Đảng & Trí thức (một thoáng nhìn lịch sử)

Sau một nghị quyết về vai trò giai cấp công nhân, Đảng chuẩn bị một văn kiện về đội ngũ trí thức. Bên cạnh các cơ quan chức năng của Đảng tổ chức nghiên cứu để tham mưu, Đảng cũn tổ chức tiếp xúc trực tiếp với trí thức để tham vấn mà câu hỏi đầu tiên vẫn được đặt ra : “Trí thức là ai ?” hay “Ai được là trí thức ?”

Giờ đây đã có khái niệm “đội ngũ” thay cho “tầng lớp”,  không đến nỗi như xa xưa, trong các văn kiện của thập kỷ đầu tiên khi Đảng mới ra đời là “bọn trí thức”. Và bây giờ thì không còn quá nệ vào nguyên lý “đấu tranh giai cấp” để phân định trí thức thuộc giai tầng “tiểu tư sản” với thuộc tính: trung gian, lừng chừng, dễ ngả nghiêng v.v… Nên với trí thức, mức tin cậy cao nhất chỉ là “tranh thủ” hay đoàn kết đi liền với cải tạo.
Khái  niệm “đội ngũ” đã mang nội hàm định lượng và đương nhiên, cùng với sự phát triển, đổi mới, hội nhập theo đinh hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá, thì số lượng “đội ngũ” là không nhỏ và sẽ ngày càng đông. Nhưng với nội hàm “định tính” thì “đội ngũ” vẫn còn là một câu hỏi chưa định hình. Đã có nhiều tiêu chí được đưa ra là “lao động trí óc”, “đã tốt nghiệp phổ thông hay đại học, có học hàm hay học vị”, phải là một hạng người đóng vai trò phản biện xã hội hay sáng tạo về trí tuệ v.v…Cách đây không lâu, khi nhà lãnh đạo cao cấp là Thường trực Ban Bí thư TW Đảng CSVN đến làm việc với Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng với mối quan tâm đến “đội ngũ trí thức”tập hợp quanh Liên hiệp Hội, tôi có mạo muội đặt câu hỏi với nhà lãnh đạo ấy rằng : “Vậy thì ông và các vị lãnh đạo khác trong Đảng” có tự coi mình là trí thức và tự xếp mình vào đội ngũ trí thức ấy không.
Dù chưa nhận đuợc câu trả lời, nhưng tôi bày tỏ quan điểm của tôi là: Trí thức không phải thuần túy là một nghề nghiệp (lao động trí óc để phân biệt với lao động chân tay), không chỉ là hàm lượng (trình độ) học vấn (bằng cấp, uy tín nghề nghiêp), cũng không quá cao xa đồng nhất với tầng lớp thượng lưu xã hội, có năng lực và vị thế xã hội để phản biện đối với những quan điểm chính thống và trở thành những nhân vật tác động vào những tiến bộ xã hội…
Tôi cho rằng trong lịch sử đúng là đã từng có thời kỳ mà trí thức là một đẳng cấp đặc biệt gắn với tầng lớp trên, có điều kiện thụ hưởng nền giáo dục cao và được tham gia vào đời sống chính trị của quốc gia. Cũng có thể xuất hiện một số trường hợp xuất thân từ tầng lớp bình dân… Đó là tầng lớp thượng lưu mà ở mỗi nước, mỗi thời có những đặc trưng riêng đều tồn tại như những nhân tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội trong tiến trình lịch sử và ngày càng có xu thế hội nhập và toàn cầu hoá.
Nhưng, theo tôi, trước khi xác lập nền dân chủ thì chưa thể có ý niệm đầy đủ về “trí thức”. Đặc trưng quan trọng nhất bên cạnh học vấn (tri thức) là ý thức về quyền của mình (nhân quyền) và trách nhiệm đối với xã hội. Nói cách khác, trí thức đúng nghĩa là sản phẩm của xã hội công dân (dân quyền). Môi trường hoạt động của họ phải là tự do. Vì thế người trí thức chỉ có thể phát triển trong môi trường tự do và họ cũng luôn khao khát đòi hỏi tự do. Đó là một tiêu chí của trí thức hiện đại khác với trí thức truyền thống (nho sĩ).
Trong xã hội truyền thống Việt Nam, thượng tầng kiến trúc chịu ảnh hưởng sấu sắc nền văn minh Trung Hoa. Nho giáo giữ một vị trí đặc biệt cho dù tầng lớp nho sĩ, sản phẩm của nền học vấn và tư tưởng ấy, ở Việt Nam vẫn cố tạo cho mình những đặc trưng và giá trị riêng. Động lực tạo nên cái riêng ấy chính là tinh thần dân tộc, lòng khao khát tự do về chính trị trước sức mạnh đồng hoá của nền văn minh Phương Bắc và sức mạnh bành trướng của một quốc gia luôn coi mình là trung tâm của thiên hạ.
Chính phẩm chất khao khát tự do khiến cho những con người được đào tạo về học vấn từ những pho sách kinh điển của Trung Hoa và một hệ thống đào tạo cũng như thi cử được xác định như một nguyên lý “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Tuy nhiên nội hàm 2 chữ “quốc gia” còn bao hàm ý chí tự do, tự chủ với phương Bắc. Điều đó tạo nên phẩm chất trí thức của tầng lớp nho sĩ cổ điển ở Việt Nam.
Những nho sĩ luôn có mặt bên cạnh những  người anh hùng trong các sự nghiệp giải phóng, thường xuất thân từ những tầng lớp xã hội trên (vua, qúy tộc, địa chủ) mà hầu như không có vai trò của những người nông dân thực thụ mặc dù có trường hợp là “thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân” hay “anh hùng áo vải”. Những Ức Trai (Nguyễn Trãi) hay La Sơn Phu tử (Nguyễn Thiếp)…là những hình tượng tiêu biểu của người trí thức thời phong kiến.     Chính thời cận đại, với đặc trưng là sự có mặt của nền văn minh Pháp (cùng giống như Trung Hoa) với cả hai mặt của nó: ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và nền văn minh của Phương Tây, trực tiếp là nước Pháp, đã tạo nên người trí thức thời cận – hiện đại. Tính hai  mặt của nước Pháp có thể được minh hoạ bởi sự lựa chọn “con đường cứu nước” của Nguyễn Ái Quốc (năm  13 tuổi, nhìn là cờ tam sắc của nước Pháp, người thanh niên yêu nước ấy đã nẩy sinh ý định đi sang Pháp để tìm hiểu xem đằng sau 3 chữ “Tự do-Bình đẳng-Bác ái” thực chất là cái gì?).
Cái xấu xa nhất của nước Pháp thực dân là ách đô hộ tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, thì cái giá trị cao nhất của văn minh Pháp lại chính là Tự do và Dân chủ. Cùng với sự khao khát độc lập để khôi phục lại nền tự chủ vốn có, thì Tự do và Dân chủ là hai khái niệm hoàn toàn mới mẻ và có sức hút mạnh mẽ đối với tầng lớp nho sĩ cấp tiến (thế hệ chuyển tiếp đầu thế kỷ XX) như Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Huỳnh Thúc Kháng và một tầng lớp tân học được đào tạo từ nền giáo dục thuộc địa hay tại chính nước Pháp như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh v.v…và cả Nguyễn Ái Quốc.
Với lớp người tân học này thì sự phân hoá về khuynh hướng chính trị bị tác động bởi những trào lưu khác nhau trên thế giới (tư tưởng dân chủ tư sản, tư tưởng quân chủ lập hiến hay chủ nghĩa cộng sản xoay quanh quan niệm về “tự do”, “dân chủ” đẻ hướng vào mục tiêu trực tiếp là khôi phục nền “tự chủ”, “độc lập”.
Nguyễn Ái Quốc đã chọn chủ nghĩa cộng sản (1920) khi thấy đó là xu hướng chính trị duy nhất ủng hộ nền độc lập cho các dân tộc thuộc địa; thì khi phát hiện ra rằng “cuộc đấu tranh giai cấp ở Việt Nam không giống như ở các nước châu Âu” và vẫn tìm thấy “chủ nghĩa dân tộc là một động lực” (1924) thì trí thức được nhìn nhận như một lực lượng trí tuệ của dân tộc mà nó không bị đặt vào cái khuôn “phân chia giai cấp” để trở thành một tầng lớp “chung chiêng” luôn dao động giữa lợi ích của hai giai cấp đối lập là tư sản và vô sản. Bởi thế mà từ Chánh cương sách lược vắn tắt (2-1930) đến Cương lĩnh Mặt trận Việt Minh (8-1941) tương đối nhất quán trong việc xác định vị thế của người trí thức trong cách mạng dân tộc dân chủ (giải phóng dân tộc).
Đội ngũ đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc giác ngộ thành cộng sản vẫn là những chiến sĩ của phong trào yêu nước của Phan Bội Châu và những bậc tiền bối (1925) và trong Mặt trận Việt Minh cũng như trong cơ cấu của Chính phủ độc lập đầu tiên (1945) thì trí thức vẫn là lực lượng hạt nhân ưu tú nhất của cách mạng, kể cả trong Đảng. Phân tích chi tiết ta sẽ thấy thành phần chủ chốt của Đảng từ thời trứng nước cho đến khi cách mạng thành công là trí thức, thậm chí  nhiều người còn xuất thân từ lầng lớp trên. Thành phần công nông được đề rất cao về mặt lý thuyết nhưng trong thực tế chiếm tỉ trọng không đáng kể. Cách khắc phục chủ yếu của thế hệ trước khi cầm quyền (giành được chính quyền) là các phong trào “vô sản hoá”. Nhưng sau khi trở thành Đảng cầm quyền thì chúng ta thấy một sự tách biệt Đảng ra khỏi trí thức. Tuy nhiên phân tích kỹ thì cho đến trước khi có một đội ngũ trí thức là sản phẩm của chế độ mới (sau 1945) được đào tạo từ nền “giáo dục cách mạng” hay từ nước ngoài thì một đội ngũ trí thức xuất thân từ công nông mới hình thành ngày một đông đảo. Tuy nhiên, xuất phát từ những nguyên lý được coi là kinh điển bất di bất dịch “Đảng của giai cấp công nhân “ (có thêm vào ý niệm “và của nhân dân lao động”), dường như Đảng đồng nhất trí thức với “nhân dân lao động”?.
Phải chăng đó chính là điều đã dẫn đến khoảng cách giữa Đảng và Trí thức? Kể từ khi trở thành đảng cầm quyền, chúng ta nhận thấy cái khoảng cách ấy đã tạo thành mối quan hệ Đảng và Trí thức là mối quan hệ trên dưới, lãnh đạo và bị lãnh đạo… mà hệ qủa của nó sẽ là quan hệ  “xin-cho”,”ban-phát”…
Hôm nhà lãnh đạo cao cấp đến làm việc với Liên hiệp Hội, tôi chứng kiến nhiều vị lãnh đạo của Liên hiệp cũng như một số hội thành viên chủ yếu là “phàn nàn” kể cả “trách móc” Đảng và Nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến trí thức, đến các nhà khoa học và tổ chức của nó xoay quanh những vấn đề cề chính sách đãi ngộ hay quan niệm (ví như không coi các hội khoa học là tổư chức “chính trị” như các hội văn học nghệ thuật, mà biểu hiện đặc trưng nhất là không có ngân sách, trụ sở hay biên chế nhà nước cấp…”.
Quan niệm của tôi được trình bày hôm đó là: Ngày nay, với sự phát triển của giáo dục, khoa học và công nghệ cũng như thời đại của “kinh tế tri thức” đã khiến cho nội hàm “trí thức” được mở rộng. Học vấn đã có cơ hội đến với số đông mọi tầng lớp xã hội, mọi lực lượng lao động xã hội đều phải coi tri thức là một nhu cầu sống còn. Do vậy trí thức phải được coi là một “phẩm chất” nhiều hơn là một tầng lớp, để rồi lại tạo thành một “đội ngũ” để phân biệt với các “đội ngũ” hay giai cấp khác.
Ở nước ta, đến nay còn chưa phổ biến (thừa nhận) khái niệm “chính khách” như một “đội ngũ” vừa mang tính nghề nghiệp lại vừa mang tính “lý tưởng chính trị”, laị thêm  thiết chế “một đảng lãnh đạo” đã dẫn đến sự tự tách biệt những người đại diện (thừa hành quyền lực ấy) thành một đẳng cấp riêng không gắn với các giai tầng khác (công, nông, trí thức, nay có thêm doanh nhân…).
Nếu nhận thức rằng “trí thức” chỉ là một phẩm chất thì phẩm chất ấy phải trở thành hạt nhân cả về định lượng và định tính cho một đảng chính trị, một đảng lãnh đạo. Vì là một đảng trí thức nên nó mới thành công trong quá khứ và chỉ là một đảng như thế thì nói mới thành công trong hiện tại và tương lai, thời đại ngày càng đòi hỏi hàm lượng tri thức trong lãnh đạo. Vì thế, Đảng phải không ngừng phấn đấu thành một đảng trí thức và ngược lại những trí thức thì phải coi những mục tiêu của Đảng gắn với lợi ích của Dân tộc là mục tiêu phấn đấu, trong đội ngũ hay ngoài đội ngũ cũng vậy. Hơn thế nữa, Đảng phải coi “Tự do-Dân chủ” là một mục tiêu và là người lãnh đạo  sự nghiệp giải phóng con người sau khi đã thành công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Khao khát và đấu tranh cho Tự do và Dân chủ chính là phẩm chất hàng đầu của người trí thức.
Muốn thế thì đường lối của Đảng phải đặt lợi ích của Dân tộc nghĩa là của quảng đại quần chúng (ngày càng có phẩm chất trí thức) với mục tiêu Dân chủ và Tự do lên hàng đầu và những người đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong cuộc đấu tranh ấy. Tất cả những đòi hỏi này đều đã được ghi trong điều lệ, cương lĩnh của Đảng (“xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”).Vấn đề còn lại là thể hiện trong đời sống,  thể hiện chính Đảng là đảng trí thức và đảng viên phải  trở thành trí thức dù họ đang lao động chân tay hay trí óc, trên đồng ruộng hay trong nhà máy v.v…
Cũng trong buổi tiếp xúc đó, tôi đã tặng nhà lãnh đạo cao cấp một số Tạp chí “Xưa&Nay” mới nhất, trong đó có đăng đoạn hồi ức của Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường thuật lại buổi gặp và trao đổi với Bác Hồ bên lề một hội nghị ở Việt Bắc hồi kháng chiến chống Pháp. Với một tinh thần cởi mở và cầu thị vị lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước kháng chiến đã lắng nghe và vị giáo sư  nổi danh được đào tạo trong nền giáo dục Pháp đã chân thành đóng góp những ý kiến mang tính phản biện những chính sách của Đảng và Nhà nước với những dự báo và cảnh báo hết sức thẳng thắng và mạnh mẽ về nguy cơ suy thoái của một đảng và một nhà nước cầm quyền. Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã bày tỏ sự khâm phục tư cách và tầm vóc của lãnh tụ chỉ qua một lần gặp gỡ trực tiếp.
Chỉ đáng nói và đáng tiếc rằng những lời cảnh báo của vị Giáo sư từ những ngày trên chiến khu kháng chiến, nửa thế kỷ sau có nhiều điểm được chứng thực là đúng đắn…! Đấy là một mẫu hình mối quan hệ giữ Đảng và Trí thức.
             ——–
Giờ đây đã có khái niệm “đội ngũ” trí thức thay cho “tầng lớp”,  không đến nỗi như xa xưa, trong các văn kiện của thập kỷ đầu tiên khi Đảng mới ra đời là “bọn trí thức”( được dùng với cả các nhân vật như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh…). Và bây giờ thì không còn quá nệ vào nguyên lý “đấu tranh giai cấp” để phân định trí thức thuộc giai tầng “tiểu tư sản” với thuộc tính: trung gian, lừng chừng, dễ ngả nghiêng v.v… Nên với trí thức, mức tin cậy cao nhất chỉ là “tranh thủ” hay đoàn kết đi liền với cải tạo.

 
Dương Trung Quốc

Tác giả