Câu chuyện về giá trị học thô sơ một thuở

Vào thời buổi bình minh của công nghiệp hóa cổ điển, con người ngỡ ngàng trước chính bản thân mình. Trâu sắt ra đời thay cho trâu sinh học. Năng lượng trong tự nhiên được thuần hóa, sử dụng được theo ý muốn.

Sản xuất đồ dùng hàng loạt thành công trên quy mô ngày càng lớn. Trao đổi buôn bán vượt dần ra khỏi chợ thôn chợ làng… Con người sửng sốt, và cần một hình dung mới, vĩ đại, cho thực tế này. Từ đó môn giá trị học bắt đầu được người ta hình thành, để kiến tạo nhận thức cho thời buổi bình minh mới mẻ ấy.

Người ta nhận ra “giá trị sử dụng” của sản vật (GTSD) điều làm cho một thực thể tự nhiên trở nên một thực thể xã hội tiềm tàng, một khi nó có thể thỏa mãn một nhu cầu nào đó của hai người dùng trở lên. Khi đem trao đổi các sản vật với nhau ở ngoài chợ, thì ta có “giá trị trao đổi” (GTTĐ) của chúng được thực hiện. Rồi trừu tượng hóa hiện thực này lên một nấc, để vượt qua một cuộc trao đổi trực tiếp “một cái chả của ông này, bằng ba cái nem của bà kia» ở một nơi-vào một thời điểm nhất định, người ta có “giá trị” (trừu tượng) của một sản vật (GT). Thực thể tự nhiên trở thành hàng hóa mang GT, mà đồng tiền, một thể loại hàng hóa được tạo ra và tiến hóa dần để đại diện được gần nhất và tiện dụng nhất cho GT, được lưu hành. Qui mô và mức độ xã hội hóa của xã hội phụ thuộc vào qui mô của cái chợ của các chợ.

Mọi cái đến đây có vẻ xuôi sẻ.

Một số nhà kinh tế luận tiếp tục đẩy suy tư lên, rằng GT của một sản vật, ở mức độ chung nhất, là thời gian lao động trung bình của toàn xã hội (TLTX) để sản xuất ra sản vật ấy ở một thời điểm nhất định.

Khi “niềm tin GT” này được tin tưởng một cách giản thô máy móc, cả một thế giới khác đầy khả năng được trải ra. Vậy thì “về tiềm năng khoa học”, người ta (sẽ) có thể đo đạc được GT của tất cả các sản vật, từ đó sẽ tổ chức ra được một nền sản xuất và phân phối “khoa học nhất có thể” để tạo nên được một xã hội được thiết kế và điều khiển được tỉ mỉ. Nền sản xuất và phân phối này sẽ hoạt động thật nhịp nhàng, không sản xuất thừa để rồi phải đem đổ sản vật xuống biển, không sản xuất thiếu để con người phải nhốn nháo đói khổ. Một nền kinh tế được lập trình-kế hoạch hóa trong toàn bộ sẽ chào đời.

Giòng suy nghĩ này được đẩy tiếp lên nữa.

Một khi nền kinh tế đã lập trình-kế hoạch hóa được trong toàn bộ, chúng ta có cái cốt lõi để lập trình-kế hoạch hóa không chỉ toàn bộ đời sống sản xuất và phân phối, mà là toàn bộ đời sống xã hội trong mọi mặt. Tất cả đều sẽ được vận hành sạch sẽ, trơn tru, hiệu quả, tốt đẹp. Cái duy nhất cần phải kiểm soát, là những yếu tố, hoặc những ai cố tình, gây trục trặc hỏng hóc các kế hoạch đã được lập trình.
***
Câu chuyện này trên thực tế bị hỏng, chưa phải vì đâu xa, mà vì bản thân tư duy giá trị học này, chào đời và bị hạn chế tự nhiên ở thuở bình minh của công nghiệp hóa cổ điển, đã không hiểu rõ được cái tưởng như là hoàn toàn hiển nhiên, “nhu cầu”, cái cội rễ của thị trường.

Ở thuở bình minh ấy, các nhu cầu kinh tế xã hội khi ấy chủ yếu mới ở mức độ của các nhu cầu thiết yếu đơn sơ, ăn no, mặc ấm, có chỗ trú ngụ dẫu thật tồi tàn. Ngay đi lại xa xôi thì cũng chưa phải là nhu cầu của toàn dân. Nhu cầu bị hình dung ở mức đơn giản nhất, và dễ điều khiển được nhất. Với toàn xã hội thì điện thắp sáng, nước sạch mở vòi uống được ngay, giáo dục phổ cập, bảo hiểm y tế toàn dân… chưa từng tồn tại, còn quyền làm người, quyền tự do của xã hội công dân, đời sống văn hóa tinh thần sáng tạo của toàn xã hội, thì gần như không có gì, ngoại trừ với tầng lớp thượng lưu nhỏ bé. Nền khoa học và công nghệ để có thể sẵn sàng đáp ứng đời sống của toàn xã hội thì mới chỉ ngấp nghé đó đây. Cả một thế giới vĩ đại của các nhu cầu của đời sống con người về cơ bản còn chưa hề phát lộ. Các xã hội ngàn năm trung cổ, chiếm đa phần, còn đang ngủ yên giấc. Số ít các xã hội vừa mới thức dậy với công nghiệp hóa sơ khai thì đang nằm trong móng vuốt và tâm linh của những con thú tư bản man dại, đói khát, tham tàn. Bạo lực là ngôn ngữ phổ quát của các cư xử của các xã hội. Chân lý vĩnh cửu để thay đổi được xã hội, cho đến lúc đó, là dùng bạo lực chống lại bạo lực, thay thế nền độc tài này bằng nền độc tài khác.

Nhu cầu bị quan niệm thô sơ và sai lạc trong bối cảnh như thế đã làm ngu hóa toàn bộ tư duy về GT. Người ta đã khái quát hóa giá trị học từ cái chợ làng thô sơ của những xã hội thô sơ, và tưởng rằng mình đã tìm ra cả vũ trụ trong toàn bộ.

Hôm nay thì tất thảy chúng ta đều hiểu rằng câu hỏi thúc bách cho nền kinh tế không phải là chúng ta “cố sản xuất nhiều nhất thì được bao nhiêu sản vật loại này, càng nhanh càng tốt”, mà là “sản xuất cái gì bây giờ, theo tiêu chuẩn kinh tế-kĩ thuật-tiêu dùng gì, chỉ bao nhiêu đơn vị, trong thời bao lâu, cho toàn thế giới”. Chúng ta hiểu ra rằng chế tạo ra một sản vật bây giờ phải gắn liền với hệ quả về hệ thống môi sinh, phải giải quyết cả một hệ thống giải pháp trong toàn bộ, và hệ quả về hệ thống môi sinh đó phải được tính vào giá thành dưới dạng thuế của xã hội cho việc lưu hành sử dụng chúng, cho việc xử lý hoặc tái chế chúng để sẽ kết thúc sạch sẽ được chu trình đời sống của sản vật đó (xử lý rác thải, tái chế), rồi để làm tiến hóa sản vật nữa (nghiên cứu, phát triển). Câu chuyện không phải chỉ còn là loay hoay với cái “thời gian lao động trung bình của toàn xã hội” (tưởng tượng) để sản xuất ra sản vật ấy.

Tất cả chỉ vì cái tinh thần thời xưa ấy chưa hiểu ra, rằng con người và các nhu cầu của họ, hôm nay thì càng dễ thấy chúng rõ hơn, vừa phải có tính đời sống thực tế nghiêm ngặt, vừa phải có tính sáng tạo khắt khe, vừa vô cùng rộng lớn, phức tạp, vừa luôn luôn thay đổi rất nhanh chóng. Hôm nay các sản vật nếu trả lời sai lệch nhu cầu khi tham gia vào thị trường, thì chúng sẽ lập tức trở thành phản-hàng hóa, chúng không trở về thành các “vật thể tự nhiên” ngay được “như ngày xưa” (ngày xưa chỉ việc tống khứ chúng vào thiên nhiên !), vì chúng đã trở thành rác thải trong một đời sống xã hội văn minh, chúng mang một phản giá trị, nói dễ hiểu là một giá trị âm, chúng đòi hỏi một khoản đầu tư mới về tiền của để được xử lý, hoặc tốt hơn nữa, để được tái chế. Tiền tệ cũng hầu như thôi không còn nằm ở dưới dạng vật thể, mà đã thuộc về bộ nhớ điện tử, cùng những mệnh giá chứng khoán của mọi sản vật tham gia vào thị trường chứng khoán đang chạy lên xuống tít mù; nhưng bán một con gà trong chuồng, thu tiền vào tài khoản là có thể mua đổi ra luôn thành một mẩu (dưới dạng cổ phiếu của) đội bóng đá xứ gà Gô-loa, tức thì.

Vậy nên nếu như còn sót lại một nhà sản xuất cổ điển nào hôm nay hằng cố sản xuất một cách bất chấp một tỉ bộ quần áo đại cán để hòng bán cho hơn một tỉ người Trung Hoa, thì họ sẽ phải “mua đất đem chôn” một tỉ bộ quần áo đó, vì có biếu không thì cũng không một người Trung Hoa nào, từ người dân thường đến người lãnh đạo, chịu diện chúng vào người. Và nước Đức dù lúc này đang dùng điện hạt nhân rộng rãi thì lại đang lo chuẩn bị một đống tiền khổng lồ để sẽ đóng được dần cho bằng hết các nhà máy điện hạt nhân của mình lại, để đỡ phải canh cánh về cái môi sinh thiết yếu của mình, điều thật vô cùng khó hiểu cho các nhà giá trị học thuở xưa.

Sự ngu hóa của giá trị học thô sơ một thuở đã nói đến ở trên kia đã kích thích các ảo tưởng vĩ đại về việc tổ chức đời sống tương lai duy nhất cho toàn thể thế giới. Ảo tưởng này nếu được củng cố bởi đầu óc thần thánh, thì nó sẽ trở thành một thứ dây trói vô cùng dai dẳng khó lòng mà thoát ra được cho đời sống của chính các con người của xã hội. Ảo tưởng này càng được thực hành, thì các hệ lụy càng nặng nề bề bộn, vì nó ăn sâu vào các cấu trúc xã hội, và ai cũng sẽ bị vướng vào đó bất kể ý muốn, một cái đầm lầy nợ chằng chéo lẫn nhau. Nếu sự quả quyết thi hành ảo tưởng này được nhất nhất quyết dụng, thì các phương pháp hành chính và bạo lực đương nhiên sẽ phải được thực thi một cách bất cần lên xã hội.
***
Câu chuyện về giá trị học thô sơ một thuở này thực tế đã là một câu chuyện nằm từ lâu trong bảo tàng học thuật. Về trí tuệ, một khi mỗi con người thấy ra được sự ngây thơ của mình ngày hôm trước, thì con người mình đã dứt khoát tiến lên thêm được một bước nữa rồi. Các nhà bảo tàng của con người luôn luôn mang trong mình chức năng quí báu đó, chức năng hậu nghiệm, bên cạnh những chức năng khác nữa.

Tác giả