Có những tội ác không ai chịu trách nhiệm?
Diễn đạt lại một dòng suy nghĩ của Milan Kundera(1): Người tạo ra một hành vi [theo dư luận là] ác sẽ bị pháp luật trừng phạt [giả sử pháp luật đã đọc Kafka và biết xấu hổ khi kết luận người đó, trong lúc hành động, nhận thức được nó. Trong khi, người có cùng hành vi nếu được kết luận là ở tình trạng không nhận thức được trong lúc thực hiện sẽ được giảm án hoặc tha bổng. Nhưng đằng sau tội ác được giảm nhẹ, tha bổng (chỉ vì không nhận thức được thì không còn khái niệm thiện ác? khác nào thiền sư?), phải có người chịu trách nhiệm chứ?
Đó là những người tạo ra tình trạng không nhận thức được cho người khác: Người gây tai nạn, người chuốc rượu, người bạo hành, người cưỡng hiếp, người bán thuốc phiện, người rải đinh để vá săm, người làm những con lươn quá khổ đẩy cao nguy cơ tai nạn (rồi lại ăn tiền phá chúng đi), người rút ruột công trình gây sụp đổ, người cho mình quyền giáo dục con cháu theo hướng phản giáo dục, người áp đặt những giáo trình học lộn xộn và quá tải, người thải hoá chất nguy hiểm vào khu dân cư, người dùng chất bảo quản độc hại, người biết mà vẫn bán thực phẩm mang dịch bệnh…
Những nhân vật này mới chỉ là nạn nhân lớn, là những bản sao của sự yếu kém và suy đồi trong chính quyền. Mỗi sự suy đồi ở cấp cao, nơi mang biểu tượng của uy tín và luôn tự lăng xê uy tín, tạo ra một hành lang suy đồi trong mọi sinh hoạt của đời sống. Điển hình là sự yếu kém trong năng lực cống hiến cho công việc, văn hóa hành chính, ý thức tôn trọng công cộng, thái độ tiếp nhận/phổ biến nghệ thuật, cung cách tiêu thụ sản phẩm…
Chưa cần nói đến sự bất thường của thiên nhiên (bị tổn thương), chúng ta thử nhìn lại đời sống của mình luôn bị đe dọa như thế nào bởi những hiểm họa nhỏ nhặt nhất, thường xuyên nhất do con người tạo ra vây quanh. Ví dụ như hằng ngày đi chợ và phải đối mặt với những sản phẩm không rõ xuất xứ, người bán thì bị lây lan cái vô trách nhiệm từ ổ dịch tham nhũng với sự tự mị dân: “Làm lớn như thế, danh tiếng như thế còn làm bậy; huống gì làm nhỏ, vô danh như mình”. Tham nhũng khiến người dân không có nhiều cơ hội nâng cao dân trí để thay vì ca thán và bắt chước cái mình ca thán, xây dựng cho mình ý thức coi trọng môi trường chung và sinh mạng của tha nhân, phối hợp với chính quyền nghiêm túc thực hiện các mục tiêu cộng sinh hợp lí.
Bởi vậy, người tạo nên nhiều tội ác nhất là người tham nhũng. Tội ác này được tính thế nào?
Dễ thấy nhất là lượng tội ác có thể đo bằng sinh mạng, sự cùng quẫn, sự mất mát cơ hội tiếp xúc với tri thức với thiên nhiên… của vô số người sau mỗi dấu phẩy được chuyển vị trí hay con số được thêm bớt (trong vô số công trình, dự án, kế hoạch như nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh giáo dục, xóa đói giảm nghèo, giảm và miễn phí y tế, phủ xanh môi trường, nâng cao thể chất người dân…). Tinh vi hơn, là những người tham nhũng quyền lực, họ cướp đi quyền của nhân dân là được cấp và rút quota quyền lực cho người lãnh đạo thông qua bầu cử minh bạch. Những người đó bán quota quyền lực, quota cơ hội làm việc cho những nhân vật không đủ năng lực, trách nhiệm và sẵn sàng tham nhũng để bù đắp tiền bỏ ra mua quota. Nhiên liệu cho cỗ máy tham nhũng là sự thoát tội của những người phạm tội thông qua mua chuộc người thừa hành pháp luật. Đó là những cơ sở cấu thành một xã hội cạnh tranh không lành mạnh và hỗn loạn, vì thế, phá hoại những tích luỹ dân chủ của mỗi quốc gia.
Những mục tiêu tươi tốt mà các chính quyền công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn bị cớm nắng và thui chột dưới cái bóng to lớn của tham nhũng. Người không tham nhũng, người thực sự có mong muốn vun đắp những mục tiêu dân chủ, nếu không đủ năng lực gánh trách nhiệm công việc, sẽ từ chức để được thay thế bởi người có năng lực hơn. Lí do ở lại, bất chấp danh dự, là còn giá trị sử dụng cho công cuộc tham nhũng, là ám ảnh bị trừng phạt không đủ lớn hơn hấp lực của tiền bẩn.
Nghiêm trị người tham nhũng có tội lớn làm gương, con người mới dần được đối xử công bằng trong những phán xét của pháp luật. Khi ấy, trong một đời sống vật chất đầy đủ hơn, tiền đầu tư nâng cao dân trí được sử dụng đúng mục đích hơn, sức khoẻ và quyền con người được bảo đảm hơn, sẽ dần không còn những đứa trẻ sinh ra chỉ bởi sự dồn nén và ngu dốt, không hề được chờ đón, khồng hề được hưởng những nguồn thiện tính từ tha nhân khi ra đời; trong sự bị ruồng bỏ đó, dễ dàng tích tụ những tình trạng mất trí, dễ dàng gây ra tội ác. Có thể thấy rõ cái ác đã được tại ngoại và nhởn nhơ sinh sôi thế nào trong cuộc sống khi nó không hề nhận được trừng phạt hoặc con người dồn hết sự trừng phạt lên những nạn nhân dây chuyền của cái ác nhất. (Nhân loại tự cười vào mũi mình nếu vẫn cứ dịu dàng với tham nhũng như dịu dàng với những tội phạm chiến tranh). Đó là nhân quả của phi lí. Dân chủ hoặc là sự hủy diệt.
Mức dân chủ của một xã hội được đo bằng mức hội tụ những điều kiện cho con người được sống lành mạnh và minh mẫn, không bị thúc đẩy làm hại người khác bởi những hận thù, thèm khát dồn nén trong vô thức mà không có những phương tiện giải toả hợp lí (như không gian riêng tư, sân chơi, thiên nhiên; cơ hội học tập, làm việc, phát biểu chính kiến, được chữa bệnh, được bình đẳng về giới tính, thưởng thức và làm nghệ thuật, dùng Internet, sinh hoạt tình dục an toàn…). Khi có những điều kiện giải thoát khỏi sự bóp nghẹt của xã hội (được không bị đẩy vào tình trạng mất trí), con người sẽ phải thực hiện triệt để nghĩa vụ của người dân chủ: trực tiếp trả giá cho hành vi phạm tội do nuông chiều mình, mình làm mình chịu:
“Bây giờ riêng đối diện tôi” (Bùi Giáng).
________________________________________
1.“Khi tự do tư tưởng, tự do của các từ, các thái độ, các lời nói đùa, các suy tư, các ý nghĩ nguy hiểm, các khiêu khích trí tuệ co lại dần, bị sự cảnh giác của toà án của chủ nghĩa bảo thủ chung canh giữ, thì tự do của các xung năng lớn dần lên. Người ta truyền giảng sự nghiêm khắc đối với tội lỗi về tư duy; người ta truyền giảng sự tha thứ đối với những tội ác phạm phải trong sự ngây ngất cảm tính”. (Những di chúc bị phản bội – Milan Kundera – Nguyên Ngọc dịch)
Những nhân vật này mới chỉ là nạn nhân lớn, là những bản sao của sự yếu kém và suy đồi trong chính quyền. Mỗi sự suy đồi ở cấp cao, nơi mang biểu tượng của uy tín và luôn tự lăng xê uy tín, tạo ra một hành lang suy đồi trong mọi sinh hoạt của đời sống. Điển hình là sự yếu kém trong năng lực cống hiến cho công việc, văn hóa hành chính, ý thức tôn trọng công cộng, thái độ tiếp nhận/phổ biến nghệ thuật, cung cách tiêu thụ sản phẩm…
Chưa cần nói đến sự bất thường của thiên nhiên (bị tổn thương), chúng ta thử nhìn lại đời sống của mình luôn bị đe dọa như thế nào bởi những hiểm họa nhỏ nhặt nhất, thường xuyên nhất do con người tạo ra vây quanh. Ví dụ như hằng ngày đi chợ và phải đối mặt với những sản phẩm không rõ xuất xứ, người bán thì bị lây lan cái vô trách nhiệm từ ổ dịch tham nhũng với sự tự mị dân: “Làm lớn như thế, danh tiếng như thế còn làm bậy; huống gì làm nhỏ, vô danh như mình”. Tham nhũng khiến người dân không có nhiều cơ hội nâng cao dân trí để thay vì ca thán và bắt chước cái mình ca thán, xây dựng cho mình ý thức coi trọng môi trường chung và sinh mạng của tha nhân, phối hợp với chính quyền nghiêm túc thực hiện các mục tiêu cộng sinh hợp lí.
Bởi vậy, người tạo nên nhiều tội ác nhất là người tham nhũng. Tội ác này được tính thế nào?
Dễ thấy nhất là lượng tội ác có thể đo bằng sinh mạng, sự cùng quẫn, sự mất mát cơ hội tiếp xúc với tri thức với thiên nhiên… của vô số người sau mỗi dấu phẩy được chuyển vị trí hay con số được thêm bớt (trong vô số công trình, dự án, kế hoạch như nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh giáo dục, xóa đói giảm nghèo, giảm và miễn phí y tế, phủ xanh môi trường, nâng cao thể chất người dân…). Tinh vi hơn, là những người tham nhũng quyền lực, họ cướp đi quyền của nhân dân là được cấp và rút quota quyền lực cho người lãnh đạo thông qua bầu cử minh bạch. Những người đó bán quota quyền lực, quota cơ hội làm việc cho những nhân vật không đủ năng lực, trách nhiệm và sẵn sàng tham nhũng để bù đắp tiền bỏ ra mua quota. Nhiên liệu cho cỗ máy tham nhũng là sự thoát tội của những người phạm tội thông qua mua chuộc người thừa hành pháp luật. Đó là những cơ sở cấu thành một xã hội cạnh tranh không lành mạnh và hỗn loạn, vì thế, phá hoại những tích luỹ dân chủ của mỗi quốc gia.
Những mục tiêu tươi tốt mà các chính quyền công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn bị cớm nắng và thui chột dưới cái bóng to lớn của tham nhũng. Người không tham nhũng, người thực sự có mong muốn vun đắp những mục tiêu dân chủ, nếu không đủ năng lực gánh trách nhiệm công việc, sẽ từ chức để được thay thế bởi người có năng lực hơn. Lí do ở lại, bất chấp danh dự, là còn giá trị sử dụng cho công cuộc tham nhũng, là ám ảnh bị trừng phạt không đủ lớn hơn hấp lực của tiền bẩn.
Nghiêm trị người tham nhũng có tội lớn làm gương, con người mới dần được đối xử công bằng trong những phán xét của pháp luật. Khi ấy, trong một đời sống vật chất đầy đủ hơn, tiền đầu tư nâng cao dân trí được sử dụng đúng mục đích hơn, sức khoẻ và quyền con người được bảo đảm hơn, sẽ dần không còn những đứa trẻ sinh ra chỉ bởi sự dồn nén và ngu dốt, không hề được chờ đón, khồng hề được hưởng những nguồn thiện tính từ tha nhân khi ra đời; trong sự bị ruồng bỏ đó, dễ dàng tích tụ những tình trạng mất trí, dễ dàng gây ra tội ác. Có thể thấy rõ cái ác đã được tại ngoại và nhởn nhơ sinh sôi thế nào trong cuộc sống khi nó không hề nhận được trừng phạt hoặc con người dồn hết sự trừng phạt lên những nạn nhân dây chuyền của cái ác nhất. (Nhân loại tự cười vào mũi mình nếu vẫn cứ dịu dàng với tham nhũng như dịu dàng với những tội phạm chiến tranh). Đó là nhân quả của phi lí. Dân chủ hoặc là sự hủy diệt.
Mức dân chủ của một xã hội được đo bằng mức hội tụ những điều kiện cho con người được sống lành mạnh và minh mẫn, không bị thúc đẩy làm hại người khác bởi những hận thù, thèm khát dồn nén trong vô thức mà không có những phương tiện giải toả hợp lí (như không gian riêng tư, sân chơi, thiên nhiên; cơ hội học tập, làm việc, phát biểu chính kiến, được chữa bệnh, được bình đẳng về giới tính, thưởng thức và làm nghệ thuật, dùng Internet, sinh hoạt tình dục an toàn…). Khi có những điều kiện giải thoát khỏi sự bóp nghẹt của xã hội (được không bị đẩy vào tình trạng mất trí), con người sẽ phải thực hiện triệt để nghĩa vụ của người dân chủ: trực tiếp trả giá cho hành vi phạm tội do nuông chiều mình, mình làm mình chịu:
“Bây giờ riêng đối diện tôi” (Bùi Giáng).
________________________________________
1.“Khi tự do tư tưởng, tự do của các từ, các thái độ, các lời nói đùa, các suy tư, các ý nghĩ nguy hiểm, các khiêu khích trí tuệ co lại dần, bị sự cảnh giác của toà án của chủ nghĩa bảo thủ chung canh giữ, thì tự do của các xung năng lớn dần lên. Người ta truyền giảng sự nghiêm khắc đối với tội lỗi về tư duy; người ta truyền giảng sự tha thứ đối với những tội ác phạm phải trong sự ngây ngất cảm tính”. (Những di chúc bị phản bội – Milan Kundera – Nguyên Ngọc dịch)
Nguyễn Thế Hoàng Linh
(Visited 2 times, 1 visits today)