Bốn đề xuất nhằm khơi thông phản biện xã hội

Phản biện xã hội đã có mầm mống ở nước ta, và dù khởi đầu khó khăn, song nếu được phát triển, sẽ giúp cho Nhà nước thêm mạnh, xã hội thêm cởi mở và chính quyền có trách nhiệm với người dân. Phản biện xã hội với những nhen nhúm đầu tiên đã diễn ra.

Diện mạo mới của truyền thông: Bên cạnh những nỗ lực tìm lấy chỗ đứng xứng đáng của các tổ chức báo chí nước ta, diện mạo của truyền thông đang thay đổi trong một thế giới biến đổi nhanh nhờ Internet và các tiến bộ mau chóng kế tiếp nhau trong lĩnh vực truyền thông. Chưa bao giờ người Việt Nam có dịp tiếp cận với truyền thanh, truyền hình quốc tế, cổ điển và ảo nhiều như hiện nay. Mạng Internet, blog cá nhân, các diễn đàn tự do trên mạng có thể tạo nên những sóng ngầm dữ dội, sức mạnh phản biện của chúng có thể có sức mạnh đáng kể khi tỷ lệ cư dân Việt Nam ngày càng trẻ và ngày càng quen với mạng Internet.

Một dự luật về hội không được ưu tiên trong chính sách lập pháp trong thời gian qua, song theo quan sát của tôi, những hiệp hội ngầm dường như đã được kích hoạt và lớn mạnh dần bởi các lợi ích làm cho hội viên gắn bó với nhau.

Hiệp hội: Dù rằng Nhà nước Việt Nam có vẻ như rất cần trọng tới mức dè dặt với việc mở cửa tư duy về hiệp hội, bằng chứng là một dự luật về hội không được ưu tiên trong chính sách lập pháp trong thời gian qua, song theo quan sát của tôi, những hiệp hội ngầm dường như đã được kích hoạt và lớn mạnh dần bởi các lợi ích làm cho hội viên gắn bó với nhau. Quan sát hàng ngàn vụ đình công từ Nam chí Bắc với quy mô từng cuộc có khi lan rộng tới hàng ngàn, hàng vạn công nhân, tôi e rằng khó có thể phủ nhận một bàn tay tổ chức tuy vô hình song vô cùng khéo léo đang ẩn sau những người thợ bị bóc lột. Quan sát các cuộc khiếu kiện tập thể đôi khi diễn ra dài ngày ở các đô thị lớn, người trong nghề an ninh khó có thể giấu được nỗi lo âu rằng chúng được dẫn dắt và chuẩn bị chu đáo bởi những bàn tay ẩn. Thì cũng thế, thuế nhập xe máy ô tô giảm rồi lại tăng, người ít hiểu nhất cũng có thể đoán được mối lợi được chia sẻ giữa những người có quyền làm chính sách và các ông chủ lớn lắp ráp, nhập khẩu ô tô. Theo một cách hiểu, chúng đều là hiệp hội, nghiệp đoàn, tổ chức của những nhóm người. Chưa đăng ký, chưa công khai hoạt động… không có nghĩa là chúng không tồn tại. Xã hội càng phân cực và càng dè dặt với quyền tự do lập hội, e rằng các hiệp hội ẩn này càng lan nhanh; việc phản biện chính sách có thể không diễn ra theo những phương cách văn minh, mà có thể theo những thói quen của xã hội ngầm. Việc nông dân An Khánh, Hà Tây cản trở lối vào của khu công nghiệp ở đó, việc cư dân phong tỏa lối vào của các khu xử lý rác khổng lồ ở nhiều địa phương … có vẻ như đủ để cảnh báo cho các nguy cơ đó.
Những người lữ hành cô đơn: Nếu người ta đọc GS Hoàng Tụy khi tìm hiểu chính sách giáo dục, đọc Nguyễn Quang A, Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh khi nghiên cứu chính sách kinh tế, tài chính, đọc GS Tương Lai cho các phân tích xã hội, đã thấp thoáng những ý kiến phản biện, tuy còn rời rạc và dường như chưa được liên kết của các nhà nghiên cứu có uy tín. Khi bầu không khí học thuật ngày càng được đảm bảo sẽ cởi mở hơn, những ý kiến phản biện đa chiều của các học giả độc lập có thể gia tăng. Không hiếm khi, từ những ý kiến đơn lẻ đó hợp thành những dư luận xã hội mang tính phản biện rất rộng rãi.
Các nhà tài trợ: Chương trình nghiên cứu và giảng dạy kinh tế Fulbright tại Đại học Kinh tế TP.HCM, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Thế giới, Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc và hàng chục nhà tài trợ khác đang ráo riết hoạt động tại Việt Nam (USAID của Mỹ, AUSAID của Úc, DFID của Anh, GTZ của Đức, DANIDA của Đan Mạch, CIDA của Canada, SIDA của Thụy Điển, JETRO của Nhật Bản..). Trong các chương trình của họ thường có những nội dung phản biện chính sách công rất đáng kể. Các ấn phẩm của họ, khi công khai khi ngấm ngầm, đều được công bố và thảo luận đôi khi rộng rãi tại Việt Nam, nhiều hay ít góp phần dẫn dắt dư luận và nâng đỡ dần năng lực và thói quen phản biện chính sách cho người Việt Nam.

Cho những người làm nghề nghiên cứu dám phát biểu cái mà mình thu nhận được và không bị trừng phạt bởi việc công bố những kết quả nghiên cứu không nhất thiết cổ vũ cho các đề xuất chính sách của chính quyền.

Vỉa hè, dư luận xã hội: Có một hiện tượng ít được nghiên cứu công khai trong xã hội nước ta, đó là các tin đồn vỉa hè và cái gọi là dư luận quần chúng. Khó nắm bắt, khó điều tra, thực hư lẫn lộn… song sóng gió của các tin đồn đó đôi khi khuynh đảo cuộc sống của hàng triệu người dân. Người ta nhớ đến các làn sóng mua bán chứng khoán theo tin đồn, mua bán tàng trữ gạo, mua bán tích trữ USD theo tin đồn, mua bán nhà đất theo tin đồn. Trong vô số những dư luận đó, không hiếm các nhận xét mang tính phản biện chính sách đương thời. Đương nhiên những tin vỉa hè ấy chẳng thể đúng, song nhìn lại thực tế đôi khi người ta không thể không có vài mối vấn vương.

Bốn đề xuất nhỏ nhằm khơi thông phản biện xã hội

Ngân sách tách biệt cho Mặt trận: Nếu muốn tăng cường chức năng giám sát của Mặt trận tổ quốc, nhất là đối với chính sách công của các địa phương, vào thời điểm hiện nay điều có thể làm được là tách biệt ngân sách của Mặt trận khỏi ngân sách địa phương. Theo mô hình của Tổng Công đoàn Việt Nam, có thể có một ngân sách chung quốc gia cho Mặt trận tổ quốc và phân bổ chúng từ trung ương trực tiếp cho các địa phương. Việc thay đổi các chính sách thuế cũng nên góp phần tạo cơ hội cho Mặt trận có thể huy động được các nguồn tài trợ khác nhau, giúp gia tăng tiềm lực nghiên cứu cho Mặt trận. Có được một vị thế độc lập, có một nguồn kinh phí đủ huy động các lực lượng nghiên cứu, Mặt trận mới bước đầu có cơ sở vật chất để tạo dựng năng lực phản biện chính sách của mình.
Nuôi dưỡng xã hội dân sự: Từ dè dặt, canh chừng, quá cảnh giác với các nguy cơ của xã hội dân sự, nếu Chính phủ muốn được lợi từ phản biện chính sách thì phải có thái độ hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự, ví dụ tạo điều kiện dễ dàng cho lập hội, miễn thuế tài sản đối với doanh nghiệp và nhà hảo tâm quyên góp tài sản cho các tổ chức dân sự. Chính phủ cũng có thể gián tiếp hỗ trợ các tổ chức dân sự thông qua việc mở thầu rộng rãi việc cung cấp một số dịch vụ công, ví dụ trợ giúp pháp lý, hỗ trợ người nghèo, các chính sách phát triển nhằm vào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tạo hỗ trợ về trụ sở, thông tin, diễn đàn, cung cấp thông tin cho các tổ chức này. Điều ấy chỉ xảy ra nếu Chính phủ có đủ sự tự tin rằng càng được tổ chức xã hội tăng cường phản biện thì Chính phủ càng gần dân, càng vững mạnh.
Ủy ban kiểm duyệt báo chí: Báo chí ngày càng hiển nhiên trở thành một quyền lực kể cả ở nước ta, chính quyền có lẽ sẽ đến lúc phải chung sống với báo chí tự do, hơn là thắt chặt kiểm soát theo kiểu cũ của cơ quan chủ quản đối với thuộc cấp. Một cơ chế kiểm duyệt báo chí công khai, ràng buộc trách nhiệm báo chí trong khi cho phép họ một sự tự do đáng kể trong đưa tin trung thực và bình luận chính sách một cách khách quan có thể là một cách khuyến khích giám sát và phản biện xã hội từ công chúng.
Độc lập nghiên cứu: Phản biện thường cũng là công việc của những người phân tích chính sách công có đủ thông tin, kỹ năng nghiên cứu và thái độ khoa học độc lập. Muốn khuyến khích điều ấy, tự do tư tưởng, tự trị đại học, tự do trong nghiên cứu cần phải được bảo đảm, chí ít làm cho những người làm nghề nghiên cứu dám phát biểu cái mà mình thu nhận được và không bị trừng phạt bởi việc công bố những kết quả nghiên cứu không nhất thiết cổ vũ cho các đề xuất chính sách của chính quyền. Muốn làm được việc ấy, có thể suy tính để dần bắt đầu bằng tự trị đại học, làm cho các cơ sở đào tạo phải tự lo lấy nguồn kinh phí, tự cạnh tranh để duy trì sự tồn tại của mình thông qua uy tín nghiên cứu. Tự tin về ngân sách riêng của mình, các cơ sở nghiên cứu mới dần dần có niềm tin để ủng hộ các nhóm nghiên cứu độc lập, đủ sức phản biện các chính sách của chính quyền.

Phạm Duy Nghĩa

Tác giả