Chưa thấy hết mức độ khác biệt giữa KHTN và KHXH&NV

Trao đổi với phóng viên Tia Sáng, GS. Trần Trí Dõi, Đại học KHXH&NV-Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học, cho rằng Dự thảo “Quyết định ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” chưa thấy hết sự khác biệt giữa KHTN và KHXH, từ đó đưa ra một số tiêu chuẩn thiếu tính thực tế.


GS Trần Trí Dõi. Ảnh: Thành Long.

Thưa giáo sư, có điểm nào tiến bộ hay thụt lùi của bản Dự thảo lần này so với Quyết định trước đó không?

Tôi cho rằng, sự “tiến bộ” của bản Dự thảo lần này là đã xác định được một số tiêu chí cụ thể để công nhận đạt chức danh GS và PGS ở mức cao hơn trước đây, đáp ứng được mong mỏi của xã hội hơn. Tuy nhiên, “thụt lùi” của bản Dự thảo lần này là “vẫn tiếp tục lưu giữ” một số cái bất hợp lý của Quyết định trước đây. Trong số những cái bất hợp lý rõ nhất được lưu giữ là những người soạn bản Dự thảo vẫn “chưa thấy hết mức độ khác biệt” giữa khoa học tự nhiên – kỹ thuật – công nghệ (gọi tắt là khoa học tự nhiên) và khoa học xã hội – nhân văn (gọi tắt là khoa học xã hội); lại càng “chưa thấy hết mức độ khác biệt” giữa những phân ngành trong hai khối ngành khoa học đó. Ví dụ, những người “nghiên cứu và đào tạo” tiếng Anh thuộc ngành Ngôn ngữ học thì những tiêu chuẩn quy định ở điểm 10 và điểm 11 của Điều 2 (về thành thạo tiếng Anh) là không có vấn đề gì. Trong khi đó, những người “nghiên cứu và đào tạo” không phải tiếng Anh cũng thuộc ngành Ngôn ngữ học thì đây lại là “một vấn đề”.

Qua những lần tham gia Hội đồng xét công nhận ở cấp Cơ sở và cấp Ngành, tôi nhận thấy đây là một trong những lý do chính gây ra nhiều sự “tranh cãi”.
 
Có ý kiến cho rằng, dù thế nào thì giải pháp công nhận và bổ niệm GS, PGS phải theo hướng hội nhập quốc tế. Vậy theo GS, vấn đề “hội nhập quốc tế” cần phải được hiểu như thế nào?

Việc công nhận và bổ nhiệm GS/PGS theo hướng hội nhập quốc tế không có nghĩa là làm như nước khác đã làm hay đặt ra tiêu chuẩn giống “như của quốc tế” mới là hội nhập. Theo tôi, trong Dự thảo có một số tiêu chuẩn, nhìn từ góc độ người giảng dạy khoa học xã hội và nhân văn (cụ thể là ngôn ngữ học), thì tôi thấy là thiếu cơ sở thực tế. Chẳng hạn, về tiêu chuẩn ứng cử viên PGS (Điểm 4. Điều 9): “Đến năm 2019, ứng viên là tác giả chính và đã công bố được ít nhất: một bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus”. Có người cho rằng với thực trạng khoa học xã hội hiện nay nên đặt ra tiêu chuẩn cao hơn để thúc đẩy sự phát triển. Suy nghĩ ấy thoạt nhìn thì có vẻ tiến bộ, nhưng đề ra tiêu chuẩn cao hơn mà không có được cơ sở xã hội để thực hiện thì sẽ chết yểu đồng thời triệt tiêu sự say mê của những ứng viên dồn công sức cho nhiệm vụ phát triển xã hội của quốc gia nên họ chưa/ không có điều kiện công bố “trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI, Scopus”.

Dự thảo đòi hỏi ứng cử viên phải có số năm giảng dạy là 10 năm, phải là tác giả của ít nhất hai sách phục vụ đào tạo. Vậy theo giáo sư thì yếu tố đào tạo nên được đánh giá ở mức độ nào trong việc xét danh hiệu GS/PGS?
Việc quy định “Giảng viên đã có trên 10 năm liên tục làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ” (mục c. Điểm 2. Điều 7) mới đủ thời gian nộp hồ sơ để xét công nhận và bổ nhiệm GS/PGS thì đúng là “chưa khuyến khích” hay “chưa tạo điều kiện” cho giảng viên trẻ. Tôi nghĩ rằng với điều kiện hiện nay, chỉ cần đủ có sáu năm liên tục làm nhiệm vụ đào tạo (thậm chí nếu có thành tích nghiên cứu khoa học tốt thì chỉ cần bốn năm liên tục) mà đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn là có thể được xét công nhận và bổ nhiệm GS/PGS. Ở Việt Nam, thời gian trước đây có những người được xét công nhận và bổ nhiệm GS/PGS thường rất cao tuổi, sau đó không còn sức làm việc.

Việc quy định ứng viên PGS “thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn tham gia biên soạn ít nhất hai sách phục vụ đào tạo” (điểm 5. Điều 9) cũng là một quy định không thực tế, “chưa khuyến khích” hay “tạo điều kiện” cho giảng viên trẻ thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Quy trình lựa chọn các thành viên vào hội đồng ngành như dự thảo đề ra có gì hợp lý/bất hợp lý không, thưa giáo sư?

Trong Dự thảo, đối với Hội đồng “Cơ sở” có Điều 18 quy định “Quy trình thành lập Hội đồng GS cơ sở” và Điều 19 quy định “Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng GS cơ sở”. Nhưng đối với Hội đồng “Ngành” và Hội đồng Nhà nước thì Dự thảo chỉ có Điều 26 và Điều 33 quy định “Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng” mà không thấy có điều khoản quy định “Quy trình thành lập Hội đồng” như ở cấp Cơ sở. Có lẽ Dự thảo cần bổ sung điều này để minh bạch thông tin trong xã hội.

Tôi cũng đã đọc ý kiến đăng tải trên trên báo Tia Sáng ngày 7.2.2017 cho rằng “Có thể nói nhiều HĐCDGS ngành hiện nay không có uy tín đối với các nhà khoa học”. Để tránh sự bán tín bán nghi khi có một nhận xét như vậy, việc Dự thảo bổ sung “Quy trình thành lập Hội đồng” ở những cấp này là cần thiết.

Với lại, trong điều kiện kỹ thuật tin học như hiện nay, thành viên Hội đồng Giáo sư các cấp nên công khai kết quả nghiên cứu khoa học của mình trong những năm thuộc nhiệm kỳ trước (nếu có) và cập nhật hằng năm sau khi được bổ nhiệm nhiệm kỳ đương nhiệm. Ở cấp Cơ sở thì công bố kết quả nghiên cứu khoa học của thành viên Hội đồng trên website của cơ sở giáo dục đại học; ở cấp còn lại thì công bố kết quả nghiên cứu khoa học của thành viên Hội đồng trên website của Hội đồng Chức danh Nhà nước. Việc minh bạch thông tin của các thành viên Hội đồng là để tạo đồng thuận trong dư luận.

Tiêu chí dành cho các thành viên trong hội đồng đã phù hợp chưa? Theo giáo sư có nên mở ra cho những người chưa phải là GS, PGS nhưng có thành tích nghiên cứu rất tốt không?

Thoạt nhìn thì những tiêu chí dành cho các thành viên trong hội đồng có vẻ hợp lý; nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì thấy có những tiêu chí quan trọng nhất lại thiếu cụ thể, còn một vài tiêu chí khác thì lại quá chi tiết. Cho nên có thể có một vài thành viên hội đồng được chọn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Ví dụ, tiêu chuẩn chuyên môn của thành viên trong hội đồng ngành ghi ở điểm 3. Điều 26 là “Có uy tín chuyên môn và khoa học cao, là nhà khoa học đầu ngành thuộc lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhiệm”. Ở đây người ta sẽ đặt câu hỏi: vậy dựa vào “dấu hiệu” hay “thước đo” nào để xác định một giảng viên nào đó “Có uy tín chuyên môn và khoa học cao, là nhà khoa học đầu ngành thuộc lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhiệm”? Trong khi đó lại quy định một cách quá chi tiết vào tiêu chuẩn ngoại ngữ của thành viên hội đồng ở điểm 4. Điều 26.

Còn ý kiến góp thêm rằng nên“mở ra cho những người chưa phải là GS, PGS nhưng có thành tích nghiên cứu rất tốt” cần được cân nhắc. Tôi không biết chắc chắn đối với những ngành khoa học khác (như là ở khoa học tự nhiên chẳng hạn) thì có khả năng có “những người chưa phải là GS, PGS nhưng có thành tích nghiên cứu rất tốt” không. Nhưng như ở một vài ngành thuộc khoa học xã hội thì điều đó khó có thể là hiện thực. Vì như ở ngành ngôn ngữ học mà tôi tham gia, khi có một giảng viên đã “có thành tích nghiên cứu rất tốt” thì chắc chắn họ đã đủ tiêu chuẩn và trở thành chí ít cũng là PGS. Cho nên, để đề xuất một khả năng “mở ra” như thế thì phải xác định một cách rõ ràng “thế nào là giảng viên có thành tích nghiên cứu rất tốt” mà chưa phải là GS, PGS.

Hảo Linh thực hiện

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)