Cân bằng của tự nhiên

Tất cả những ước muốn đổi thay hay kiến tạo của con người, dù động cơ có tốt đẹp đến mấy, thì đều bị kiểm chứng khắt khe bởi “luật cân bằng” của tạo hóa, và có tồn tại bền vững hay không là tùy thuộc vào sự phù hợp với “luật cân bằng” của tạo hóa đến đâu.

Tất cả chúng ta đều mong muốn một xã hội công bằng và có quy củ, nhưng trong tự nhiên cũng như xã hội, các quần thể bao giờ cũng được điều chỉnh bởi “luật tối ưu” cục bộ và tính cộng sinh cục bộ. Dường như tạo hóa được chi phối bởi “luật cân bằng”, và sự cân bằng của tạo hóa đôi khi chống lại cái mong muốn công bằng và quy củ của con người. Như những gì mà loài người đã trải qua, tất cả những ước muốn đổi thay, hay kiến tạo của con người, dù động cơ có tốt đẹp đến mấy, thì đều bị kiểm chứng khắt khe bởi “luật cân bằng” của tạo hóa, và có tồn tại bền vững hay không là tùy thuộc vào sự phù hợp với “luật cân bằng” của tạo hóa đến đâu.     

Xin kể lại một câu chuyện có thật, đã xảy ra ở một trường cấp 3 mà sau này đã bị giải thể. Ngày ấy vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ông hiệu trưởng của trường đó, rất muốn xây dựng trường thành một trường điểm. Vì vậy, ông ta quản giáo viên rất chặt, thậm chí không muốn giáo viên làm thêm bất cứ việc gì, tất nhiên trong đó có cả việc dạy thêm. Nhưng trớ trêu thay, không ai trong trường, bao gồm cả ông hiệu trưởng, sống được bằng lương. Kết cục là ở đó người ta gầm ghè nhau suốt ngày, đơn kiện lên sở liên tục về chuyện này chuyện kia. Các thầy cô khổ quá nên chỉ đứng lớp giảng bài cho xong giờ khiến chất lượng giảng dạy của trường rất thấp, thậm chí còn xuất hiện tệ nạn trò hối lộ thầy để xin điểm. Thế rồi một lần, ông bị một giáo viên, bắt tận tay, cùng với người làm chứng, vi cái tội, ông đã mang 2 bao xi-măng mà ông ăn bớt, từ việc xây dựng trường về nhà mình, thế là ông bị mất chức. Cái sự ông bị trả giá chỉ là chuyện nhỏ, nhưng cái điều đáng bàn ở đây, chính là cái luật sinh tồn-tính cân bằng của tạo hóa đã bị người ta phá vỡ. Hình như ông đã xây dựng trường theo một quy củ-đúng quy chế, nhưng ông đã đi ngược  lại cái “luật cân bằng”  của tạo hóa!?

Ngày nay không phải đa số không muốn thay đổi, không muốn làm lại, để đất nước khá hơn. Nhưng tại sao nhận thức thì như thế, mà khó làm đến thế ?! Mặc dù các cách lý giải cho nghịch lý này vốn đã quá nhiều, nhưng có lẽ thử bình tâm nhìn lại một chút về đội ngũ hưởng lương trong khu vực công từ xưa đến nay, sẽ có cái nhìn thực tế hơn chăng?

Số đông trong một thời gian quá dài đồng lương không đủ sống, gần như cả một xã hội công chức như thế. Nhưng cuộc sống vẫn phải đi lên, vẫn phải sống! Và không ai bảo ai, phải lăn vào kiếm tiền, để thoát nheo nhóc… Mỗi một cá nhân công chức, đã phải mưu sinh trong hai thế giới, một thế giới cơ quan với đồng lương nhà nước, và một thế giới ngoài cơ quan với thu nhập không công khai. Mọi người đều phải thế, nhà nhà đều phải thế. Hơn thế nữa, dường như hai cái thế giới này hỗ trợ cho nhau. Người ta còn có thể chấp nhận làm việc tại cơ quan, là nhờ những đồng tiền kiếm được từ bên ngoài. Ngược lại chỗ đứng ở cơ quan, cũng tạo cho họ một cái thế nhất định với thế giới bên ngoài. Cuộc sống cứ thế kéo dài, đại đa số người ta làm công việc cơ quan chỉ mang tính chất đối phó, nghĩa vụ, giữ chân, và tạo thế cho mình. Một thực trạng kéo dài như vậy, và người ta phải vui vẻ chấp nhận-thích ứng, vả lại không chấp nhận thì cũng chẳng làm gì khác được. Rằng đó là một kiểu “cân bằng tự nhiên” cục bộ trong các cơ quan. Tất nhiên cái thích ứng với không gian đó, sẽ được thể hiện dưới dạng tối ưu: “tiền nào của ấy”,  hay “khó người khó ta”, chẳng ai bảo ai, người ta theo nhau, học nhau, biết điều mà sống(!)  

Không phải không có người không biết trăn trở, mong mỏi, có một giải pháp hữu hiệu nào đó, để tiến lên phía trước, để không bị sa chân vào cái bẫy thu nhập trung bình của thế giới, hoặc chí ít xã hội cũng bớt đi tiêu cực, hay xuống cấp về đạo đức.  Dân gian có thơ rằng:

Của bụt mất một đền mười 
Bụt hãy còn cười, bụt chả lấy cho.”

Không biết chúng ta đã lấy đi cái gì của bụt, mà loay hoay không sao trả được, để mong ngài đại xá(?) Cũng như con người đã lấy đi màu xanh của rừng, cướp đi không gian sinh tồn của bao loài, để đến hôm nay, chính con người đang bị trả giá, bởi sự nổi giận của thiên nhiên. “Cái gì của Ceasar thì trả lại cho Ceasar“, âu cũng là lời nhắc nhở người ta nhiều điều. Và phải chăng khoán 10, ruộng đất trả lại cho nông dân, cũng chính là cái điều người ta trả lại tự nhiên cái vốn dĩ của nó, để đã làm nên một bứt phá ngoạn mục trong nông nghiệp. Nhưng dường như để giữ được sự thăng bằng, bình thường theo dòng chảy của tạo hóa, nhân loại luôn bị trả giá từ những điều bất bình thường, bất tự nhiên, xuất hiện thường trực. Và hơn thế nữa, chính trong cái không gian bất cân bằng cục bộ đó, cũng tạo nên một cộng đồng thích ứng, chưa kể những tầng lớp thành đạt-hưởng lợi từ nó, vì thế sự đổi thay luôn là những thách thức to lớn đối với con người.

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)