Câu chuyện melamine và rủi ro trong xã hội hiện đại

Các giới chức y tế nước ta đang tập trung nhân lực vào việc phát hiện melamine trong sữa. Thông tin này làm cho công chúng hoang mang và thắc mắc là trẻ em có nên uống sữa hay không. Ngay cả Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đích thân đến siêu thị để xem xét sữa xem có bị pha trộn melamine hay không.

Theo báo chí, Việt Nam đã có 18 hiệu sữa được phát hiện hàm chứa melamine, còn trên thế giới đã có hơn 35 sữa bột có vết melamine.

Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng không phải chỉ sữa mới bị pha trộn melamine; còn nhiều thực phẩm nữa cũng đã được phát hiện hàm chứa melamine. Danh sách mà các sản phẩm và thức ăn hàm chứa melamine rất dài, kể cả:

    * Các giới chức ở Hồng Kông cho biết họ phát hiện vết melamine trong bánh gạo rang giòn (cereals and crackers) cho trẻ em do một công ty của Trung Quốc sản xuất. Ngoài ra, melamine còn tìm thấy trong bánh kem do Trung Quốc sản xuất;
    * Bánh biscuit cũng chứa melamine ở Hà Lan;
    * Cà phê hiệu Brown;
    * Trà bán trong siêu thị Unilever, thậm chí kẹo chocolate nổi tiếng Cadbury cũng chứa melamine đã được tìm thấy ở Hồng Kông;
    * Hai loại bánh “snacks” hiệu Ritz;
    * Kẹo ngọt ở Nhật bị thu hồi;
    * Ở Hàn Quốc, có đến 305 sản phẩm từ Trung Quốc bị tẩy chay;
    * Ở Indonesia, cơ quan y tế tìm thấy melamine trong 12 loại thực phẩm từ Trung Quốc, trong số này có bánh biscuit, kẹo, và nước ngọt.

Thật ra, hầu hết các thực phẩm được chế biến bằng qui trình công nghiệp đều không ít thì nhiều hàm chứa hóa chất có thể độc hại cho sức khỏe. Bao bì bằng nhựa và nylon thường hàm chứa một hay nhiều hóa chất như polyethylene (sử dụng cho bình sữa, bao bì chứa nước ngọt, ngũ cốc, v.v…), polyethylene terephthalate (tức PET hay PETE), polypropylene, polyvinyl chloride (PVC). Ớt bột chứa chất sudan, một loại hóa chất có thể gây ung thư. Benzene cũng tìm thấy trong nước ngọt, nước trái cây, nước khoáng có pha mùi trái cây, nước ngọt tạo năng lực (enery drink). Vân vân …

Hóa chất độc hại chung quanh chúng ta

Nhiều người có lẽ không biết rằng rất nhiều thực phẩm bày bán ở các siêu thị như thịt bò, thịt heo, thịt gà, v.v… đều hàm chứa các hormone tăng trưởng nhân tạo (synthesis growth hormone) và một số hóa chất có hại cho sức khỏe. Cũng giống như trường hợp melamine trong sữa, nhiều nhà sản xuất sử dụng hormone tăng trưởng để gia tăng năng suất thịt trong một thời gian ngắn. Thật ra, từ thập niên 1950, nông dân Âu châu đã sử dụng estrogen nhân tạo tăng trưởng để tăng trọng lượng gà một cách nhanh chóng (hóa chất này có thể gây ung thư). Tương tự, rau quả nhập từ nước ngoài cũng hàm chứa nhiều hóa chất không có lợi – nếu không muốn nói là có hại – cho sức khỏe. Một thực tế ít ai chịu nhận là hóa chất độc hại có mặt chung quanh chúng ta.

Những sự thật trên đây cho thấy nếu các giới chức y tế (hay bất cứ ai) chịu khó tìm tòi, xét nghiệm, hay soi rọi thì chắc chắn sẽ phát hiện nhiều hóa chất độc hại khác, chứ không riêng gì melamine. Thật ra, cho đến nay, chưa có thông tin nào cho thấy melamine gây tác hại đến sức khỏe của người dân ở nước ta. Nhưng hằng ngày, người dân phải trực diện với hàng loạt thực phẩm khác có khi còn độc hại hơn cả melamine.

Vấn đề, do đó, không phải là thực phẩm hay sữa có hay không có hàm chứa melamine (hay hóa chất khác); mà là liều lượng an toàn là bao nhiêu. Theo các chuyên gia ở New Zealand và Âu châu thì nồng độ melamine an toàn trong sữa và thực phẩm là 5 ppm (5 phần triệu). Nồng độ này được đưa ra với tinh thần bảo thủ (tức thấp hơn 100 lần cho phép). Cần nói thêm rằng 5 ppm có nghĩa tương đương với 1 giọt mực trong một bồn 52 lít nước. Cho đến nay, chưa có sữa nào từ Việt Nam được xét nghiệm hàm chứa nồng độ đó.

Vấn đề cũng không phải là melamine, mà còn là các hóa chất độc hại khác. Theo báo Đất Việt trích dẫn nguồn Tổ chức Y tế Thế giới thì hằng năm có hàng triệu người Việt bị nhiễm độc chất qua thực phẩm, phơi nhiễm hàng hóa độc hại và môi trường. Vẫn theo nguồn tin này, có gần 1/4 rau quả nhập vào Việt Nam có chất bảo quản độc hại. Nhìn như thế để thấy rằng vấn đề melamine chỉ là vấn đề nhỏ trong một tổng thể gồm nhiều hóa chất độc hại hơn mà người tiêu dùng phải tiếp nhận hằng ngày.

Văn hóa sợ hãi

Quan sát về những mối quan tâm và phản ứng trước vụ melamine trong sữa cho thấy một xu hướng thú vị: khi xã hội trở nên an toàn, xã hội dường như có nhu cầu đặt sự nguy hiểm trở lại trong cuộc sống. Có thể nói chúng ta đang sống trong một “Xã hội rủi ro”, một xã hội mà trong đó nhận thức của chúng ta về sự hiểm nguy, và những khái niệm về an toàn bị thay đổi hoàn toàn. Xã hội này tạo nên một cách hành xử mà tôi tạm gọi là “văn hóa sợ hãi”. Và, chúng ta đã trở thành những kẻ nô lệ của sự sợ hãi. Cái văn hóa sợ hãi này bắt nguồn từ nguyên lí cho rằng không nên dùng bất cứ một vật thể nào khi mà nó chưa được chứng minh là an toàn.

An toàn đã trở thành một trong những giá trị căn bản nhất của các xã hội phương Tây. Trong hệ thống giá trị văn hóa này, mọi tai nạn, rủi ro đều có thể ngăn ngừa được. Người ta không chấp nhận quan điểm cho rằng những tai nạn và thương tổn không thể ngăn ngừa được. Người ta cảm thấy khó đương đầu với những sự bất an, một phần vì những tiến bộ vượt bậc do khoa học đem lại cho con người và xã hội. Kiến thức khoa học càng tích lũy nhiều chừng nào, những sự kiện ngẫu nhiên càng trở nên khó chấp nhận chừng nấy, nhất là sự ngẫu nhiên đó gây ra thương tật. Do đó, khi vài người sống gần nhau có vẻ bị một bệnh tật giống nhau nào đó, xã hội đòi hỏi câu trả lời. Và, câu trả lời (hay thủ phạm) thường là những công nghệ mới.

Theo nguyên lí phòng ngừa, rủi ro là một khiếm khuyết của xã hội đáng lẽ không nên tồn tại. Chính vì thế mà gần đây người ta cho rằng hai chữ “tai nạn” là một cái gì không phải đạo. Ở Mỹ và Anh, giới y tế công cộng muốn loại bỏ danh từ “accident” (= tai nạn) trong các danh mục bệnh tật, vì theo họ, “accident” thể hiện một cái gì vô trách nhiệm. Năm 2001, Tập san y học British Medical Journal tuyên bố rằng họ sẽ tẩy chay danh từ “accident” trong tập san. Họ (ban biên tập) cho rằng ngay cả bão, động đất, và tuyết lở là những sự kiện có thể tiên đoán được, và rằng các nhà chức trách có thể cảnh báo cho chúng ta biết trước. Một số người làm trong lĩnh vực chăm sóc trẻ con cũng khăng khăng cho rằng những vết bầm trên đầu gối là vết thương có thể phòng ngừa, hơn là tai nạn!

An toàn trong thời đại toàn cầu hóa

“An toàn” là một khái niệm phức tạp và tương đối. Không có một sản phẩm nào, kể cả sản phẩm thiên nhiên, có độ an toàn tuyệt đối. Rau quả đem lại dinh dưỡng, nhưng hóa chất trong và ngoài rau quả có thể gây tác hại đến sức khỏe. Thuốc để điều trị bệnh cũng không phải hoàn toàn an toàn, bởi vì bên cạnh những lợi ích là những rủi ro và nguy cơ. Máy bay cho chúng ta đi lại nhanh chóng và tiện nghi, nhưng chính máy bay cũng có thể gây ra cái chết cho hàng loạt hành khách. Khí cầu (airbags) trong xe ô-tô được thiết kế để cứu người lái xe và hành khách, nhưng nó cũng có thể là một vật thể giết người.

Nguy cơ, nếu được định nghĩa một cách nghiêm chỉnh, là xác suất một tai nạn hay sự cố xảy ra trong một thời gian và trong một môi trường nhất định. Không dễ đo lường nguy cơ, nhất là tần số của nó quá thấp trong cộng đồng. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây ra các bệnh kinh niên thường không rõ ràng (bệnh ung thư là một ví dụ), hay những thực phẩm có thể gây ra bệnh tật cũng không được định nghĩa rõ ràng. Chúng ta tin rằng có một mối liên hệ giữa thực phẩm và ung thư, nhưng vì các bệnh ung thư thường xảy ra ở một tần số rất thấp, nên các chương trình phòng chống ung thư đường ruột không cho thấy một hiệu quả nào của việc cải tiến thực phẩm.

Tại sao ngày nay trong khi khoa học phát triển rất cao và kiến thức khoa học càng ngày càng dồi dào, mà chúng ta lại càng ngày càng tỏ ra lo ngại về những nguy cơ rất thấp so với tình trạng của vài thập niên trước khi khoa học chưa tiến bộ và kiến thức khoa học còn hạn chế? Nhiều nhà xã hội học danh tiếng như Ulrich Beck và Anthony Giddens đã từng bỏ ra khá nhiều thời giờ để đi tìm câu trả lời. Họ đi đến kết luận rằng mấu chốt của vấn đề nằm ở cái mà họ gọi là trào lưu hậu hiện đại.

Hậu hiện đại là một quá trình phát triển mà tất cả chúng ta đều phải trải qua trong một môi trường của những nguy cơ, những bấp bênh, và tình trạng thiếu an toàn. Môi trường tự nhiên tạo nên con người; con người, qua quá trình làm việc, tạo nên văn hóa. Do đó, môi trường rủi ro này chi phối đến phản ứng của chúng ta trong thế giới mà chúng ta sinh sống, và cho ra đời cái văn hóa sợ hãi như hiện nay. Quan tâm đến những rủi ro trong cuộc sống hằng ngày không còn là những chuyện ngoại vi, mà nó đã được kết nối vào văn hóa, và nếp sống trong thời hậu hiện đại.

Nhưng mối quan tâm đến sự rủi ro ngày nay còn là một sản phẩm của quá trình toàn cầu hóa và những cảm giác bất an gắn liền với hệ thống thế giới. Quan tâm đến rủi ro xuất hiện lần đầu tiên vào thập niên 1950, thời gian mà các đại công ty Mỹ lo ngại rằng chủ quyền kinh tế của họ ở Âu châu sẽ bị mất. Đến thập niên 1970, thời gian mà người ta nhận thấy ảnh hưởng của các hóa chất trong môi trường có khả năng lan rộng trên bình diện toàn cầu. Những cuộc cách mạng công nghệ, cũng như bất cứ những thay đổi nào trong xã hội, đều gắn liền với một vài tai nạn. Thay đổi càng mới lạ chừng nào thì những hậu quả càng ít được biết chừng nấy. Do đó, công chúng càng ngày càng không tin tưởng vào khoa học, bất tín nhiệm vào các công ty kinh doanh và cả hệ thống công nghệ. Từ đó, sự rủi ro trở thành một sản phẩm của toàn cầu hóa.

Cần chiến lược lâu dài

Nỗi ám ảnh cá nhân với những cái rủi ro nhỏ nhất đã dần dà tích lũy thành một mối đe dọa cho xã hội nói chung. Giới truyền thông và giới trí thức, nhất là những người xuất hiện dưới danh nghĩa khoa học (hay ngụy khoa học) đóng một vai trò không nhỏ trong việc sản xuất ra nỗi ám ảnh cho công chúng. Có thể ví von rằng mối quan tâm về sự độc hại của melemine ở nước ta hiện nay chẳng khác gì mối quan tâm của giới trí thức trong thời Byzantine khi họ hỏi có bao nhiêu thiên thần có thể nhảy nhót trên một cây kim.

Trong cuộc sống đa chiều và chịu nhiều phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta khó mà đòi hỏi một sự an toàn tuyệt đối. Do đó, nhận thức về những rủi ro trong cuộc sống hằng ngày là một điều cần thiết. Nhưng nhận thức như thế là để chúng ta biết những điều không nên hành động, chứ không phải để thụ động và đòi hỏi thế giới phải tuyệt đối an toàn. Dù muốn hay không, chúng ta phải chấp nhận một mức độ rủi ro trong cuộc sống đa chiều. Mức độ rủi ro có thể chấp nhận được tùy thuộc vào nhận thức của từng cá nhân.

Lợi ích và tác hại đều đi song song trong mỗi quyết định. Vấn đề không phải là tránh nguy cơ, mà là cân bằng giữa lợi và hại. Sự cân bằng này tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Một người 80 tuổi có thể không quan tâm đến việc thưởng thức một trái táo dù biết rằng hóa chất bảo quản trái táo có vết hóa chất có thể gây độc hại. Nhưng một trẻ em thì không có cái xa xỉ để ăn loại táo đó trong suốt quãng đời của mình.

Có nhiều lí do để tập trung vào việc tìm kiếm melamine trong sữa. Nếu sức khỏe là mối quan tâm số 1 của chúng ta và việc truy tìm melamine trong sữa nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe, thì cũng có nhiều lí do khác để mở rộng cuộc truy tìm các hóa chất độc hại khác trong thực phẩm cho trẻ em và người. Tuy nhiên, làm theo phong trào hay áp lực có thể làm hài lòng một số người, nhưng trong thực tế sẽ khó đem đến hiệu quả cao cho xã hội. Xã hội cần một hệ thống kiểm tra an toàn và vệ sinh thực phẩm mang tính khoa học cao và minh bạch hơn để bảo vệ sức khỏe cho người dân về lâu về dài hơn là tập trung tài lực vào việc truy tìm sự có mặt của một hóa chất nào đó trong thực phẩm.

Tác giả