Chủ nghĩa bảo hộ điện toán: Lối tư duy tiêu cực trong quản lý internet?

Chủ nghĩa bảo hộ điện toán (digital protectionism) là khái niệm thường được đề cập và lên án bởi các học giả, chuyên gia luật, và trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Tương tự như chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch (trade protectionism), bảo hộ điện toán có mục đích hạn chế sự lưu thông tự do của dữ liệu – một thực thể điện toán vừa mang tính hàng hoá và vừa mang tính dịch vụ. Chủ nghĩa bảo hộ điện toán, khác với bảo vệ dữ liệu (data protection), là một xu hướng đáng lo ngại trong công tác quản lý internet trên toàn thế giới bởi sự can thiệp tiêu cực của xu hướng này đến các quy tắc thương mại hiện hành.

Chủ nghĩa bảo hộ điện toán là gì?

Chủ nghĩa bảo hộ điện toán là thuật ngữ được dùng để chỉ thái độ và động thái làm luật liên quan đến mạng internet mang tính bảo hộ ở cấp chính phủ. Chủ nghĩa bảo hộ là thuật ngữ thường được dùng trong kinh tế để chỉ những động thái can thiệp biến đổi thị trường của chính phủ nhằm mục đích ưu tiên thương mại trong nước và tăng tính cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Trong kinh tế, thái độ và hành vi mang tính bảo hộ thường được gọi là bảo hộ mậu dịch. Tương tự với lối tư duy bảo hộ vốn đã hiện hữu từ lâu trong môi trường kinh tế, bảo hộ điện toán diễn tả thái độ và hành vi can thiệp biến đổi môi trường internet với mục đích hạn chế dòng di chuyển tự do của dữ liệu thông qua yêu cầu nội địa hoá dòng dữ liệu (data localisation) và tăng sự giám sát của chính phủ trên môi trường internet.
 

Có một điểm khác nhau mấu chốt cần được làm rõ giữa hai thuật ngữ thoạt đầu có vẻ tương đồng, đó là chủ nghĩa bảo hộ điện toán (digital protectionism) và bảo vệ dữ liệu (data protection). Mặc dù cả hai thuật ngữ đều được dùng để chỉ việc can thiệp của chính phủ vào dòng di chuyển xuyên quốc gia của dữ liệu trên môi trường internet, động cơ và động thái can thiệp trên thực tế của hai thuật ngữ này hoàn toàn khác nhau. Bảo vệ dữ liệu người dùng internet là một xu hướng làm luật mang tính tích cực đang được đẩy mạnh ở châu Âu, với sự thông qua của Luật Bảo vệ Dữ liệu châu Âu (GDPR). Chủ trương bảo vệ dữ liệu hướng đến việc quản lý một loại dữ liệu rất cụ thể: dữ liệu cá nhân (personal data) của người dùng internet. Mục đích chính của việc thông qua các điều luật bảo vệ dữ liệu là tạo nên cơ sở pháp lý vững chắc để cá thể sử dụng internet có thể giành lại dữ liệu thuộc về họ từ tay các doanh nghiệp kinh doanh dữ liệu trên mạng internet – một diễn biến vô cùng cần thiết sau những bê bối xung quanh bầu cử Mỹ vào năm 2016 và sự can thiệp của công ty Cambridge Analytica trong vụ bê bối này. Ngược lại, chủ nghĩa bảo hộ điện toán và những động thái làm luật liên quan đến chủ nghĩa này thường có xu hướng xem dữ liệu trên internet như hàng hoá đang được vận chuyển tự do qua lãnh thổ các nước mà không đóng thuế. Hơn thế nữa, chủ nghĩa bảo hộ điện toán thường không phân biệt các loại dữ liệu khác nhau trên môi trường internet: dữ liệu cá nhân, dữ liệu định vị, dữ liệu tự động, hay dữ liệu công cộng đều được gộp chung dưới tên gọi dữ liệu. Thường được phát động dưới danh nghĩa bảo vệ dữ liệu và ‘nội địa hoá’ dữ liệu, chủ nghĩa bảo hộ điện toán gây nên những hiểu lầm cơ bản đối với người dùng internet về mục đích, nội dung, cũng như tác động của lối tư duy này.

Bảo hộ điện toán và bảo hộ mậu dịch: những điểm khác nhau quan trọng

Nhìn chung, cộng đồng thế giới xem bảo hộ mậu dịch là một tư duy kinh tế mang tính tiêu cực và cần được hạn chế bởi các quy ước mậu dịch quốc tế. Tuy bảo hộ mậu dịch đã được ràng buộc bởi nhiều quy ước quốc tế, bảo hộ điện toán vẫn đang là một vấn đề vô cùng mới mẻ. Tuy chủ nghĩa bảo hộ điện toán có thể được xem là tàn dư của lối tư duy bảo hộ trong môi trường kinh tế, bảo hộ mậu dịch và bảo hộ điện toán có ba điểm khác nhau cốt lõi khiến việc tư duy theo chủ nghĩa bảo hộ trong môi trường internet mang tính bất cập.

Thứ nhất, các dịch vụ điện toán phân tích dữ liệu lệ thuộc vào sự di chuyển dữ liệu tự do xuyên biên giới các quốc gia và vùng lãnh thổ. Những dòng dữ liệu di chuyển xuyên biên giới này có thể tạo ra hàng hoá thương mại, dịch vụ thương mại, hoặc sự kết hợp của cả hai. Trên môi trường internet, khái niệm hàng hoá có thể bao gồm cả phim ảnh và âm nhạc – những sản phẩm này khác hẳn với khái niệm hàng hoá vật chất trong tư duy bảo hộ mậu dịch. Cụ thể, rất nhiều hàng hoá điện toán không mất mát giá trị khi đã qua trao đổi: một bản nhạc lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số có thể được bán cho hàng trăm ngàn khán giả ở mọi nơi trên thế giới mà không chịu bất kì một mất mát nào về chất lượng cũng như giá trị.  Ngoài ra, người tiêu dùng và đơn vị cung cấp sản phẩm có thể cùng lúc thực hiện trao đổi hàng hoá với rất nhiều đối tượng khác nhau. Hơn nữa, việc giao dịch hàng hoá điện toán có thể xảy ra ở bất kì nơi đâu mà không đòi hỏi việc bên mua và bên bán phải ở cùng một vị trí địa lý tại cùng một thời điểm cố định. Chính vì vậy, việc định nghĩa xác đáng hành động bảo hộ điện toán của một quốc gia trên internet là vô cùng khó khăn: khó mà có thể xác định được liệu một quốc gia đang bảo vệ quyền riêng tư cá nhân của công dân mình, hàng hoá được sản xuất ra từ quốc gia đó, dịch vụ thương mại chịu bảo vệ pháp luật của quốc gia đó, hay đơn giản là đang tiến hành những chính sách bắt nguồn từ tư duy bảo hộ lỗi thời.


 Những dữ liệu bị các quốc gia “khóa” và không cho phép lưu chuyển toàn cầu. Nguồn: Ft.com

Thứ hai, việc xác định nhập khẩu – xuất khẩu trong môi trường internet, cũng như việc thẩm định luật thương mại và sở hữu trí tuệ nội địa của dữ liệu trên môi trường internet là vô cùng khó khăn. Dữ liệu trên internet không bao giờ di chuyển theo đường thẳng từ điểm A đến điểm B; ngược lại, không ai có thể xác định cụ thể được một đơn vị dữ liệu sẽ được vận chuyển theo tuyến đường nào trước khi đơn vị dữ liệu đó được gửi đi. Giả sử A và B đang ngồi cách nhau 0.5m trong cùng một căn phòng tại Hà Nội, sử dụng cùng một mạng wifi, và đang muốn chia sẻ kho âm nhạc với nhau qua mạng internet. Một bài hát gửi từ máy tính của A sang máy tính của B có thể sẽ được chia nhỏ ra làm nhiều đơn vị dữ liệu khác nhau, mỗi đơn vị dữ liệu được truyền đi trên mạng internet theo những tuyến đường độc nhất và ngẫu nhiên: ¼ bài hát có thể được truyền sang Thái Lan, Hong Kong, Úc và Hàn Quốc trước khi quay trở về Việt Nam và hạ cánh an toàn tại máy tính của B – trong khi ¾ còn lại của bài hát có thể được truyền đi với bất kỳ tuyến đường nào mà thuật toán định tuyến xác định là tuyến đường nhanh nhất để vận chuyển đơn vị dữ liệu đó. Từ một máy chủ (server) chính, dữ liệu có thể được truyền đi qua rất nhiều đơn vị hành chính quốc gia khác nhau. Tất cả quá trình này xảy ra trong vòng vài nano giây; mỗi nano giây có vô số những hoạt động tương tự xảy ra trên internet. Hơn thế nữa, một đơn vị hàng hoá điện toán có thể được truy cập bởi số lượng người dùng vô cùng lớn trong một thời gian rất ngắn: hãy tưởng tượng hàng triệu lượt truy cập trên toàn thế giới mỗi phút khi các nghệ sĩ lớn như Adele hay Beyonce ra mắt một sản phẩm âm nhạc mới.

Thứ ba, mặc dù các hoạt động thương mại dữ liệu điện toán xảy ra trên môi trường chung toàn cầu là internet, các đối tượng tham gia giao dịch dữ liệu không có cùng mức độ trách nhiệm cũng như khả năng duy trì sự ổn định của môi trường chung này. Cá nhân, đơn vị thương mại, và chính phủ đều tham gia vào các hoạt động thương mại dữ liệu trên internet với các chức năng khác nhau: cá nhân thường là cá thể cung cấp dữ liệu, các đơn vị thương mại thu thập, xử lý, và bán thông tin bắt nguồn từ dữ liệu, trong khi chính phủ can thiệp vào quá trình này nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cá thể dữ liệu – đồng thời cũng là người tiêu dùng trên môi trường mạng. Mô hình kinh doanh của các công ty như Facebook hay Google phụ thuộc vào việc cá thể dữ liệu sử dụng dịch vụ mà họ cung cấp một cách miễn phí, nhưng thay vào đó đánh đổi dữ liệu cá nhân mà họ chia sẻ trên các dịch vụ này. Bởi vì trong cấu trúc này, cá thể dữ liệu thường không hiểu hết trách nhiệm và khả năng bảo vệ quyền riêng tư cũng như sở hữu dữ liệu của mình – những hoạt động vô cùng quan trọng trong việc góp phần gia tăng sự an ninh và tính ổn định của mạng internet. Chính vì vậy, chính phủ các nước trên thế giới đang dần đẩy mạnh chính sách quản lý internet để bảo vệ sự an toàn và an ninh trên mạng của công dân nước họ. Tuy nhiên, các chính sách quản lý internet non trẻ hiện nay có thể vô tình ngăn chặn giao lưu thương mại trong vận chuyển dữ liệu xuyên biên giới – một tác động đi ngược lại với mục đích an ninh và bình ổn mạng internet.

Định nghĩa chủ nghĩa bảo hộ điện toán của Mỹ: rào cản thương mại quốc tế trên internet

Một trong những quốc gia lên án chủ nghĩa bảo bộ điện toán gay gắt nhất là Mỹ – với loạt báo cáo thường niên soạn thảo bởi Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) từ năm 2013 đến nay liên tục cập nhật và bành trướng phạm vi định nghĩa chủ nghĩa bảo hộ điện toán. Thái độ gắt gao của Mỹ bắt nguồn từ lợi nhuận mà Mỹ thu được nhờ vào mạng internet: theo ước tính của USITC, sự gia tăng GDP từ 3.4% lên đến 4.8% của Mỹ từ năm 2011 – 2013 là nhờ vào thương mại điện tử, và thương mại điện tử đóng góp 6.5% GDP của Mỹ vào năm 2016. Bên cạnh Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu (sở hữu lượng xuất khẩu dịch vụ điện toán lớn nhất thế giới) cũng thường xuyên lên tiếng chỉ trích các hành vi được xem là rào cản thương mại quốc tế, ngăn cản việc xâm nhập thị trường nội địa của doanh nghiệp nước ngoài và tạo nên lợi thế bất hợp lý cho doanh nghiệp nội địa. Ngoài ra, các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng thường xuyên kêu gọi những nỗ lực thiết lập quy định chung về rào cản thương mại để bảo vệ quyền riêng tư và an ninh mạng. Đặc biệt, OECD dựa trên các tiêu chuẩn và hiệp định có sẵn từ Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) – cụ thể là Hiệp định về Vệ sinh An toàn Thực phẩm và Kiểm dịch Động thực vật (SPS) và Hiệp định về các Hàng rào Kỹ thuật đối với Thương mại (TBT) để chỉ ra các rào cản thương mại điện tử. Nhìn chung, có bảy rào cản phi thuế quan chính liên quan đến thương mại điện tử đã được công nhận rộng rãi như sau:

1. Các yêu cầu bản địa hoá (localisation): định nghĩa là những yêu cầu đòi hỏi hoạt động thương mại điện tử phải diễn ra trên vùng lãnh thổ quốc gia, hoặc phải sử dụng nội dung sản phảm và dịch vụ nội địa, ví dụ như phần cứng hoặc phần mềm máy tính. Các quốc gia như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, và Nigeria đều đưa ra những yêu cầu bản địa hoá này.

2. Hạn chế di chuyển dữ liệu tự do (data flow restrictions): định nghĩa là những yêu cầu đòi hỏi lưu giữ dữ liệu tại máy chủ nội địa, hoặc xử lý dữ liệu nội địa. Trung Quốc là quốc gia tiêu biểu đưa ra những hạn chế dữ liệu này.

3. Vi phạm sở hữu trí tuệ: ăn cắp sản phẩm trí tuệ điện tử (cybertheft), các trang mạng chia sẻ thông tin dữ liệu miễn phí. Trung Quốc là quốc gia có lịch sử xấu với việc chấp hành các quy ước sở hữu trí tuệ quốc tế.

4. Việc thi hành những tiêu chuẩn nội địa riêng khó thi hành: bao gồm những yêu cầu tiết lộ mã nguồn (source code) của doanh nghiệp. Nga là quốc gia đi đầu trong việc đưa ra những tiêu chuẩn nội địa ‘gây khó’ cho doanh nghiệp như trên.

5. Lọc và ngăn chặn nội dung mạng (filtering and blocking): lọc nội dung trang mạng, hoặc ngăn chặn các trang web và dịch vụ mạng như Facebook hay Google. Trung Quốc là quốc gia có chiến lược lọc và ngăn chặn dịch vụ mạng lớn nhất thế giới, nơi mà các dịch vụ mạng nổi tiếng toàn cầu như Google và Facebook không được vận hành chính thức.

6. Tính trung lập của internet (net neutrality): quy tắc quản lý giao thông dịch vụ trên internet một cách công bằng, không ưu tiên các doanh nghiệp dịch vụ lớn và bắt nạt các doanh nghiệp nhỏ. Vấn đề trung lập của internet là một điểm làm luật nhạy cảm tại Mỹ, bởi những diễn tiến phức tạp gần đây khi chính quyền của Donald Trump gỡ bỏ các quy định về tính trung lập của internet được phê duyệt dưới thời Tổng thống Obama. Nhìn chung, quy tắc trung lập của internet có mục đích đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng trong thương mại điện toán, ngăn chặn việc các nhà mạng viễn thông đòi hỏi doanh nghiệp dịch vụ kinh doanh trên mạng phải trả thêm phí để được ưu tiên vận chuyển dữ liệu của mình với tốc độ nhanh hơn trên internet.

7. Nguy cơ an ninh mạng (cybersecurity risks): quản lý an ninh mạng quá lỏng lẻo sẽ dẫn đến mất mát thương mại và suy giảm lòng tin người dùng internet – góp phần làm giảm sự bình ổn hệ thống hạ tầng kỹ thuật mạng. Tuy nhiên, quản lý an ninh mạng quá chặt chẽ sẽ làm hỏng dòng giao dịch tự do thương mại. Một lưu ý chính là khái niệm an ninh mạng hoàn toàn độc lập với sáu khái niệm nêu trên, đặc biệt là khái niệm bản địa hoá và khái niệm hạn chế di chuyển dữ liệu tự do.

Ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại nội địa và quốc tế

Tư duy và động thái làm luật mang tính bảo hộ thường mang lại những chi phí khó lường trước cho cả người dùng internet và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ và hàng hoá trên môi trường internet. Cơ sở hạ tầng internet cần sự di chuyển tự do của dữ liệu để có thể hoạt động một cách đáng tin cậy và hiệu quả: việc đặt ra những rào cản mang tính quốc gia sẽ dẫn đến nguy cơ chia nhỏ internet và làm chậm các quá trình thương mại toàn cầu đã và đang diễn ra với tốc độ ngày càng chóng mặt. Theo ước tính năm 2014 của Trung tâm Kinh tế Chính trị châu Âu (ECIPE), một tổ chức nghiên cứu kinh tế chính trị độc lập với trụ sở tại Brussels, ảnh hưởng tiêu cực của việc đòi hỏi nội địa hoá dữ liệu và các động thái bảo hộ điện toán là không nhỏ đối với toàn bộ các quốc gia trên thế giới. Nếu các yêu cầu nội địa hoá dữ liệu được thi hành rộng rãi ở các quốc gia được phân tích trong báo cáo này rủi ro đánh mất đầu tư trong nước ảnh hưởng toàn bộ các quốc gia được đánh giá, bao gồm Brazil (-4.2%), Trung Quốc (-1.8%), Liên minh châu Âu (-3.9%), Ấn Độ (-1.4%), Indonesia (-2.3 percent), Korea (-0.5%), và Việt Nam (-3.1%). Phúc lợi người tiêu dùng cũng sẽ chịu nhiều tổn hại đáng kể, với ước tính thiệt hại lên đến 1.5 tỉ USD cho Việt Nam, 14.5 tỉ USD cho Ấn Độ, 15.9 tỉ USD cho Hàn Quốc, $63 tỉ cho Trung Quốc, và $163 tỉ cho Liên minh châu Âu. Những con số đáng lo ngại này chứng tỏ sự bất bình ổn diện rộng mà tư duy bảo hộ điện toán – một xu hướng tuy mới nhưng được bắt nguồn từ những thói quen và thái độ tiêu cực từ trước khi internet được ra đời – sẽ dẫn đến trong tương lai nếu các quốc gia trên thế giới duy trì lối tư duy bảo thủ, lợi bất cập hại này. ¨
—-
Tác giả công tác tại Đại học Melboure, Úc

 

Tác giả