Bình đẳng giới nhìn từ vụ bê bối của Đại học Y khoa Tokyo

Vụ bê bối sửa điểm của trường Đại học Y khoa Tokyo vừa vỡ lở: Trong ít nhất là một thập kỷ, trường này đã hạ 20% điểm đầu vào của phần lớn nữ sinh và tăng 20% điểm của nam sinh để đảm bảo tỉ lệ nữ sinh trong trường không quá 30%. Lí do được đưa ra là, các sinh viên nữ ra trường có nguy cơ bỏ việc nửa chừng khi sinh con, gây thiếu bác sĩ trong tương lai. Cuộc trao đổi giữa Tia Sáng với TS. Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) cho thấy mặc dù đây là hành động cực đoan, nhưng quan điểm phân biệt đối xử với nữ giới đằng sau nó, lại rất phổ biến trên thế giới, kể cả Việt Nam.

 
Lãnh đạo trường Đại học Y khoa Tokyo xin lỗi vì vụ bê bối. Ảnh: TheGuardian.

Lời biện minh cho bất bình đẳng giới

Bà nghĩ gì về sự kiện của trường Đại học Y khoa Tokyo vừa qua?

Tôi nghĩ rằng sự kiện này phản ánh quan niệm rất đặc trưng châu Á, cụ thể là nước Nhật, về cái gọi là “lợi ích của quốc gia” hay “lợi ích của tập thể”. Họ nghĩ rằng bằng việc gạt bỏ nữ sinh đủ tiêu chuẩn và chấp nhận các thí sinh nam điểm thấp hơn, họ đã bảo vệ lợi ích chung cho xã hội là đảm bảo đủ số lượng cán bộ y tế – bác sĩ – phục vụ cho cộng đồng. Họ cho rằng làm vậy là đúng – họ nghĩ họ đang đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân.

Vậy vấn đề này liên quan như thế nào đến phân biệt đối xử với nữ giới, thưa bà?

Sâu xa nó là câu chuyện về giới, là việc dùng lợi ích cộng đồng – xã hội để biện minh cho hành vi phân biệt đối xử về giới.

Từ ngàn đời nay, người phụ nữ Nhật bản đã được định vị trong vai trò nội trợ, chăm sóc gia đình, phục vụ chồng con. Sự phân công lao động theo giới ở xã hội Nhật sâu sắc đến mức mà cho đến hôm nay gần như không thay đổi. Việc gắn chặt trách nhiệm chăm sóc gia đình cho người phụ nữ đã gạt họ ra ngoài cơ hội sự nghiệp, công việc độc lập bên ngoài.

Quyết định của trường Đại học Y Tokyo là một minh chứng điển hình cho quan điểm nói trên. Chính phủ và xã hội Nhật Bản thay vì tạo ra những chính sách giảm bớt gánh nặng gia đình để người phụ nữ có thể tự do lựa chọn sự nghiệp của mình thì lại tìm cách gạt phụ nữ ra – củng cố sự phân công lao động theo giới truyền thống. Đấy là sự phân biệt đối xử về giới vô-cùng sâu-sắc, nhưng nó lại được ngụy trang bởi lý do rằng cần đảm bảo nguồn nhân lực trong ngành y tế để phục vụ lợi ích của người dân.

Thực tế là sau khi vụ này diễn ra thì kênh truyền hình NHK của Nhật Bản có phỏng vấn các bác sĩ nữ là liệu họ có “hiểu tại sao trường Y Tokyo này hành động như vậy”, thì đa số đều trả lời là họ có hiểu được cho hành động đấy…

Làm sao họ có thể trả lời khác được. Trước hết tôi không chắc những câu trả lời đấy là chân thành trước hàng triệu khán giả vốn tin rằng bổn phận của phụ nữ là ở nhà phục vụ chồng con. Nhưng ngay cả khi câu trả lời đó là thành thực, thì cũng không có gì để khẳng định những nữ bác sĩ và nhân viên y tế được hỏi không phải là những người đã nhập tâm tất cả những giá trị xã hội và văn hóa của Nhật Bản. Có thể họ tin rằng tình trạng thiếu nhân lực y tế do một số nữ nhân viên y tế nghỉ việc để chăm sóc gia đình là lỗi của phụ nữ. Do vậy họ cho rằng việc gạt bỏ nữ sinh đủ tiêu chuẩn và thay thế bằng các nam sinh là hợp lý.


Lãnh đạo trường Đại học Y khoa Tokyo xin lỗi vì vụ bê bối. Ảnh: TheGuardian.

Cũng như ở Việt Nam thôi – rất nhiều phụ nữ tin rằng họ phải hi sinh (hạnh phúc) cá nhân của họ cho hạnh phúc của chồng con. Rất nhiều phụ nữ sẵn sàng hi sinh sự nghiệp của mình để cho con cái được học hành nhiều hơn, chồng mình có thể thăng quan tiến chức, v.v… Và họ tin rằng họ làm điều đấy là đúng. Họ được dạy từ bé và được nhắc nhở suốt đời rằng phụ nữ như thế mới là tốt.
Nhưng nếu như vậy thì bao giờ người phụ nữ mới có thể có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận cơ hội nghề nghiệp và đạt được vị trí xã hội như nam giới?  Để đạt được bình đẳng giới, không chỉ là vấn đề của các chính sách xã hội, bản thân nền văn hóa Nhật cũng phải thay đổi, những phụ nữ Nhật cũng phải thay đổi – họ cũng phải đấu tranh để dành được những cơ hội của họ trong cuộc đời – thay vì chấp nhận như vậy.

Vị trí của phụ nữ là ở trong gia đình?

So sánh từ trường hợp Đại học Y khoa Tokyo ở Nhật Bản, liệu có điểm gì tương đồng với Việt Nam, khi một số công ty tránh tuyển nữ giới hay yêu cầu phải cam kết làm việc một thời gian mới được có con?

Đây cũng vẫn là câu chuyện về vị trí của người phụ nữ trong xã hội Á Đông. Dường như Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ khá nhiều điểm chung trong quan niệm về vị trí phụ nữ và nam giới trong gia đình và xã hội. Ở hai nước, người ta nghĩ rằng vị trí tốt nhất của người phụ nữ là ở trong gia đình. Một khi đã ở trong gia đình rồi thì rất khó để đảm đương thêm công việc trong xã hội. Mặc dù điều kiện lịch sử khiến phụ nữ Việt Nam khác với phụ nữ Nhật Bản. Phụ nữ Việt Nam tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, lao động tạo thu nhập và đảm nhiệm các công việc xã hội không kém nam giới, nhưng người Việt Nam vẫn nghĩ rằng phụ nữ phải ưu tiên công việc gia đình của mình hơn công việc bên ngoài, đặc biệt là phải đặt sự nghiệp của cá nhân mình dưới hạnh phúc gia đình và sự nghiệp của chồng con.

Tại sao phụ nữ lại không thể vừa làm việc vừa chăm sóc gia đình? Nam giới cũng vậy. Nếu mà nam giới và phụ nữ cùng chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình thì phụ nữ và nam giới vẫn có thể làm được những việc mình muốn. Và cả hai xã hội thay vì tạo điều kiện để người phụ nữ tự do lựa chọn, lại khuyến khích phụ nữ hy sinh bản thân vì lợi ích của nam giới. Không chỉ những thành viên trong gia đình mà cả chính phủ cũng rất thích phụ nữ chuyên tâm làm công việc nội trợ, vì chính phủ sẽ bớt được gánh nặng phúc lợi xã hội trong chăm sóc người già, trẻ em… Nhưng khi những trách nhiệm đó dồn lên vai người phụ nữ, họ sẽ không bao giờ có được cơ hội để phát huy năng lực của mình, để tự lựa chọn công việc mình yêu thích, thay vào đó, họ được dạy để tin và chấp nhận rằng gia đình mới là chỗ đứng của mình, rằng chăm sóc gia đình là phù hợp với mình nhất; hoặc là tin rằng chỉ có phụ nữ mới làm tốt công việc chăm sóc gia đình, nam giới không thể làm được, nên là nam giới cứ tự do đi làm những gì bên ngoài mà họ thích, còn phụ nữ phải gắn chặt vào gia đình.

Thực tế là phụ nữ ngày nay cũng thay đổi rất nhiều, họ có nhiều cơ hội hơn để học hỏi và phát triển, nên nhiều khi sự phát triển của phụ nữ cũng là thách thức cho vị trí của nam giới. Và trong một chừng mực nào đó, thực quá tiện lợi nếu phụ nữ cứ tiếp tục vai trò nội trợ. Nhưng ở Việt Nam, phụ nữ không những phải “đảm việc nhà” mà còn phải “giỏi việc nước”. Phụ nữ Việt Nam được dạy rằng lao động sản xuất là nghĩa vụ vinh quang với Tổ quốc, còn trách nhiệm với gia đình là thiên chức thiêng liêng.

Mặt khác, với chính sách xã hội – hãy nhìn xem có bao nhiêu chính sách xã hội cho phụ nữ và chúng đã giải phóng người phụ nữ được đến đâu. Những dịch vụ xã hội cơ bản như là y tế, giáo dục đã thực sự giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ hay chưa? Nhà trẻ, mẫu giáo hoặc là những dịch vụ chăm sóc người già đã đủ và đủ tốt để phụ nữ yên tâm làm việc hay chưa? Nỗ lực hiện tại vẫn chưa đủ vì gánh nặng chăm sóc vẫn chủ yếu dồn lên vai người phụ nữ. Đừng chỉ nhìn ở Hà Nội hay Sài Gòn, mà hãy nhìn ra 70% phụ nữ Việt Nam sống ở nông thôn, những dịch vụ xã hội đó hỗ trợ họ được đến đâu?

Phụ nữ phải cố gắng hơn?

Dường như sự phân biệt đối xử phụ nữ trong công việc không chỉ tồn tại ở Nhật Bản hay Việt Nam mà còn trên toàn thế giới?

Chính xác. Phụ nữ ở trên toàn thế giới đều bị coi nhẹ hơn nam giới. Ở một số nước nơi mà phụ nữ có vị trí ngang bằng với nam giới, thì phụ nữ phải cố gắng và vượt qua rất nhiều trở ngại. Gần đây tôi có đọc cuốn Lean in của tác giả Sheryl Sandberg và thấy tác giả cũng phải vượt lên rất nhiều cản trở. Cũng với trình độ và năng lực như cô, một người đàn ông sẽ không phải vất vả đến thế.
Cuốn Lean In cũng khá được hưởng ứng tại Việt Nam. Tuy nhiên, Sheryl Sandberg, tác giả của cuốn sách này có vẻ đang kêu gọi phụ nữ phải cố gắng và khéo léo hơn trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nhưng nếu kêu gọi những nỗ lực tự thân ở người phụ nữ, phải chăng lại thêm gánh nặng cho họ?

Đúng thế. Câu chuyện như Lean in hay các chuyện khác chỉ kể lại những câu chuyện của chính các tác giả. Họ có thể cũng thách thức một số quan niệm truyền thống, nhưng về cơ bản, những gì họ làm chỉ là thích ứng với xã hội này chứ chưa đấu tranh để thay đổi nó. Phải nói, họ là những phụ nữ xuất chúng và mạnh mẽ. Nhưng chỉ có một số ít người làm được như họ, còn đại đa số thì không. Phần lớn phụ nữ không có năng lực hoặc cơ hội như vậy – cho nên câu chuyện ở đây là thay đổi trật tự xã hội, trật tự giới, cân bằng quyền lực giữa nữ và nam giới thì mới tạo ra sự thay đổi thực sự. Còn như hiện nay thì chỉ là một vài phụ nữ có thể “làm gì đó” trong một xã hội nam quyền.

Vậy theo bà sự thay đổi cần có nên là thế nào?

Sự thay đổi đó không chỉ ở cấp độ chính sách mà còn cả ở nhận thức người dân nói chung nữa. Chính sách thay đổi mà xã hội chưa thay đổi nhận thức thì rất khó để tạo ra thay đổi căn bản. Cần có một critical mass, tỉ trọng nhất định các thành viên trong cộng đồng cùng chia sẻ quan điểm bình đẳng giới và song song với đó là các chính sách thúc đẩy thì mới có thể hiện thực hóa được chúng.

Những người đề ra chính sách cũng là sản phẩm của xã hội và thời đại, được định hình bởi những suy nghĩ và quan niệm về thân phận hay vai trò không bình đẳng của nam giới và phụ nữ, thì việc để có chính sách làm thay đổi hiện trạng không phải là dễ. Và kể cả những người có đầu óc tiến bộ và cách mạng để đưa ra chính sách tích cực, nếu không có đủ người dân trong xã hội cùng đồng lòng tán thưởng và thực hiện thì cũng rất khó.

Thay đổi cấu trúc xã hội tức là thay đổi chính mình, và điều đấy là rất khó. Có những định kiến đã ăn sâu vào mỗi người đến mức là mình tưởng nó là vô thức – từ đời này qua đời khác – Từ lúc một đứa trẻ trai hay gái sinh ra nó đã được định hướng theo một con đường trong hệ thống xã hội này – và một khi đã đi trên con đường đó thì việc rẽ sang hướng khác là rất khó.

Vậy điểm mấu chốt theo bà sẽ không nằm ở chính sách mà ở giáo dục?

Chính xác. Và nó không chỉ nằm ở giáo dục trong nhà trường, mà giáo dục trên mọi phương diện. Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng đúng thế. Từ mẩu quảng cáo đến mẩu tin ngắn đều phải thể hiện tinh thần đó, truyền tải tinh thần bình đẳng giới một cách nhất quán, xuyên suốt và có tầm ảnh hưởng lớn đến công chúng thì có thể lúc đó sự thay đổi mới diễn ra nhanh chóng và bền vững.

Tuy ở Việt Nam có nhiều chính sách khá tiến bộ về giới, nhưng khi xem TV, đọc báo, thậm chí đến trường hay ra ngoài xã hội, lại toàn chứa những thông điệp thật tréo ngoe, không phản ánh quan điểm của các chính sách đó. Và những cách hành xử từ dưới lên trên cũng không phản ánh hay ăn nhập với chính sách, quan điểm tiến bộ.

Có rất nhiều chuyện thể hiện việc “Nói một đằng làm một nẻo”. Không phải ai đó không muốn thực hiện các chính sách tốt đẹp mà vì từ người thiết kế thông điệp truyền thông đến những diễn viên đóng phim, từ người xây dựng sách giáo khoa cho đến thầy cô, không phải tất cả mọi người đều hiểu, muốn hiểu hay đủ năng lực để hiểu, để truyền tải thông điệp bình đẳng giới, về vai trò của phụ nữ một cách thống nhất và theo hướng tiến bộ. Cho nên, chúng ta đi được một bước nhưng lại lùi lại bốn bước. Chúng ta không đi theo đường thẳng mà là con đường zic-zac, đôi lúc còn thụt lùi. Ví dụ như cách đây mấy năm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có đưa ra một danh mục bảy mươi mấy nghề mà phụ nữ không được làm. Những người đưa ra danh mục đó có thể nghĩ rằng họ đang bảo vệ phụ nữ khỏi những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại. Nhưng ở khía cạnh khác, điều đó lại ngăn cản một số phụ nữ có được cơ hội làm việc thay vì thất nghiệp.  Với một số phụ nữ khác, những công việc đó có thể là nguy hiểm nặng nhọc nhưng mang lại cho họ thu nhập tốt hơn so với công việc hiện có. Vấn đề ở đây là tại sao không tìm cách giảm bớt mức độ nguy hiểm và độc hại của những công việc đó để phụ nữ có thể làm được, mà lại gạt phụ nữ ra khỏi chúng?

Cần một tầm nhìn sâu rộng, một quyết tâm rất lớn và một sự kiên trì rất lâu dài mới có thể thay đổi được những quan niệm như đã nói ở trên. Và có rất nhiều lý do để người ta không làm, hoặc gác lại những việc đấy đến mãi mãi. Rằng là nghèo đói quá phải ưu tiên phát triển kinh tế thay vì đầu tư vào giáo dục thay đổi nhận thức người dân chẳng hạn. Hay an ninh quốc gia đang bị đe dọa phải đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng chẳng hạn, thay vì để thiết kế ra những chương trình giáo dục làm thay đổi nhận thức người dân một cách sâu xa, căn bản…

Rất cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn!

Hảo Linh – Tuấn Quang thực hiện

 

 

 

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)