Có những dòng sông sắp qua đời

Những ai kia ở chốn phồn hoa đô hội ồn ào, bụi bậm mong có dịp về nông thôn để được hít thở không khí trong lành, đắm mình vào dòng sông quê hương, hẳn sẽ thật sự bị thất vọng bởi môi trường trong lành đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi chất thải công nghiệp, chất thải vô tội vạ của làng nghề, chất thải từ mạnh ai nấy làm trong nuôi trồng thủy sản... và chất thải từ sự vô ý thức của con người tự hủy hoại môi trường sống của chính mình và con cháu mình. Các dữ liệu mà báo cáo của Bộ Tài nguyên-Môi trường vừa công bố, tập trung vào tình hình ba lưu vực Sông Cầu, sông Nhuệ-sông Đáy ở phía bắc và lưu vực sông Đồng Nai ở phía Nam, cho thấy rõ điều đó.


“Ai về bên kia sông Đuống, cho tôi gửi…”, vùng Kinh Bắc mộng mơ của “tranh Đông hồ gà lợn nét tươi trong, màu dân tộc cháy bừng trên giấy điệp” (Hoàng Cầm) thì nay cần xót xa để biết cho rằng, hàng năm, lưu vực Sông Cầu đang tiếp nhận thêm ít nhất 180.000 tấn phân hóa học và 1.500 tấn thuốc trừ sâu! Có 800 cơ sở sản xuất công nghiệp, 200 làng nghề và 1200 cơ sở y tế trong khu vực có mật độ dân số cao hơn hai lần mật độ dân số cả nước. Nước thải của nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ giữa thành phố Thái Nguyên xả thẳng vào các nhánh nhỏ đổ ra sông Cầu mang theo các chất ô nhiễm vô cơ, xơ sợi khó lắng và độ kiềm cao. Khu công nghiệp gang thép này cho tuôn chảy vào sông Cầu một lưu lượng khoảng 1,3 triệu m3/năm với những chất độc hại như dầu mỡ, phenol và cyanure.
Lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy với mật độ dân số 874 người/km2, gấp đôi lưu vực sông Cầu, bị nước thải đô thị xối thẳng trực tiếp làm đen ngòm nước sông đang bốc mùi, trong đó Thủ đô “vinh dự” góp 54% lượng nước thải đó! Con sông Đáy thơ mộng với nước trong vắt, “soi tóc những hàng tre” của những vùng đầy ắp những danh lam thắng cảnh, chùa chiền, miếu mạo, đền thờ, di tích lịch sử cùng với  những con sông Châu Giang, sông Tích, sông Hoàng Long, sông Đào từng tắm mát tâm hồn bao thế hệ cư dân Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình, Ninh Bình thì nay đang chuyển màu, khô kiệt và hôi thối. Không khéo đến “ngựa đá” trong “lưỡng hồi lao thạch mã” từ bài thơ của ông vua anh hùng thời Trần lao ra, cũng đến chết chìm trong dòng sông ô nhiễm thời hiện đại đang lượn sát vùng đất thiêng Tức Mạc, nơi phát tích của khí phách Đông A.
“Làm trai cho đáng nên trai, Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng”, vang bóng một thời đó đang bị đe dọa. Cả hệ thống những con sông trong lưu vực sông Đồng Nai này đang chịu tác động cùng lúc từ nhiều nguồn, phần hạ lưu đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, có những đoạn đã chết và đang chết. Nước sông Đồng Nai, đoạn từ Nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại có hàm lượng chì rất cao. Còn chất hữu cơ với dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng thì đang xối vào hủy hoại hệ thống sông Sài Gòn. Riêng sông Thị Vải đã có đoạn bị chết kéo dài từ sau khu vực hợp lưu suối Cả-Đồng Nai đến khu công nghiệp Mỹ Xuân.
Theo nhận định của GS Phạm Duy Hiển trong Hội thảo: “Nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong quá trình hội nhập” do Tia Sáng tổ chức vừa qua, thì thực trạng về ô nhiễm môi trường ở nông thôn còn có khía cạnh nặng nề hơn so với đô thị. Thì ra, nông thôn “truyền thống” đã khởi động cho Đổi Mới với “khoán”, tác động đẩy tới sự chuyển động của đô thị và công nghiệp “hiện đại”, thế rồi chính cái “truyền thống” đã cứu cho cái “hiện đại” một bàn thua trông thấy (theo ngôn từ bóng đá), thì thành quả của Đổi Mới đô thị thụ hưởng phần lớn, nông thôn chẳng được bao nhiêu. Rõ ràng là trong mục tiêu công bằng mà ta hướng tới với một xã hội dân chủ và văn minh, thì đây là một sự bất công lớn.
Nhưng chẳng lẽ chúng ta đành bó tay trước quy luật nghiệt ngã, khốc hại của thời kỳ tích lũy hoang dại, sơ khai để công nghiệp hóa, đô thị hóa xưa kia vốn được xây đắp trên cái nền của sự tàn phá và bần cùng hóa nông thôn; chẳng lẽ phải đánh đổi một nông thôn xanh tươi và hài hòa với thiên nhiên, nơi ấp ủ nền văn hóa truyền thống dân tộc, nơi nuôi dưỡng sự trong lành, ấm áp của tuổi thơ bao thế hệ Việt Nam, để đổi lấy những ngôi nhà bê tông vô hồn đang kệch cỡm mọc lên, phô ra cái thị hiếu hạ cấp, đổi lấy một lối sống lai căng ngấu nghiến những cặn bã của văn minh đô thị chưa kịp tiêu hóa, đổi lấy những dòng sông đen ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước tươi mát bao đời tắm tưới, thanh lọc tâm hồn Việt Nam, nuôi dưỡng và bồi đắp bản sắc văn hóa dân tộc.
Vì vậy trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta cần có những giải pháp phù hợp với đặc điểm Việt Nam, để không hủy hoại và tàn phá cảnh quan nông thôn Việt Nam và để hồi sinh những dòng sông từng chảy mượt mà, êm dịu trong tâm hồn người Việt Nam.

Chú thích ảnh: Khoảnh khắc đẹp- Lê Vượng

Tương Lai

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)