Chất vấn, giám sát và thông tin

Mấy năm trước đây, Bộ trưởng Tư pháp của Đan Mạch đã phải từ chức vì các ông nghị đã thẩm định lại những thông tin do ông cung cấp khi trả lời chất vấn, và phát hiện ra “vịt” ở trong đó. Đây là một trường hợp không mấy đặc trưng cho nền quản trị quốc gia nổi tiếng là trong sạch của Đan Mạch. Tuy nhiên, chuyện cung cấp “thông tin được xào xáo” cho Quốc hội là điều rất dễ xảy ra.

Xét về bản chất, giám sát là việc Quốc hội thu thập thông tin về hoạt động của ngành hành pháp và đánh giá những thông tin thu thập được đó. (Mặc dù, ở nước ta phạm vi thu thập và đánh giá thông tin sẽ rộng hơn vì phạm vi giám sát của Quốc hội cũng rộng hơn).

Việc thu thập thông tin là rất quan trọng. Dưới đây là các phương thức chính mà Quốc hội nước ta đang được trang bị để thu thập thông tin: 1. Áp đặt chế độ báo cáo; 2. Tổ chức đoàn đi giám sát; 3. Thành lập ủy ban điều tra; 4. Chất vấn. Càng có nhiều phương thức để thu thập thông tin thì càng có đầy đủ cơ sở hơn để xem xét và đánh giá. Xét về mặt này, Quốc hội các nước tỏ ra có nhiều thuận lợi hơn. Đơn giản vì họ có nhiều phương thức hơn. Ví dụ, hoạt động điều trần (Một số ủy ban của Quốc hội nước ta cũng đã bắt đầu tổ chức thu thập thông tin theo cách tương tự. Nhưng hoạt động này được gọi là nghe giải trình chứ không phải là điều trần), thu thập thông tin từ báo cáo của  Ombudsman (tạm dịch là Thanh tra Quốc hội).

Có nhiều phương thức để thu thập thông tin là rất quan trọng. Nhưng có đủ năng lực để xác định thông tin gì là cần thiết và phải thu thập cho được cũng quan trọng không kém. Trên thực tế, các Bộ ngành có thể cung cấp rất nhiều thông tin cho các vị đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, rất nhiều và rất tốt là những chuyện khác nhau. Hàng ngàn trang tài liệu có thể lấy đi vô số thời giờ, nhưng không nhất thiết sẽ mang lại được cho các vị đại biểu Quốc hội những thông tin có ích. Đây cũng là lý do giải thích tại sao Quốc hội các nước thường đòi hỏi rất khắt khe về chủng loại và chất lượng thông tin phải cung cấp cho Quốc hội. Thông tin chuẩn là cơ sở quan trọng hàng đầu để thấy được một cách thực chất  công việc và hoạt động của các cơ quan hành pháp. Thế nhưng, vẫn khó tránh khỏi việc một ông “Bộ trưởng Tư pháp” nào đó có thể dúi cho Quốc hội những thông tin được xào xáo ra từ không khí. Để khắc phục rủi ro này và để bắt được tại trận những Bộ trưởng kiểu như vậy, Quốc hội các nước thường xây dựng một hệ thống thông tin độc lập và rất phát triển của Quốc hội.

Chúng ta thường thấy các vị đại biểu Quốc hội dành khá nhiều thời gian cho việc thảo luận các báo cáo của Chính phủ và các ngành. Đây là lúc khả năng phân tích thông tin trở thành quan trọng nhất. Vấn đề là những thông tin thu thập được nói gì cho các vị đại biểu Quốc hội về hoạt động của các Bộ, ngành, về các mục tiêu đề ra đạt được như thế nào?

Cuối cùng, chất vấn đóng một vai trò rất quan trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Với hoạt động này việc thu thập thông tin và việc đánh giá thông tin được kết hợp lại với nhau làm một. Tại kỳ họp thứ 4 đang diễn ra này, các vị đại biểu Quốc hội có rất nhiều điều để hỏi, để trực tiếp tranh luận và nhận xét về những thông tin vừa thu nhận được. 

Tác giả