Đại học và nghiên cứu ở Việt Nam cần gì ?

Với kinh nghiệm lâu năm làm việc trong lĩnh vực vật lý hạt nhân, vật lý hạt, vật lý chất rắn tại châu Âu và Hoa Kỳ đồng thời dựa vào kinh nghiệm sáu năm là giảng viên của một số trường đại học Việt Nam và là một nhà nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm vật lý tia vũ trụ tại Hà Nội, GS.Pierre Darriulat, một trong số những nhà vật lý hàng đầu của thế giới, người bạn thân thiết của Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn của Tia Sáng đã lý giải nguyên nhân vì sao cho đến nay Việt Nam chưa có các trường đại học và các viện nghiên cứu chất lượng cao mà đáng ra Việt Nam xứng đáng đã có; đồng thời kiến nghị các giải pháp và công việc nên tập trung thực hiện để cải thiện chất lượng đào tạo đại học và nghiên cứu ở Việt Nam.


Theo GS, trong giai đoạn phát triển hiện nay, Việt Nam cần loại đại học và cơ cở nghiên cứu nào? 
Theo tôi, để trả lời cho câu hỏi rất cơ bản có tính chất khung cho sự phát triển của đại học và nghiên cứu này trước hết cần lý giải thấu đáo câu hỏi: Tại sao Việt Nam cần đại học? và Tại sao Việt Nam cần nghiên cứu? Câu trả lời của chúng khác nhau từ nước này đến nước khác, và trong cùng một đất nước câu trả lời cũng khác nhau tại các thời điểm khác nhau trong lịch sử. Chỉ khi những câu hỏi này được trả lời thì người ta mới hy vọng trả lời được các câu hỏi Việt Nam cần loại đại học nào? và Việt Nam cần nghiên cứu gì? Những câu trả lời đó phản ánh một hình thái kinh tế – xã hội mà đất nước muốn có ; là chiến lược phát triển của đất nước mà chính phủ thay mặt nhân dân lựa chọn. Tôi hoàn toàn không thể đưa ra, thậm chí gợi ý, câu trả lời có thể cho các câu hỏi trên. Tôi chỉ đơn giản nhấn mạnh rằng Việt Nam không nên copy một cách mù quáng những hình mẫu và cách các nước khác đã, đang làm và quá coi trọng lời khuyên của các chuyên gia nước ngoài. Tốt hơn cả là tìm những câu trả lời rõ ràng, phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, phổ biến, sử dụng chúng như là một khung chung để từ đó xác định đường lối chỉ đạo và đi lên.


GS có thể đưa ra một vài ví dụ minh họa cho quan điểm của GS.


 

GS.Pierre Darriulat và Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Thắng trong buổi lễ trao huy chương vì sự nghiệp KH&CN

Cách đây năm mươi năm, các nước phương Tây quyết định đại chúng hóa các trường đại học, có nghĩa là mở các trường đại học tới một số lượng lớn hơn nhiều sinh viên so với trước đó. Nhìn chung, đó là một ý tưởng tuyệt vời, là một thành công. Tuy nhiên, cũng có một số thất bại buộc ta cần nhìn lại ý tưởng đó. Rất nhiều sinh viên vào đại học trong đó có những người hoặc là không thể theo hết khóa học do đó người ta phải tạo ra các khóa học ngắn hơn, một hoặc hai năm, để hướng họ tới các trường học nghề khi còn chưa muộn, hoặc bất đắc dĩ phải cố gắng học những khi ra trường phải đối mặt với những vấn đề lớn là tìm kiếm công việc sau khi “mất” một vài năm tại đại học. Có thể nói cùng với việc bảo đảm dân chủ và công bằng trong giáo dục đại học cần phải làm sao để mọi người đều có quyền học nhưng những sinh viên giỏi cũng phải có quyền tiến bộ với tốc độ nhanh hơn và không bị chậm trễ bởi các sinh viên kém.
Thực tế là ở Việt Nam, rất nhiều sinh viên không đủ trình độ hoàn thành bậc học đại học nhưng vẫn tiếp tục theo đuổi đến tận năm cuối cùng của bậc học này; họ không những làm giảm giá trị của bằng tốt nghiệp mà còn cản trở những sinh viên khá tiếp tục được đào tạo ở mức độ cao hơn mà họ xứng đáng được hưởng. Các lớp cử nhân khoa học tài năng không giải quyết được vấn đề này, sự lựa chọn sinh viên thực hiện ở các lớp này là quá sớm. Theo tôi nên xem xét một cách nghiêm túc việc thay đổi hệ thống lớp học hiện nay, đó là một hệ thống quá cứng nhắc khó thay đổi nếu không muốn nói là không thể. Nên xem xét thay thế hệ thống hiện nay bằng hệ thống đang được sử dụng ở hầu hết các trường đại học trên thế giới, một hệ thống mà sinh viên có thể chọn, theo một vài quy tắc chung phụ thuộc vào kỹ năng và tham vọng của họ, môn học nào và khóa học nào mà họ muốn theo và theo bao lâu. Hệ thống này linh động hơn tạo ra các khoá học ngắn cho những sinh viên không đủ khả năng hoàn thành tất cả các môn học của đại học. Đồng thời, nó cũng tạo cơ hội để đưa vào giảng dạy các môn học mới, ví dụ như vật lý thiên văn, môn học gần đây chưa được dạy tại các trường đại học ở Việt Nam. Nên có khả năng dừng việc học của các sinh viên tại các mức độ khác nhau tương ứng với các bằng khác nhau phù hợp với đòi hỏi của đất nước.

 

Đối với những đồng sự trẻ, “bác Pierre”  như một người họ hàng thân thuộc.

Ví dụ khác là: Vai trò của nghiên cứu trong các trường đại học. Ở các nước phát triển nhất, các đại học không tiến hành nghiên cứu là các đại học kém chất lượng. Do vậy ở Việt Nam, Bộ giáo dục và Đào tạo và Bộ khoa học và Công nghệ, tôi không đề cập tới các đơn vị khác, cần hợp tác một cách chặt chẽ để xác định rõ vai trò và mối quan hệ giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu (theo tôi, cần phải giúp đỡ và khuyến khích một cách mạnh mẽ mối quan hệ này). Ở Pháp, sự bình thường hóa quan hệ giữa các trường đại học và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS, Centre national de la recherche scientifique) là một vấn đề lớn luôn được quan tâm trong nhiều năm.

Một trong những giải pháp phát triển đại học và nghiên cứu ở Việt Nam mà GS Hoàng Tụy nhiều lần kiến nghị là phải tăng lương cho cán bộ giảng dạy và khoa học. GS có đồng tình với quan điểm của GS Hoàng Tụy?
Tôi có thể trả lời không do dự một giây: Tôi hoàn toàn đồng quan điểm với GS Hoàng Tụy. Lương hiện tại của họ thường chỉ bằng một phần tư số họ cần để trang trải cho cuộc sống. Hệ quả là họ phải tìm một công việc thứ hai, chiếm nhiều thời gian và công sức của họ và làm giảm một cách nặng nề chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Hơn nữa, với mức lương thấp như vậy (so với phần còn lại của xã hội) nhiều người cảm thấy bị ngược đãi, đắng cay đồng thời không đem lại cho họ sự kính trọng cao mà họ xứng đáng có được trong một đất nước giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Hệ quả của mức lương thấp như vậy là cực kỳ nguy hiểm ở nhiều khía cạnh. Nó triệt tiêu động lực cải thiện chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, tạo ra những thói quen xấu, thậm chí có thể dẫn đến tham ô. Đại học không nên chỉ mang lại sự đào tạo tốt mà còn phải là những tấm gương sáng về đạo đức cho sinh viên; các sinh viên phải được đào tạo không chỉ tính nghiêm túc mà còn liêm khiết và công bằng; các nội dung đạo đức này là rất quan trọng.

 

GS.Pierre Darriulat hướng dẫn những nhà khoa học trẻ trên thiết bị của Phòng thí nghiệm tia vũ trụ VATLY.

Tôi không ngây thơ mà nghĩ rằng thực hiện những công việc này là dễ. Tôi nhận thức rõ rằng, nó đòi hỏi thời gian và công sức để xây dựng lại nguồn nhân lực với một lựa chọn giảng viên, nghiên cứu viên và các dự án nghiên cứu khắt khe hơn nhiều so với hiện nay. Và ở đây một lần nữa, có những câu hỏi cần có câu trả lời, ít nhất theo nghĩa rộng, ở cấp lãnh đạo. Có trả lương như nhau cho hai giảng viên, một người không làm công tác nghiên cứu mà chỉ đơn thuần đọc giáo trình và một người làm công tác nghiên cứu và viết giáo trình cho các bài giảng của họ? Đánh giá số lượng và chất lượng các công trình công bố của họ như thế nào?
Hệ quả của giải pháp tăng lương sẽ tạo động lực và quyết tâm đem lại chất lượng cao cho giáo dục và nghiên cứu mà đất nước xứng đáng có được.


Lãnh đạo nhiều viện nghiên cứu than phiền họ không giữ được người tài. Còn GS Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán lo lắng trước nguy cơ tụt hậu ngày càng xa của toán học Việt Nam vì ngay ông cũng ít có học trò giỏi để dạy. Theo GS khắc phục thực trạng này bằng cách nào?
Tôi cũng có thể trả lời ngay là: Việt Nam cần tự tin hơn vào thế hệ trẻ và mở hơn ra thế giới.
Một khó khăn lớn mà Việt Nam nói chung và các trường đại học và nghiên cứu nói riêng cần phải vượt qua là sự chảy máu chất xám ngày càng gia tăng mà đất nước đã phải chịu nhiều năm nay. Việt Nam nhận được nhiều sự giúp đỡ và ủng hộ từ nước ngoài dưới dạng các học bổng, tạo điều kiện cho sinh viên có thể ra nước ngoài học tập và nghiên cứu. Nhưng chỉ Việt Nam mới có thể đảm bảo rằng những sinh viên giỏi trong số các sinh viên này sẽ trở về Việt Nam; điều này là cần thiết cho nguồn nhân lực mà đất nước đã đầu tư không bị phí. Chỉ Việt Nam mới có thể tạo cho các sinh viên này một tương lai, thúc đẩy họ trở về đất nước của mình. Đôi lúc đại học Việt Nam dường như thiếu sự tin tưởng vào thế hệ trẻ và không sẵn sàng trao cho họ trách nhiệm mà họ có thể đảm nhiệm được. Trong lịch sử, cách mạng và chiến tranh đã đem lại cơ hội cho những người Việt Nam trẻ tuổi, thông minh đảm trách những trọng trách quan trọng của đất nước, và chúng ta đã thấy họ thành công như thế nào. Tại sao bây giờ chúng ta lại không tin tưởng vào những sinh viên thông minh và có khả năng để xây dựng một đất nước hiện đại và hòa bình? Đây là một câu hỏi làm tôi rất trăn trở bởi vì tôi thường sợ rằng những cố gắng mà tôi bỏ ra đào tạo sinh viên của mình thành các nhà khoa học sẽ bị bỏ phí nếu đất nước không thể giữ họ; Tôi biết mong muốn thúc đẩy sự phát triển đất nước của họ nhiều như thế nào. Tôi cho đó là một sự thất bại nếu đất nước để cho họ ra đi. Chảy máu chất xám sẽ chỉ dừng lại khi chính phủ có quyết tâm ngăn chặn cùng với việc tạo tương lai cho sinh viên giỏi, các nhà nghiên cứu trẻ tài năng.
Thật đáng tiếc, bên cạnh sự thiếu tự tin vào khả năng và kỹ năng của thế hệ trẻ Việt Nam lại là việc thiếu lắng nghe một cách nghiêm túc những lời khuyên từ các chuyên gia nước ngoài về lựa chọn chính sách khoa học, lựa chọn dự án nghiên cứu và thậm chí đội ngũ nghiên cứu. Ở nước ngoài trong hội đồng xét tuyển gồm các chuyên gia nước ngoài là một điều bình thường, đó là một thực tế tạo ra sự công bằng trong đánh giá đồng thời mở ra thế giới, tạo ra sự liên kết với các trường đại học và các viện nghiên cứu trên thế giới. Theo tôi thực tế này cần được khuyến khích ở Việt Nam cũng như khuyến khích mọi sáng kiến tạo ra sự liên hệ với thế giới bên ngoài. Chẳng hạn việc phát triển đào tạo nghiên cứu sinh có thể được thực hiện dưới sự đồng hướng dẫn của hai giáo sư, một từ đại học ngoài nước và một từ Việt Nam; luận văn được viết và trình bày bằng một trong hai thứ tiếng, hoặc là tiếng Anh, bản tóm tắt viết bằng hai thứ tiếng. Sinh viên nhận bằng tiến sỹ từ hai trường. Khả năng này là một cơ hội cho Việt Nam mở ra với các đại học uy tín trên thế giới và chúng ta nên nghĩ rằng phương thức hợp tác này cần được khuyến khích và hết sức ủng hộ (với kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy sự hợp tác với các trường đại học nước ngoài lại dễ hơn so với các đại học ở Việt Nam). Hợp tác với các nhóm nghiên cứu nước ngoài không nên chỉ nhìn dưới góc độ là một phương thức nhận tiền mà nên nhìn với góc độ xa hơn là một cách đưa nghiên cứu của Việt Nam ra với thế giới và cải thiện chất lượng của nó.

GS có điều gì muốn gửi gắm với các đồng nghiệp Việt Nam
Tôi đã trình bày rất thẳng thắn những quan điểm của tôi (có thể còn thiển cận) về những vấn đề mà theo tôi là đặc biệt quan trọng, với hy vọng có thể có ích nếu được xem xét một cách nghiêm túc. Tôi nhận thức rõ rằng còn nhiều khó khăn, không đơn giản như tôi nghĩ trong việc giải quyết các vấn đề này. Tuy nhiên, tôi hy vọng không bị trách vì những điều mình vừa nói, tôi không có ý gì khác ngoài mong muốn giúp cho sự phát triển của giáo dục và đào tạo nói chung và khoa học Việt Nam nói riêng. Tôi đã gặp nhiều người, đọc nhiều bài báo phân tích sâu sắc, phê phán nặng nề hệ thống đại học và nghiên cứu hiện nay của Việt Nam. Thậm chí nhiều người nói rằng, không còn hy vọng cải thiện hệ thống này. Chúng ta chỉ có thể hy vọng là họ sai khi các trường đại học, cơ sở nghiên cứu có quyết tâm, có các phong trào mạnh mẽ tạo nên sự thay đổi để cải thiện một cách đáng kể chất lượng đào tạo và nghiên cứu của mình.

Xin cảm ơn GS về cuộc trao đổi này.
P.V thực hiện


Gần đây, có nhiều tranh luận quanh câu hỏi: Đại học tư có phải là một nhân tố để phát triển giáo dục đại học?
Câu hỏi này một lần nữa là sự lựa chọn của xã hội; và câu trả lời của chúng phải xuất phát từ những người lãnh đạo nhà nước. Không nên nghĩ rằng Harvard là một đại học tốt vì nó là một đại học tư và tất cả các đại học tư đều tốt và tất cả các đại học công đều tồi (thậm chí, đôi khi tôi được nghe các lập luận này dưới những dạng kém hài hước hơn một chút).


Rõ ràng trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần dành ưu tiên cho nghiên cứu ứng dụng, tuy nhiên hầu hết mọi người đều đồng ý rằng, ít nhất tôi hy vọng như thế, phải dành không gian cho nghiên cứu cơ bản. Kinh nghiệm cho thấy không có nghiên cứu ứng dụng tốt nếu thiếu nghiên cứu cơ bản chất lượng cao. Tiêu chí lựa chọn chủ đề cho nghiên cứu cơ bản là không khó. Tuy nhiên, cần có cần có đường lối chính sách khoa học để xác định phương hướng ủng hộ nghiên cứu cơ bản. Một lần nữa những quyết định này chỉ có thể thực hiện ở cấp chính phủ.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)