gì ở những sinh viên ưu tú, nhà khoa học trẻ trong vấn đề này? Ông mang theo thông điệp gì tới Lindau?

Điều quan trọng nhất là các bạn trẻ nhận biết được những tiềm tăng to lớn trong những sáng chế phát minh đặc biệt vì lợi ích của người nghèo. Ở đây tôi muốn đề cập trước hết tới các loại thuốc tiêm chủng, các loại giống cây trồng mới và việc cung ứng thuốc chữa bệnh mới. Tôi nghĩ rằng thế hệ trẻ cần đặt ra câu hỏi với chính mình, sáng chế phát minh có ý nghĩa định hướng đang thực sự thiếu ở chỗ nào. Thí dụ tôi nghĩ đến bệnh sốt rét. Bệnh này đã bị triệt tiêu ở các nước giầu có, nhưng hiện tại vẫn có tới hàng triệu trẻ em ở các nước nghèo bị chết vì sốt rét.

 

Theo ông, cho đến nay các nước giầu đã cung cấp đủ thuốc tiêm phòng cho các nước nghèo chưa?


Hoàn toàn không đủ như tôi mong muốn. Chúng tôi ủng hộ 50 triệu đôla cho việc nghiên cứu thuốc tiêm phòng bệnh sốt rét, có nghĩa là đã tăng gấp đôi khoản tiền đầu tư nghiên cứu về vấn đề này. Thông điệp hiện nay là: Hãy giúp đỡ thực sự  cụ thể và sự giúp đỡ đó cần phải kiểm chứng, ước lượng được


Hiện nay ông đã có một đội ngũ tham mưu đáng nể về mặt khoa học và đã có cái nhìn sâu sắc trong lĩnh vực nghiên cứu. Ông đánh giá như thế nào về những tiến bộ trong việc phát triển các loại thuốc tiêm chủng mới?


Đối với tôi thước đo chính là số lượng trẻ em bị chết vì năm căn bệnh gây chết người nhiều nhất. Trong những năm sáu mươi mỗi năm có khoảng 20 triệu trẻ em chết vì những căn bệnh đó, năm 2010 con số này dưới 9 triệu. Nguyên nhân chính là nhờ được tiêm chủng. Trong những năm 60 mỗi năm có khoảng 2 triệu trẻ em là nạn nhân của bệnh đậu mùa, đến năm  2010 con số này là không. Bệnh sởi mỗi năm gây 2 triệu ca tử vong nay chỉ còn  300.000. Những loại vakzin mới mà chúng tôi mới giới thiệu cách đây hai tuần tại sáng kiến tiêm chủng toàn cầu  GAVI  sẽ cứu nhiều triệu trẻ em ở châu Phi thoát chết vì các bệnh dịch. Đó là ba loại vakzin chống vật gây bệnh viêm màng não, Rotavirus và bệnh phế cầu (Pneumococcus). Từ hai đến bốn năm nữa chúng ta sẽ loại trừ được bệnh bại liệt (Polio).

 

Việc chữa được Polio – bệnh bại liệt ở trẻ em – từng được coi là một thành công vĩ đại nhất trong lịch sử y tế. Và có phải như tuyên bố của các cơ quan y tế chính thức thì căn bệnh này đã bị tiêu diệt từ nhiều năm nay?


Thực tình tôi rất đau đầu về chuyện này. Năm 1988 chúng tôi bắt đầu phân phối loại thuốc tiêm chủng đầu tiên . Hồi đó loại siêu vi trùng làm cho mỗi năm có khoảng 300.000 trẻ em bị bệnh bại liệt.  Năm 2002  con số này đã giảm  xuống chỉ còn khoảng  3000 trường hợp. Hiện nay chúng ta vẫn ở mức này. Việc tiêu diệt 1% cuối cùng này tỏ ra vô cùng khó khăn nhất là ở Nigeria, Pakistan mặc dù dân chúng và cả chính phủ đã tích cực  phát động các chiến dịch tiễu trừ loại siêu vi trùng gây bệnh này.

 

Thưa ông, giới công nghiệp đã làm hết mình chưa?


Họ có thể làm được nhiều hơn nữa. Đã có những hoạt động như trường hợp  GSK mới đây, người ta đã giảm giá thuốc tiêm phòng virusrota cho các nước nghèo tới 75%. Tổ chức Quỹ của chúng tôi  đã có hẳn một bảng xếp hạng riêng đối với ngành công nghiệp. Qua đó có thể thấy, ngay cả  GSK cũng có thể làm được nhiều hơn nữa. Hàng năm tôi có hai cuộc gặp gỡ với các vị chủ tịch Hội đồng quản trị các tập đoàn dược phẩm. Với họ tôi không có đòi hỏi gì hơn là mỗi năm hãy trích ra vài phần trăm lợi nhuận của họ để cống hiến cho sự nghiệp này, chỉ vậy thôi. Dù sao thì chúng tôi cũng đã có những tiến bộ, dù có sự chậm chạp đi nữa.

 

Cách đây vài năm trong dịp ông viếng thăm định kỳ các viện nghiên cứu được ông đồng tài trợ, tôi đã mạn phép hỏi ông, khi nào sẽ có các loại vakzin phòng bệnh aids, sốt rét và bệnh lao, khi đó ông rất lạc quan và nói khoảng từ  mười đến hai mươi năm nữa. Vậy hiện nay ông thấy điều này thế nào, các thuốc phòng vẫn chưa hề có?


Ba căn bệnh lớn này là những bệnh đặc biệt phức tạp. Việc phát triển vakzin chống  Aids đã đạt được một số tiến bộ, nhưng những tiến bộ này chưa lớn đến mức để ta có thể đưa ra một thời hạn nhất định vì điều trị chống bệnh  Aids gần đây đã ít nhiều có kết quả nên tiền đầu tư phát triển loại vakzin phòng bệnh có phần giảm xuống. Ở Mỹ một ca điều trị cho bệnh nhân  Aids tốn khoảng 8000 đôla. Do đó nếu có thuốc phòng Aids vẫn còn có lợi. Đối với bệnh lao cũng vậy. Riêng đối với bệnh sốt rét đạt được nhiều tiến bộ nhất. Đã có một loại thuốc tiêm chủng tương đối có hiệu quả, tuy chưa phải là mĩ mãn nhưng người ta đã đạt tới giai đoạn cuối cùng trong thử nghiệm lâm sàng.


Cùng với quỹ của mình ông không những là một trong những người tham gia lớn nhất mà còn có thế lực nhất trong lĩnh vực hỗ trợ y tế ở các nước thuộc thế giới thứ ba.
Vì vậy có lúc ông bị coi là đã lèo lái chương trình nghiên cứu theo ý muốn của mình và sao nhãng các lĩnh vực khác.


Không. Sự thật là, so với nhu cầu thì khoản tiền đổ vào các nước nghèo còn quá ít ỏi. Chúng ta cần có nhiều nhà tài trợ cho những chương trình nghiên cứu. Chúng tôi tài trợ cho nhiều dự án  khác nhau và tất nhiên cũng có thể có lúc chúng tôi đã có những quyết định sai lầm. Trong lĩnh vực nghiên cứu bệnh sốt rét  đã có một vài ý tưởng thú vị mà chúng tôi không tài trợ. Nhưng nếu không có chúng tôi thì chẳng có tài trợ gì cả.  Nếu có sáu ý tưởng để nghiên cứu và chúng tôi ủng hộ ba ý tưởng trong số đó thì vẫn còn hơn là  có sáu phương án khác nhau mà chẳng có đồng tài trợ nào. Chúng tôi buộc phải lựa chọn.


Xuân Hoài  Theo F.A.Z.4.7.2011

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)