Cố viết sách để trở thành giáo sư?

Vâng, “cố viết sách để trở thành giáo sư” là một hiện tượng có thật, tồn tại đã vài chục năm nay ở nước ta. Những quy định ngặt nghèo về việc viết sách trong Dự thảo“Quyết định ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” (xem phần Phụ lục ở cuối bài) có thể làm cho cái sự “cố” này ngày càng nặng nề hơn, căn bệnh bị “sách hành” trong giới khoa học ngày càng trầm trọng hơn.

GS. TS Nguyễn Đông Yên (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)

Chúng tôi xin chia sẻ một vài thông tin và suy nghĩ nhằm ủng hộ đề nghị của một số cơ quan khoa học và của nhiều nhà khoa học về việc không nên đặt yêu cầu “viết sách” thành một tiêu chuẩn bắt buộc đối với các ứng viên chức danh giáo sư.

Khi được phong học hàm giáo sư vào tháng 12/2007, tôi có hai cuốn sách:

1. Gue Myung Lee, Nguyen Nang Tam, Nguyen Dong Yen, Quadratic Programming and Affine Variational Inequalities – A Qualitative Study, Springer, New York, 2005; 345 p. + xiv [Quy hoạch toàn phương và Bất đẳng thức biến phân a-phin – Một nghiên cứu định tính, 345 trang + 14 trang phần giới thiệu ở đầu sách],

2. Nguyễn Đông Yên, Giáo trình Giải tích đa trị, Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội, 2007; 218 trang.

Cuốn sách thứ nhất được viết chung với GS Gue Myung Lee (Đại học Quốc gia Pukyong, Hàn Quốc) và PGS.TS Nguyễn Năng Tâm (Đại học Sư phạm Hà Nội 2) trong banăm dài đằng đẵng (2001-2004). Trong suốt ba năm đó, tôi luôn lo lắng về việc chúng tôi đang “nợ” nhà xuất bản một cuốn sách đã ký hợp đồng. Về sau, Hội đồng Giáo sư (HĐGS) ngành Toán ưu ái chấm cho cuốn sách này 4 điểm (điểm tối đa của một cuốn sách chuyên khảo thời đó). Đem chia đều cho ba tác giả, tôi mới có 1,33 điểm viết sách. So với yêu cầu “phải có ít nhất 3 điểm viết sách” ngày đó, tôi vẫn còn thiếu 1,67 điểm! Được một người bạn đã thành giáo sư động viên bằng cách gọi đến “mắng cho một trận tơi bời” (vì chuyện “lười” viết sách nên mãi không đủ chuẩn giáo sư), tôi bắt tay vào việc viết cuốn sách thứ hai. Cuốn này ngốn của tôi thêm hai năm (2005-2007), nhưng may mắn là nó đã đem đến cho tôi thêm 4 điểm viết sách nữa (ấy là do HĐGS ngành Toán bảo rằng nó là sách chuyên khảo có chất lượng tốt; còn nếu Hội đồng bảo nó là giáo trình sau đại học, thì tôi chỉ được tối đa là 3 điểm thôi). Tóm lại, nhờ hai cuốn sách và sự “nhẹ tay” của HĐGS ngành Toán thời đó mà tôi đã có 5,33 điểm viết sách, vượt chuẩn (hú vía!).

Hôm nay, đọc lại bản dự thảo quy chế GS, PGS mới nhất, tôi phát hoảng vì nếu nộp hồ sơ “xin” GS theo chuẩn mới, thì chắc rằng tôi sẽ thiếu điểm viết sách! Thật vậy, cứ cho rằng cả hai cuốn 1 và 2 nói trên lại được xếp là sách chuyên khảo, thì tôi chỉ được tối đa là 1 điểm từ cuốn thứ nhất (3:3=1) và 3 điểm từ cuốn thứ hai, cộng là 4 điểm – vừa đủ yêu cầu “Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ phải có ít nhất 4,0 điểm tính từ sách phục vụ đào tạo”. Nhưng liệu HĐGS ngành Toán 2017 có phẩy tay để bảo rằng cả hai cuốn “tiểu thuyết” của chúng tôi là sách có chất lượng tốt hay không? Tôi không dám chắc mình có thể gặp thần may mắn ở cả hai lần xét!

“Không có sách, bất thành GS” đã là quá khổ. Nhưng có nhiều hơn một cuốn sách cũng chưa chắc thành GS đâu ạ!

Chuyện không bịa số 1 (cũ): Anh A có nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc, vừa bảo vệ thành công luận án TSKH ở một cường quốc toán học châu Âu, hồi hộp bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để trình bày Báo cáo tổng quan trước một HĐGS ngành. Ngày thứ nhất, Hội đồng họp xét “phần cứng” hồ sơ của các ứng viên. “Tin đâu sét đánh ngang tai”: bốn cuốn giáo trình đại học của anh A viết chung với một vài tác giả khác vẫn không thể đem lại cho anh 3,0 điểm viết sách! Chán nản và thất vọng vì không còn cơ hội trình bày Báo cáo tổng quan trong ngày họp thứ hai của Hội đồng, anh A đổi vé bay về Sài Gòn trong chuyến bay gần nhất. Cho đến nay, anh A vẫn là một nhà khoa học cự phách, một chuyên gia ở tầm quốc tế. Hai học trò của anh đã bảo vệ thành công luận án TS. Vài người khác đang theo học anh để thành TS. Nhưng “không có thêm sách, bất thành GS”. Biết làm sao!

Chuyện không bịa số 2 (mới): PGS.TSKH B là một chuyên gia đầu ngành của Việt Nam, một tấm gương sáng về nỗ lực gây dựng nhóm nghiên cứu lớn với những học trò xuất sắc, một nhà nghiên cứu có khả năng trao truyền cảm hứng sáng tạo và sự thẩm định tinh tế những lý thuyết gai góc. Cùng với một học trò cũ, anh B mới công bố một cuốn chuyên khảo khá dày dặn ở một nhà xuất bản nước ngoài. Theo thang điểm viết sách của bản Dự thảo, nếu anh B nộp hồ sơ “xin” GS (chúng tôi không biết anh có hứng thú làm việc đó không), thì anh mới có 1,5 điểm so với 4,0 điểm theo yêu cầu. Bao giờ cho đến tháng Mười?

Trở lại với hai cuốn sách nói trên, tôi muốn nói rằng cuốn thứ nhất được viết là vì nhóm ba tác giả chúng tôi mong muốn chia sẻ rộng rãi hiểu biết của mình sau hơn 10 năm nghiên cứu khá sâu về “Quy hoạch toàn phương” và “Bất đẳng thức biến phân a-phin”, cùng với mối quan hệ qua lại giữa hai mô hình đó. Cuốn sách này tổng hợp các kết quả từ 18 bài báo của nhóm chúng tôi. Cho dù chẳng bị ai ép buộc thì tự chúng tôi cũng có nhu cầu tổng hợp các kết quả đã đạt được trong một khuôn khổ thống nhất. Còn cuốn thứ hai thì ngược lại, nó được viết chủ yếu là do tác giả của nó bị buộc phải đạt chuẩn viết sách dành cho một ứng viên học hàm GS. Về danh nghĩa, theo tiêu chuẩn đối với ứng viên GS, thì cuốn sách thứ hai cũng để phục vụ công tác đào tạo. Song trên thực tế, thời lượng được dành cho chuyên đề “Giải tích đa trị” mà tôi đã dạy cho một lớp cao học ở Viện Toán và một lớp chọn (lớp “tạo nguồn cao học”) gồm 27 sinh viên từ năm thứ 2 tới năm thứ 4 ở Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh chỉ đủ để trình bày hai chương đầu. Còn ba chương sau thì chỉ phục vụ cho công tác… học hàm. Nếu dừng lại ở hai chương đầu, tương ứng với giáo trình đào tạo cao học, thì bản thảo chưa đủ dày để thành sách. Mà để viết thêm ba chương sau cho thành sách, thì tôi đã phải tốn rất nhiều thời gian “vừa học vừa viết. Có nhất thiết đòi hỏi các ứng viên GS phải mất thời gian và công sức vô ích như thế hay không?

Trong 10 năm qua, kể từ khi “Giáo trình Giải tích đa trị” đến tay bạn đọc, tôi thường băn khoăn với mấy câu hỏi:

1) Cuốn sách ấy có ích cho ai?

2) Có bao nhiêu người đã đọc nó?

3) Có bao nhiêu người thực sự cần tới nó?

4) Nếu cuốn sách ấy không được viết ra, thì bạn đọc có nguồn tài liệu thay thế hay không?

5) Việc bỏ ra hai năm để viết cuốn sách có phải là một sự lãng phí thời gian hay không?

Các câu trả lời hôm nay của tôi lần lượt là:

1) Cuốn sách ấy có ích cho một số rất ít các học viên cao học và nghiên cứu sinh.

2) Khoảng 30-40 người đã đọc nó.

3) Khoảng 10-15 người thực sự cần nó.

4) Nếu cuốn sách ấy không được viết ra thì mọi người vẫn có thể đọc những cuốn sách chuyên khảo của các chuyên gia nổi tiếng thế giới, ví dụ như cuốn “Set-Valued Analysis” dày 490 trang của Jean-Pierre Aubin và Hélène Frankowska. Hơn nữa, nghiên cứu sinh và học viên cao học có thể lĩnh hội kiến thức trực tiếp từ các bài báo gốc.

5) Bỏ ra hai năm để viết cuốn sách ấy là khá lãng phí, vì chỉ phục vụ quá ít bạn đọc, trong khi tác giả phải hy sinh quá nhiều thời gian đúng vào thời kỳ nghiên cứu sung sức.

Để kết luận, tôi xin được bày tỏ rằng viết sách là một việc hết sức vất vả và đáng trân trọng. Mỗi cuốn sách hay là một tài sản quý giá của một cộng đồng khoa học, hoặc của một cơ sở nghiên cứu và đào tạo. Các HĐGS ngành có thể chấm điểm cao cho những cuốn sách có giá trị. Nhưng không nên đặt yêu cầu phải có điểm viết sách thành một tiêu chuẩn bắt buộc cho các ứng viên học hàm GS. Có nhiều người giỏi viết báo (ví như những “truyện ngắn” hoặc những “bài thơ” hay), nhưng không giỏi viết sách (ví như những “tiểu thuyết”, những “trường ca”). Viết sách do bị ép buộc, hay khi chưa có đủ hiểu biết sâu rộng về đối tượng nghiên cứu, là điều nên tránh. Xã hội cũng không nên khuyến khích những việc làm vô bổ như thế.

Một vị thiền sư đã nói đại ý như sau: “Nếu bạn yêu ai đó, thì hãy dành cho người ấy một khoảng trời tự do”. Xin hãy dành những khoảng trời tự do thật rộng lớn cho các nhà khoa học trẻ, và cả cho nhiều nhà khoa học không còn trẻ lắm, đang tràn đầy sức mạnh và cảm hứng sáng tạo!

Phụ lục

Vài quy định về việc viết sách từ “Quyết định ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” (Dự thảo) 1

    “Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ là tác giả chính hoặc chủ biên ít nhất 01 (một) sách phục vụ đào tạo. Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn là tác giả chính hoặc chủ biên ít nhất 03 (ba) sách phục vụ đào tạo, trong đó có 01 (một) sách chuyên khảo và 01 (một) giáo trình. Sách đã được hội đồng khoa học do Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học thành lập thẩm định và sử dụng để đào tạo từ trình độ đại học trở lên.” (Khoản 5, Điều 8 “Tiêu chuẩn chức danh giáo sư”)
    “Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ phải có ít nhất 4,0 điểm tính từ sách phục vụ đào tạo. Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn phải có ít nhất 6,0 điểm tính từ sách phục vụ đào tạo.” (Ý c, Khoản 8, Điều 8 “Tiêu chuẩn chức danh giáo sư”)
    “Sách phục vụ đào tạo được tính điểm công trình khoa học quy đổi phải được Hội đồng khoa học do Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học thành lập và nghiệm thu. Sách phục vụ đào tạo được xuất bản từ năm 2017 trở đi phải có mã số chuẩn quốc tế ISBN và nộp lưu chiểu trước khi hết hạn nộp hồ sơ. Điểm quy đổi tính như sau:
        Tính tối đa 2,0 điểm cho 01 (một) giáo trình.
        Tính tối đa 3,0 điểm cho 01 (một) cuốn sách chuyên khảo.
        Tính tối đa 1,5 điểm cho 01 (một) cuốn sách tham khảo.
        Tính tối đa 1,0 điểm cho 01 (một) cuốn sách hướng dẫn. Từ điển chuyên ngành được tính điểm như sách hướng dẫn.” (Khoản 1, Điều 12 “Điểm quy đổi sách phục vụ đào tạo.

        ————————————————

1. http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/du-thao-quy-dinh-tieu-chuan-thu-tuc-bo-nhiem-mien-nhiem-chuc-danh-gs-pgs-2845519-v.html

Tác giả

(Visited 23 times, 1 visits today)