Chưa chú ý lắng nghe dân

Chuyện mở rộng Hà Nội đáng lý ra đã có thể không gây nhiều bức xúc, băn khoăn như vừa qua. Chỉ cần trước đó những người chủ trì đề án chịu khó thực hiện đầy đủ các động tác chuẩn bị chặt chẽ, chu đáo, nhằm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, thành phần xã hội.

Tương tự, chuyện cấm xe ba gác, hàng rong cuối năm vừa qua sẽ suôn sẻ, nếu thay vì xua đuổi người dân nghèo ra khỏi không gian đô thị một cách vội vã và vô cảm, nhà chức trách tổ chức cho họ có cuộc sống, công việc mưu sinh khác phù hợp, theo một lộ trình hợp lý, với thái độ tận tụy và có trách nhiệm.  
Đã có khá nhiều chủ trương, chính sách đúng về mặt lý thuyết, nhưng khi đưa ra thực hiện thì vấp phải phản ứng trái chiều, có khi rất quyết liệt của dư luận xã hội. Đó không chỉ đơn giản vì chủ trương, chính sách đã đi từ bàn giấy vào cuộc sống một cách đường đột, quan liêu khiến người dân bị sốc hoặc dị ứng. Mà mấu chốt của vấn đề là do thái độ cư xử của nhà chức trách hành pháp đối với người dân, thể hiện trong quá trình thực hiện các chức năng quản lý, điều hành đất nước của người nắm quyền lực công. Không đứng ngoài cuộc, nhưng thay vì được nhà chức trách coi là đối tác chính trong việc xây dựng chính sách và là chủ thể trong việc triển khai chính sách, người dân thường bị đặt ở vị trí “người thứ ba”. Có khi, tệ hơn, dân bị coi là đối tượng quản lý, bị động, chấp nhận.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hình thành ở quan chức tâm lý cai trị mà không chú ý đến tình cảm, nguyện vọng của dân. Có thể coi đây là nét đặc trưng của xã hội hành chính hoá, xã hội mà trong đó quan hệ người cầm quyền-người dân mang đầy đủ các đặc điểm cơ bản của quan hệ thượng cấp-thuộc quyền. Cứ hình dung: xác định trước các mục tiêu phát triển xã hội, cả ngắn hạn và dài hạn, theo ý mình, nhà chức trách chủ động hoạch định chính sách để thực hiện các mục tiêu đề ra; sau đó, cũng chính nhà chức trách chủ động soạn thảo các quy tắc pháp lý cần thiết để đặt cơ sở cho việc thực thi chính sách. Bởi vậy mới có cụm từ “luật đi vào cuộc sống”, không có cách diễn đạt tương đương trong ngôn ngữ pháp lý của các nước tiên tiến, được nhắc đi nhắc lại ra rả.
Nhưng hơn hết, tâm lý đó là hệ quả tất yếu của một cơ chế tổ chức và vận hành của một bộ máy công quyền mà trong đó việc thừa nhận vai trò làm chủ của dân chỉ dừng lại ở những khẳng định mang tính khẩu hiệu.
Về mặt lý thuyết, người dân, thông qua đại biểu dân cử, có thể bãi miễn một số chức vụ hành pháp tỏ ra không xứng đáng hoặc hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, các điều kiện về thủ tục bãi miễn thường rất ngặt nghèo đến mức quyền bãi miễn hầu như chỉ còn giá trị trên giấy. Chẳng hạn, theo pháp luật hiện hành, để xúc tiến thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm đối với một thành viên Chính phủ, cần có đề nghị của ít nhất 20% đại biểu Quốc hội hoặc của Hội đồng Dân tộc hay của một Ủy ban nào đó của Quốc hội. Việc bỏ phiếu còn phải được Ủy ban thường vụ Quốc hội chấp nhận đưa vào chương trình nghị sự của một kỳ họp Quốc hội.
Người dân cũng không có cơ hội đưa một quan chức hành pháp nào đó ra toà án, trong khuôn khổ một tranh chấp tài phán đối tịch, bình đẳng, trong trường hợp quan chức đề ra quy tắc ứng xử pháp lý bị cho là trái hiến pháp, trái luật, gây thiệt hại cho xã hội. Có bức xúc, thì nhiều lắm, người dân chỉ có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền. Động thái phản ứng trong vô vọng gần đây của Liên minh các hợp tác xã vận tải Thành phố Hồ Chí Minh trước quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc tập thể hoá các phương tiện vận tải ô tô của tư nhân, là ví dụ tiêu biểu.   
Không thể dựa vào thiết chế dân cử để giám sát nhà chức trách hành pháp, cũng không trông cậy vào người cầm cân nẩy mực để đòi hỏi công lý, người dân phải nhờ đến các phương tiện truyền thông. Nói khác đi, để thúc giục người cầm quyền huỷ bỏ hoặc điều chỉnh những chính sách, biện pháp quản lý không hợp lòng dân, người dân hiện chỉ có mỗi thứ vũ khí là sức ép của công luận.
Tuy nhiên, sức ép của công luận, dù có quyết liệt, mạnh mẽ đến mấy, cũng chỉ gây ồn ào là cùng, chứ không thể tạo được ảnh hưởng pháp lý thực sự bất lợi đối với chức vụ, công việc của người nắm quyền lực công.
Có thể mô tả ngắn gọn bài học cần rút ra từ những chuyện trục trặc gần đây: cần sớm cải thiện hệ thống luật pháp theo hướng nâng cao vị thế của người dân trong mối quan hệ với nhà chức trách hành chính. Phải trao cho người dân những công cụ pháp lý sử dụng được một cách đơn giản, thiết thực và có hiệu quả trong việc giám sát và phán xét hoạt động của các chức vụ hành pháp. Chỉ khi nào nhận thấy rằng người dân có quyền trừng phạt mình và biết dè chừng trước sự trừng phạt đó, người nắm quyền lực công mới có động lực, đúng hơn là mới chịu sức ép, để quan tâm nhiều hơn đến vai trò chủ động của người dân trong việc hoạch định và thực thi chính sách.

Nguyễn Ngọc Điện

Tác giả