Dân chủ công nghệ và ngôn luận chậm cảm

Cuộc sống của chúng ta đang bị (hay được) vây bủa bởi những làn sóng thông tin. Nhưng vì sao sự va đập của thông tin, sự kiện ngày càng khiến chúng ta bất an nhiều hơn về thực tại xã hội mà mình đang sống?


Dân chủ hóa công nghệ – nhìn góc rộng

Sự phát triển của công nghệ mạng toàn cầu, phương tiện số đang tạo điều kiện kích ứng và đáp ứng nhu cầu mọi người muốn biết rộng hiểu sâu về thế giới chung quanh. Hiểu biết để nhận thức, phát triển sự tưởng tượng, điều chỉnh hành xử, cải biến những khiếm khuyết trong thực tại. Đó là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng.

Ngôn luận sinh ra không chỉ để trình bày bản chất thực tế, mà từ chỗ soi tỏ bản chất thực tế, nó đồng tình hay phản biện cái cơ chế, phương thức vận hành của khung cảnh xã hội mà nó dự phần để kiếm tìm phương án tối ưu cho sự phát triển. Ngày nay, sự dân chủ hóa công nghệ, cái “vòi rồng thông tin” (theo cách nói của Thomas L. Friedman) đang tạo nên một “thể trạng mới cho thế giới”. Nơi mà, mỗi người vừa hưởng thụ thông tin cũng chính là nhà sản xuất thông tin.

Cũng Thomas L. Friedman đã trích dẫn lời Lawrence Grossman, cựu Chủ tịch Hãng truyền hình NBC nói về sự dân chủ hóa công nghệ thế này: “In ấn biến chúng ta thành độc giả. Photocopy biến chúng ta thành những nhà xuất bản. Truyền hình biến chúng ta thành khán giả. Và công nghệ số hóa cho phép chúng ta trở thành các hãng truyền thông”.

Câu nhấn mạnh thứ tư của nhận định trên ứng nghiệm, khi mà chỉ cần đăng ký một account (tài khoản) trên mạng xã hội, tôi có thể trở thành một “kênh ngôn luận” trong thế giới mạng toàn cầu. Một người ngồi ở Sài Gòn có thể nhận được thông tin, hình ảnh về các trận lũ lụt miền trung khá đầy đủ, chi tiết sau khi các đập thủy điện xả lũ vài giờ đồng hồ. Thậm chí, thông tin trận lũ bùn gây thiệt hại cho người dân Hungary hay Nà Lũng, Cao Bằng… những trang mạng xã hội sẽ truyền đến chúng ta thật chi tiết chỉ sau vài phút.

Như vậy không có nghĩa là những cơ quan ngôn luận chính thống nhượng bộ hay trao phó cứu cánh của mình cho những trang mạng xã hội. Quả thật, vai trò truyền thông của hệ thống này không vì thế triệt tiêu, mà còn được sự dân chủ hóa, cá nhân hóa sở hữu công nghệ tương tác khăng khít, thúc đẩy nó phát triển lên một đẳng cấp khác – truyền thông phát triển theo hướng cộng hưởng trí tuệ cộng đồng. Tuy nhiên, ở mỗi nơi, với những sức ép đến từ bên ngoài khác nhau, người ta lại đặt ra một hình thức quản lý và hành xử với thông tin, hiệu ứng thông tin tạo ra khác nhau tùy vào từng điều kiện và cơ chế riêng.

Trí lực mắc bệnh chậm cảm

Cho dù trong điều kiện nào, xã hội muốn phát triển thì kênh truyền thông, ngôn luận cũng phải trở thành một công cụ thể hiện trí lực của người dân.

Một xã hội tiến bộ phải phát huy trí lực cộng đồng. Và trí lực ấy thể hiện trong một khung cảnh văn hóa ngôn luận lành mạnh. Trí lực, theo cách nói của hai chuyên gia Nga và Canada N.M.Voskresenskaia và N.B. Davletshina trong một cuốn sách giáo khoa về Chế độ dân chủ nhà nước và xã hội, thì, nó chi phối cả sự vận hành văn hóa, chính trị. Nó được xem là “công cụ tinh thần của người dân” (Cho nên nó được xem là quyền lực thứ tư sau lập pháp, hành pháp và tư pháp). Hai chuyên gia này cũng dẫn ý của văn hào L.N.Tolstoy khi nói về tập tính lãnh cảm với các sự kiện chính trị nơi người dân Nga: “Dân Nga luôn coi chính quyền như một tai họa cần tránh cho xa” vì thiếu cái trí lực, công cụ tinh thần cần thiết để thay đổi, không tin tưởng vào chính tiếng nói, trí lực của mình có thể cải biến thực tại. Dĩ nhiên, đó là chuyện nước Nga của quá khứ.

Cái trí lực thể hiện qua cơ chế ngôn luận hiện tại của Việt Nam trong bối cảnh mới của xã hội thông tin, dân chủ hóa công nghệ để nhận thấy có nhiều vấn đề đáng ngẫm ngợi.

Nhìn lại các sự kiện bê bối dân sinh, kinh tế, văn hóa, môi trường đang có nguy cơ lặp đi lặp lại (và mỗi lần lặp lại thì có nguy cơ trầm trọng hơn) trong những năm qua công luận kêu gào mà không cách chi giải quyết được mấu chốt vấn đề, chúng ta nghĩ gì về vai trò của truyền thông và cơ chế truyền thông trong tình hình hiện nay?

Rõ ràng nhờ công nghệ thông tin phát triển, chúng ta được cung cấp sớm và rõ ràng nhất rung cảm nhất về sự tang thương của chuyến xe bị lũ cuốn ở Hà Tĩnh, chúng ta được thấy tận mắt hình ảnh hai cánh tay vươn ra từ mái ngói vỡ kêu cứu giữa một đồng nước mênh mông của người dân miền trung, và số thương vọng, thiệt hại, chúng ta cũng được truyền thông phân tích về nguyên do của những cơn lũ là do thủy điện xả lũ gây ra… Ở một nơi khác, báo chí cho chúng ta được cập nhật hình ảnh người dân Cao Bằng đang chống chọi với những trận bùn nâu, bùn đỏ từ lò luyện alumina trên núi cao không trang bị hồ chứa an toàn; được cập nhật nhanh về số nợ hàng trăm tỉ đồng của tập đoàn nhà nước Vinashin và cả kế hoạch “tái cấu trúc” tập đoàn khổng lồ này. Và có thể, chúng ta được tiên báo cả viễn kiến nguy hại cho môi trường tương lai của dự án khai thác bauxite Tây Nguyên nếu không có phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa bùn đỏ. Nhưng…

Thứ truyền thông chậm cảm luôn đặt đối tượng phục vụ của nó vào nước cờ cuối cùng, không chọn lựa nào khác để cải biến bàn cờ hiện thực. Chuyện đã rồi.

Chúng ta được biết theo cách của người chậm cảm. Thứ truyền thông chậm cảm luôn đặt đối tượng phục vụ của nó vào nước cờ cuối cùng, không chọn lựa nào khác để cải biến bàn cờ hiện thực. Chuyện đã rồi. Hàng trăm đập thủy điện đã được duyệt xây xong thiếu tính toán, cứ nước lên là xả lũ bất chấp tính mạng người dân hạ nguồn, hứa hẹn sẽ tái diễn năm này qua năm khác. Ô nhiễm môi trường vì chất thải công nghiệp xảy ra hàng loạt không thể cứu vãn. Bài toán giao thông đô thị càng giải càng sai, thông tin để biết mà chấp nhận…

Ngay từ đầu, đã có một bàn tay vô hình can thiệp nào đó đến từ bên ngoài và chi phối công luận. Sự can thiệp đó luôn đẩy truyền thông ngôn luận vào con đường phản ứng chậm, khi mọi sự đã phơi bày sự bê bối, đổ vỡ, không còn có thể cứu vãn.

Kết quả, hiệu ứng mà những thông tin chậm cảm ấy mang lại chỉ có thể mang đến cho chúng ta tâm lý bất an, bất tín vào đời sống ngày một lớn. Bất an vì cái biết không cải biến được thực tại. Bất tín vì thực tại mà chúng ta thấy, hiểu luôn rình rập nguy cơ thiếu minh bạch, đáng nghi ngờ. Và về lâu dài, chúng ta chấp nhận thực tế trong sự thụ động, sống quen với bất trắc lặp đi lặp lại đến lúc tâm lý lãnh cảm, vô cảm, xem như đó là chuyện bình thường. Chúng ta bất lực đứng nhìn sự thật cùng những giá trị luân lý bị mài mòn ngay trong bản thân mình một cách chua xót. Sự chua xót của kẻ không được dự phần trong tư cách, vai trò chủ nhân đời sống.

Đánh thức luân lý, lẽ phải

Thông tin phản ánh bản chất nhằm hướng đến sự lay động nhân tâm và cũng chính nó bày tỏ sự bất lực của mình bởi không thể cất tiếng nói phản biện cải biến thực tại. Cường độ lặp đi lặp lại của một thực tế không thay đổi được đã góp phần tạo nên cái tâm thế nguội lạnh nơi người tiếp nhận. Sự nguội lạnh bàng quan trước nghịch cảnh đồng nghĩa với cam chịu và chấp nhận, (nhìn thấy nhưng) lặng im cho cái bất phi lý, cái xấu, cái ác ngang nhiên tồn tại, hoành hành. Đau đớn thay, tâm lý này không chỉ có ở người dân bình thường mà ngay cả trong giới trí thức, những người làm nên diện mạo tinh thần của xã hội. Năm 1988, nhà văn Nguyễn Minh Châu nằm trên giường bệnh đã viết một bức thư gởi cho bạn văn nói về cái “tệ nạn” này ở người cầm bút, vào thời đó, nhưng thời sự cho đến hôm nay: ‎”Cái lỗi lớn nhất của mỗi chúng ta là đã khiếp hãi trước cái xấu và cái ác. Và, lâu dần dường như không làm được gì thì chúng ta coi như không có nó, coi như cuộc đời không có cái xấu và cái ác đang hoành hành, đang chi phối số phận con người, coi như cuộc đời không có oan khiên, oan khuất.”

Nếu vận dụng sự phát triển của công nghệ để phục vụ cho mục tiêu phát triển lối thông tin kiểu cũ, yên tâm về đề cao mục tiêu tuyên truyền một chiều thì hiệu ứng thông tin mang lại cho xã hội sẽ là một hiểm họa cho đời sống tư tưởng.

Trong điều kiện Việt Nam, sự dân chủ hóa công nghệ có đủ sức kéo theo nó một cơ chế thông tin mở, đa chiều, làm tốt chức năng phản biện của trí lực người dân hay không?

Rõ ràng, sự chuyển động mà nó mang lại rất đáng kể nếu chúng ta so sánh với những ấu trĩ diễn ra trong thì quá khứ. Nhưng sẽ không ai muốn mình trở thành kẻ bước lùi vào tương lai với ánh mắt luôn hướng về quá khứ.

Nếu vận dụng sự phát triển của công nghệ để phục vụ cho mục tiêu phát triển lối thông tin kiểu cũ, yên tâm về đề cao mục tiêu tuyên truyền một chiều thì hiệu ứng thông tin mang lại cho xã hội sẽ là một hiểm họa cho đời sống tư tưởng. Bởi nó sẽ là sức mạnh vạn năng không chỉ trong việc quy định cái biết của mọi người theo một hướng mà còn tham gia làm cho cái trí lực đang mắc căn bệnh chậm cảm trở thành trầm kha, từ đó, mài ruỗng trí năng, lý tưởng, sức tưởng tượng để sáng tạo tương lai tốt đẹp hơn. Như thế, người hưởng thụ giá trị thông tin trong trường hợp này sẽ trở thành “đám đông bị chăn dắt” với các đặc tính, mà, theo Gustave Le Bon: bất khoan dung, phá hoại; trình độ tỉ lệ nghịch với sự đông; phục tùng quyền lực không khác gì nô lệ; bị điều khiển bằng tình cảm, không bằng lý trí, không có nhu cầu đi tìm nguyên nhân sự kiện và phương pháp giải quyết mà tìm “nguồn gốc cái ác” (Tâm lý học đám đông). Đạo đức, luân lý chỉ còn trong sách vở, thậm chí, nó trở thành xảo ngôn để bao biện cho những hành vi thủ ác một sự thật bị che đậy, bội phản công khai.

Xã hội dân sự trong bối cảnh dân chủ công nghệ cần được tư duy lại, để, thay vì xem cơ chế thông tin thành rào cản định hướng, thì cần biến thành mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng đời sống tranh luận tư tưởng và ngôn luận đa chiều, phức hợp, thích ứng với điều kiện, xu thế mới trên toàn cầu. Ở đó, cái trí lực xã hội được cộng hưởng. Sự thật, lẽ phải và điều thiện được tôn trọng. Nhân tâm con người thực sự bị lay động nhờ chính kiến chủ động chứ không phải từ những tình cảm hời hợt bị dẫn dắt theo “mùa vụ” từng sự kiện. Từ đó, đánh thức, kích hoạt cái ý thức bảo vệ lẽ phải với niềm tin cải biến đời sống, xây dựng một xã hội của nhân văn, cái thiện, điều tốt đẹp.

“Cái có giá trị luân lý ở các thiết chế, luật pháp và phong tục của chúng ta bắt nguồn từ những biểu lộ của ý thức về lẽ phải ở vô số cá thể. Những thiết chế xã hội sẽ bất lực theo nghĩa luân lý nếu chúng không được chống đỡ và gánh vác bởi ý thức trách nhiệm của những các nhân sống thực. Bởi vậy, nỗ lực đánh thức và ủng hộ ý thức trách nhiệm về luân lý của cá nhân là một cống hiến quan trọng đối với toàn thể xã hội.” (Albert Einstein)

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)