Đại án tham nhũng, đổi mới giáo dục và thông điệp năm mới của Thủ tướng

Có ba sự kiện quan trọng đang xảy ra nóng hổi vào những ngày cuối cùng của năm Quý Tị, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, đó là việc Hội nghị TW 8 thông qua dự án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”, sự kiện “Thông điệp đầu năm” dương lịch 2014 của Thủ tướng chính phủ và các đại án tham nhũng đang được xét xử. Ý nghĩa của những câu chuyện này là gì?

Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Cách đưa ra thông điệp đầu năm của Thủ tướng với nội dung xoay quanh vấn đề “dân chủ”, “dân quyền”, “xoá bỏ độc quyền” rất quen thuộc ở xứ người nhưng lại rất lạ ở xứ ta mà một số trí thức đã đề cập. Theo tôi thì chuyện “lạ” và “quen” này cũng đã phần nào phản ánh một khoảng cách về phát triển. Nghĩa là bao giờ các lãnh đạo và toàn dân ta xem những điều này là quen thuộc, tự nhiên như việc hít thở hằng ngày thì lúc đó tôi nghĩ đất nước ta sẽ tiến bộ mọi mặt.

Tôi rất đồng ý với nhận định của Thủ tướng rằng: “Nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế mà bước đột phá lớn và toàn diện là từ Đại hội VI của Đảng”.

Thực vậy, tăng trưởng của mấy chục năm qua về mặt kinh tế đưa nước ta thoát cảnh bần hàn, suy cho cùng cũng nhờ “mở rộng dân chủ” và xoá bỏ độc quyền về mặt kinh tế. Nghĩa là nhờ việc chấp nhận cho dân được làm chủ và tham gia vào các hoạt động kinh tế và điều này đã đem lại sự tăng trưởng.

Tuy nhiên sự tăng trưởng này “đã chậm lại” so với chính Việt Nam trước đây và so với các nước khác trong khu vực1. Theo tôi, nguyên nhân là vì công cuộc đổi mới chỉ mới được một phần, chưa mấy trọn vẹn nếu không muốn nói là nửa vời. Chúng ta chuyển đổi từ hệ thống kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường nhưng lại chưa thực sự thị trường. Có lẽ bởi thế, nên phần lớn thế giới vẫn chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường thực thụ2.

Sự nửa vời này làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn, có lẽ là một phần nguyên nhân của nhiều tiêu cực trong đời sống kinh tế mà vụ án Dương Chí Dũng và các đồng phạm đang được xét xử là một minh chứng. Đó là việc áp dụng các chính sách ưu tiên ưu đãi cho các doanh nghiệp Nhà nước trái với quy luật của kinh tế thị trường mặc dầu thực tế đã chứng minh các doanh nghiệp này liên tục thua lỗ, làm thiệt hại nặng nề cho kinh tế quốc gia. Các chính sách ưu tiên nhằm định hướng này cũng đã không tạo ra một cơ chế cạnh tranh để lựa lọc những người thực sự có đức có tài tham gia vào việc quản lý điều hành kinh tế và xã hội, ngược lại, đã tạo ra ra môi trường cho tham nhũng hoành hành, nuôi dưỡng những đường dây quyền – tiền – tình phi pháp hoạt động.

Trên mặt vĩ mô, kinh tế cũng như các thiết chế khác trong xã hội luôn có quan hệ hỗ tương chặt chẽ với thiết chế chính trị. Chính trị diễn tả tầm nhìn, quan niệm và ý thức hệ của các nhà lãnh đạo, những điều này ảnh hưởng bao trùm lên toàn xã hội, nó làm nền, góp phần định hình tất cả các lĩnh vực khác. Vì sự gắn bó hữu cơ này, nên về lâu dài, không thể có chuyện chính trị đi một đường trong khi kinh tế và và các thiết chế khác lại đi một nẻo.

Nghĩa là nếu chúng ta muốn thực hiện đổi mới một cách hiệu quả, thì tầm nhìn, ý thức hệ lãnh đạo phải đổi mới trước để làm cơ sở đổi mới các lĩnh vực khác. Việc tiến hành đổi mới kinh tế hay giáo dục trước, mà chậm đổi mới về mặt thể chế chính trị, thì cũng có thể tạo ra một số thay đổi và phát triển trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, việc đổi mới đó sẽ chạm đến và va đập phải những “lỗi hệ thống” đến từ chính trị.

Việc đổi mới giáo dục

Việc Hội Nghị TW8 đã thông qua cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” là một sự kiện đáng mừng. Theo tôi, có thể so sánh sự kiện này trong giáo dục với việc đổi mới kinh tế khởi đi từ Đại hội VI của Đảng Cộng Sản cách đây gần 30 năm, hướng cải cách cũng đi từ cơ chế quản lý tập quyền sang cơ chế phân quyền, chấp nhận nhiều thành phần xã hội tham gia vào giáo dục. Đây là một dự án đổi mới theo hướng tiến bộ xét về nội dung và phương pháp theo cách làm của các quốc gia có nền giáo dục phát triển.

Tuy nhiên theo tôi, dự án này cũng chỉ mới nửa vời như việc đổi mới mô hình kinh tế đã nói ở trên, chưa “căn bản và toàn diện” vì chúng ta chưa thực sự đổi mới về quan niệm, tầm nhìn từ đó thiết kế nên mục tiêu giáo dục phù hợp, và bởi lý do này, tôi lo rằng sẽ đến một lúc, việc đổi mới giáo dục cũng sẽ gặp lúng túng, va đập với những lỗi hệ thống như những gì xảy ra với lĩnh vực kinh tế.

Từ tư tưởng của Condorcet, Rousseau, Deway, Einstein đến các tài liệu có tính định hướng trong giáo dục trên thế giới của UNESCO hiện nay đều nhấn mạnh rằng mục tiêu của giáo dục là phải tạo ra những nhân cách toàn diện, trong đó khả năng tư duy, phán đoán độc lập và phản biện phải được đặt lên hằng đầu trong mục tiêu đào tạo, vì đó là những đức tính và kỹ năng cần thiết nhất giúp người học tự tồn tại, tự phát triển bản thân, góp phần giải quyết những khó khăn của cộng đồng và thúc đẩy xã hội phát triển.

Các nước phát triển đặt người học làm trung tâm, với phương cách giáo dục khác biệt hoá, vận dụng phương pháp giáo dục chủ động… là để đào tạo ra mẫu người tự chủ, tự do, mang trong mình những giá trị, thói quen và khả năng phù hợp lâu dài với một xã hội dân chủ và những giá trị của nó.

Trong một xã hội, các cá nhân hơn nhau ở chỗ là biết cách khai thác khả năng vô hạn của bộ não mà giáo dục phải trang bị cho họ phương pháp; trên bình diện thế giới, các xã hội hơn nhau ở chỗ, là các nhà cầm quyền biết tạo ra môi trường tốt trong đó có hệ thống giáo dục, nhằm phát huy trí tuệ và sức lực trong toàn dân. Một nhóm nhỏ lãnh đạo có tài ba cách mấy, cũng không thể so sánh với trí tuệ của hằng triệu bộ não cọng lại.

Tiềm lực trong dân như những kho tàng tiềm ẩn, những điều này được phát huy, được thể hiện đến mức độ nào lại phụ thuộc vào tầm nhìn, vào chính sách và thái độ của người cầm lái. Cũng một dân tộc, nhưng Bắc Hàn và Nam Hàn phát triển khác nhau một trời một vực là do hai miền có hai quan niệm, hai tầm nhìn dẫn đến hai thể chế khác xa nhau. Một bên là tập trung quyền lực trong tay người cầm quyền, Nhà nước bao quát và bao cấp mọi sự về vật chất cũng như tinh thần, biến công dân thành những công cụ chỉ biết tuân thủ răm rắp dưới cái gậy chỉ huy tập quyền của mình, còn bên kia là chế độ dân chủ, phân quyền và tạo ra cơ chế để mỗi nhóm, mỗi người dân có thể phát huy tối đa khả năng của mình trong mọi mặt, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.

Như vậy, muốn phát triển, chúng ta không có cách nào khác là phải dân chủ hoá, chống độc tài trong tất cả lĩnh vực, phải giải quyết “lỗi hệ thống”, bằng cách đổi mới thể chế nhằm xoá bớt những mâu thuẫn đang tồn tại, tạo điều kiện cho người dân tham gia, giám sát và cùng kiến tạo nên sự phát triển.

Hi vọng sang Năm Giáp Ngọ này, trong mạch ý của bài Thông điệp đầu năm của Thủ tướng, Việt Nam sẽ có cải cách cơ bản về thể chế nhằm làm nền móng chắc chắn cho sự phát triển về mọi mặt, dân tộc này sẽ lên ngựa và tiến mạnh về phía trước cùng với nhân loại tiến bộ.

                        

1 Chẳng hạn, theo Ngân hàng thế giới, trong năm 2012, với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế là 5.2%, mức tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn mức tăng trưởng ở một số nước ASEAN, như Philippines (6.8%), Thái Lan (6.5%), Indonesia (6.2%) hay Malaysia 5.6% (http://www.voatiengviet.com/content/noi-that-dan-nghe-lam-that-dan-tin/1826746.html)

2 Tính đến tháng 4/2012, chỉ mới có hơn 30 quốc gia công nhận VN có nền kinh tế thị trường (Hội đồng tư vấn các biện pháp phòng vệ thương mại – VCCI).

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)