Có một người phụ nữ Việt như thế

Những ngày này, bà Nguyễn Thị Bình vô cùng bận rộn chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris. Người phụ nữ ấy, luôn khiến những người dù trong nước hay nước ngoài, mỗi lần tiếp xúc với bà thường ngạc nhiên về hai điều: khả năng làm việc kỳ diệu, sự uyên bác, thuyết phục tỏa ra từ con người bà.

Trong hình dung của nhiều người, bà Nguyễn Thị Bình là một nhà chính trị duyên dáng trong tà áo dài truyền thống đi khắp bốn bể năm châu, sắc sảo, thông minh khi đề cập đến những vấn đề chiến lược…

Đem bạn bè về cho dân tộc

Bà được cử làm Phó trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc giải phóng sang Paris dự hội nghị về vấn đề Việt Nam từ cuối năm 1968. Ngày 6.6.1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời, bà được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ.

Trong hình hình khó khăn và nhiều thử thách, hơn bao giờ hết Tổ quốc mong chờ sự đóng góp của thanh niên – lực lượng nòng cốt của đất nước. Các bạn thanh niên cần có sự khao khát, hoài bão, có tinh thần dấn thân vì lợi ích bản thân, cộng đồng mà trên hết là lợi ích của Tổ quốc.

Trong suốt thời gian từ năm 1968-1972, hằng tuần, tại Paris, bà con Việt kiều ở Pháp dường như đã quen thuộc với sự xuất hiện của một nữ Bộ trưởng Ngoại giao vô cùng lịch lãm, sang trọng, phong thái uy nghiêm tới Trung tâm hội nghị quốc tế để đàm phán bốn bên. Bà cũng là người phụ nữ lãnh đạo duy nhất của cuộc đàm phán kéo dài nhất lịch sử này. Năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, bà là người thay mặt bốn bên ký kết vào bản hiệp định…

Nói về bà, nhà văn Nguyên Ngọc đã chia sẻ: “Có thể nói mà không sợ quá rằng có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới, từ những người dân thường cho đến các nguyên thủ quốc gia nổi tiếng và thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau. Những năm tháng ấy, bà có mặt ở hầu khắp hành tinh, và thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin”…

Suốt bao nhiêu năm gắn bó với công tác ngoại giao, bà gọi công việc đó là: ngoại giao nhân dân, nghĩa là con người đến với con người, trái tim đến với trái tim. Bà đem bạn bè về cho dân tộc.

“Người về hưu bận rộn”

Năm 1976, đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, với trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, bà vừa phải tổ chức tiếp quản và cải tạo nền giáo dục cũ ở miền Nam vừa phải chuẩn bị triển khai cải cách giáo dục (lần 3). Bà đã hoàn thành vai trò “tổng chỉ huy” thực hiện công việc cải cách giáo dục với nhiều thành tựu lớn. Trong thời kỳ bà làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nhà nước đã có nhiều chính sách ghi nhận và khẳng định vị thế nhà giáo như cải tiến thang lương, tính thâm niên cho giáo viên, thực hiện chính sách đề bạt cán bộ nữ, tôn vinh ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, tôn vinh các danh hiệu cao quý như Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú…

Đến giờ, khi đã ở tuổi 86, bà vẫn làm việc, chẳng thế mà bà tự nhận mình là “Người về hưu bận rộn”, luôn mong muốn làm gì có ích cho đất nước, cho nhân dân. Bà hiện là Chủ tịch của ba tổ chức: Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam; Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam và là Chủ tịch danh dự của Hội Nạn nhân chất độc màu da cam. Bà vẫn xuất hiện trên các diễn đàn hội thảo quốc tế, phát biểu sôi nổi về các lĩnh vực như: Hòa bình, giáo dục, góp ý cho Chính phủ về tình hình, mục tiêu GD-ĐT. Chính bà cũng là tác giả của sáng kiến đề nghị Chính phủ chọn năm 2005 là năm Chấn hưng giáo dục.

Vừa mới đây, bà và nhóm nghiên cứu của mình trong tổ chức Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam đã công bố đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về thực trạng và những đề xuất trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, tạo ra sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài ngành.

Đề án Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT sau năm 2015 cũng đang là mối quan tâm đặc biệt của bà. Theo bà, con người muốn trở nên người lao động chân tay hay trí óc, có năng lực và trí tuệ… trước hết phải có nhân cách, đạo đức. Cho nên, chúng ta cần có một nền giáo dục trung thực, tiên tiến và nhân văn. Tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quan trọng về vấn đề này, luôn có tham luận sắc sảo, tâm huyết của bà.

Với thế hệ trẻ Sáng tạo vì Khát vọng Việt, nhà ngoại giao nổi tiếng này vẫn luôn vẹn nguyên sự nhiệt tình và tâm huyết. Trong ngày hội “Sáng tạo vì Khát vọng Việt”, được tổ chức tại TP.HCM vào cuối tháng 11 vừa qua, bà đã dành trọn 1 ngày từ sáng sớm cho đến 23 giờ để đồng hành và tiếp lửa khát vọng cho giới trẻ ở nhiều vùng miền trên cả nước. Khi bước lên bục phát biểu, sau những tràng pháo tay tán dương nồng nhiệt của các bạn trẻ, bà chia sẻ: “Tôi rất vui và hoan nghênh sáng kiến của T.Ư Đoàn và Tập đoàn Trung Nguyên đã cùng tổ chức chương trình Thanh niên sáng tạo vì Khát vọng Việt. Như tất cả chúng ta đã biết, đất nước hiện nay đứng trước những nhiệm vụ rất to lớn và nặng nề để phát triển đi lên sánh vai với các nước khác trên thế giới. Trong hình hình khó khăn và nhiều thử thách, hơn bao giờ hết Tổ quốc mong chờ sự đóng góp của thanh niên – lực lượng nòng cốt của đất nước. Các bạn thanh niên cần có sự khao khát, hoài bão, có tinh thần dấn thân vì lợi ích bản thân, cộng đồng mà trên hết là lợi ích của Tổ quốc. Chúng ta đã từng được bạn bè thế giới mến phục trong cuộc đấu tranh vệ quốc. Ngày nay thanh niên ta nhất định không chịu thua kém ai, nhất định phấn đấu xây dựng cho được một nước Việt Nam tự chủ, hùng mạnh, nhân dân hạnh phúc, nhất định chúng ta phải làm và đạt được mục tiêu cao cả ấy”.

Tuệ Nguyễn

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)