Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện đại

Năm 2014 là năm giới luật học trên toàn thế giới kỷ niệm 200 năm cuộc tranh luận nổi tiếng giữa Thibaut và Savigny về sự cần thiết, vai trò và tính khả thi của pháp điển hóa pháp luật dân sự. Cuộc tranh luận này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc đánh thức nhận thức pháp quyền của tầng lớp tinh hoa, giúp chuẩn bị tiền đề lý luận cho việc xây dựng Bộ luật Dân sự (BLDS) Đức, mà còn khơi dậy niềm cảm hứng cho các công trình pháp điển hóa khắp nơi trên thế giới.

1.    Tranh luận Thibaut và Savigny về pháp điển hóa pháp luật dân sự

Năm 1814, Anton Friedrich Justus Thibaut (4/1/1772 – 20/3/1840)- giáo sư luật học của Đại học tổng hợp Heidelberg1 công bố tác phẩm Sự cần thiết ra đời bộ pháp điển hóa Luật dân sự thống nhất ở nước Đức, trong đó lần đầu tiên đặt vấn đề xây dựng BLDS như công trình pháp điển hóa toàn diện, nhằm thống nhất, khái quát hóa toàn bộ hệ thống dân luật2.

Mặc dù công trình này không trình bày phương pháp và cách thức pháp điển hóa, nhưng Thibaut đã đưa ra ba lập luận mang tínhnền tảng nhằm lý giải tại sao cần phải pháp điển hóa pháp luật dân sự: (i) Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường (ii) Để đảm bảo tính minh bạch, và sự thống nhất của pháp luật (iii) Để cải cách pháp luật đáp ứng sự phát triển không ngừng của xã hội3.

Ngay sau đó, Friedrich Carl von Savigny (21/2/1779 – 25/10/1861) người được đánh giá như là Goethe của ngành luật, đã phản bác lại ý tưởng của Thibaut bằng việc công bố tác phẩm “Nhiệm vụ của thời đại chúng ta đối với hoạt động lập pháp và khoa học pháp lý”4.  Theo ông việc pháp điển hóa có thể sẽ làm đóng băng sự phát triển của hệ thống luật tư. Với quan niệm “khoa học pháp lý thực chất là khoa học lịch sử”, và do vậy cần “ nghiên cứu kỹ càng luật La Mã, nghiên cứu tập quán sử dụng pháp luật của người dân, chính xác hóa khái niệm trước khi pháp điển hóa”5.  Savigny cùng với người kế thừa kiệt xuất của mình là Georg Friedrich Puchta (3/8/1798 – 8/1/1846) đã gây dựng trường phái pháp luật lịch sử, tập trung phân tích, đánh giá lại những giá trị luật La Mã để xây dựng nền tảng lý luận vững chắc cho sự ra đời BLDS Đức6.

2.    Vai trò của bộ pháp điển hóa pháp luật dân sự

Học giả nổi tiếng người Pháp Jean Maillet trong một bài báo rất đáng chú ý trên Tulane Law Review năm 19697,  đã dựa trên ý tưởng của Thibaut để phân tích các vai trò căn bản mà BLDS truyền thống thuộc thế hệ pháp điển hóa thứ nhất- thế hệ pháp điển hóa của thời khai sáng, tiêu biểu nhất là BLDS Pháp, BLDS Đức hướng tới:

Thứ nhất, pháp điển hóa pháp luật dân sự được xem như công cụ hữu hiệu nhất để trình bày một cách hợp lý, logic và toàn diện các quy tắc pháp lý của đời sống dân sự8.  Chủ đích cơ bản nhất là qua đó đảm bảo tính xác định, tính dự báo của hệ thống luật tư và thúc đẩy khả năng tiếp cận pháp luật của công dân9.

Thứ hai, pháp điển hóa pháp luật dân sự nhằm đạt sự thống nhất toàn bộ hệ thống pháp luật trong một quốc gia10.  Đó chính là một trong những lý do thúc đẩy Thibaut đề nghị ban hành BLDS là bởi Thibaut tin rằng việc loại bỏ sự đa dạng và khác biệt trong hệ thống luật dân sự ở Đức sẽ là tiền đề cho sự thống nhất chính trị của nước Đức. BLDS do đó, trở thành biểu trưng của sự thống nhất quốc gia. Ngoài ra, sự thống nhất pháp luật cũng giúp cho việc loại bỏ các rào cản pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của thị trường, của giao lưu thương mại11.

Thứ ba, pháp điển hóa giúp cho việc chính đáng hóa hệ thống quy tắc pháp lý12.  Luật pháp phải là sản phẩm của quá trình dân chủ, thông qua quá trình ban hành pháp luật của quốc hội, công dân của quốc gia đấy trở thành chủ thể của BLDS của quốc gia mình.

Với sự ra đời của hàng loạt BLDS mới sau này như BLDS Hà Lan (1992), BLDS Quebec(1994), BLDS Romania (2011), BLDS Hungary (2014), hay BLDS Việt Nam (1995, 2005), lý tưởng về việc xây dựng và ban hành công trình pháp điển hóa mang tính hệ thống bao quát toàn bộ hệ thống luật tư ngày nay dường như vẫn còn nguyên sức sống. Tuy nhiên, quan niệm về chức năng của BLDS đã có sự đổi mới, phản ánh sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là Internet. Trong xu hướng đó, đã có nhiều học giả kêu gọi BLDS thế hệ 2.0.13

Theo Michael McAuley, quá trình pháp điển hóa BLDS trong xã hội hiện đại phải phản ánh được ba đặc tính cơ bản: thứ nhất BLDS phải được thiết kế đơn giản và dễ hiểu đối với những người dân bình thường; thứ hai nó phải đưa ra được một tuyên bố hợp lý và toàn diện về trật tự pháp luật dân sự; và thứ ba nó phải thể hiện quy tắc pháp lý dưới những cách thức và phương tiện mà những người không phải chuyên gia cũng có thể hiểu được. Michael McAuley cho rằng để đáp ứng nhu cầu của xã hội trong thời đại kỹ thuật số, BLDS thậm chí cần được cơ quan lập pháp chính thức ban hành dưới “hai phiên bản (versions)”- một phiên bản là bản chính văn, phiên bản còn lại là bản chính văn đó dưới dạng kỹ thuật số hay e-codes (BLDS điện tử) được ban hành cùng với những hướng dẫn, giải thích áp dụng với thiết kế sao cho bất cứ một người dân bình thường nào cũng có thể tiếp cận không chỉ chính điều khoản cần tra cứu mà còn có thể dễ dàng tiếp cận những điều khoản liên quan.14

Nếu như Michael McAuley đứng từ góc nhìn hình thức của BLDS thì Jan Smits đặc biệt nhấn mạnh ảnh hưởng của tính đa dạng của các loại nguồn pháp luật đối với vai trò của BLDS hiện đại15 như các luật mẫu của các thiết chế quốc tế, hay thậm chí các quy tắc, điều lệ của các hiệp hội, chưa kể đến các tập quán thương mại phổ biến. Do đó, Jan Smits lập luận rằng nếu nhấn mạnh đến tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của chủ thể, bộ pháp điển hóa nên được đánh giá chủ yếu dưới tư cách là công cụ quản lý thông tin: các giải pháp pháp lý từ nhiều nguồn khác nhau được thu thập và mã hóa bằng BLDS, sau đó, thông tin được phân bổ cho người dân như người tiêu dùng các giải pháp pháp lý đó.

Trong thời kỳ hiện nay, khi Nhà nước không còn là thiết chế độc quyền ban hành các giải pháp pháp lý, cũng như độc quyền tài phán như trước đây, BLDS nếu muốn được thiết kế thành công phải đạt tới cả giá trị nội dung và hình thức phù hợp với nhu cầu mới của người dân như là người tiếp cận và sử dụng dịch vụ pháp lý của đời sống hiện đại.

3.    Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện đại

Giá trị của các Bộ luật Dân sự Việt Nam16

BLDS năm 1995 là công trình pháp điển hóa pháp luật dân sự đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong việc thay đổi nhận thức về mối quan hệ Nhà nước và đời sống dân sự. BLDS này, có thể nói đã thể hiện vai trò quan trọng như một tuyên ngôn pháp lý của nhà nước về từ bỏ cơ chế quản lý tập trung kế hoạch hoá, hướng tới phát triển kinh tế thị trường, trả lại và tôn trọng các nguyên lý cơ bản nhất của đời sống dân sự cho người dân. Các nguyên tắc căn bản như: tự do kinh doanh, tự do giao kết hợp đồng, tôn trọng và bảo vệ quyền tư hữu đã từng bước được ghi nhận, góp phần giải phóng sức sáng tạo của người dân, và tạo nên thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao của đất nước.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, tư duy về nhà nước hành chính vẫn hết sức nặng nề. Không khó để chỉ ra các thiết chế của BLDS còn chứa đựng nhiều quy phạm mang tính mệnh lệnh như các quy định về hộ tịch kiểm soát cá nhân, phương pháp can thiệp trực tiếp vào hợp đồng bằng chế tài hành chính xử lý hợp đồng vô hiệu, chế định về hình thức sở hữu có sự phân biệt đối xử giữa các loại hình sở hữu. Về mặt kỹ thuật pháp lý, BLDS không thực sự đóng góp vào thúc đẩy đời sống dân sự, chẳng hạn cho đến năm 1997 khi Luật doanh nghiệp ra đời, cùng với Pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế 1989 có tới ba văn bản luật với những chủ đích pháp lý trái ngược nhau cùng điều chỉnh quan hệ hợp đồng, gây những rắc rối không hề nhỏ đối với đời sống dân doanh.

Mười năm sau đó, đứng trước yêu cầu mới của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, BLDS Việt Nam 2005 được thiết lập nhằm đáp ứng chuẩn mực pháp lý quốc tế, gia nhập tổ chức thương mại quốc tế WTO. Cùng với các văn bản khác được ban hành cùng năm như Luật Thương mại 2005, Luật Sở hữu Trí tuệ 2005, BLDS đã cố gắng đáng kể trong việc xóa bỏ rào cản pháp lý cản trở đời sống dân sự. Thành công đáng kể nhất phải kể đến là BLDS đã khẳng định được vai trò là luật gốc trong hệ thống luật tư, thống nhất pháp luật hợp đồng và cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm. Mặc dù vậy, sự thay đổi về tư duy quản trị nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi vẫn chưa hoàn toàn được thực thi. Các quy định về các hình thức sở hữu vẫn tiếp tục được duy trì, các quy định về hợp đồng trọng thức, hay các quy tắc mang tính cấm đoán như trong giao dịch về thế chấp vẫn thể hiện tư duy làm thay, lo thay các chủ thể của đời sống dân sự, chưa thực sự khai thông năng lực sáng tạo chủ thể, khai thác tối đa giá trị pháp lý của tài sản.

Năm 2014, một lần nữa theo chu kỳ mười năm, dự thảo BLDS mới được đưa ra và đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của giới luật gia. Một BLDS hoàn hảo hơn đang được kỳ vọng mạnh mẽ.

Sứ mệnh của Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện đại

BLDS Việt Nam hiện đại, trước hết, phải là BLDS thân thiện với người dân: từ ngôn ngữ pháp lý, đến cách trình bày hay thậm chí “giao diện” của BLDS đều phải giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận và áp dụng. Dựa trên yêu cầu hình thức đó, BLDS phải đáp ứng mạnh mẽ các kỳ vọng về nội dung sau:

BLDS Việt Nam hiện đại, trước hết, phải là BLDS thân thiện với người dân: từ ngôn ngữ pháp lý, đến cách trình bày hay thậm chí “giao diện” của BLDS đều phải giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận và áp dụng. Dựa trên yêu cầu hình thức đó, BLDS phải đáp sứ mệnh đầu tiên và căn bản nhất của BLDS là thừa nhận và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản nhất của đời sống dân sự.

Sứ mệnh đầu tiên và căn bản nhất của BLDS là thừa nhận và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản nhất của đời sống dân sự. Các chế định pháp lý như Chủ thể, Tài sản, Hợp đồng, Thừa kế, Bồi thường Thiệt hại ngoài hợp đồng của BLDS, trước hết, phải được thiết kế nhằm phản ánh mong ước của tất cả mọi cá nhân về quyền tự do chủ thể, về bảo vệ tính tuyệt đối của quyền tư hữu, nguyên tắc tự do kết uớc, tự do định đoạt di sản, nguyên tắc về trách nhiệm do lỗi.

BLDS sẽ hoàn hảo nếu được xây dựng như một thiết chế hỗ trợ, cung cấp các giải pháp pháp lý tối ưu cho người dân, nhằm tối đa hóa giá trị của tài sản, thúc đẩy các giao lưu dân sự. Dựa trên nguyên tắc bảo vệ tính tuyệt đối của quyền tư hữu, hệ thống pháp luật về tài sản công khai, minh bạch sẽ giúp cho người dân khai thác không chỉ giá trị vật chất tài sản, mà tối đa hóa giá trị pháp lý, tiền tệ của tài sản. Dựa trên nguyên tắc tự do hợp đồng, hệ thống pháp luật hợp đồng nếu được thiết kế đúng với kỳ vọng của các chủ thể kết ước sẽ giúp họ giảm thiểu chi phí giao dịch trong việc tiếp cận, đàm phán, thực thi hợp đồng. Dựa trên nguyên tắc về trách nhiệm do lỗi, hệ thống pháp luật bồi thường thiệt hại giúp duy trì trật tự dân sự ổn định bằng việc vãn hồi công lý cần có sau khi hành vi xâm phạm từ phía chủ thể khác.

BLDS là sản phẩm của lịch sử, là thành tố của văn hóa pháp lý, phản ánh truyền thống pháp lý của một quốc gia. BLDS được kỳ vọng như một dấu hiệu giúp cho thế giới bên ngoài nhận diện đặc trưng, cốt cách tinh thần của quốc gia; nhìn vào các quy tắc về tổ chức gia đình, hay thừa kế trong BLDS Việt Nam, người quan sát có thể gọi tên tập quán sống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. BLDS bao giờ cũng phản ánh chuẩn mực, quy tắc sống được thừa nhận chung của cộng đồng. Vì thế dù cá nhân có quyền tự do sở hữu, tự do hợp đồng, tự do định đoạt di sản…, nhưng các quyền tự do này luôn được giới hạn bởi trật tự công và đạo đức xã hội như là trật tự dân sự mà cả cộng đồng quốc gia đó chung sống và định hướng theo đuổi.

4.    Vĩ thanh

BLDS hiện đại nếu muốn xác lập được giá trị của mình trong đời sống xã hội, phải được thiết kế như là thứ tài sản quý báu cho tất cả mọi người dân, là một tuyên ngôn pháp lý quan trọng nhất phản chiếu đời sống dân sự và định hướng phát triển của quốc gia.

Mặt khác, giống như cuộc tranh luận giữa Thibaut và Savigny, điều hết sức cần thiết với Việt Nam hiện nay, chính là bản thân của quá trình thảo luận công khai và rộng rãi về chính sách của BLDS. Nhận thức pháp quyền không phải tự nhiên đạt tới, các cuộc cải cách pháp lý không nhất thiết áp đặt theo chiều dọc từ trên xuống, quá trình tranh luận về tương lai BLDS phải được xem như cơ hội thúc đẩy tiếng nói của mọi người dân về trật tự sống mà họ muốn theo đuổi. Ở đó, ước vọng về quyền tư hữu đất đai hay những nhu cầu của cộng đồng LGBT về thừa nhận quyền kết hôn đồng giới như sự ghi nhận các quyền dân sự căn bản nhất của con người sẽ được lắng nghe và thảo luận. Ở đó, đề nghị mạnh mẽ của doanh nhân về bảo hộ quyền tự do kinh doanh, quyền tự do giao kết hợp đồng sẽ có cơ hội được tranh luận với nhu cầu can thiệp của nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của bên yếu thế như người tiêu dùng. Ở đó, các giải pháp giải quyết những thất bại của thị trường như vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng bằng cách áp đặt chế định trách nhiệm dân sự nghiêm ngặt hơn sẽ phải được tính toán thận trọng để cân bằng tăng trưởng với an sinh.

200 năm đã qua kể từ cuộc tranh luận nổi tiếng giữa Thibaut và Sagviny, nhưng những giá trị mang ý nghĩa phổ quát của nó vẫn còn nguyên ý nghĩa. Quá trình tái pháp điển hóa pháp luật dân sự của Việt Nam lần này, là cơ hội thảo luận dân chủ công khai để hình dung về trật tự dân sự văn minh mà quốc gia theo đuổi.

*Khoa Luật- ĐHQG Hà Nội
Nghiên cứu sinh Viện Luật tư Molengraaff, Đại học tổng hợp Utrecht, Hà Lan

1 Chisholm, Hugh, ed. (1911). “Thibaut, Anton Friedrich Justus”. Encyclopædia Britannica (11th ed.).Cambridge University Press.

2 Nguyễn Minh Tuấn, Trường phái pháp luật lịch sử ở Đức, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 5 (289) 2012 , tr. 39–47

3 Reimann, Mathias. The Historical School Against Codification: Savigny, Carter, and the Defeat of the New York Civil Code. The American Journal of Comparative Law (1989): 95-119.

4 Xem Nguyễn Minh Tuấn

5 Xem Nguyễn Minh Tuấn

6 Rai, Neetij. Volksgeist: In View of Friedrich Carl Von Savigny. Available at SSRN 1695389 (2010).

7 Jean Maillet, The Historical Significance of French Codifications. Tulane Law Review 44. (1969-1970)

8 Xem Jean Maillet

9 Chủ đích này cũng là quan điểm nổi tiếng của Jeremy Bentham khi nhấn mạnh thúc đẩy khả năng tiếp cận và nhận thức (cognoscibility) pháp luật là một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc pháp điển hóa BLDS Napoleon 1804.

10 Xem Jean Maillet

11 Ý tưởng này trong thời hiện đại là động lực mạnh mẽ cho sự ra đời của xu hướng nhất thể hóa pháp luật thương mại toàn cầu như Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hay Bộ Nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế.

12 Xem Jean Maillet

13 Smits, Jan Martien. Private Law 2.0: On the Role of Private Actors in a Post-national Society. Eleven International Pub., 2011.

14 McAuley, Michael

15 Xem Smits, Jan Martien

16 Xem thêm Bùi Thị Thanh Hằng, Đỗ Giang nam; Tái pháp điển hóa Bộ luật dân sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời đại pháp quyền, tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, VPQH, số 15/2013, tr.21-30

Tác giả