Có một thế hệ vàng trong công nghiệp biển nước ta

Chúng ta thường nói tới một thế hệ vàng để chỉ một lớp trí thức được đào tạo từ nhà trường thực dân Pháp đã từ bỏ tất cả những điều kiện sống và làm việc thuận lợi của môt tầng lớp trung lưu vừa hình thành, dấn thân vào công cuộc kháng chiến và xây dựng của dân tộc theo tiếng gọi của Mùa Thu 1945. Đó là những Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, là Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên…, những trí thức trong các ngành y tế, giáo dục, công nghiệp… Vậy trong công nghiệp biển tức là những nghề gắn với biển cả như hải quân, đóng tàu, vận tải, ngư nghiệp… có hay không những con người như vậy.

Mặc dù công nghiệp biển nước ta vào những năm thế kỷ 20 còn rất nhỏ bé, yếu ớt nhưng do nhu cầu của cuộc sống,người Pháp đã bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng các cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền. Chỉ ba năm sau khi hạ được đồn Chí Hòa, người Pháp bắt tay ngay vào xây dựng công xưởng Ba Son để lo công tác bảo đảm kỹ thuật cho toàn bộ đội tàu nhằm mở rộng chiến tranh thực dân trên toàn cõi Đông Dương và Trung Quốc. Ba Son lớn lên từng ngày, và để có lớp thợ kỹ thuật người bản xứ, họ đã mở Trường dạy nghề với cái tên đầy đủ là “École des apprentis de l’Arsenal de Saigon” và tuyển dụng những thanh niên học sinh tuổi từ 15 tới 17, có bằng sơ học yếu lược Pháp – Việt, vào học các lớp kỹ thuật từ hai đến ba năm để đến khi ra trường vừa tròn 18 tuổi sẽ bổ nhiệm làm thợ phụ hay thợ chính trong các “trại”, tức các phân xưởng trong công xưởng. Cùng với trường Bá Nghệ (Ecole des Mecaniciens Asiatiques) mà ngày nay là trường Cao Thắng được thành lập vào năm 1909 được người Pháp xây dựng tại Sài Gòn theo mô hình đào tạo kỹ thuật viên cơ khí hải quân Toulon. Nghị định thành lập số BAC ngày 20/02/1906 ký bởi Phó Thủy sư Đô đốc Tư lệnh Hải quân tại Đông Dương De Maroles có ghi rõ “mục đích đào tạo cho nhu cầu ngành hàng hải thương thuyền cho nền cai trị thuộc địa và kỹ nghệ địa phương một đội ngũ cơ khí vững tay nghề về máy móc để sử dụng trên tàu và trên bờ”. Chính những con người mang thương hiệu “Ba Son” và “Bá Nghệ” này đã góp phần tạo nên những bước đi đầu tiên của công nghiệp biển cùa một nước Việt Nam độc lập

Ông Ngô Văn Năm chính là người chỉ huy trực tiếp việc chế tạo các con tàu “không số” từ loại thuyền vỏ gỗ cho tới các tàu vỏ thép sau này còn Lý Văn Sâm là người đặt nền móng cho các ngành công nghiệp biển Việt Nam, là người tổ chức để hình thành các cơ quan đăng kiểm, hoa tiêu, cung ứng…

Vào những ngày Sài Gòn Gia Định sục sôi cướp chính quyền, chi bộ Công xưởng Ba Son dưới sự chỉ huy của bí thư Tư Bầy (Đôn Văn Bầy) không một chút do dự đã quyết định chọn Năm Dảnh tức Ngô Văn Năm, một “thợ cổ trắng”, một họa đồ viên có 20 năm kinh nghiệm, một tiểu trí thức – như ta tạm gọi như vậy – ngoài Đảng giữ chức Giám đốc một công xưởng hải quân hàng đầu Đông Nam Á với gần 2.000 công nhân viên từ kỹ sư bậc cao cho tới các thợ lành nghề thuộc hàng chục chuyên môn khác nhau. Cùng với Lý Văn Sâm kỹ sư công chánh tốt nghiệp Hà Nội; Đào Văn Quang, Trần Hữu Liêm, Nguyễn Thanh Ba, Huỳnh Kim Ngạnh tốt nghiệp Bá Nghệ, Trần Ngọc Lạc phòng thiết kế Ba Son… Ngô Văn Năm sau đó đã gia nhập Đảng và tham gia suốt cuộc kháng chiến 9 năm và cuộc chiến tranh giành thống nhất đất nước. Ông Ngô Văn Năm chính là người chỉ huy trực tiếp việc chế tạo các con tàu “không số” từ loại thuyền vỏ gỗ cho tới các tàu vỏ thép sau này còn Lý Văn Sâm là người đặt nền móng cho các ngành công nghiệp biển Việt Nam, là người tổ chức để hình thành các cơ quan đăng kiểm, hoa tiêu, cung ứng. Đào Văn Quang giữ chức vụ giám đốc đầu tiên của vận tải biển còn Nguyễn Thanh Ba là vị giám đốc năng động của ngành đóng tàu, từ nhà máy Bạch Đằng ông trở lại đứng đầu Ba Son sau năm 1975. Sau khi đưa tàu ra đón các chiến sĩ cộng sản bị tù đầy ngoài Côn Đảo trở về đất liền, Bảy Ngạnh tức Huỳnh Kim Ngạnh tốt nghiệp lớp tài công sà lúp của Bá Nghệ Sài Gòn đi theo suốt cuộc chiến tranh và trở về Sài Gòn trên con tàu Đồng Nai hiện đại trong tư thế “bảy thuyền trưởng trên một con tàu”. Trừ Hoàng Văn Duyệt quê Ninh Giang Hải Dương và học nghề tại Nga, sáu thuyền trưởng còn lại đều là miền Nam tập kết trong đó có bốn người là “sản phẩm” của Bá Nghệ Sài Gòn. Không chỉ tham gia vào các đội tàu dân dụng, một số dân Bá Nghệ đã tham gia Hải quân Pháp và trở thành những lực lượng nòng cốt đầu tiên cho hàng hải Cách mạng. Phan Thanh Nhã, Lê Văn Một, Nguyễn Văn Hân, Nguyễn Bá Phát đã từng làm lính thủy trên các tàu La Marne, La Motte-Picquet – những con tàu mà thực dân Pháp đã dùng để đánh bại quân Xiêm theo Nhật trong trận hải chiến Koh Chang tháng Giêng năm 1941 – sau này đã trở thành người lãnh đạo Hải quân (Nguyễn Bá Phát), người đầu tiên đưa tàu “không số” tiếp tế cho chiến trường miền Nam (Lê Văn Một), người lãnh đạo một công ty vận tải biển (Phan Thanh Nhã).

Thuyền trưởng Tư Hóa (1915-2013) “được dùng mà nghi ngờ”

Dù không có thời gian tham gia Hải quân Pháp nhưng Nguyễn Văn Quế được coi là người thầy đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Khi hỏi đại tá Trịnh Tuần, Chủ nhiệm Chính trị Hải Quân về vị thuyền trưởng này, ông trả lời ngay không cần suy nghĩ: “Đó là một thầy giáo nhiệt tình, gương mẫu, tận tâm với học viên”. Xuất thân từ một gia đình theo đạo Chúa khá giả Hà Nội, ông tốt nghiệp Bá Nghệ, tham gia cuộc tổng khởi nghĩa năm 45 tại Sài Gòn, rồi ra Bắc, lên rừng làm giáo viên hàng hải cho Đội Lính Thủy Sông Lô năm 1949. Khi gặp lại một số đội viên Lính Thủy năm đó, phần lớn đều đã là cấp tá, tướng, các anh đều tỏ ý tiếc và không hiểu tại sao trong đợt đi học tập tại Trung Quốc cuối năm 1950 không có người thày đáng kính, người thày tận tụy từng nhảy xuống nước dậy bơi, làm mô hình từng con tàu cho anh em học tập trong hoàn cảnh rừng rú thiếu thốn. Thực ra, điều đó cũng dễ hiểu. Vào những năm đó, khi “chủ nghĩa lý lịch” bắt đầu dần được áp dụng thì một người có lý lịch “phức tạp” như thày Quế không được tham gia đi học những lý thuyết Lâm Bưu về “chiến tranh cách mạng”, về chiến tranh du kích… là điều dễ hiểu. Cũng như thế, Tư Hóa là một thuyền trưởng con nhà khá giả Sài Gòn, nhiều đời theo đạo Chúa, tốt nghiệp trường Tây Taberd và Bá Nghệ, đã nhiều lần điều khiển tảu tuyến Sài Gòn – Hongkong – Singapore lại làm thuyền trưởng chiếc tàu “Sông Lô” tiếp tế vũ khí ra Bắc mà chính ông điều khiển cho đốt cháy nó để khỏi vào tay giặc Pháp. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc rồi lập thành tích trong việc dẫn tàu Pháp vào cảng Hải Phòng khi thực dân rút đi để lại một cái Cảng hoang vắng mà việc tàu vào là một thách thức với một chính quyền từ kháng chiến vừa trở về, khiến cả Chủ tịch nước cũng phải quan tâm lo lắng. Hai con tàu vào Cảng Hải Phòng ngon lành dưới sự điều khiển của hai hoa tiêu thuyền trưởng, học sinh Bá Nghệ là Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Ý Nết. Đó là tình trạng phổ biến với nhiều anh em đã từng làm nghề biển với chế độ cũ. Ngay cả thuyền trưởng Lê Văn Một, người đầu tiên vào lúc 10 giờ 30 ngày 11/10/1962, điều khiển một chiếc tàu vỏ gỗ mang tên “Phương Đông 1” rời bến K 15 Đồ Sơn vận chuyển 28 tấn vũ khí vào Nam và cập bến Vàm Lũng, Tân An, Ngọc Hiển, Cà Mau, mở đường cho “Đường Hồ Chí Minh trên Biển”, nhưng mãi sang thế kỷ 21 mới lộ danh tính ,mới được phong anh hùng vào năm 2011. Có lẽ vì Một là con thứ 11 trong gia đình khá giả tại Mỹ Tho với 13 người con, mà cả gia đình đã vào “làng Tây” với tên Pháp là Abel René, được gủi ra Bắc tốt nghiệp trung học Thăng Long Hà Nội rồi đi lính thủy cho Pháp trên tàu chiến La Marne và La Motte-Picquet, vợ lại là người nước ngoài, cô La –O-Khiểu Cachi, người Thái Lan1!

Nhắc lại một thế hệ vàng tham gia công nghiệp biển để chúng ta, nhất  là các bạn trẻ thấy được đã từng có một thế hệ dấn thân vì lòng yêu nước, quyết không chịu sống nhục, không chịu làm nô lệ dù con đường đi gập ghềnh chông gai, có nhiều điều “chính phe ta đánh phe mình”. Và, với những nhà quản lý, hãy tin yêu những con người của biển dấn thân vì nghĩa lớn. Đứng trước biển là khát vọng tự do tìm tòi, phát hiện mà mọi lý thuyết khô cứng, xa rời cuộc sống đều trở nên tầm thường, nhỏ nhen với những người “ăn sóng, nói gió”!

***

Chú thích:

1. Cuốn Nhật ký của Lê Văn Một được công bố năm 2006 bởi NXB Trẻ, người sưu tầm và biên soạn là Nguyễn Thị Loan, em họ của Lê Văn Một

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)