Cuộc đời con và giấc mơ lớn
Nhân bàn về các giải thưởng, một anh bạn nói với tôi: Nói chung thì giải thưởng làm vinh dự cho người nhận, nhưng cũng không hiếm có trường hợp người nhận làm vinh dự cho giải thưởng. Đó là những người quá cỡ mà kích thước của giải thưởng không trùm lên hết được, hoặc người đó đa diện mà giải chỉ trao cho một mặt nào đó...
Tôi đến nhà Nguyễn Văn Chiển ở E1 phường Bách Khoa. Ngôi nhà tập thể được làm bằng những tấm bê tông lắp ghép trước đây là mơ ước của nhiều người nay đã xập xệ. Và càng xập xệ hơn khi nó lọt thỏm vào giữa những ngôi nhà lớn, khang trang và hiện đại. Từ ngày bỏ bao cấp đến nay, tuy chưa có một thị trường chất xám thực sự, nhưng cuộc sống của những chuyên gia lao động đầu óc cũng khấm khá lên, thậm chí nhiều người phất hẳn. Còn người trí thức Nguyễn Văn Chiển thì vẫn vậy. Vẫn sạch sẽ với những tiện nghi tối thiểu. Mới hay, những ước mơ thường nảy sinh từ những mái nhà nghèo.
Nguyễn Văn Chiển là người không thích nói về bản thân mình, đặc biệt là thành tích của mình. Những điều tôi biết về ông là gián tiếp qua sách vở. Sau đây là một đoạn “lý lịch trích ngang” của ông: “Sinh năm 1919 tại thôn Ngọc Nội, xã Trạm Lộ, phủ Thuận Thành (Bắc Ninh). Sau khi đậu kỳ thi tú tài toàn Đông Dương, Nguyễn Văn Chiển đã vào học trường Cao đẳng Khoa học. Nhờ vậy, ông có dịp đi nhiều nơi trên đất nước để nghiên cứu về địa chất. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là một trong những người xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến. Năm 1951, với cương vị Hiệu trưởng trường Trung cấp Sư phạm Trung ương, ông được cử sang Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc để xây dựng Khu học xá Trung ương nhằm đào tạo cán bộ giáo dục. Ông còn là người có công lớn trong việc xây dựng Khoa Mỏ – Địa chất của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, tiền thân của Đại học Mỏ – Địa chất sau này và góp công sức rất lớn trong việc phát triển ngành khoa học non trẻ này của nước ta. Ông đã tham gia nghiên cứu hoặc chủ biên nhiều công trình khoa học rất có giá trị như Địa chất miền Bắc Việt Nam, Từ điển địa chất Việt Nam…
Tuy nhiên, khi nói đến khoa học thì lại khác. Đằng sau những ngôn từ điềm đạm, là sự sôi nổi, thẳng thắn của một người ở tuổi anh nhi. Ở Đông Dương các trường đại học đã có trước đó, nhưng Đại học khoa học thì mãi đến năm 1941. Thế chiến hai khiến con em người Pháp ở Việt Nam không thể về nước học các khoa học cơ bản được, nên họ mới lập trường này ở thuộc địa. Nguyễn Văn Chiển là một trong số những sinh viên đầu tiên của nhà trường. Ông theo học ngành địa chất. Cả khóa, ngoài sinh viên người Pháp ra, có 15, 16 người Việt Nam. Đa số theo học ngành này vì khoái đi dã ngoại. Nhưng rồi thú lên rừng xuống biển nhạt dần, việc học ngày càng trở nên khó nhọc hơn bởi phải thuộc nhiều nhớ lắm. Đến năm cuối, sĩ số chỉ vẻn vẹn còn có 3, 4 người, trong đó có Nguyễn Văn Chiển là người Việt Nam duy nhất. Vốn là người có tư duy toán lý, Nguyễn Văn Chiển có lúc cũng thấy nản không muốn chọn địa chất là nghiệp chính của mình. Ông bèn đi gặp vị thầy cũ của mình ở trường Bưởi. Hoàng Xuân Hãn nói: Anh nghĩ lại đi, giỏi toán như tôi mà cũng chưa làm gì được cho đất nước, giỏi lý như Ngụy Như Kom Tum cũng vậy. Chúng tôi không có phòng thí nghiệm, nên đành bó tay. Còn địa chất, sinh học thì cả nước ta là một phòng thí nghiệm bao la… chỉ sợ không có chí! Lời điểm hóa của giáo sư Hoàng Xuân Hãn làm Nguyễn Văn Chiển ngộ.
Năm 1944, sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Văn Chiển được ở lại làm việc ở phòng thí nghiệm của nhà trường. Cách mạng Tháng tám rồi kháng chiến chống Pháp làm ông phải tạm xa cái nghề địa chất của mình. Ông được cử đi dạy trung học, làm Hiệu trưởng trường Sư phạm đầu tiên, Tổng thư ký Ban Tu thư soạn sách giáo khoa cho giáo dục phổ thông. Sau khi Ban giải tán, ông được điều về làm Phó Giám đốc Nha Giáo dục phổ thông. Ông từ chối chức vụ này để xin về làm việc tại phòng địa chất Đại học Bách khoa. Ông xây dựng và giảng dạy môn địa chất học cho đến khi về hưu, kể cả khi đã chuyển sang làm Viện phó Viện Khoa học Tự nhiên.
Nguyễn Văn Chiển vào nghề giáo dục một cách tình cờ, do “trên” phân công, nhưng tâm huyết và gắn bó với nghề. Ông là một mẫu nhà giáo thành đạt. Và, hình như, ngày nay mọi nhà giáo “đạt vi sư” đều là một nhà khoa học thực sự. Nguyễn Văn Chiển có cái may là nghề giáo của ông gắn liền với nghiệp địa chất mà ông là người duy nhất được đào tạo từ trước năm 1945. Nhưng duy nhất cũng dễ trở thành đơn độc nếu không biết tạo đàn, nhất là không phấn đấu để trở thành đầu đàn về mặt khoa học.
Có thể nói, ngành địa chất Việt Nam đã bước cùng với từng bước đi của Nguyễn Văn Chiển. Sau kháng chiến chống Pháp, ông phải tự học lại những gì mình có thể đã học. Tài liệu tiếng Pháp không có phải học tiếng Nga để đọc sách. Từ năm 1959, chuyên gia Liên Xô sang giúp Việt Nam lập bản đồ địa chất. Nguyễn Văn Chiển đã lấy nhiều cán bộ tốt nghiệp Bách khoa cùng làm việc với họ để vừa làm vừa học. Bản thân ông cũng đã phấn đấu không mệt mỏi để bảo vệ luận án Phó tiến sĩ Địa chất học vào năm 1963 ở Liên Xô…
Cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, là việc biên soạn các giáo trình địa chất học. Để làm được điều này, việc đầu tiên là phải xây dựng được hệ thống thuật ngữ. Đây có lẽ cũng là vấn đề chung của các nền khoa học đi chậm. Nhưng ở Việt Nam, một phần do đặc điểm đơn âm tiết của tiếng Việt, phần khác do cán bộ được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau nên khó thống nhất được những quy tắc quy chuẩn thuật ngữ. Điều này đòi hỏi óc sáng tạo và tinh thần độc lập. Các thuật ngữ chuyển từ tiếng Hoa sang âm Hán Việt là thuận lợi hơn cả: vừa dễ hiểu lại vừa đảm bảo được tính chuyên môn của thuật ngữ, ví như cổ sinh đại, trung sinh đại, tân sinh đại, đôi khi dùng tiếng Việt lại hợp lý hơn: đá bazan thay thế cho huyền vũ nham, học chữ Hán Việt nhưng không dùng nguyên: thạch học thay thế cho nham thạch học (chữ nham vừa thừa lại không đẹp chút nào), còn khoa học về đắc thì lại quá dài và không có tính thuật ngữ… Tuy vậy, cũng không thể tránh được trong nhiều trường hợp phải phiên âm từ tiếng Tây.
Cuộc đời khoa học của Nguyễn Văn Chiển có lẽ đắc ý hơn cả là ở hai công trình: Điều tra tổng thể Tây Nguyên và tập Bản đồ Quốc gia Việt Nam. Đề tài Điều tra tổng thể Tây Nguyên là một công trình nghiên cứu khoa học có tính tổng hợp. Công sức của nhiều nhà khoa học thuộc đủ các ngành, cả tự nhiên và xã hội, trong nhiều năm trời ròng rã. Từ những tư liệu thực tế và những khái quát khoa học, Điều tra đã đi đến kết luận rằng Tây Nguyên có 3 thế mạnh là rừng, cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc. Sự phát triển kinh tế – xã hội của Tây Nguyên không thể tách rời 3 thế mạnh này. Nhưng những kết luận khoa học ấy không phù hợp với những nhận định chủ quan của ai đó rằng Tây Nguyên có những năm chứ không phải ba thế mạnh: rừng, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc và nông nghiệp, và công nghiệp. Hẳn họ nghĩ, thêm hai chân nữa, hẳn sự đi lên của mảnh đất này sẽ vững chắc hơn, toàn diện hơn. Do sự bất đồng trên, nên Hội nghị Báo cáo tổng kết chỉ được họp hạn chế ở Hà Nội chứ không họp rộng ở Tây Nguyên như đã dự kiến. Và kết quả của Điều tra không được phổ biến rộng rãi. Và điều gì phải đến đã đến. Việc phát triển mạnh (để trở thành thế mạnh) nông nghiệp và công nghiệp ở Tây Nguyên đã làm thu hẹp diện tích rừng, mất bãi chăn nuôi gia súc, làm suy thoái nghiêm trọng môi trường tự nhiên và xã hội khiến Tây Nguyên có nguy cơ đánh mất các thế mạnh kia.
Bản đồ Quốc gia Việt Nam lại có một số phận khác. Nói chung, Atlas quốc gia là một tập bản đồ tổng hợp các tri thức khoa học hiện thời về tự nhiên, con người xã hội, kinh tế, chính trị của một đất nước. Về bản chất, nó là một mô hình (phẳng, 2 chiều) của đất nước. Nó “phản ánh nhận thức sâu sắc về lãnh thổ toàn vẹn và thống nhất của Tổ quốc” (Võ Nguyên Giáp). Bởi vậy, mỗi một quốc gia đều phải có Atlas quốc gia để khẳng định tư cách quốc gia của mình.
Việt Nam, vào thế kỷ XV, đã có “Atlas quốc gia” đầu tiên, tập Hồng Đức bản đồ. Đến thế kỷ XIX (1834), lại có Việt Nam thống nhất toàn đồ. Đến những năm 70 của thế kỷ trước, Nguyễn Văn Chiển và một số nhà khoa học Việt Nam khác nhận thấy đã đủ điều kiện và số liệu điều tra trong nhiều lĩnh vực để thành lập Atlas quốc gia hoàn chỉnh, nên đã đệ trình kiến nghị lên Chính phủ. Năm 1981, Ủy ban Khoa học – Kỹ thuật Nhà nước cho triển khai Chương trình Nghiên cứu Khoa học Quốc gia “Xây dựng tập bản đồ tổng hợp quốc gia” do Nguyễn Văn Chiển làm Chủ nhiệm kiêm Tổng biên tập Ban Biên tập Khoa học của công trình. Năm 1986, 200 trang bản đồ ở dạng bản thảo tác giả, khổ 45 x 65,5cm được nghiệm thu. Đến năm 1990 thì được xuất bản.
Đây là một tập bản đồ khổ lớn, in đẹp và công phu, gồm 3 phần. Chương mở đầu có: Việt Nam nhìn từ vũ trụ, Việt Nam trên bản đồ thế giới, Việt Nam và các nước lân cận, Việt Nam hành chính, Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Phần Tự nhiên gồm các chương sau: Địa chất, Địa hình, Khí hậu, Thủy văn, Thổ nhưỡng, Thực vật, Động vật, Biển Đông. Phần Kinh tế Xã hội gồm: Dân cư, Nông nghiệp, Công nghiệp, Giao thông – vận tải – Bưu điện – Thương nghiệp, Kinh tế chung, Giáo dục – Y tế – Văn hóa. Phần Thuyết minh gồm những bài viết khái quát về từng chương trong hai phần trên do những chuyên gia đầu ngành chấp bút. Bản thân Nguyễn Văn Chiển ngoài việc phụ trách chung cũng tự mình viết thuyết minh 2 chương là Địa chất và Biển Đông. Như vậy, Bản đồ Quốc gia Việt Nam, để có thể đến được với người đọc, đã phải trải qua một hành trình dài dặc bằng công sức của rất nhiều nhà khoa học có uy tín. Bởi thế, nó là một tác phẩm khoa học và văn hóa khắc họa được mô hình đất nước có lịch sử lâu đời đang xây dựng một xã hội phát triển, công bằng, dân chủ và văn minh.
Vậy mà, còn một vấn đề làm ông canh cánh, đứng ngồi không yên là khi bộ Bản đồ Quốc gia Việt Nam được xuất bản, ông đã phát hiện ra nhiều chỗ “sai” và ông đã “lên tiếng”. Ví dụ tên của tác giả công trình thì xếp theo thứ tự ABC nên không hiểu ai làm gì và làm như thế nào. Buồn cười hơn nữa là 10 tác giả không có công trình, nhưng tự dưng tên của họ lại “lạc” vào đây, trong khi đó lại “quên” 74 người có công trình. Và còn nhiều sai sót khác.
Bây giờ, Nguyễn Văn Chiển đã là một ông lão đã trên tuổi 80, nếu sắm vai “lão giả an tri” thì cũng chẳng có ai chê trách gì, nhưng ông không đành. Qua việc học hành của cháu con trong nhà, ông thấy giáo dục hiện nay có nhiều vấn đề, từ sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, nội dung giảng dạy đến trình độ của trò, của thầy… Ông viết báo để cảnh tỉnh. Trò chuyện với người khác, ông cũng thường hay nhắc lại thời cắp sách của mình. Âu cũng là một hình thức đối chứng.
Nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này, tuy là muộn nhưng còn hơn không. Ông nói, hơn là vì những công trình đó không phải của riêng tôi, mà công sức của bao nhà khoa học có tên nhưng vô danh khác, hơn là vì chúng tôi đã được thừa nhận. Sự thật cuối cùng đã chiến thắng.
Tuổi già như cây cao, muốn lặng gió mà gió chẳng đừng. Nhưng trong tiếng lá khua, tiếng răng rắc của cành cây bị gió vặn, người ta bỗng thấy được sức sống không vơi cạn của cây.
(Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
Chế Lan Viên)