Danh hiệu
Trong Đạo đức kinh Lão Tử có viết “Danh khả danh phi thường danh” (Cái danh có thể đặt ra để gọi không phải là cái danh thường hằng). Câu ấy nửa đúng nửa sai, nhưng rõ ràng danh hiệu là nơi đan xen các yếu tố triết học và ngôn ngữ, văn hóa và chính trị, không thể khinh suất hay tùy tiện đến nỗi dẫn tới những trường hợp phi luân phi loại như gọi Hùng Vương là Quốc tổ mà gọi Âu Cơ là Quốc mẫu (mẹ lại sinh ra ông nội!).
Sau tháng 4. 1975 Quân giải phóng miền Nam được cải tổ và hợp nhất với quân đội cả nước, một bộ phận tiếp tục phục vụ trong quân đội, một bộ phận được giải ngũ, nhưng tất cả đều phải phong cấp bậc quân hàm để bố trí công tác hay đãi ngộ phù hợp, lúc ấy có chủ trương cho từng cá nhân viết lý lịch, thành tích và tự phong cấp bậc. Có một người thoát ly chiến đấu từ 1964, đang là Trung đội trưởng, bạn bè cùng lứa đều ở cấp bậc cao hơn, trong lòng xốn xang mà không tiện nói ra, không dám tự phong là Đại đội trưởng nhưng tự phong là Đại đội phó lại thấy ép lòng, vò đầu bứt tai suốt mấy hôm, sau cùng nộp bản khai trong đó chỗ tự phong ghi thêm hai chữ ngoài quy định mà cán bộ tổ chức hay cán bộ quân lực thời ấy bất kể là ai đọc thấy cũng cười sặc lên “Đại đội phó BẬC CỨNG”.
Chuyện này kể ra để cười chứ hoàn toàn không có ý nhạo báng, vì thực tế Quân giải phóng miền Nam sau chiến tranh không thể hoàn toàn phù hợp với khung phân loại của quân đội chính quy ở miền Bắc, hai chữ Bậc cứng kia vì thế nói cho cùng cũng là một cách điều chỉnh mang tính tự phát nhưng có lý do chính đáng của một người muốn khẳng định mình trong một hệ thống danh hiệu chưa thật phù hợp. Cho nên khía cạnh đáng suy ngẫm của câu chuyện này là, trong quan hệ giữa con người hay nói rộng ra là thực tế đời sống với hệ thống danh hiệu, nếu một trong hai yếu tố ấy có vấn đề là lập tức phát sinh các tấn bi hài kịch.
Là nói theo logic thế thôi, chứ ở xứ ta khoảng hai mươi năm nay thì cả hai yếu tố ấy đều có vấn đề, thế mới chết… Cho nên chung quanh quan hệ này đã xuất hiện ngày càng nhiều các tấn bi hài kịch đã đành, mà còn có cả xú kịch nữa.
Còn nhớ cuối 1977 vừa bảo vệ Luận văn tốt nghiệp Đại học, ông già ra Bắc dự Đại hội Đảng IV vào trường thăm, bạn học đưa lên chỗ các thầy chơi rồi ra quán nước tìm gọi về, vào tới thì người đang nói về Đại hội “Anh Ba và anh Sáu chủ trương…”. Thấy liệt vị sư phụ đều ngẩn ra, vội nói leo để giải thích “Thưa các thầy, ba em là nói ông Lê Duẩn và ông Lê Đức Thọ đấy”. Đương sự gật đầu nói “Phải, anh Ba Duẩn với anh Sáu Thọ”, liếc thấy liệt vị sư phụ đều mắt tròn mắt dẹt, nghĩ thầm ba lỡ bộ rồi, hiện thực lãnh đạo miền Bắc nó khác tập quán kháng chiến miền Nam, đừng nói là các thầy tôi, cỡ Bí thư Tỉnh ủy ở miền Bắc cũng không dám sau lưng khơi khơi gọi hai vị ấy là anh như ba đâu, nhưng thật lòng thì rất không thích nếu ông già nói “Đồng chí X và đồng chí Y rất kính mến của chúng ta chủ trương…”. Hay năm 1983 cùng người khác làm một quyển sách nhờ Giáo sư Trần Văn Giàu viết cho Lời giới thiệu, đánh máy xong đem qua xin ông ký tên để giao cho cơ quan xuất bản, hỏi thêm một câu “Thưa, ký là Trần Văn Giàu hay Giáo sư Trần Văn Giàu?”, ông thản nhiên nhìn lên trần nhà nói “Trần Văn Giàu là đủ, Việt Nam có nhiều Giáo sư lắm nhưng chỉ có một Trần Văn Giàu thôi”, vội vàng vâng dạ, lại càng hâm mộ ngạo khí ở một đại nhân vật không thèm dựa vào danh hiệu.
Nhưng vật đổi sao dời, vào những năm 80 của thế kỷ trước có một cuộc vận động đổi mới trong lãnh vực danh hiệu quan phương, chẳng hạn chức vụ Thủ tướng đổi gọi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Tiến sĩ đổi gọi là Tiến sĩ. Chuyện ấy vốn vô hại, tiếc là nhiều nhà lãnh đạo đương thời không nghĩ sâu về quy luật: Người trên mà ưa thích, kẻ dưới sẽ làm quá, thành ra kết quả là nhiều người hăm hở đi tìm danh hiệu. Có điều danh hiệu đâu dễ mà tùy tiện đặt ra được, ngay danh hiệu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mang tính pháp quy hẳn hoi kia cũng đã phải tuyệt tích hơn chục năm nay. Nhưng lối tư duy coi trọng hình thức này đã tràn từ chính giới ra văn giới và nhất là học giới, nên xuất hiện tình trạng chui vào các danh hiệu vốn có nhưng ít chặt chẽ về nội dung. Ai cũng có thể trở thành nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch giả, nhà từ điển học (!), nhà Kiều học, nhà Hà Nội học vân vân, thậm chí có người đóng tiền gia nhập một cái hội quần chúng nhưng tự xưng là “Viện Hàn lâm” ở nước ngoài, khi nhận được giấy chứng nhận hội viên – “Viện sĩ” thì in thiệp mời tổ chức ăn khao ầm ĩ. Không biết bao nhiêu rác rưởi được gọi là tác phẩm, công trình, giáo trình, từ điển này nọ đã bị quăng ra xã hội bởi đám người này, không biết bao nhiêu vụ lừa đảo trộm cắp làm ô uế không khí văn nghệ và học thuật Việt Nam đã được thực hiện bởi đám người này, cũng không biết bao nhiêu hành vi lố bịch của họ đã diễn ra một cách trịnh trọng cả trước mắt văn giới học giới báo giới người nước ngoài nữa!
Tuy nhiên trên đây chỉ là chuyện dở chuyện xấu của một số cá nhân, cũng chưa đáng gì. Đáng nói hơn là phong khí hiếu danh nói trên không những đã lan tràn trong thiết chế chính thống mà còn được chính thống hóa trong khu vực quan phương.
Chủ trương cải cách hành chính trong đó có việc tiêu chuẩn hóa cán bộ bằng bằng cấp học vị đã quét sạch những day dứt liêm sỉ sau cùng của nhiều cán bộ công chức thiếu tài năng và nghèo bản lĩnh. Học giả mua bằng, học giả bằng thật, chạy thầy xin điểm hay thậm chí hối lộ hội đồng chấm thi, sao chép cắt dán, thuê viết luận văn… để có danh hiệu Thạc sĩ, Tiến sĩ và nhiều thứ khác diễn ra ở khắp nơi và như cơm bữa. Và theo quy luật Kiệu hoa lộng lẫy người khiêng người, họ phải che chở cho nhau, tâng bốc lẫn nhau trước mặt người ngoài, đóng một vở kịch Lừa bịp và Kiếm chác không có màn kết thúc. Một số danh hiệu pháp quy bị đánh tráo nội dung nhưng một cách hợp pháp nên ngày càng biến dạng và méo mó. Rồi sàng lia nia hứng, thói sính danh hiệu tán phát ra sinh hoạt ngoài quan trường được thị trường tán thưởng và hàng hóa hóa còn tạo ra một lối ứng xử “danh bản vị” khá phản cảm. Ví dụ gần đây có người in cả chức vụ lên thiệp cưới của con trai.
Những di phong ít lành mạnh này chắc sẽ còn kéo dài rất lâu, vì nó đã bám rễ vào sinh hoạt xã hội khá sâu như các danh hiệu Cử nhân tài năng, Nông dân chất lượng cao hay Hoa hậu các kiểu…
Đất nước càng phát triển càng hội nhập thì càng cần có thêm nhiều danh hiệu, nên những người có quyền hạn về chuyện danh hiệu thận trọng hơn thì hay…