Chủ quyền nhân dân

Xác lập chủ quyền nhân dân là một trong những nội dung quan trọng nhất mà mọi bản hiến pháp hiện đại đều hướng tới. Vậy chủ quyền nhân dân là gì?

Chủ quyền nhân dân là nguyên tắc khẳng định rằng tính hợp pháp (tính chính danh) của Nhà nước phải được xác lập và duy trì dựa vào ý chí hoặc sự đồng thuận của nhân dân. Nói cách khác, chủ quyền nhân dân đòi hỏi muốn cầm quyền thì phải được nhân dân lựa chọn; muốn tiếp tục cầm quyền thì phải được nhân dân ủng hộ.

Với nội hàm như trên, việc xác lập chủ quyền nhân dân là rất quan trọng không chỉ để xây dựng một nhà nước dân chủ, mà còn để khuyến khích nhà nước đó phụ̣c vụ nhân dân. Một nhà nước không do nhân dân, thì không thể vì nhân dân. Một quan chức không do nhân dân, thì ít có khuyến khích để phục vụ nhân dân. Việc xác lập chủ nguyền nhân dân cũng sẽ giúp chúng ta phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn. Đơn giản là vì những kẻ tham nhũng sẽ không được nhân dân lựa chọn và sẽ không được nhân dân ủng hộ. Những kẻ có chức rồi mới bị tha hóa và tham nhũng, thì sẽ không được lựa chọn lần thứ hai.

Đợt sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là cơ hội để chúng ta mở rộng hơn nữa phạm vi của chủ quyền nhân dân nhằm tạo ra động lực mới cho nền quản trị quốc gia và cho cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Cụ thể, hiện nay, nhân dân mới chỉ bầu chọn các vị dân biểu. Sắp tới, phải để nhân dân bầu chọn cả các vị đứng đầu các cơ quan hành chính. (Khi được nhân dân trực tiếp bầu, thì các quan chức này có thể được gọi là xã trưởng, huyện trưởng, thị trưởng, tỉnh trưởng, tổng thống). Thực ra, các vị đứng đầu hành chính mới là những người có công việc động chạm đến lợi ích nhân dân nhiều nhất. Làm cho các vị này phụ thuộc vào nhân dân để có chức quyền là cách làm hay nhất để cải cách hành chính, để nâng cao hiệu quả hoạt động và để phòng, chống tham nhũng. Bởi vì rằng, các vị đứng đầu hành chính sẽ phải hết sức giữ gìn và hết sức tận tụy với nhân dân để được bầu và được bầu lại. Và bộ máy của các vị này cũng sẽ bị ép buộc phải làm như vậy (nếu không thì thủ trưởng của họ sẽ bị mất phiếu). Chúng ta thấy, như vậy thì chế độ trách nhiệm trực tiếp trước nhân dân của các cơ quan hành chính sẽ được xác lập. Cách làm hiện nay là theo kiểu “dùi đánh đục, đục đánh khăng”- các quan chức hành chính chịu trách nhiệm trước các vị dân biểu, các vị dân biểu chịu trách nhiệm trước dân. Cách làm này chắc chắn là không hiệu quả bằng cách cả các vị dân biểu lẫn các quan chức hành chính đều phải chịu trách nhiệm trước dân.

Hơn thế nữa, chỉ khi cả các vị đứng đầu hành chính và cả các vị dân biểu đều do nhân dân bầu ra, thì chúng ta mới có thể thiết kế được cơ chế để các cơ quan nhà nước kiểm soát quyền lực của nhau như nghị quyết của Đảng đã đề ra. Thiết kế chế độ trách nhiệm theo kiểu “dùi đánh đục, đục đánh khăng” hiện nay thì rất khó làm được điều trên.

Tác giả