Cuộc chiến chống Covid và chống tin giả

Những gì diễn ra ở Việt Nam và cả thế giới đều cho thấy, trong cuộc chiến chống lại Covid, khoa học đang cứu con người nhưng không phải bao giờ con người cũng nhớ đến điều đó.


Trong cuộc chiến chống Covid, giới chuyên môn không chỉ phải chiến đấu cứu bệnh nhân mà còn phải chống tin giả.

Chúng ta biết gì về Covid, con “quái vật” bắt cả thế giới phải răm rắp đeo khẩu trang, học lại bài học rửa tay tưởng chừng đã bị lãng quên và giữ khoảng cách với nhau tối thiểu ba mét? Có thể sự thật bao giờ cũng khiến người ta thất vọng bởi con quái vật đó không phải con Gorilla khổng lồ to tướng như trong các bộ phim bom tấn Hollywood. Kích thước của nó vô cùng nhỏ bé, đường kính vào khoảng 125nm. Nhỏ bằng 0.02 đường kính của tế bào hồng cầu người. Giả sử tế bào hồng cầu người lớn bằng quả bóng đá, thì con Covid to bằng quả trứng cá hồi.

Điều đáng sợ nhất của con Covid này là lúc nó bí mật chui vào cơ thể chúng ta. Khi đã ung dung ở trong đó, chúng sẽ tự nhân lên nhanh chóng rồi phá vỡ các tế bào thoát ra ngoài. Dĩ nhiên hệ miễn dịch của chúng ta được báo động nhưng trở tay không kịp, luôn đi sau con virus một bước. Hậu quả là cơ thể yếu đi, lúc ấy trở thành con mồi ngon cho các loại vi sinh vật cơ hội khác, vốn sống hiền lành ở xung quanh gồm vi khuẩn và nấm. Hậu quả là người nhiễm đi vào sốc nhiễm trùng, rồi chết.
Để chữa một người bệnh sốc nhiễm trùng, sẽ phải huy động rất nhiều nhân lực lẫn vật lực. Hãy thử hình dung, chỉ cần một ca sốc vào khoa hồi sức cấp cứu nằm, là cả tua trực mất ngủ nguyên đêm để giữ cho tình trạng ổn định. Dù vậy, tỉ lệ chết vẫn 50-50. Nếu sống được, thời gian họ nằm viện tính bằng tháng, chi phí điều trị vài trăm triệu là chuyện thường.

Thời gian đầu khi dịch mới bùng nổ, làn sóng Covid đầu tiên, các tổng kết chỉ biết con virus này gây tổn thương phổi làm bệnh nhân thiếu oxy máu không hồi phục rồi chết. Tất cả các giả thiết đưa ra đều dựa vào dữ kiện nghiên cứu về loài và họ hàng của nó trong quá khứ. Các khuyến cáo điều trị đưa ra được thay đổi liên tục. Không ai biết phải bắt đầu công việc điều trị từ đâu.

Việc truyền thông để mọi người biết, ngõ hầu tránh được điều đáng tiếc là một việc nên làm. Tuy nhiên ở đây, giới khoa học không ngờ các báo lá cải và cư dân mạng đã tiếp tay cho Covid. Họ hết sức sốt sắng săn lùng thông tin rồi hướng dẫn cho các bác sĩ phải điều trị như thế nào, thế nào. Từ việc dùng Vitamin C* liều cao làm tăng miễn dịch, xông khói bồ kết để diệt Covid bay lơ lửng trong không khí… cho đến phát hiện kinh người có thể đi vào giải Nobel khoa học mà dân thực dưỡng tuyên bố, uống nước tiểu chữa được Covid, tất thảy đều lũ lượt xuất hiện. Kỳ lạ là nó ghim ngay vào trí nhớ mọi người hơn là khuyến cáo của chính bác sĩ.

Hậu quả của nó là gì? Hãy nhìn vào một cuộc tranh cãi còn chưa ngã ngũ trong giới khoa học là Chloroquyn, thuốc chống sốt rét có hiệu quả trong điều trị Covid hay không. Nhưng hóa ra, mọi chuyện diễn biến nhanh hơn mọi người tưởng. “Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông”, khi giới y tế vẫn còn chưa đưa ra lời khuyến cáo gì với mọi người bởi thuốc này vẫn nằm trên bàn nghiên cứu, thì giá loại thuốc vốn ế xưng ế xỉa trên thị trường này thoắt một cái đã tăng chóng mặt. Người ta còn nhờ nhau mua để trong nhà không biết để làm gì. Rồi cuối cùng trung tâm chống độc tiếp nhận ca đầu tiên ngộ độc thuốc sốt rét vì nhân dân uống quá liều và ngộ độc cấp suýt chết. Hóa ra khi còn chưa bị Covid hỏi thăm thì có người đã suýt… vong mạng vì nhắm mắt làm theo sự chỉ dẫn của tin đồn. 

Thế rồi khoa học cũng đảm trách được nhiệm vụ của nó. Đến giờ, WHO đã chính thức thông báo chống chỉ định dùng thuốc chống sốt rét trong điều trị Covid, vì nó không đem lại tác dụng gì hữu hiệu chống lại con virus này. Bài báo trên tạp chí nội khoa JAMA uy tín trong giới nghiên cứu của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cũng khẳng định Vitamin C chẳng có tác dụng nào, kể cả cải thiện triệu chứng khi nhiễm Covid.

Cũng may là trong hàng đống cái dở cũng có một tí cái lợi. Dùng bồ kết cũng chả hại gì, hun khói nhà cửa một tí muỗi nó cũng chạy bớt. Không bổ ngang thì bổ ngửa, không tốt chỗ này thì tốt chỗ khác, các cụ bảo thế. Chả cần làm gì, chỉ cần để nhà cửa khô ráo sạch sẽ thì con Covid cũng tự động mà chết đi rồi.

Xoay mòng mòng giữa biển hỗn loạn thông tin ấy, chúng ta phải làm gì? Thực ra, khoa học và kiến thức còn giúp chúng ta nhiều hơn thế.  

Tại Đà Nẵng trong làn sóng thứ hai, điểm dịch rơi vào trúng bệnh viện. Biến chứng nặng tăng lên khá nhanh. Các bác sĩ tham gia điều trị nhận thấy tình trạng đông máu của bệnh nhân bị rối loạn sinh huyết khối, đặc biệt trong nhóm bệnh nhân nặng. Bệnh lý nền mạn tính đặc biệt ung thư vốn dĩ đã có tình trạng tăng đông do tăng phản ứng sản xuất sợi huyết do các yếu tố hoại tử u, TNFalpha tiết ra. Rồi bệnh lý nền mạn tính, nằm viện lâu giảm vận động làm hệ tuần hoàn ứ trệ càng tạo điệu kiện huyết khối hình thành trong hệ thống mạch máu.

Thời gian này, các tổng kết cũng bắt đầu rộ lên tình trạng huyết khối tăng đông trên các tạp chí khoa học thế giới. Phác đồ điều trị tiếp tục thay đổi theo hướng dự phòng rối loạn đông máu là chính.

Tại tâm dịch Hải Dương đầu năm 2021, tốc độ lây nhiễm nhanh chóng và lan rộng chưa từng thấy. Biến chủng mới xuất hiện nhưng cách thức cùng biểu hiện tổn thương không có gì thay đổi. Trong vài ngày đã có vài trăm ca dương tính. Một điều đáng an ủi là chúng ta có kinh nghiệm hơn trong hai làn sóng lần trước, các nghiên cứu có nhiều hơn khiến hiểu biết về con Covid dần rõ ràng hơn.

Chúng tấn công vào cơ thể, làm các sợi fibrinogen trong lòng mạch máu, là loại protein giúp hình thành cục máu đông. Bình thường, chúng bị hòa tan vất vưởng trong lòng mạch, con Covid vì một lý do nào đó khiến chúng bị bẻ gãy tạo thành các sợi fibrin. Các sợi này dính vào nhau tạo thành cái lưới bắt cá, vợt bọn tiểu cầu lại thành chùm. Thế là cục máu đông hình thành gây tắc mạch. Phổi ban đầu bị tổn thương tắc các mạch máu nhỏ kiểu như thế. Nếu tình trạng này được ngăn chặn sớm, bệnh nhân sẽ khỏi. Nếu tiến triển không ngừng, a lê hấp sẽ chết.

Bình thường, phản ứng đông máu giúp cơ thể ngăn chặn sự rò rỉ tế bào máu ra ngoài mỗi khi đường ống dẫn bị tổn thương. Khi tổn thương được sửa chữa xong, cục máu sẽ tan đi để dòng chảy được tiếp tục. Ngoài ra, nó còn có tác dụng giữ chân các vi khuẩn nếu chúng tình cờ lọt vào lòng mạch máu. Nếu phản ứng ở mức độ vừa phải, thì nó trở thành một phần của quá trình chữa lành. Nếu thái quá, sẽ gây nguy hiểm, tế bào không được cấp máu sẽ bị rơi vào tình trạng hoại tử. Theo một cơ chế nào đó, con Covid đã đẩy cơ thể chúng ta rơi vào mối đe dọa này. 

Binh pháp có câu “biết mình biết ta, trăm trận không thua”. Kết quả là ở Việt Nam, toàn bộ bệnh nhân Covid ở làn sóng thứ ba, tính đến thời điểm này, đều được kiểm soát tương đối tốt.

Vào một thời điểm nào đó trong tương lai, toàn bộ bí mật của con Covid sẽ hoàn toàn bị phơi lộ ra ánh sáng. Có thể khi ấy, nó sẽ được xếp vào nhóm virus thông thường gây viêm phổi cũng không biết chừng. Đấy là chúng ta hi vọng thế, còn tại thời điểm này thì chưa, mọi thứ ứng xử với Covid vẫn cần được cẩn trọng vì chúng ta còn chưa hiểu hết nhiều về nó. Cũng không loại trừ trường hợp, có thể lại xuất hiện thêm nhiều giả thiết khác nữa làm lật đổ mọi hiểu biết hiện tại thì sao, biết đâu đấy. Nhưng được thôi, đến lúc đó chúng ta sẽ cùng nhau tính tiếp. 

Và tất cả những điều này, những hiểu biết mà chúng ta đã có và sẽ có, đều được gọi là khoa học. □

*Sửa lại so với bản in là Vitamin 3C 

 

Tác giả