Càng đi xa càng tốt

Người Trung Hoa có câu: Cơ tử sự tiểu. Thất tiết sự đại, nghĩa là: Chết đói là việc nhỏ. Thất tiết mới là việc lớn. Người Việt có câu : Giấy rách giữ lấy lề, cũng đều là nói đối với con người giữ gìn nhân cách quan trọng hơn là miếng cơm manh áo. Đối với người ngày xưa, khi làm bất cứ việc gì, khía cạnh kinh tế được xem xét cuối cùng, khía cạnh văn hóa được chú trọng đầu tiên, nhất là văn hóa của một cộng đồng, trong đó là sự thống nhất của các mặt triết học, tôn giáo và nghệ thuật. Mỗi một sản phẩm dù đơn giản như một chiếc chõng tre, cầu kỳ như một hương án thờ cúng cũng mang tinh thần này, cho nên xã hội nông nghiệp cổ, dù thu nhập không cao, tích lũy xã hội không lớn, nhưng là một xã hội có tính văn hóa phổ quát.

Sự tan rã dần dà của văn hóa nông thôn cổ bắt đầu từ những cuộc chống mê tín dị đoan thái quá dẫn đến phá hủy nhiều công trình kiến trúc và nghệ thuật truyền thống, tới mức sau hai cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20, di sản văn hóa truyền thống do khí hậu, chiến tranh, triệt hạ chỉ còn 1/3, trong đó cũng chỉ còn rất ít nguyên vẹn. Sự thay đổi lối sống và cơ chế sản xuất là bước thứ hai, những sinh hoạt dân gian cũ thay đổi văn hóa phi vật thể dân gian (như Quan họ, dân ca, hò vè) không tiếp tục sản sinh nữa, trong khi ngôi nhà văn hóa mới không hình thành, hoặc nếu có thì rất mờ nhạt. Công cuộc Đổi mới có ảnh hưởng tích cực đến đời sống nông thôn, như các chương trình bỏ ngăn sông cấm chợ, khiến hàng hóa được lưu thông, cắt giảm thuế nông nghiệp và khoán sản phẩm khiến năng xuất tăng vọt, nông thôn thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo. Tiếp sau đó là những dự án đưa công nghiệp về nông thôn, thiếu những quy hoạch, làm cho đất nông nghiệp giảm đi đáng kể, nông dân mất đất bất đắc dĩ trở thành thị dân thất nghiệp, tham nhũng từ tiền đền bù đến đất đai, thậm chí cả bao thầu đường giao thông, làm tan nát cả lòng người về ngôi làng đẹp đẽ ngàn đời và tạo ra một môi trường ô nhiễm toàn cảnh, cũng như sự suy thoái về đạo đức. Trong bước đi hiện tại nông thôn đang đô thị hóa với một chất lượng sống rất thấp dù tốn kém.

 
Tranh Nguyễn  Văn Cường

Trong quá trình đô thị hóa, dù là thích thú hay bắt buộc, nông thôn luôn nhìn ra thành phố bắt chước các kiểu thức và các phương tiện hiện đại. Họ có nhà cao cửa rộng mình cũng xây nhà cao cửa rộng, họ có xe máy, ô tô mình cũng mua xe máy, ô tô . Sự rượt đuổi thành phố không hẳn là nhu cầu của người già, nhưng thanh niên không hề ngần ngại từ bỏ hoàn toàn nền văn minh vật chất cổ truyền có sẵn trong làng xã đổi lấy một thứ gọi là văn minh công nghiệp, kết quả là tượng Phật, gốm Lý Trần, chuông đồng khánh đá, hoành phi câu đối cổ, sắc phong… và cả cối đá, cối xay quây tre, cối giã gạo đòn dài, cày bừa, gặt hái…cái thì rơi vào tay bọn buôn đồ cổ, cái thì vứt bỏ không thương tiếc, và đổi lấy nào là xe công nông, xe máy Tàu, bàn ghế nhựa, đồ gỗ Đồng Kỵ, bát đĩa Trung Quốc. Tức là cái mà nông thôn mất đi đều là báu vật đồ cổ và những nông cụ tiêu biểu cho một nền sản xuất nông nghiệp ngàn đời, và cái đem về đều là những sản phẩm công nghiệp vừa tồi vừa phi văn hóa tính. Đương nhiên trong xã hội hiện đại, không thể không cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cũng như làm cho đời sống nhà nông tốt hơn. Nhưng kinh tế nông thôn từ sau Đổi mới đến nay, mới thoát ra cảnh thiếu ăn thiếu mặc, chưa có tiềm lực thực sự để nâng cấp đời sống tương xứng với sự hiện đại hóa nông thôn, hơn nữa quá trình này người ta xếp ra ngoài vai trò của văn hóa, và hiện đại hóa ở mức độ chất lượng thấp. Tức là nông thôn cũng có đủ các thứ như đời sống thành thị, nhưng chất lượng phương tiện và hàng hóa kém hơn nhiều bậc. Đó là xe máy rẻ nhưng độ bền và độ an toàn kém, chỉ cần một lần va chạm là toi cả xe lẫn người, đường dây điện rẻ tiền dễ cháy, chóng hỏng, thép, xi măng và gạch loại tồi nhà dễ nứt dễ lún, xe công nông tự tạo hệ số an toàn kém, túi ni lông quá mỏng đi chợ về đến nhà đã rách…Đánh hơi thấy một thị trường rộng lớn, nhưng thích giá rẻ, người Tàu đã nhanh chóng đáp ứng mọi nhu cầu của người nông dân Việt Nam từ máy móc nông nghiệp, đồ điện tử cho đến hàng tiêu dùng hằng ngày, cũng như mọi chất hóa học dễ dùng như thuốc tăng trọng cho động thực vật, men rượu nấu nhanh, thuốc sâu . Thị trường này thu hút rất nhiều cửu vạn lên cửa khẩu và buôn bán lẻ từ biên giới về mọi vùng nông thôn, làm tê liệt những ngành khoa học cho nông nghiệp trong nước đến mức trong con mắt người nông dân các kỹ sư nông nghiệp không có giá trị gì. Phần còn lại những tổ hợp sản xuất nông thôn làm nốt, đó là sữa đậu nành đóng chai, bia, Cô ca cô la rởm, bánh kẹo tạp nham và vô vàn mặt hàng nội địa khác đều không có nguồn gốc nhãn mác và hạn sử dụng. Hằng năm ở mỗi địa phương cấp xã hay cấp thôn có thể có đến hàng chục vụ tại nạn giao thông và tai nạn sản xuất một phần lý do do phương tiện kém an toàn, có hàng chục người chết vì ung thư và nhiều bệnh khác như viêm gan và suy hô hấp do thực phẩm có nhiều chất tăng trọng và bảo quản. Đời sống vật chất nông thôn ở nhiều vùng nếu nhìn bề ngoài thì thật no ấm dư dật, nhưng nếu nhìn toàn cảnh là một bức tranh xám xịt đáng liên hồi báo động.
Ý thức được phần nào vấn đề này, nông dân có những cách giải quyết cục bộ. Một mặt họ tiếp tục nuôi trồng theo phương pháp hiện đại và tắm tưới bằng đủ các loại hóa chất cho những nông sản bán đi, đặc biệt là đưa ra thành thị. Mặt khác họ làm vườn rau sạch riêng trong nhà và nuôi vài lợn gà theo truyền thống, chỉ để cho gia đình. Riêng có ô nhiễm nguồn nước và không khí cả làng thì đành bó tay. Đối với thế hệ trẻ thì bằng mọi cách xuất khẩu nhân lực ra xã hội, càng đi xa càng tốt. Và cuối cùng chính các thành phố đang chịu sức ép từ nông thôn khi nó phải tiêu thụ nông sản chứa đầy chất độc hại và lực lượng lao động dư thừa tràn ra thành phố.
 
Một cuộc tổng kiểm kê nông thôn là cần thiết, nhằm xác định các giá trị văn hóa, tinh thần hữu ích khả dĩ loại bỏ hủ tục, định ra một phương án nông thôn hiện đại, một kết cấu làng xã mở hoán chỉnh lần thứ hai, như sự thành công của cơ cấu làng xã lần thứ nhất trong thế kỷ 16 ít nhất đã bền vững 400 năm. Ngay trong số sách văn hóa nghệ thuật đã xuất bản, di vật văn minh vật chất Việt Nam trong các bảo tàng đến 99% có nguồn gốc nông thôn. Văn hóa Việt chính là văn hóa làng, một tế bào độc lập từng có bầu trời riêng, chung đúc văn minh Việt ở phương thức trồng lúa nước cùng tinh thần tam giáo hiện thực. Quá trình này không đơn giản, chỉ có sức thức tỉnh kiên trì để người nông dân tự ý thức vai trò nền tảng dân tộc của mình. Nơi đã từng sinh ra Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hải Thượng Lãn Ông, chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương. Nơi từng là hình ảnh sống động của Nho- Lão-Phật, mãi mãi là cố hương, cố nhân cho mỗi người Việt

Phan Cẩm Thượng

Tác giả