Cách mạng KH&CN trên đất Việt

Đất nước ta vừa trải qua một năm Bính Thân với nhiều biến động và khó khăn. Biến đổi khí hậu và nguồn nước thượng nguồn sông Mekong bị chặn lại đã dẫn đến khô hạn và nhiễm mặn chưa từng có ở đồng bằng sông Cửu Long; lũ lụt dồn dập tàn phá nhiều tỉnh miền Trung; tai họa môi trường do Formosa gây thiệt hai nặng nề cho bốn tỉnh phía Bắc miền Trung. Đây cũng là năm đầu thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), trong đó Việt Nam bộc lộ những yếu kém về năng lực cạnh tranh, dẫn tới xuất khẩu sang các nước ASEAN giảm sút trong khi nhập khẩu từ các nền kinh tế ASEAN tăng vọt. Kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục đối mặt với mất cân đối ngân sách, nợ công tăng cao, hệ thống ngân hàng còn nhiều yếu kém...

Thách thức sẽ ngày càng lớn

Trong bối cảnh nhiều khó khăn trên đây, cần ghi nhận những nỗ lực cải cách đã góp phần giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 6,21%; lần đầu tiên trong lịch sử đã có 110.000 doanh nghiệp mới đăng ký và đi vào hoạt động v.v. Tuy nhiên, chúng ta không được phép tự bằng lòng, bởi những thách thức tới đây sẽ càng chồng chất.

Ô nhiễm môi trường của nước ta đã trở nên rất nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế và đời sống của người dân, và dự kiến xu hướng ô nhiễm tới đây sẽ còn trầm trọng hơn.
Sản xuất kinh tế của nước ta vẫn phát triển chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, công nghiệp vẫn là gia công lắp ráp, 70% kim ngạch xuất khẩu dựa vào đầu tư nước ngoài và xét về GDP/người nền kinh tế nước ta đang ngày càng tụt hậu xa hơn so với nhiều nước trong khu vực.

Trong năm 2017, toàn cầu hóa đứng trước những biến động khôn lường. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể bị loại bỏ hoặc bị trì hoãn; sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc và các nước ASEAN khác sẽ còn khốc liệt hơn ngay trên sân nhà. Hãy xem, nền kinh tế hùng cường của nước Mỹ cũng đã trả giá đắt cho toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế: công nghiệp dệt may, da giày và đồ gỗ của nước Mỹ đã bị phá sản, hàng triệu người bị thất nghiệp. Nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia cũng như của từng doanh nghiệp thì hiện tượng giải công nghiệp hóa (de-industrialization) như đã diễn ra ở Mỹ hoàn toàn có thể xảy ra ở nước ta trong thời gian tới với những ngành như công nghiệp lắp ráp ô tô hay sắt thép.

Trên thế giới cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự xuất hiện của người máy, trí thông minh nhân tạo, Internet của vạn vật, ô tô điện tự lái v.v. sẽ tác động sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của kinh tế, xã hội và đời sống với tốc độ như vũ bão. Cuộc sống đang thay đổi từng ngày, cái gì còn đúng ngày hôm nay có thể sẽ không còn đúng trong ngày mai. Trước đây, để chụp ảnh ta phải mua phim, mang ra hiệu ảnh rửa phim, in ảnh và trả tiền, ngày nay hằng ngày người ta chụp hàng tỷ bức ảnh bằng kỹ thuật số mà không phải trả một xu nào và, hãng phim Kodak hùng mạnh một thời cũng đã biến mất. Nếu trước kia có thể cần canh tác ba vụ lúa để bảo đảm an ninh lương thực thì ngày nay chỉ có thể làm một vụ lúa và một vụ tôm vì nhiễm mặn bắt buộc phải thích nghi. Trước đây, trong nền kinh tế kế hoạch hóa, chưa hội nhập có thể làm sắt thép mà không phải tính toán đến giá thành thì ngày nay sắt thép phải cạnh tranh ngay trên sân nhà, sản phẩm kém hiệu quả sẽ không thể bán được nữa.

Lợi thế về lao động và tài nguyên thiên nhiên giá rẻ của những nước đang phát triển như Việt Nam sẽ ngày càng giảm sút. Người máy và trí thông minh nhân tạo đang thay thế lao động của con người ở rất nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ: Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO),  trong thời gian tới, khoảng 86% lao động trong công nghiệp may mặc ở Việt Nam sẽ mất việc làm, bị thay thế bằng dây chuyền sản xuất tự động sử dụng người máy và sẽ mất việc làm. Nhiều công việc của luật sư, phân tích kinh tế, tổng hợp tin tức trong ngành báo chí v.v. đã được thay thế bằng người máy và trí thông minh nhân tạo. Thời gian cần thiết để thiết kế công trình giảm 40%, thời gian thi công, bốc xếp và chi phí sản xuất nhiều ngành cũng giảm rất mạnh. Lợi thế của lao động thủ công giá rẻ chỉ còn tồn tại ở một số nghề như cắt tóc gội đầu. Tới đây, chỉ một số loại lao động có chuyên môn cao như bác sỹ chữa răng và ngoại khoa là chưa có nguy cơ bị người máy và trí thông minh nhân tạo thay thế.

Đổi mới là yêu cầu sống còn

Trước những thách thức đó, chào đón Mùa xuân mới Đinh Dậu, yêu cầu khẩn thiết là đất nước ta phải tạo ra một Mùa xuân Đổi mới bằng cải cách và tái cơ cấu sâu rộng về thể chế, kinh tế-xã hội, thực hiện có hiệu quả việc thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để kịp thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững hơn. Mùa xuân của trời đất sẽ tự nhiên đến, Mùa xuân của Đổi mới và cách mạng KH&CN phải do chúng ta tự tạo ra.
Không cách nào khác, yêu cầu sống còn là chúng ta phải chủ động đổi mới, trọng dụng người tài, khuyến khích sáng tạo, chấp nhận tranh luận giữa những ý kiến khác nhau để tìm giải pháp mới, tạo ra một không khí cầu thị, cởi mở từ nhà khoa học đến người nông dân và doanh nghiệp. Những ý kiến khác nhau nhưng cùng nhằm phục vụ mục tiêu dân giàu nước mạnh đều cần được tôn trọng và xem xét một cách thấu đáo. Dũng cảm từ bỏ những nếp suy nghĩ xưa cũ, lạc hậu, không còn phù hợp với sự phát triển mau lẹ của nhân loại là biểu hiện của sự sáng suốt và thức thời

Cụ thể, trong quản lý Nhà nước các chính sách quan trọng đều cần được thảo luận và phản biện một cách khoa học trước khi ban hành và thực hiện để tránh phải trả giá vì những suy nghĩ lỗi thời. Trong kinh tế, cần có quy định chặt chẽ loại bỏ các phương thức kiếm lời theo lối hưởng chênh lệch giá, khai thác tài nguyên thông qua lợi ích nhóm bất chính, thay vào đó phải tạo ra động lực mạnh mẽ thông qua cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích tiến bộ KH&CN, sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Trong giáo dục, thay vì khuyến khích học sinh phải vâng lời và học thuộc lòng, cần đòi hỏi học sinh tò mò, đặt câu hỏi và học phương pháp suy nghĩ khoa học.

Trên thực tế, đã có những ví dụ tiên tiến về đổi mới và vận dụng KH&CN rất cần được phổ biến rộng rãi. Trong khi gần đây Hà Nội thí điểm để khoán xe công chín triệu đồng/tháng thì ở Đồng Tháp, đồng chí Bí thư từ nhiều năm nay đã lặng lẽ đi làm bằng xe máy, không cần xe biển xanh, tài xế và chi phí gì của ngân sách, sáng thứ bảy thân mật ngồi uống cà phê với doanh nhân để phát hiện và giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp – tỉnh Đồng Tháp đã đạt vị trí thứ hai về Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của 63 tỉnh, thành phố, hơn hẳn nhiều đơn vị “đàn anh” khác. Ở Trà Vinh, để giúp người nông dân làm nông nghiệp trong điều kiện xâm nhập mặn, doanh nghiệp Mỹ Lan đã sản xuất và đưa vào ứng dụng cảm biến đo độ mặn của nước sông và khởi động ngay máy bơm nước vào đồng ruộng khi độ mặn giảm xuống dưới mức cho phép.

Chúng ta còn cần rất nhiều những điển hình tiên tiến như vậy trong Nam ngoài Bắc để có thể tạo ra một cao trào Đổi Mới lần thứ hai. Bài học dám tìm tòi giải pháp mới, thực hiện thí điểm trong thực tế để cải cách thắng lợi của công cuộc Đổi Mới 1986 lại càng cần được đề cao và mở rộng hơn bao giờ hết trong bối cảnh cách mạnh công nghiệp và hội nhập quốc tế ngày nay.

 

Tác giả