Chiến lược tiêm vaccine cho Việt Nam

Hiện nay chính phủ và các chuyên gia đã đồng thuận rằng chiến lược tiêm vaccine phải là ưu tiên số một của Việt Nam trong tình hình dịch COVID bùng nổ.

Do đó, chúng tôi đề xuất một chiến lược tiêm vaccine COVID nhất quán, mạch lạc và minh bạch cho Việt Nam, để bảo đảm giảm tối đa các ca tử vong hay bệnh nặng xảy ra cho độ tuổi trên 65 và những người có bệnh nền, đồng thời đảm bảo sẽ có cơ hội phục hồi kinh tế tương đối (1).

Cụ thể hơn, bài viết sẽ (i) ước lượng số lượng vaccine tối thiểu để đảm bảo người trên 65 tuổi và người có bệnh nền – là hai nhóm tử vong và tăng nặng nhất hiện nay (2) – được tiêm vaccine, và (ii) đề xuất cách thức phân bổ vaccine cho các vùng kinh tế để nền kinh tế có thể hoạt động trở lại trong điều kiện Việt Nam chưa chủ động được nguồn vaccine. Để bảo đảm quá trình điều phối và thực thi một chiến lược tiêm vaccine nhất quán và minh bạch, chúng tôi cũng đề xuất chính phủ thành lập một Ban Chiến lược tiêm Vaccine toàn quốc.

Tiêm vaccine tại Nhà Thi đấu Phú Thọ, Q.11 – TP.HCM. Ảnh: HCDC

Ước lượng số lượng vaccine tối thiểu

Chúng tôi đề xuất lộ trình tiêm vaccine sẽ ưu tiên (i) cho người cao tuổi (trên 65 tuổi) và người bị bênh nền (dưới 65 tuổi), (ii) những người ở tuyến đầu chống dịch như qui định của Chính phủ, (iii) những người thuộc nhóm lao động thiết yếu (ví dụ như những người ở tuyến đầu của chuỗi cung ứng hàng hóa), (iv) nhóm những người lao động trong các ngành xương sống để kinh tế có thể khởi động trở lại.

Nhóm (i) có khoảng 7,68 triệu người trên 65 tuổi (ước tính tỷ lệ người trên 65 tuổi là 8% tổng dân số Việt Nam hiện nay – khoảng 96 triệu người). Do số liệu về người bị bệnh nền khá hạn chế, nên dựa trên số liệu gần nhất có được (3), chúng tôi ước tính như sau: Việt Nam có 3-3,5 triệu ca mắc bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc các bệnh tim mạch và hô hấp mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư (tổng cộng xấp xỉ 5,2 triệu ca). Việt Nam cũng có khoảng 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp (Nếu giả thiết là khoảng 30% số người bị tăng huyết áp có thể đươc coi là có bệnh lý nền thì sẽ có con số 4 triệu người. Nếu tỷ lệ này là 50% thì con số người bị coi là có bệnh nền sẽ là 6 triệu người, với tỷ lệ 70% thì sẽ là 8.4 triệu người).

Để ước lượng tổng số người cao tuổi và người bị bệnh nền dưới 65 tuổi chúng ta cần thêm số liệu người cao tuổi bị bệnh nền để tránh tính trùng. Dựa trên số liệu 7,7 % người cao tuổi bị tăng huyết áp chúng ta có số lượng người cao tuổi bị tăng huyết áp là xấp xỉ 600.000 người (=7.68*0.077); 5,3% người cao tuổi bị đái tháo đường, số lượng người cao tuổi bị tháo đường là xấp xỉ 400.000 người (=7.68*0.053) (4). Đáng tiếc là chúng tôi không có số liệu về các bệnh khác với nhóm người cao tuổi. Như vậy có thể tạm ước tính số vaccine cần thiết cho nhóm người cao tuổi và có bệnh nền dưới 65 tuổi là: 23,9 triệu người nếu giả thiết 100% người tăng huyết áp là người có bệnh nền. Con số này sẽ là 20.28 triệu, 17.88 triệu và 15.48 tương ứng với tỷ lệ 70%, 50% và 30%. Chúng tôi cho rằng tỷ lệ 30-50% là hợp lý hơn cả. Trong phần còn lại của bài viết, chúng tôi dựa trên tỷ lệ 50%, tương đương 17.8 triệu người. Người đọc có thể dễ dàng tự điều chỉnh con số tính toán với các tỷ lệ mà họ cho là hợp lý, hoặc tham khảo Bảng 1 dưới đây.


Nhóm (iv): Dựa trên số liệu của Chính phủ về bảo hiểm lao động, Việt Nam có 24,5 triệu người lao động (5). Một điểm cần lưu ý, tương tự như trên, đó là trong số những người lao động sẽ có những người có bệnh nền như tính toán ở trên. Do không có số liệu, chúng tôi giả thiết rằng tỷ lệ người lao động bị bệnh nền sẽ bằng trung bình tỷ lệ người cao tuổi tăng huyết áp và người cao tuổi đái tháo đường, tức 6.5%, tương đương 1,6 triệu người (=0.065*24,5). Như vậy, số lượng người lao động không bị bệnh nền sẽ là 22.9 triệu người.

Nhóm (ii) và nhóm (iii): Chúng tôi giả thiết rằng số người của hai nhóm này là khoảng 10% của số lượng người của nhóm (i) và nhóm (iv) là 40.7 triệu người (17.88 triệu người thuộc nhóm người trên 65 tuổi và nhóm có bệnnh nền dưới 65 tuổi và 22.9 triệu người lao động dưới 65 tuổi và không có bệnh nền).

Với giả thiết và tính toán nêu trên, tổng cộng số người cần được tiêm trong đợt 1 sẽ là 44.9 triệu người. Tương tự, cho đợt 2, chúng ta cũng cần 44.9 triệu liều vaccine. Chúng tôi cũng nhắc lại là phải bảo đảm là mũi thứ hai phải được tiêm từ một đến ba tháng sau mũi thứ nhất, tùy theo loại vaccine (6).

Như vậy, số lượng vaccine tối thiểu để (a) người trên 65 tuổi và người có bệnh nền được tiêm vaccine, (b) kinh tế có thể hoạt động bình thường trở lại sẽ là 89.6 triệu liều vaccine.

Dựa vào số liệu của Tổng Điều Tra dân số (7), chúng ta biết được tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi ở Việt Nam là 24,3%. Chúng tôi đặt giả thiết tỷ lệ người dưới 18 tuổi ở Việt Nam là 27%. Nếu Việt Nam quyết định tiêm cho những người trên 18 tuổi trước, thì tổng số người được tiêm sẽ là 70 triệu người.

Như vậy đợt 3: sẽ tiêm cho các nhóm còn lại, không nằm trong các diện 1, 2, 3 và 4. Tổng số vaccine cho hai mũi sẽ vào khoảng 50,4 triệu (= 140 – 89,6) liều cho các nhóm này.

Cách thức phân bổ vaccine

Ở thời điểm hiện tại Việt Nam chưa chủ động được nguồn cung vaccine và lượng cung vaccine sẽ đến theo đợt chứ không đến cùng một lúc. Do đó số lượng vaccine phân phối cho các vùng sẽ phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ về sự ưu tiên của các vùng.

Thứ tự ưu tiên vẫn là những tỉnh, thành phố đang có dịch bùng phát ở mức độ nghiêm trọng như TP Hồ Chí Minh hay Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận cần được ưu tiên. Với các tỉnh còn lại, chúng tôi đề xuất một phương án phân phối vaccine tương đối khách quan như sau:

• Cho đợt 1 và 2: phân phối dựa trên tỷ trọng GDP của các vùng

• Cho đợt 3: phân phối dựa trên tỷ trọng dân số của các vùng

Tại từng tỉnh, việc triển khai tiêm vaccine sẽ thực hiện theo trình tự nhóm ưu tiên: Những người trên 65 tuổi, và những người có bệnh nền; Nhóm lao động thiết yếu (essential workers), là những nhóm lao động đảm bảo cho sự vận hành cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu; Nhóm siêu lây nhiễm (super spreaders) – nhóm người, dân cư có tiếp xúc xã hội nhiều (một phần có thể do tính chất ngành nghề, độ tuổi), chỉ chiếm 10% tổng số người bị nhiễm nhưng lại có thể gây ra đến 80% tổng số ca nhiễm (8).

Tóm lại:

a. Việt Nam cần có tối thiểu 140 triệu liều vaccine.

b. Trước mắt cần có 89,6 triệu liều để tiêm cho nhóm người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, người lao động và những người ở tuyến đầu (chống dịch, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa).

c. 50,4 triệu liều tiếp theo sẽ tiêm cho các nhóm từ 18 đến 65 tuổi.

Hiện nay số liệu về cung ứng vaccine nhập khẩu hay được viện trợ từ nước ngoài chưa chuẩn xác. Đó là chưa tính đến khả năng Việt Nam có thể tự sản xuất vaccine Nanocovax trong nước. Chúng tôi dự kiến, nếu các nguồn cung vaccine đến đầy đủ (dự báo sẽ có 120 triệu liều cuối năm 2021) thì chúng ta có thể bảo đảm những người trong các diện 1, 2, 3 và 4 được tiêm từ đầu tháng chín đến cuối năm 2021.

d. Nếu nguồn cung vaccine đạt được ít nhất 140 triệu liều, thì song song có thể bắt đầu tiến hành tiêm cho những đối tượng không nằm trong các diện 1, 2, 3 và 4 (đợt 3). Chúng tôi hy vọng chiến dịch tiêm chủng có thể kết thúc vào dịp Tết 2022 (9).

—-

Về các tác giả: (i) TS Nguyễn Ngọc Anh (DEPOCEN); (ii) GS Trần Nam Bình (UNSW Sydney); (iii) GS Lê Văn Cường (Paris School of Economics)

Chú thích:

(1) Phát triển dựa trên một bài viết đã được đăng ở báo Tia Sáng ngày 9/8/2021 http://tiasang.com.vn/dien-dan/lo-trinh-tiem-vaccine-chong-covid19-cho-muc-tieu-kep-moi-cua-viet-nam-28376/ 

(2) Chúng tôi đề xuất ưu tiên tiêm cho người cao tuổi và người mắc các bệnh lý nền vì đây là hai nhóm có nguy cơ tăng nặng và tử vong cao nhất. Hiện nay, theo thống kê của nhóm 5F, từ dữ liệu của Bộ Y tế, cứ 2 người từ 75 trở lên nhiễm thì 1 người tử vong; 3 người 65-74 tuổi nhiễm thì 1 tử vong; 10 người 50-64 nhiễm thì 1 tử vong. Với các nhóm thanh niên nhiễm virus thì tỉ lệ tử vong là rất nhỏ, nhóm18-29 chỉ khoảng 0.1% ở nữ và nam 0.2%, nhóm 30-39 chỉ tương ứng là 0.6% và 0.9%.

(3) “Trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp, gần 3 triệu ca mắc bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc các bệnh tim mạch và hô hấp mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư, rối loạn tâm thần.” Nguồn: https://dangcongsan.vn/phat-huy-thanh-tuu-y-te-trong-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan/thanh-tuu-y-te/benh-khong-lay-nhiem-can-duoc-quan-tam-phong-ngua-dung-muc-540847.html

(4) http://www.benhvienninhbinh.vn/top-10-benh-thuong-gap-o-nguoi-cao-tuoi-va-cach-phong-tranh

(5) http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/vi/tin-chi-tiet-giai-cap-cong-nhan-viet-nam-ngay-cang-lon-manh-106e7f5d.aspx

(6) https://vnvc.vn/astrazeneca/

(7) Xem tại trang web http://consosukien.vn/quy-mo-dan-so-viet-nam-nhung-phat-hien-chinh.htm
(8) Xem lại chi tiết trong bài viết thứ nhất trên Tia Sáng.

(9) Hiện tại chúng tôi đặt giả thiết tỷ lệ người dưới 18 tuổi ở Việt Nam là 27%. Nếu Việt Nam quyết định chỉ tiêm cho những người trên 18 tuổi, tổng số người được tiêm sẽ là 70 triệu người. Như thế tỷ lệ người được tiêm là 73% dân số. Trước đây, với chủng virus đầu tiên, tỷ lệ này có thể xem là tỷ lệ để đạt miễn dịch cộng đồng. Nhưng gần đây, vào ngày 3/8/2021, GS Fischer, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Chiến lược Tiêm vắc xin ở Pháp, đánh giá là với biến chủng Delta, con số có thể là 95% dân số (xem link: https://www.ladepeche.fr/2021/08/02/covid-19-ou-en-est-on-de-limmunite-collective-9710031.php). Trong trường hợp đó, tổng số lượng liều vắc xin cần cho Việt Nam sẽ là 182 triệu liều thay vì 140 triệu liều như chúng tôi đã đưa ra trong bài.

Theo khoahocphattrien.vn

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)