Cải cách thể chế kinh tế, vĩ mô hay vi mô? (Phần II)

Việc cải cách thể chế kinh tế thực hiện như thế nào lại thuộc phương án lựa chọn tức chính sách, do nhà nước quyết định. Tuy nhiên thành công hay không, ở mức độ nào, tương lai ra sao, trớ trêu lại không tùy thuộc chủ quan của nhà nước mà phụ thuộc vào người thực hiện và thụ hưởng kết qủa của nó, tức người dân, lợi ích họ, trong cả chính sách vi mô lẫn vĩ mô, cả trong chuyển đổi mô hình kinh tế, lẫn xã hội, chính trị.

Khởi thủy và kết thúc một quy trình quyết sách. Trong nền kinh tế chỉ huy ở các nước XHCN trước đây, mọi quyết sách đều được khởi xướng từ cấp cao nhất dưới dạng nghị quyết, từ Đảng sang nhà nước, đoàn thể, ban hành xuống (điển hình như ở Liên Xô, các nước XNCN Đông Âu cũ với chính sách “quốc hữu hoá“, “xây dựng các tổ hợp“…, còn các nước qúa độ như ta thì “cải tạo công thương nghiệp tư nhân“, “thành lập công ty quốc doanh“, nằm trong “cách mạng quan hệ sản xuất“, “đóng vai trò mở đường“) kèm các phương thức quán triệt, thảo luận, học tập, triển khai tuần tự trên xuống bằng các quyết định hành chính mà không nhất thiết phải có văn bản lập pháp, tới từng người dân; hầu như không gặp trở ngại, phản đối gì từ trên xuống, từ trong Đảng, bộ máy nhà nước ra ngoài. Điều đó đúng với mô hình khoa học đã phân loại này, bởi phần do mô hình kinh tế hoàn toàn mới so với trước đó, chưa được kiểm nghiệm thực tế, phải sáng tạo thí điểm, phần do được  mặc định phục vụ lợi ích đồng đều cho tất cả, không ai sở hữu nhà máy, cổ phần, đất đai… để hơn ai như trong thực tế nền kinh tế thị trrường.

Quyết sách trong nền kinh tế thị trường quy trình diễn ra theo chiều ngược lại, bởi mô hình này đã có sẵn. Do gắn liền với thị trường, nên lợi ích bị phân hoá, thậm chí đối lập; cùng một chính sách, thị trường có thể sẽ phản ứng khác nhau, bất kể khu vực nhà nước hay tư nhân, có thể doanh nghiệp này lợi, phất, doanh nghiệp khác thiệt, phá sản, lao động nơi này chắc chắn, nơi khác mất việc… Vì vậy mọi chính sách kinh tế để được mọi người dân đóng vai trò chủ nhân đất nước xuất phát từ lợi ích chính họ khả dĩ chấp nhận được, đều phải khởi đầu từ việc đón bắt các tín hiệu của thị trường. Nhưng thị trường không đơn thuần là một cái chợ, nhà nước là chủ chợ, mà là cả một nền kinh tế liên quan tới toàn xã hội, đến mọi pháp nhân và cá nhân tham gia trong đó; tín hiệu thị trường chính là ý kiến, đòi hỏi của mọi tầng lớp nhân dân, tức xã hội dân sự, của mọi đảng phái theo đuổi những mục tiêu nhất quán nào đó, của các nhà khoa học nhìn nhận vấn đề dưới dạng quy luật, của bộ máy hành chính thực thi…, được cơ quan lập pháp đại diện đầy đủ cho mọi tầng lớp nhân dân, tập hợp nghiên cứu, xem xét, bàn cãi, thoả hiệp thành chính sách, tức vạch ra những mục tiêu, phương thức đạt được, biến nó thành văn bản lập pháp mới, hoặc sửa đổi các văn bản cũ, kết thúc một quy trình ban hành chính sách. Như vậy nhà nước không thể tự quyền (chỉ được làm những gì luật pháp cho phép), bộ máy hành chính (ở ta theo Hiến pháp đứng đầu là Thủ tướng)  không thể tự quyết, một khi chưa có văn bản lập pháp, hoặc chưa được văn bản đó ủy quyền. Vì vậy mọi chính sách chỉ có giá trị thi hành một khi được đưa vào văn bản lập pháp bằng các chuẩn mực quy tắc xử sự đong đo đếm được có chế tài, để buộc tất cả bộ máy nhà nước các cấp tự động thực thi, không cần mệnh lệnh hành chính vốn chỉ áp dụng trong nội bộ hệ thống hành chính.

Đặc trưng doanh nghiệp nhà nước hiện nay ở ta. Khác với doanh nghiệp nhà nước trong mô hình kinh tế thị trường, hoàn toàn độc lập chịu tác động của quy luật thị trường, cũng khác với trong mô hình kinh tế tập trung khối XHCN trước đây do cơ quan hành chính đóng vai trò cấp trên điều hành trực tiếp để hoàn thành kế hoạch nhà nước giao, doanh nghiệp trong mô hình thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở ta được điều chỉnh bằng “Luật Doanh nghiệp Nhà nước“ số 4/2003/QH11 thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI, ban hành ngày 26.11.2003. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước ta áp dụng hình thức tổ chức của các loại hình doanh nghiệp cơ bản trong nền kinh tế thị trường (trách nhiệm hữu hạn, cổ phần, tập đoàn, liên kết ngang, dọc, chéo…), nhờ đó có tư cách pháp nhân tương đương để tham gia vào nền kinh tế thị trường trong và ngoài nước. Về cơ bản, cũng không còn là nơi được phân bổ thực hiện kế hoạch kinh tế tổng thể từ trung ương đến điạ phương với các chỉ tiêu pháp lệnh từ kế hoạch doanh thu, tới kế hoạch nguyên vật liệu, vốn, trang thiết bị, lao động, qũy lương, trích lập khen thưởng… như trước đây, mà được tự chủ tương đối, gắn một phần lợi ích kinh tế với kết qủa kinh doanh. Điểm không thay đổi so với trước là vai trò quyết định của cơ quan hành chính với tư cách, “người quyết định thành lập công ty“; trong tổng số 95 Điều khoản, khái niệm “người quyết định thành lập công ty“ có mặt tại 23 vị trí, được coi là người quyết định trực tiếp hoặc cuối cùng như “tư lệnh“ đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp, nghĩa là doanh nghiệp vẫn là một bộ phận thuộc quyền cấp hành chính thành lập nó, đúng với mô hình kinh tế chỉ huy đã được khoa học phân loại. Tới văn bản lập quy, vai trò đó càng được cụ thể hoá hơn, điển hình như Nghị định 2010/NĐ-CP thành lập SCIC. Trong tổng cộng 79 điều của nghị định có tới 20 điều xác lập quyền và trách nhiệm điều hành của Thủ tướng. Tuy nhiên quyền quyết định của người quyết định thành lập công ty bị luật pháp giới hạn như thế nào và chịu trách nhiệm tới đâu đối với quyết định đó vốn là điều bắt buộc của một văn bản pháp lý thì bỏ ngỏ. Kết qủa, doanh nghiệp nhà nước hiện nay ở ta mang hình thức tổ chức của nền kinh tế thị trường, nhưng bản chất hoạt động vẫn thuộc mô hình cơ bản quản lý kinh tế tập trung, không một cá nhân nào chịu hoàn toàn trách nhiệm pháp lý (bị phạt tiền, phạt tù) đối với hoạt động của doanh nghiệp cùng hiệu qủa của nó.

Doanh nghiệp nhà nước ta hiện ở đâu trong nền kinh tế quốc dân và thế giới? Theo số liệu của Bộ Tài chính và Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương,  năm 2011 nước ta còn 1.039 DNNN. Trong giai đoạn 2006 – 2010, nó thu hút tới 45% tổng vốn đầu tư, nhưng chỉ tạo ra 25-27% GDP, cung cấp chừng 23% việc làm, đóng góp ngân sách 17,6% chỉ bằng 4/5 khu vực tư nhân vốn chỉ chiếm 28% tổng vốn đầu tư nhưng lại tạo ra tới 46% GDP.

Riêng các tập đoàn và tổng công ty nhà nước ở ta, lỗ luỹ kế hết năm 2011 lên tới 26.100 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả tính đến 30/10/2010 lên 1.088.290 tỷ đồng, gấp tới 1,67 lần vốn chủ sở hữu.
Tính riêng trong năm 2008, hiệu quả đầu tư của 56/91 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) dưới 15%, tức thấp hơn mặt bằng lãi suất năm đó là năm có chỉ số CPI trung bình lên tới 20%, nghĩa là thua lỗ. Tương tự, năm 2010 tỷ lệ ROE 16,5%, tương đương với lãi suất vay thương mại phổ biến trên thị trường năm ấy.

Xét trên bình diện thế giới, DNNN ở các nước công nghiệp, bình quân chỉ chiếm dưới 10% GDP, còn ở các nước đang phát triển trên 10%.

Từ các số liệu trên, về mặt lo gíc học dễ dàng suy ra, con đường cải cách thể chế kinh tế là giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu tập đoàn tổng công ty. Nhưng liệu kết quả có khắc phục nổi những yếu kém của doanh nghiệp nhà nước nói trên, khi nó hoạt động trong mô hình kinh tế  mới nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên bản chất như trong mô hình kinh tế cũ, ngay cả khi giả sử cả nước chỉ có 1 doanh nghiệp nhà nước ?

Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 – 2015” liệu mang tính chế tài? Được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2012, đề án có mục đích đảm bảo DNNN có cơ cấu hợp lý…  làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo… Đề án đưa ra 5 nhiệm vụ: – Phân loại doanh nghiệp theo tỷ lệ vốn nhà nước và thua lỗ để xử lý thích ứng… – Thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính… – Tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành lĩnh vực… – Tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty… – Hoàn thiện thể chế… Sáu giải pháp được đề cập gồm: – Quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Trung ương Đảng và kết luận của Bộ Chính trị… – Khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới DNNN của các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước… – Từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trình Đề án tái cơ cấu để phê duyệt trong Quý III năm 2012 và triển khai thực hiện… – Các Bộ quản lý ngành kinh tế kỹ thuật xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mình phụ trách trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… – Các Bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền thể chế, cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước… – Tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trong thực hiện tái cơ cấu, phương án sắp xếp, cổ phần hóa đã được phê duyệt… Đơn vị nào không thực hiện được phải kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, người chịu trách nhiệm và trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đề án đã được phê duyệt này không phải là một văn bản lập pháp, mà là một văn bản hành chính do người đứng đầu cơ quan hành chính ban hành, nên người thực hiện không phải chịu trách nhiệm pháp lý với kết qủa tái cơ cấu doanh nghiệp mà chỉ chịu trách nhiệm hành chính trước Chính phủ, Thủ tướng, tức kiểm điểm hoặc cùng lắm bị cách chức. Trong khi đó, bản chất của đề án này chính là tái cơ cấu doanh nghiệp bằng thể chế hoá, nghĩa là liên quan tới các văn bản lập pháp mang tính chế tài điều chỉnh mọi hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong mô hình kinh tế thị trường (như Luật doanh nghiệp nhà nước lẽ ra cần được sửa đổi).

“Điều hành kinh tế giống như chỉ huy một cuộc chiến“ ? Đó là giật tít bài phỏng vấn Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh của Báo Đầu Tư. Nó cho thấy trách nhiệm nặng nề, ý chí kiên quyết, biện pháp nhạy bén, linh hoạt, tư tưởng sẵn sàng đối đầu với khó khăn như trong cuộc chiến của Chính phủ cùng các thành viên. Tuy nhiên cũng từ đó về mặt khoa học kinh tế  lại đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết cả vĩ mô lẫn vi mô. Phó Thủ tướng cho rằng “Điều hành kinh tế cũng giống như chỉ huy cuộc chiến“, có nghĩa cơ quan hành chính vẫn điều hành trực tiếp doanh nghiệp như cấp dưới của họ trong mô hình kinh tế chỉ huy trước đây? “Kéo pháo vào rồi kéo pháo ra“ trong Điện Biên Phủ được Phó Thủ tướng viện dẫn để giải thích lý do tất yếu khi “nhập công ty biến thành tập đoàn“, rồi lại “tách tập đoàn thành công ty“ bị giới chuyên gia cho là “vòng luẩn quẩn“.

Thực tế trong nền kinh tế chỉ huy, nhà nước tách, nhập, giải thể doanh nghiệp đều hầu như không hạch toán kinh tế mà chỉ nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước, và hệ quả cũng chỉ liên quan tới lợi ích chung của nhà nước, không liên quan tới lợi ích chỉ riêng ai, và cũng không ai bị chế tài pháp lý khi chính sách phi kinh tế. Trong mô hình nền kinh tế thị trường, tách hay nhập hầu như không phụ thuộc ý chí chủ quan của nhà nước, mà là quá trình tự thân vận động mang tính đào thải, do chính bản thân doanh nghiệp đó quyết định. Mạnh thì “nuốt“ các doanh nghiệp khác để phình to có thể lên tới tập đoàn thậm chí đa quốc gia; yếu phá sản thì bị các doanh nghiệp khác nuốt. Nhà nước sáng suốt chỉ ở chỗ, hỗ trợ tài chính, tạo hành lang pháp lý với chế tài thích ứng để quá trình đào thải phát triển đó minh bạch và công bằng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên lo ngại, “nếu quá thận trọng trong thoái vốn… thì tiến trình tái cơ cấu khó có thể tiến nhanh được? Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trả lời “Nhà nước cũng phải chấp nhận có lúc được, lúc thua“. “Nếu thấy, trong tương lai, trị giá cổ phần nhà nước ở doanh nghiệp nào đó có khả năng tăng, thì có thể đầu tư lâu dài hơn, chứ chưa nhất thiết phải bán ngay“. Câu hỏi đặt ra, ai là người “nếu thấy“ và cá nhân họ phải chịu tránh nhiệm gì, nếu  cái “thấy “ của họ “ngắn“ hoặc sai? Tức liên quan tới năng lực kinh doanh vốn không phải giáo sư, tiến sỹ, chính khách, quan chức nào cũng có. Đó là một nghề cần năng khiếu như tài tử, đòi hỏi mạo hiểm, chấp nhận rủi ro, trả giá bằng tài sản của chính cá nhân mình; trong khi “hành chính“ là một nghề của công chức, và cũng không có khả năng trả giá đó. Vậy, liệu có nên để cơ quan hành chính trực tiếp kinh doanh (ngôn ngữ dân gian gọi là “đi buôn“ hay thậm chí “đánh bạc“) như thế, hay chỉ cần ký hợp đồng thuê giám đốc tài năng điều hành doanh nghiệp nhà nước và chịu chế tài với kết qủa hoạt động của nó, như trường hợp Jeffrey Skilling Tổng Giám đốc tại vị phải bồi thường tới 45 triệu đô la khi tập đoàn Enron Mỹ phá sản ?  Hay như năm 2010, Chính phủ Tiểu bang Sachsen Đức đã đòi Cựu Ban Giám đốc 8 thành viên của ngân hàng Sachsen LB thuộc sở hữu Tiểu bang, phải bồi thường 60 triệu Euro vì đã để ngân hàng này vào thế phá sản vào tháng 8.2007, mặc dù họ không hề tham nhũng vụ lợi.

(Còn tiếp)

Tác giả