Cuộc chiến chống đói nghèo: Những thách thức

Khi xem xét văn hóa như một nguồn lực xã hội, một câu hỏi thường được đặt ra là làm thế nào để biến văn hóa thành “động lực của phát triển”, và những hoạt động nào có tính đột phá để làm cho văn hóa tham gia sâu hơn vào quá trình phát triển bền vững?


Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cà phê cho người dân. Ảnh: Báo Nông nghiệp. 

Trong chuyến nghiên cứu thực địa ở Điện Biên năm 2009, trên đường vào thăm một làng của người Khmu, tôi vô tình bắt gặp ánh nhìn buồn bã của một người đàn ông đang ngồi bên cửa sổ trong căn nhà nhỏ. Tôi quyết định lên nhà để trò chuyện với ông. Tôi hỏi ông năm nay mùa màng có tốt không. Ông bảo không tốt lắm. – Thế có đủ ăn không? – Không, chỉ đủ vài tháng thôi. – Thế thì lấy gì ăn? – Nếu thiếu ăn thì lại đi sang Lào thôi. Tôi ngạc nhiên: – Bên ấy đời sống có khá hơn không? Ông bảo: Không, bên ấy cũng đói thế thôi. – Vậy ông sang đấy làm gì? Ông làm tôi ngạc nhiên hơn: Sang đấy một hồi thì nhà nước nó lại cho xe sang đón về, cho quần áo, cho gạo ăn…

Năm 2010, tôi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư mời tham gia nhóm nghiên cứu đánh giá kết quả thực hiện dự án vay vốn nước ngoài để hỗ trợ phát triển bốn tỉnh miền Trung. Ở huyện Tu Mơ Rông trên đỉnh Ngọc Linh (Kon Tum), tôi đã gặp một bà mẹ người Rơ Ngao địu con trên lưng và tay bế một đứa nhỏ khác, đi bộ 5-6 cây số từ nhà đến trụ sở xã để tham gia mô hình trình diễn nấu cháo dinh dưỡng cho trẻ em. Tại đây, chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn cách hầm xương với cà rốt để lấy nước ngọt, sau đó nấu cháo cho trẻ ăn thử. Tôi hỏi bà mẹ người Rơ Ngao: Các cháu có thích ăn cháo không? Chị nói có, thích lắm, ngon lắm. – Thế về nhà chị có nấu cho các cháu ăn không? – Ô, không đâu, ở nhà không có xương có củ để làm thế đâu…

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện tương tự mà chúng ta vẫn thường gặp trên những nẻo đường công tác. Nó gợi lên tình trạng phụ thuộc nặng nề của các nhóm nghèo vào các dự án phát triển của nhà nước.Chúng ta thường hay nghe nói trợ giúp phát triển là đưa cho người nghèo cái cần câu chứ không phải cho họ phải con cá. Trên thực tế, các dự án phát triển ở vùng núi vùng sâu vùng xa thường hay làm ngược lại. Và mỗi năm chúng ta vẫn hoan hỷ nghe báo chí thông tin về chỉ số GDP tăng, coi những con số ấy như một thành công rực rỡ. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của phát triển là gì, và những chỉ số ấy có mang lại hạnh phúc cho người nghèo hay không? Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế ở nước ta thời gian qua chưa đi đôi với văn hóa. Tinh hoa văn hóa chưa được vận dụng vào các chương trình phát triển, thậm chí còn xung đột với phát triển. Lối sống vô cảm và ích kỷ đang trở nên phổ biến, tinh thần đối thoại và sự đa dạng văn hóa chưa được tôn trọng.

Nhìn lại các mô hình phát triển cộng đồng

 

Dự án Cải thiện Sinh kế Khu vực Miền Trung (2002-2009) do Chính phủ vay vốn nước ngoài để trợ giúp phát triển có tham vọng lớn nhằm tạo ra một mô hình phát triển cộng đồng mẫu mực, được thực hiện theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Các “lớp học đầu bờ” được tổ chức để chuyển giao tri thức và kỹ thuật mới vào cộng đồng. Người dân địa phương được khuyến khích tham gia lập kế hoạch phát triển thôn bản, hình thành các nhóm sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi, vay vốn tín dụng, phát triển sản xuất gắn với thị trường, và xây dựng các dự án hạ tầng quy mô nhỏ ở cấp thôn bản. Những người thiết kế dự án mong muốn tận dụng tối đa sự tham gia của người dân, tạo điều kiện để họ mang tri thức địa phương và vốn xã hội vào xây dựng kế hoạch và thực hiện dự án. Tôi đã đọc hàng trăm bản kế hoạch phát triển thôn bản và kiểm tra quá trình thực hiện dự án trên thực địa ở hàng chục thôn xã thuộc bốn tỉnh hưởng lợi từ dự án, và nhận thấy hầu hết các bản kế hoạch phát triển thôn bản này đều được làm ra bởi “những người bên ngoài” do dự án thuê, sau đó được trình ra trong một buổi họp với dân để thông qua và phê duyệt. Các cuộc phỏng vấn của tôi với người dân cho thấy họ không thực sự được tham gia bàn bạc và quyết định làm cái gì và làm thế nào cho chính mình. Những người lập kế hoạch phát triển thuê thường nói với tôi: họ (người dân ở thôn bản) thì biết gì mà làm, chỉ cần họ thông qua là được! Khi các dự án hạ tầng quy mô nhỏ như làm cầu, cống, đường liên thôn liên xã, hay mương máng thủy lợi được phê duyệt, các nhóm thợ bên ngoài cộng đồng lại được thuê mướn thi công trong khi người dân không có việc làm. Ở các mô hình trình diễn như trồng rau, chăn nuôi gia súc gia cầm, sản xuất lương thực lúa ngô khoai sắn, và nấu các bữa ăn đủ chất dinh dưỡng cho trẻ em, một số hộ gia đình ở mỗi thôn bản được chọn để làm mẫu dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia khuyến nông khuyến lâm cấp tỉnh, huyện, đôi khi có cả chuyên gia ở Hà Nội được thuê vào giúp sức. Mô hình trình diễn làm theo hình thức trọn gói, từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc một mùa vụ. Các hộ được cung cấp cây con, vật tư để “trình diễn” quy trình, thao tác kỹ thuật thực hiện. Các hộ gia đình khác trong thôn bản cử người tham gia vào những “lớp học đầu bờ” như vậy để nắm được kỹ thuật và sau đó, được cấp phát giống và vật tư và làm theo “mô hình” đã học. Tôi đã chứng kiến rất nhiều hộ gia đình thực hiện có kết quả trong thời gian được hỗ trợ nhưng khi dự án kết thúc thì sản xuất theo mô hình cũng dừng lại. Có thể nói ý tưởng của dự án rất hay, và dự án cũng đã đạt được những mục tiêu trước mắt, nhưng không có gì đảm bảo sau khi kết thúc tài trợ, các mô hình trình diễn sẽ được duy trì và tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng. Người dân dường như lại tiếp tục trông đợi vào các dự án tiếp theo hơn là phát huy kết quả có được từ dự án này. Tôi tin rằng các dự án kiểu này không có tính bền vững mà ngược lại, dễ tạo ra sự phụ thuộc của các cộng đồng nghèo vào nguồn viện trợ của Chính phủ hơn là phát huy được nội lực của chính mình để vươn lên.

Từ hồi cuối thập niên 1990 đến nay, Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều để tìm kiếm mô hình phát triển ở cộng đồng, như Chương trình (CT) 135; Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình hỗ trợ kinh tế – xã hội các dân tộc rất ít người, v.v. Các chương trình này có điểm chung là tập trung phát triển ở cấp thôn xã, nhắm vào một số hạng mục cấp bách (như CT 135), theo đuổi một mô hình chung với nhiều tiêu chí chung (như CT Nông thôn mới), hoặc tạo ra một hệ thống chính sách đặc thù tập trung vào nhóm dân tộc cụ thể, cho không kinh phí, ưu tiên hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ giáo dục (như CT hỗ trợ các dân tộc rất ít người). Mô hình phát triển cộng đồng theo kế hoạch và rót kinh phí “từ trên xuống” như thế này có hệ quả là góp phần tạo ra sự phụ thuộc, trong khi tính bền vững vẫn còn là một câu hỏi chưa được tổng kết.     


Vi Văn Tú, một Youtuber chủ kênh “Gái bản”, người dân tộc Tày ở Yên Bái kêu gọi cộng đồng quyên góp quần áo, sách vở, xây dựng cầu, đường cho người dân người Hmông ở xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu, Yên Bái. 

Gần đây, tôi chăm chú theo dõi một mô hình phát triển cộng đồng mà xuất phát điểm của nó là từ những người chơi youtube, tôi tạm gọi mô hình này là “giúp nhau cùng phát triển”. Có nhiều youtuber tham gia vào hoạt động thiện nguyện ở vùng sâu vùng xa nhằm giúp các cá nhân, cộng đồng gặp khó khăn, nhưng trường hợp tôi đang nói tới đây thì hoạt động của họ (youtuber Vi Văn Tú (ở Yên Bái) và youtuber Nguyễn Tất Thắng (ở Hà Giang) có xu hướng tập trung vào các bản Hmông ở vùng sâu vùng xa mà mục tiêu của nó đã vượt ra khỏi giới hạn thiện nguyện để vươn tới mục tiêu phát triển cộng đồng. Điều tôi lưu ý ở mô hình này là: (1) hoạt động hỗ trợ phát triển xuất phát từ cộng đồng; (2) người dân trong làng bản tự bỏ công sức thực hiện; (3) mọi sự trợ giúp về tài chính và hiện vật từ cộng đồng xã hội đều được công khai và minh bạch thông qua mạng xã hội; (4) các hoạt động được giúp đỡ, tạo điều kiện và giám sát của chính quyền địa phương. Cách làm này đã huy động được nguồn lực văn hóa của cộng đồng, tận dụng được nguồn vốn xã hội, tạo ra sự kết nối giữa chính quyền và người dân, và không tạo ra sự phụ thuộc vào nguồn lực của nhà nước. Mặc dù vẫn còn sớm để có thể đưa ra một kết luận về mô hình này, nhưng nó hé mở một cách làm hay vì nó cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng vốn xã hội như một nguồn nội lực cho phát triển bền vững ở cộng đồng.

 

Vốn văn hóa và phát triển cộng đồng

 

Khái niệm phát triển thực ra chỉ mới được nói đến nhiều từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, thường được hiểu như là đồng nghĩa với phát triển về kinh tế. Tuy nhiên, khi người ta làm tất cả để đạt được tăng trưởng GDP hằng năm, thì vấn đề đặt ra là mục tiêu đồng thời là động lực của phát triển kinh tế là gì? Đó chính là văn hóa. Mối liên hệ này ngày càng được khám phá và hoàn thiện khi các lý thuyết về phát triển bắt đầu đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể, và là động lực của phát triển kinh tế xã hội. Cũng từ đây, khái niệm về phát triển bền vững được hình thành do những lo sợ sự tàn phá khủng khiếp của con người đối với môi trường sẽ đe dọa sự tồn vong của các thế hệ tương lai.

Nhìn lại các lý thuyết phát triển từ sau Thế chiến thứ 2, có thể thấy các nhà kinh tế học đã tin rằng muốn tạo ra tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia và khu vực đã bị kiệt quệ vì đói nghèo và tàn phá, cần phải có những “cú hích lớn” thông qua viện trợ ồ ạt từ bên ngoài. Tuy nhiên, người ta nhanh chóng nhận ra rằng cung cấp viện trợ ồ ạt từ bên ngoài không những không giúp các cộng đồng được hỗ trợ tự lực vươn lên được mà còn góp phần tạo ra sự phụ thuộc vào viện trợ. Phải đến những năm 1970, người ta mới khám phá ra tầm quan trọng của nội lực đối với phát triển. Trước đó, người ta tin rằng chỉ có nguồn lực kinh tế (vốn tài chính hay tiền và tài sản) mới có tầm quan trọng quyết định. Từ những thập kỷ 1980 trở đi, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng chính vốn văn hóa mới có vai trò quan trọng vì nó quyết định vị trí của một cá nhân hay tập thể trong một trật tự xã hội nhất định. Vốn văn hóa, cũng giống như vốn vật chất hay vốn con người, đều là những loại “vốn” có khả năng làm tăng năng suất và lợi nhuận do những tác động tương hỗ của các mối tương tác thông qua các mạng lưới xã hội, các quy tắc cũng như niềm tin của con người trong xã hội. Vốn văn hóa là một nguồn lực vô tận, được đặc trưng bởi mạng lưới xã hội, kinh nghiệm, kỹ năng, hệ giá trị, các quy tắc ứng xử, niềm tin, quan hệ có đi có lại và là một bộ phận cấu thành nên bối cảnh văn hóa của một chương trình phát triển, có thể tạo điều kiện cho sáng tạo và thay đổi.

Sử dụng vốn văn hóa vào mô hình phát triển cộng đồng như thế nào?

 

Trước hết, đưa vốn văn hóa vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội cũng có nghĩa là chúng ta chấp nhận hoặc sử dụng các thành tố văn hóa của một nền văn hóa nào đó hoặc sử dụng các ý tưởng, các biểu tượng, các khía cạnh văn hóa vật thể và phi vật thể khác của nền văn hóa ấy. Quá trình này được gọi là tiếp cận phù hợp văn hóa. Phù hợp ở đây không có ngụ ý chỉ tập trung vào những yếu tố văn hóa có tính “cổ truyền” mà là đặt văn hóa vào trong một bối cảnh rộng hơn để hiểu được những năng động và đa dạng của văn hóa, để đảm bảo không áp đặt, để phát huy được khả năng thúc đẩy hợp tác và huy động các nguồn lực để phát triển. Để khai thác nguồn lực văn hóa, điểm nhấn đầu tiên là cần thiết có sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong tất cả các giai đoạn phát triển, từ lập kế hoạch, triển khai thực hiện, phân tích và đánh giá kết quả, đồng thời thừa nhận sự khác biệt và đa dạng văn hóa, xem đó như một tài nguyên và lợi thế của quá trình phát triển. Thứ hai là người lập kế hoạch phát triển cộng đồng cần có trải nghiệm thực tế tại địa bàn để hiểu được văn hóa từ bên trong, dựa vào quan điểm từ bên trong của cộng đồng thay vì áp đặt cái nhìn từ bên ngoài. Thứ ba, người lập kế hoạch phát triển cần có quan điểm hướng đến cộng đồng, tìm kiếm những hiểu biết đầy đủ về người dân, sử dụng tri thức và thông tin của chính họ vào các chương trình phát triển để đạt được hiệu quả cao nhất. Thứ tư, quan điểm nhất quán trong tiếp cận nhân học là phải biết lắng nghe, quan sát, cùng tham gia (trò chuyện, chia sẻ, làm việc), và hợp tác với các nhóm xã hội khác nhau bởi vì mục tiêu phát triển của cộng đồng là cho cộng đồng và vì cộng đồng.

Các mô hình phát triển cộng đồng đã và đang thực thi hiện nay, từ khâu lập kế hoạch, cung cấp tài chính đều được rót từ bên trên, theo hình thức “một mô hình cho tất cả. Tiếp cận phù hợp văn hóa khác với mô hình “từ trên xuống” ở cả ba điểm này, vì nó: (1) Chấp nhận đa dạng quan điểm phát triển; (2) Người hưởng lợi được tiếp cận và tham gia vào mọi khâu của quá trình phát triển; (3) Dự án phát triển nhấn mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn lực văn hóa trong khi nguồn lực từ bên trên chỉ được xem là hỗ trợ phát triển.

Những năm gần đây, khi thảo luận về bất kỳ vấn đề gì, kinh tế, tài nguyên, môi trường, giới, giáo dục, tôn giáo, nông thôn, đô thị, v.v. người ta đều gắn chúng với thuật ngữ phát triển. Xu hướng phổ biến hiện nay thường đánh đồng khái niệm phát triển với tăng trưởng về kinh tế, sử dụng tiêu chí phương Tây về thu nhập bình quân tính theo đầu người hằng năm (GDP) làm mục đích phấn đấu. Thực tiễn thế giới đã chỉ ra rằng phát triển luôn luôn đi kèm với những vấn đề trầm trọng như làm tăng phân hóa giàu nghèo, tàn phá môi trường, và tình trạng suy thoái về đạo đức và lối sống. Thế nhưng trong cuộc sống hôm nay, chúng ta vẫn thường bắt gặp đâu đó quan điểm về sự đánh đổi trong phát triển, cho rằng muốn đạt được tăng trưởng kinh tế phải chấp nhận đánh đổi sự mất mát về môi trường. Cũng có ý kiến cho rằng muốn tạo được động lực của phát triển cần tập trung đầu tư nâng cấp tầng lớp tinh hoa, mà trước hết là giáo dục tinh hoa. Những cách nghĩ như vậy cho thấy còn có những khác biệt lớn trong tư duy về phát triển, có xu hướng chạy theo các con số tăng trưởng mà bỏ rơi văn hóa và thiếu tính bền vững.

Những khoản đầu tư khổng lồ đổ vào cuộc chiến chống lại đói nghèo nhưng dù đã đạt được thành tựu nhất định nhưng vẫn còn nhiều thách thức còn đang hiển hiện mà một trong những thách thức ấy là văn hóa vẫn chỉ được xem như những hoạt động biểu diễn và tuyên truyền mà chưa được đặt đúng vị trí như là một nguồn lực của phát triển bền vững.

Có một sự gặp gỡ giữa tư tưởng phát triển bền vững của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chương trình Nghị sự 2030 của UNESCO khi các nghị quyết của Đảng đều nhấn mạnh việc xem văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là động lực phát triển kinh tế – xã hội bền vững và đặt văn hóa vào vị trí trung tâm và tham gia đầy đủ vào nền kinh tế, xã hội và môi trường. Trong chiến lược phát triển này, bản sắc văn hóa, công bằng xã hội, cân bằng môi trường và tinh thần tự lực cánh sinh là nội lực, là sức mạnh nội sinh, là yếu tố quyết định của các kế hoạch phát triển ở cả cấp độ quốc gia và cộng đồng thôn bản. Sử dụng vốn văn hóa trong phát triển chính là nhấn mạnh tầm quan trọng và đề cao vai trò chủ thể của người dân, tìm kiếm và sử dụng vốn văn hóa của địa phương vào trong các chương trình phát triển để đạt được hiệu quả. Muốn làm được như vậy chúng ta cần có chính sách tạo ra một đội ngũ những người làm công tác phát triển chuyên nghiệp, có tinh thần hiến dâng cho sự nghiệp phát triển cộng đồng. Phát triển đội ngũ này là việc làm cấp bách, bởi hệ thống chính quyền cơ sở (cấp xã) vốn được tạo ra để làm công tác hành chính và quản lý nhà nước ở địa bàn, nặng về quan liêu và thiếu chuyên môn về phát triển. Việc trao các dự án phát triển cộng đồng lên vai chính quyền cấp xã không chỉ làm cho nó bị quá sức và quá tải, mà còn làm tăng tính quan liêu và lợi ích nhóm. □

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)