Chi phí & hiệu quả
Pháp luật làm phát sinh chi phí: chi phí để tuân thủ, chi phí để áp đặt sự tuân thủ và chi phí để giải quyết tranh chấp. Chi phí để tuân thủ là chi phí của xã hội. Chi phí để áp đặt sự tuân thủ là chi phí của Nhà nước. Chi phí để giải quyết tranh chấp là chi phí của cả xã hội và cả Nhà nước. Các chi phí này nhìn chung đều rất lớn, trong không ít trường hợp chúng có thể lớn đến vô cùng.
Với luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm xe máy có hiệu lực cuối năm vừa qua, thì chi phí của xã hội ước tính sẽ vào khoảng trên dưới một chục ngàn tỷ đồng. Nước ta có khoảng trên dưới 20 triệu xe gắn máy. Nếu mỗi người đi xe gắn máy cần mua hai chiếc mũ cho mình và cho người đèo phía sau, và giá mỗi chiếc mũ trung bình với độ 200 ngàn đồng, thì chi phí xã hội sẽ là: 20 triệu x 2 x 200 ngàn = 8 ngàn tỷ đồng. Tổng chi phí của xã hội có thể còn bao gồm cả chi phí cất giữ và bảo quản những chiếc mũ và chi phí nộp phạt nữa, vì vậy chắc chắn sẽ lớn hơn con số nói trên.
Chi phí để áp đặt sự tuân thủ và để giải quyết tranh chấp cũng sẽ rất lớn. Mặc dù, ở thời điểm này, chúng ta chưa có được thống kê cụ thể. Ngoài ra, không phải tất cả các khoản chi phí như vậy đều đã có thể tiên liệu hết được.
Chi phí và hiệu quả không phải bao giờ cũng đi liền với nhau. Nếu xã hội phải bỏ ra 10 ngàn tỷ đồng để mua mũ bảo hiểm, nhưng có đến 75% số mũ bảo hiểm được bày bán trên thị trường lại là kém chất lượng, thì 75% chi phí xã hội- khoảng 7,5 ngàn tỷ đồng, sẽ là những chi phí vô ích. Những chi phí vô ích chỉ gây ra tốn kém, mà không thể góp phần giảm nhẹ tai nạn giao thông.
Do pháp luật luôn luôn làm phát sinh chi phí, nên khi ban hành một đạo luật, cần phải phân tích để xem chi phí bỏ ra và hiệu quả thu được sẽ như thế nào. Chỉ khi hiệu quả mà đạo luật mang lại lớn hơn chi phí mà xã hội và Nhà nước phải bỏ ra, thì việc ban hành đạo luật mới có ý nghĩa. Bằng không, luật pháp chỉ làm cho cuộc sống thêm khó khăn, tốn kém… Nếu vấn đề tai nạn giao thông gây ra tốn kém 12 ngàn 800 tỷ mỗi năm (Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, chi phí do tai nạn giao thông làm phát sinh hằng năm ở nước ta là 800 triệu USD tương đương với 12 ngàn 800 tỷ đồng), thì giải pháp lập pháp được đề ra buộc lòng phải có chi phí thấp hơn như vậy. Nếu không, chúng ta cần nghĩ đến một giải pháp phù hợp hơn. Không phải bao giờ giải pháp lập pháp cũng là giải pháp hiệu năng nhất. Nhưng, có lẽ, bao giờ cũng là giải pháp tốn kém nhất.
Luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm (cho dù chưa phải do Quốc hội ban hành) là cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải loại trừ được những chi phí vô ích của xã hội, bằng không đạo luật sẽ trở nên tốn kém quá mức để có thể phát huy hiệu quả trong cuộc sống.