Cần nhiều não cho một nền công nghiệp nông nghiệp

Có lần ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT công ty gốm sứ Minh Long, lấy làm tiếc: “Việt Nam toàn món ăn ngon, nhưng không đóng gói được.” Ông nêu ví dụ như cá lóc nướng trui.


Bà Võ Thị Cúc (ấp Long Trị, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh) đã mày mò để biến trái bần hoang dã thành đặc sản (bột lẩu và mứt) bán trong và ngoài nước.

Quả thật, ẩm thực Việt Nam là một thế mạnh, rất mạnh. Nhưng trừ những người đã đến Việt Nam, chẳng mấy ai biết đến cái thế mạnh ấy. Người trong nước cũng chẳng thể đem cái thế mạnh ấy ra ngoài nước. Nhiều người nói: “Đấy là chuyện thiếu não”. Nhưng lại có người đặt ra vấn đề: “Đóng gói rồi biết bán cho ai?”

Trong khi đó, người Nhật lại quan tâm đến một số cái ngon trong ẩm thực Việt Nam, và họ đem những cái ngon ấy “đóng gói” để lưu thông trên chính thị trường của họ. Ông Nguyễn Phụng Hoàng, cháu nội bà Giáo Khỏe, người dựng thương hiệu mắm nổi tiếng ở kinh đô mắm Châu Đốc, cho biết: “Người Nhật đã đạt được công nghệ biến nước mắm thành một loại gel và đóng vào ống giống như wasabi-mù tạt. Khi ăn chỉ cần nặn ra và pha với nước là có được thứ nước mắm đạt 90% so với nước mắm thật.” Nghe đến đó tôi lặng người. Nên chuyện thừa tiến sĩ mà thiếu não rõ ràng không sai. Hiện nay, qua hợp tác làm ăn với Nhật, công ty của ông Hoàng cũng có những sản phẩm mắm chưng dưới dạng bột đóng gói.

Chẳng là người miền Tây và dân Sài Gòn thường rất hảo mắm chưng – dùng con mắm bằm hoặc xắt hột lựu, đem trộn với trứng, thịt, nấm mèo, hành hoặc củ nén bằm rồi đem hấp cách thủy. Con mắm mỗi lần muốn ăn phải cất công ra chợ. Có khi có loại này mà không có loại kia, trong khi muốn món mắm chưng ngon phải có một vài loại mắm như mắm sặt, mắm trèn, mắm lóc. Hiện nay, người Nhật đã giúp cho công ty ông Hoàng và Viện nghiên cứu thủy sản II sản xuất con mắm dưới dạng bột, chỉ cần cho các thứ trứng, thịt, v.v. vào là có thể chưng. Nhưng chuyện đóng gói này mới nửa vời. Làm sao có thể đóng gói toàn bộ một chén mắm chưng, lúc đó mới có thể tính đến bán hàng trên amazon.com.

Dưa chua Hàn Quốc, sushi Nhật đều có bán trên amazon.com, nhưng đặc sản ẩm thực – thế mạnh địa phương của Việt Nam còn chưa được ngành tiếp thị địa phương vực lên và bán cái tinh hoa, thay vì chạy theo số lượng bán gạo thô với một giá rất bèo. Kiểu xuất khẩu gạo với sản lượng cao vượt bậc chỉ là bóc lột tài nguyên của đất mà không tính thứ tài nguyên ấy vào vốn. Chỉ là hủy hoại môi trường.

Những cái não làm chính sách lại gây ngăn trở cho những người sản xuất gạo ngon, tính chuyện làm thương hiệu gạo Việt và xuất khẩu. Điều kiện chính sách hiện nay đã giết chết thương hiệu gạo do những công ty nhỏ và vừa xây dựng.

Từ thời Tây còn ở miền Nam, nhà văn Sơn Nam đã nói đến chuyện bên Tây đã thuộc được da rắn ri voi. Có một má chín (comprador) từ Singapore sang Việt Nam tìm xuống Gò Quao, Kiên Giang mua da rắn. Đến nay rắn ri voi chưa được nuôi rộng rãi vì chưa ai tính đến việc thuộc da chúng để đẩy giá rắn lên đủ lời khuyến khích người dân nuôi. Vừa bán thịt, vừa bán da. Nhờ da rắn ri voi có thể phát triển ngành công nghiệp thời trang phụ trợ.

Nói chung, Việt Nam chỉ có thể mạnh lên từ nông nghiệp bằng cách động não phát triển công nghệ nông nghiệp và mở ra một viễn cảnh mới – chất lượng thay vì số lượng – của một ngành công nghiệp nông nghiệp.

Chúng ta không thể sản xuất gà công nghiệp với giá thành thấp bằng nông dân Mỹ, thế mạnh chúng ta là động não để phục tráng các giống gà như gà kiến chẳng hạn – con gà còn giữ được ít nhiều gene của gà rừng, thịt ngon. Những con gà được nuôi theo quy mô nhỏ, “bán thâm canh” để chúng sống nhiều chất tự nhiên hơn. Rồi bán với giá cao hơn gà công nghiệp. Vì con gà đã được nuôi dưỡng trong môi trường tự nhiên, ngày càng ít và có thể ngưng hẳn việc sử dụng kháng sinh. Những điều đó cũng đòi hỏi não tính toán.

Cũng thế chúng ta không thể sản xuất thịt heo, thịt bò với giá thấp hơn các nước phương Tây. Hiện nay loại này đang nhập ồ ạt vào Việt Nam. Kể cả thịt trâu nhập từ Ấn Độ được ghi thịt bò bán với giá gian lận thương mại. Nông dân Việt Nam không thể nuôi con heo con bò cạnh tranh với thịt ngoại nữa rồi. Chỉ còn con đường duy nhất là tuyển lại các giống heo, bò ngon, sức đề kháng mạnh, đưa vào nuôi trên những vùng xa, vùng cao, cách xa các khu dân cư. Đó là một thị trường ngách của heo sạch, bò sạch.

Một chủ quán bán thức ăn tây trên đường Lê Thị Riêng nói với tôi rằng, Tây rất khoái ăn thịt bò Việt Nam, vì thịt bò ta đặc biệt thơm mùi sữa. Đó là một ưu điểm cần tận dụng khai thác.

Về giáo dục, rất ít học sinh được định hướng để đi vào ngành công nghiệp nông nghiệp đang là xu hướng có thể sống còn của kinh tế nước Việt.

Hiện nay, may mắn là ở miền Tây, với sự năng động của nông dân trước thời tiết biến đổi, hạn hán nhiều, nước bị chặn nguồn, diện tích lúa đang được giảm xuống để chuyển qua xen canh kiểu lúa-tôm, lúa-sen. Các giống lúa chịu mặn cũng đang được nghiên cứu thử nghiệm. Các hệ thống quan trắc nước mặn và hệ thống công nghệ canh tác ướt khô xen kẽ đã được thiết kế để giảm phát thải khí nhà kính và dữ liệu được tải lên đám mây với sự trợ giúp của internet of things, người dân mua dịch vụ chỉ cần chạy một ứng dụng trên SmartPhone là có thể biết được độ mặn.

Đặc biệt, là xu hướng sản xuất sạch và minh bạch, có thể truy cập nguồn gốc đang nổi lên để thích ứng với sự chọn lựa của người tiêu dùng và nuôi dưỡng lại môi trường.

Philip Kotler cũng thừa nhận về ẩm thực Việt Nam. Bệ đỡ của ẩm thực là nông nghiệp. Tăng hàm lượng công nghệ để gia tăng giá trị sản vật sau thu hoạch, và đóng gói, mới có thể biến Việt Nam thành “nhà bếp của thế giới” như nhận định của vua tiếp thị Kotler.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)