Cảng biển Trà Vinh: Mấy vấn đề cần quan tâm

Cảng biển Trà Vinh được xây dựng nhằm phục vụ việc nhập than cho Trung tâm nhiệt điện Trà Vinh với tổng công suất thiết kế 4200 MW. Trung tâm tọa lạc tại ấp Mù U và Láng Cháo, thuộc xã Dân Thành và một phần ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải.

Những chiếc tàu tải trọng lớn đầu tiên đi vào luồng kênh Tắt đến kênh Quan Chánh Bố để ra sông Hậu. Nguồn: Báo Đồng Tháp.

Ban đầu hai kè của cảng được thiết kế độc lập với hai kè bảo vệ luồng tàu biển vào ra của dự án Kênh Tắt + Kênh Quan Chánh Bố trổ ra sông Hậu. Sau đó, hai dự án hợp nhất các kè bảo vệ vừa Cảng biển vừa luông tầu kênh Tắt.

Kè Bắc và kè Nam đã hoàn thành. Biên của cảng đã cơ bản được định hình từ đầu năm 2016. Cảng đã bắt đầu phục vụ việc nhập than.

Theo dõi để đánh giá tác động của cảng lên đường bờ biển của Trà Vinh và các tỉnh lân cận, và diễn biến bên trong cảng, là một nhiệm vụ vừa dài hạn vừa trước mắt, cực kỳ quan trọng đối với sự tồn tại bền vững của cảng và của huyện Duyên Hải nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.  

Ảnh vệ tinh tập hợp được từ năm 2016 đến đầu năm 2017 cung cấp một số thông tin rất bổ ích cho nhiệm vụ này, nhất là các vấn đề bên trong cảng cần quan tâm.

Kênh Tắt được thông luồng ngày 20.01.2016 và là nguồn chính đưa nước sông Hậu vào cảng. Ảnh vệ tinh (Hình 1) cho thấy hàm lượng bùn cát theo Kênh Tắt đổ vào và lan tỏa trong cảng ngày 18.04.2016 khi triều xuống (trái). Màu hàm lượng tương phản khá rõ trong ảnh. Khi triều lên ngày 10.04.2016 (phải), màu nước “pha chè” thể hiện dòng chảy và sự vận chuyển trầm tích khá phức tạp bên trong cảng.

Hình 1.Ảnh vệ tinh VNREDSAT 1 tháng 4.2016

Hình 2. Ảnh vệ tinh LANDSAT 8 tháng 1 và tháng 2.2017

Hàm lượng trầm tích trong cảng tùy thuộc vào triều và vào mùa khô hay mùa mưa. Nhìn chung qua 4 ảnh vệ tinh (hình 1hình 2) một năm sau khi thông luồng Kênh Tắt, hàm lượng này trong nước bên trong cảng có chiều hướng tăng. Điều này cần được xác nhận bằng số liệu đo đạc.

Trong ảnh vệ tinh Landsat 8 ngày 14.02.2017, (hình 3), A, B và C là vị trí nơi QL53, TL913, và đường quốc phòng đã bị Kênh Tắt cắt đứt. A, B và C trước đây nằm trên 3 giồng trong hệ thống giồng biển được hình thành trong quá trình Trà Vinh tiến ra biển.

Kè Nam là kè của Kênh Tắt. Kè gần như đi cặp với luồng Kênh Tắt ra tới cửa của cảng. Độ sâu của luồng theo thiết kế là -6,5 mét. Kè Bắc, cong, gồm có 4 đoạn. Từ cửa biển vào đất liền là các đoạn được chúng tôi đánh số 1, 2, 34 để tiện theo dõi.

Vùng 5 là nơi tàu cập bến để đổ than. Một cầu cảng đã đi vào hoạt động. Đang hoàn tất cầu cảng thứ hai. Cảng đang được nạo vét sâu -9,5 mét để tàu 50 ngàn tấn có thể vào, đồng thời phải đủ rộng để các tàu than xoay đầu. Vùng 6 là vùng cửa cảng thông ra biển. Vùng 7 là nơi giao thoa dòng chảy và trầm tích trong cảng.

Hình 3. Toàn cảnh Cảng biển Trà Vinh (Ảnh Lamdsat 8 14.02.2017)

Ảnh vệ tinh trông rõ Cảng biển Trà Vinh thời gian gần đây nhất là ảnh Landsat 8, chụp ngày 14.02.2017, lúc 03:13:55 GMT, tọa độ ảnh 10.17365, 106.00220.

Tháng 2.2017 là tháng có triều cường cộng thêm gió chướng tốc độ khá cao. Sóng đánh vào kè Bắc rất mạnh. (xem ảnh trích từ video).

Hình 4. Sóng vỗ từ hai phía vào đoạn kè 2 (ảnh trích từ video ngày 28.02.2017)

Dòng chảy từ biển vào cảng chia thành 2 hướng. Một hướng đi thẳng dọc theo kè Nam và tắt dần vì dòng chảy từ Kênh Tắt đổ ra. Hướng thứ hai rẽ phải đi về hướng cầu cảng rồi bẽ cong hướng sang đoạn 2 và vỗ vào kè. Phía ngoài đoạn 2, sóng vỗ vào kè. Ảnh vệ tinh và hình từ video cho thấy sóng vỗ vào đoạn 2 từ hai phía.

Đoạn 3 xuôi theo hướng sóng, có độ sáng thấp nhất trong 4 đoạn. Đoạn 4 chỉ có sóng vỗ kè từ phía bên ngoài. Chú ý vùng sóng vỡ ở góc bên ngoài đoạn 4. (H.5).

Hình 5. Dòng chảy biển vào cửa Cảng (trái) và sóng vỗ vào đoạn 4 của kè (phải)

Từ các lần đi khảo sát thực địa và thông tin mà các ảnh vệ tinh trong hai năm 2016, 2017 cung cấp về Cảng biểnTrà Vinh, theo chúng tôi cần làm rõ mấy vấn đề dưới đây.

1) Một lý do cơ bản để Dự án luồng Kênh Tắt + Kênh Quan Chánh Bố được duyệt là luồng này không phải nạo vét hàng năm như phải giải quyết rất tốn kém với luồng tự nhiên Định An. Như đã nói ở đầu bài viết, tình hình tích tụ bùn cát trong cảng, đặc biệt ở cửa vào cảng, và dọc Kênh Tắt cần được theo dõi và định lượng.

Tốc độ gió đo được ngày 28.2.2017

(2) Bài toán cốt lõi cần giải một cách đầy đủ: sự giao thoa sông (đến từ Kênh Tắt) – biển (qua cửa của cảng), không gian của cảng không rộng, địa hình đáy rất lồi lõm do đã bị nạo vét trước đây (để tôn nền các nhà máy điện) và hiện nay do yêu cầu của cảng, hướng và tốc độ gió theo mùa, …

Kết quả tính toán cần làm rõ sự vận chuyển và lắng đọng bùn cát, các lực tác động lên hai kè, đặc biệt lên kè Bắc.

(3) Đoạn 2 của kè Bắc chịu tác động của sóng từ bên ngoài và từ bên trong trên hai phân đoạn khác nhau vào mùa gió chướng cộng với triều cường. Ảnh vệ tinh ngày 14.02.2017 là một minh chứng. Hiện tượng sóng vỗ vào đoạn từ bên trong cũng được nhận thấy, ở một mức độ yếu hơn, trong ảnh vệ tinh Landsat 8, ngày 29.01. 2017 (hình 2, trái). Cần định lượng sự tác động này để có biện pháp gia cố nếu cần. 

(4) Trong Vùng 5, có chỗ sẽ được đào sâu đến 9,5 mét. Nếu vùng sâu này tiếp cận sát các đoạn 4, 3 của kè Bắc, sự ổn định của kè này sẽ ra sao, nhớ rằng kè còn chịu một tác động lớn của sóng từ bên ngoài mỗi lúc có triều cường trùng hợp với gió chướng 1. Do vậy, việc đào sâu vùng 5 và luồng tàu 50.000 tấn cập cảng cần được khảo sát và luận chứng kỹ.

(5) Tất cả các vấn đề trên đây phải tính đến yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Những tình huống cực đoan sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên với cường độ ngày càng mạnh.

(6) Trước quyết định hợp nhất kè chắn cát của dự án Luồng vào sông Hậu qua Kênh Tắt + Kênh Quan Chánh Bố với kè chắn sóng của Cảng biển Trà Vinh, và đề nghị của Chính phủ với uốc hội, tăng vốn cho dự án Kênh Quan Chánh Bố từ 3.148,5 tỷ đồng lên 10.319,2 tỷ đồng, ngày 14/11/2013 tôi đã có văn bản gửi tới Quốc hội 2 kiến nghị:

(a) Quốc hội cần yêu cầu xác định rõ cơ chế tài chính trong mô hình kết hợp này giữa một dự án đầu tư của một doanh nghiệp (cho dù là doanh nghiệp nhà nước) với một dự án sử dụng ngân sách nhà nước, và những hệ lụy về mặt tài chính và ngân sách;

(b) Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ có một báo cáo tác đông môi trường mới của công trình mới gồm cảng biển với đê chắn sóng về phía Bắc kết hợp với Kênh tắt và đầu ra với đê chắn sóng phía Nam. Báo cáo tác động môi trường mới này phải được phê duyệt đúng theo Điều 21, khoản 7 của Luật bảo vệ môi trường.

Tại kỳ họp thứ 6 khóa XIII tháng 11.2013, Quốc hội đã chấp nhận tăng vốn cho dự án kênh QCB từ 3.148,5 tỷ đồng lên 9.000 tỷ đồng. Về hai kiến nghị trên đây, cho tới nay tôi chưa được hồi âm.

 

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)