Đánh thuế đồ uống có đường: Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Chính sách đánh thuế đồ uống có đường một mặt để giảm bớt tác hại của đường đối với sức khỏe nhưng mặt khác lại làm tăng vị đắng cho các doanh nghiệp ngành giải khát và những ngành có liên quan. Vậy có cách nào vừa đảm bảo sức khỏe cộng đồng trong dài hạn mà vẫn không ảnh hưởng đến kinh doanh của các doanh nghiệp? Sau thảo luận về chi phí sức khỏe và môi trường do hạt đường "tội đồ” gây ra trong bài trước (Tia Sáng số 8, 2023), bài này tổng hợp các nghiên cứu mới đây về ảnh hưởng của thuế đồ uống có đường lên các ngành kinh tế.
5 lý do ngành công nghiệp ĐỒ UỐNG phản đối
Việc áp thuế vào đồ uống có đường nhằm mục tiêu khiến các doanh nghiệp loại bỏ hoặc giảm một phần đáng kể đường trong các sản phẩm. Đơn cử, trong vòng ba năm thực hiện thuế đồ uống có đường (2016 – 2019), các nhà sản xuất nước giải khát ở Anh đã giảm 44% hàm lượng đường trong đồ uống chịu thuế và tỷ lệ đồ uống chứa hơn 5g đường trên 100 ml (mức phải chịu thuế) ước tính giảm khoảng 34%. Để đạt được những thành tựu về thuế như trên, trước khi áp thuế, các quốc gia1 đều phải đối mặt với sự phản đối của ngành công nghiệp, nên đều có khảo sát kỹ lưỡng, đưa ra các bằng chứng thực nghiệm để chứng minh việc áp thuế có lợi cho sức khỏe người dân và không gây thiệt hại cho các ngành công nghiệp.
Dù ở quốc gia nào thì việc đề xuất đánh thuế đồ uống có đường nhằm hạn chế sự gia tăng của các bệnh liên quan đến dinh dưỡng cũng như tăng cường sức khỏe cộng đồng cũng vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp nước giải khát. Ngành công nghiệp đồ uống ở mọi quốc gia thường vin vào năm lý do chính dưới đây để phản đối thuế đường:
Không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuế đồ uống có đường sẽ làm giảm béo phì hoặc các bệnh không lây nhiễm: Thuế đồ uống có đường không phải là giải pháp cho bệnh béo phì hoặc tiểu đường type 2.
Tổng hợp thống kê từ các quốc gia đánh thuế đồ uống có đường cho thấy không chỉ lượng tiêu thụ đồ uống có đường giảm, lượng tiêu thụ đường của người dân ở các nước này cũng giảm đáng kể. Ví dụ, ước lượng tác động của thuế đồ uống có đường ở Mexico chỉ ra rằng, trong vòng 10 năm, thuế sẽ giúp giảm hơn 200.000 trường hợp béo phì và giảm 61.000 trường hợp mắc bệnh tiểu đường type 2.
Các nghiên cứu cho thấy việc áp thuế đem lại tác động tốt cho sức khỏe cộng đồng nhưng không gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Tin vui cho ngành giải khát là thuế đồ uống có đường cũng làm tăng doanh số bán hàng của các đồ uống lành mạnh không bị đánh thuế, và tổng lượng nước giải khát được tiêu thụ không đổi.
Lợi ích sức khỏe cộng đồng cũng rất khả quan: các bé gái vị thành niên ở Mexico đã giảm 3% tỷ lệ thừa cân và béo phì trong hai năm đầu áp dụng thuế, tỷ lệ thừa cân và béo phì còn giảm mạnh hơn ở các thành phố lớn, nơi giá cả tăng hơn 10%. Việc thực hiện thuế đồ uống có đường ở Mexico cũng làm giảm đáng kể số lượt bệnh nhân ngoại trú khám sâu răng (với mức giảm trung bình mỗi tháng là 2.921 lượt).
Câu chuyện này cũng tương tự với Thái Lan hay Anh. Một mô phỏng về tác động của thuế đồ uống có đường với ba mức thuế suất 11%, 20% và 25% ở Thái Lan cho thấy thuế sẽ giúp giảm tỷ lệ cân nặng và béo phì một cách đáng kể: có thể giúp giảm trọng lượng trung bình 0,5 kg, 0,9 kg và 1,1 kg, đồng thời giảm tỷ lệ béo phì lần lượt là 1,7%, 3,8% và 4,9% trong ba năm. Mô hình về thuế đồ uống có đường của Vương quốc Anh cho thấy rằng thuế này có thể giúp giảm hơn 19.000 trường hợp mắc bệnh tiểu đường type 2 mỗi năm và giảm gần 270.000 trường hợp răng bị sâu, mất hoặc trám lại hằng năm.
Không công bằng đối với ngành công nghiệp nước giải khát khi đánh thuế đồ uống có đường bởi nhiều loại thực phẩm khác cũng chứa nhiều đường và góp phần gây béo phì. Đồ uống có đường chỉ chiếm một phần calo trong chế độ ăn uống của người bình thường.
Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới khuyến nghị, mỗi người nên tiêu thụ không quá 10% (và lý tưởng là dưới 5%) tổng năng lượng tiêu thụ. Đối với chế độ ăn trung bình 2.000 calo, lượng đường bổ sung tương đương 25 gram đường. Nhưng chỉ một lon nước ngọt 335 ml đã chứa khoảng 40g đường bổ sung, hoặc khoảng 10 thìa cà phê. Với mức tiêu thụ đồ uống có đường trung bình hằng ngày trên toàn cầu (140ml/người/ngày), người trưởng thành đang hấp thụ một nửa lượng đường tối đa từ nước ngọt – thường được gọi là “calo rỗng” vì chúng thiếu giá trị dinh dưỡng, không giúp chúng ta có cảm giác no như khi ăn cùng một lượng calo từ các thực phẩm rắn.
Lượng đường calo rỗng này tích lũy vào cơ thể làm béo phì. Nếu trót uống một lon nước ngọt 8oz (237ml) thì người ta sẽ phải đi bộ hoặc chạy bộ một dặm mới đốt cháy được lượng calo hấp thụ; còn với 20oz (591 ml) nước ngọt thì thậm chí cần tới 40 phút chạy bộ hoặc đi bộ 2,5 dặm. Chưa kể, đường lỏng có trong đồ uống có đường đặc biệt có hại cho cơ thể do gan hấp thụ đường lỏng nhanh hơn đường đặc, quá trình trao đổi chất trong cơ thể sẽ bị thay đổi, ảnh hưởng đến insulin, cholesterol và các chất chuyển hóa gây ra huyết áp cao và các chứng viêm. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, sâu răng và bệnh gan.
Chính phủ nên giáo dục người tiêu dùng về dinh dưỡng hợp lý và ngừng can thiệp vào sự lựa chọn của họ. Can thiệp bằng thuế quá nặng vì thuế buộc tất cả mọi người phải chịu gánh nặng do một số ít những người tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường.
Trên thực tế, thuế đồ uống có đường giúp thúc đẩy các hành vi tiêu dùng lành mạnh hơn bằng cách khuyến khích sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, từ đó giảm bớt gánh nặng y tế cho cá nhân cũng như cho toàn xã hội.
Trong năm đầu tiên áp dụng thuế tại Mexico, lượng mua đồ uống không bị đánh thuế đã tăng 4%, phần lớn các sản phẩm là nước đóng chai. Những người mua nước ngọt quá nhiều chuyển sang sử dụng các đồ uống khác tốt cho sức khỏe (với mức tăng tương ứng là 11%). Tại Barbados, trong khi doanh số bán hàng theo tuần của đồ uống có đường giảm 4,3%, doanh số của các sản phẩm khác như nước đóng chai, nước dừa, nước trái cây và sữa không đường tăng 5,2% sau khi áp dụng thuế 10% trên các sản phẩm đồ uống có đường. Tỉ lệ tiêu dùng nước hoặc sữa không đường cũng tăng lên sau khi các nước khác áp thuế đồ uống có đường, ví dụ như Nam Phi (mức tăng 10%), Chile (mức tăng 6,3%). Berkeley (California, Hoa Kỳ – mức tăng 15,6%).
Thực tế cho thấy việc áp thuế đồ uống có đường đã dẫn đến việc cải cách công thức đồ uống rộng rãi trong ngành nước giải khát của Anh và làm giảm đáng kể lượng đường trong các sản phẩm giải khát.
Tại nhiều quốc gia, người tiêu dùng ủng hộ thuế đồ uống có đường. Trong một cuộc khảo sát về tác động của thuế đồ uống có đường tại Vương quốc Anh, 70% số người được hỏi ủng hộ thuế và 71% tin rằng luật thuế sẽ có hiệu quả. Tỷ lệ này ở Canada, Úc và Ả Rập lần lượt là 60%, 55% và 56%. Một cuộc khảo sát với gần 20.000 người trưởng thành ở Mỹ, Anh, Canada, Mexico và Úc cho thấy tỷ lệ ủng hộ thuế đồ uống có đường sẽ tăng 9% nếu doanh thu từ thuế được dành để chi cho việc trợ cấp thực phẩm lành mạnh.
Thuế đồ uống có đường sẽ tác động tiêu cực đến người có thu nhập thấp do họ có thể sử dụng đồ uống có đường như một nguồn năng lượng giá rẻ.
Nhóm dân số có thu nhập thấp luôn có mức tiêu thụ đồ uống có đường cao nhất, họ cũng là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các vấn đề về sức khỏe liên quan tới thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm. Chi phí cho các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống (chi phí điều trị, giảm năng suất lao động, giảm chất lượng của cuộc sống, thời gian chăm sóc người bệnh) cũng tạo ra gánh nặng lớn hơn đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp. Thực tế, các hộ gia đình có thu nhập thấp có tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm không được điều trị và điều trị kém cao nhất.
Có một lợi điểm khi đồ uống có đường bị áp thuế, những nhóm thu nhập thấp đều giảm tiêu dùng chúng, ví dụ các nghiên cứu về thuế đồ uống có đường ở Mexico, Tonga và Nam Phi cho thấy, các hộ gia đình có thu nhập thấp nhất luôn có sức mua giảm nhiều nhất. Việc giảm bớt tiêu thụ đồ uống có đường về dài hạn cũng giúp họ hạn chế được các chi phí y tế cũng như những gánh nặng kèm theo và đặc biệt là số tiền tiết kiệm được từ việc giảm tiêu thụ các sản phẩm đồ uống có đường sẽ chuyển sang tiêu dùng thực phẩm khác có lợi cho sức khỏe hơn. Sau hai năm thực thi thuế, các hộ gia đình có thu nhập thấp tại Mexico đã tăng mức tiêu thụ đồ uống không có đường lên 13%. Tại Nam Phi, mức tiêu thụ đường của các hộ thu nhập thấp giảm bớt 8,2g đường/người/ngày sau khi thực hiện thuế, so với mức giảm 2,1g ở các hộ có mức thu nhập cao hơn.
Thuế đồ uống có đường sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế, giảm việc làm trong các ngành bán lẻ thực phẩm, sản xuất nước giải khát và sản xuất đường.
Lập luận này nghe chừng có lý nhưng thực tế mà các nghiên cứu gần đây chỉ ra thì các doanh nghiệp lại không chịu ảnh hưởng, bởi hầu hết người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu thuế này và các doanh nghiệp đều có chiến lược điều chỉnh để giảm hàm lượng đường trong đồ uống. Chính vì thế, tổng số việc làm trong ngành công nghiệp giải khát hầu như không đổi. Mô phỏng tác động của việc tăng thuế đồ uống có đường với các mức thuế suất khác nhau từ 20% đến 50% ở Brazil cho thấy thuế này sẽ làm tăng tổng sản phẩm quốc nội trong khoảng 2,4 – 3,8 tỷ Real (tương đương 460 – 736 triệu USD) và sẽ tạo ra từ 69.000 đến 200.000 việc làm, tùy thuộc vào mức thuế suất.
Ngược lại, thuế đồ uống có đường giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống, do đó, góp phần nâng cao năng suất lao động. Ước tính việc tiêu thụ đồ uống có đường đã gây ra tổn thất năng suất lao động cho Mexico tới hơn 1,4 tỷ USD vào năm 2018. Trong khi đó, mặc dù Mexico đánh thuế nước ngọt nhưng số lượng việc làm trong các cửa hàng thực phẩm cũng như trong lĩnh vực sản xuất đồ uống vẫn được duy trì ngay cả khi thuế được áp dụng. Tại Úc, mức thuế suất 20% có thể giúp giảm 425 triệu đô la Úc dành cho chăm sóc sức khỏe và giúp tăng năng suất lao động một mức tương ứng 751 triệu đô la Úc. Thuế suất 20% ở Nam Phi có thể giúp ngăn chặn 72.000 ca tử vong sớm và tiết kiệm hơn 5 tỷ ZAR (330 triệu USD) chi phí chăm sóc sức khỏe trong hơn 20 năm. Tương tự, mức thuế 0,02 USD /30ml ở California sẽ giúp tiết kiệm được 1,8 tỷ USD chi phí chăm sóc sức khỏe trong 10 năm.
Một điều đáng chú ý là thuế đồ uống có đường cũng làm tăng doanh số bán hàng của các đồ uống lành mạnh (vốn không bị đánh thuế), điều này giúp bù đắp cho việc giảm doanh thu của ngành công nghiệp nước giải khát do giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường. Trong khi thuế đồ uống có đường tại Anh làm giảm tổng lượng đường tiêu thụ từ đồ uống, tổng doanh số bán đồ uống của Anh đã tăng 7% trong giai đoạn từ 2015 đến 2018. Có thể thấy các kết quả tương tự ở hầu hết các quốc gia áp dụng thuế đồ uống có đường như Pháp, Mexico, Mỹ, Chile, Barbados…
Thuế đồ uống có đường không được sử dụng hiệu quả.
Thực tế cho thấy, nguồn thu thuế đồ uống có đường để tái đầu tư vào các chương trình cải thiện sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn như trợ cấp cơ sở hạ tầng nước uống và bữa ăn lành mạnh trong trường học hoặc tài trợ cho các chiến dịch truyền thông về sức khỏe. Ở Philippines, một phần đáng kể doanh thu từ thuế rượu, thuốc lá và đồ uống có đường được dành riêng để tài trợ cho các khoản trợ cấp bảo hiểm y tế quốc gia và nâng cấp các cơ sở y tế. Việc phân bổ này đã mang lại nguồn doanh thu bền vững và đáng kể, tăng gấp ba lần nguồn lực cho y tế trong năm năm (2013 – 2018). Tương tự, doanh thu từ thuế đồ uống có đường tại Anh được sử dụng để tăng cường sức khỏe cho trẻ em, bao gồm tài trợ cho các chương trình giáo dục thể chất và thể thao cũng như chương trình bữa sáng tại trường học.
Tại Mỹ, gần như tất cả các thành phố áp dụng thuế đồ uống có đường đã dùng nguồn thu từ thuế đầu tư vào các chương trình mang lại lợi ích cho những người có thu nhập thấp, những nhóm yếu thế và những người phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tiêu dùng đồ uống có đường. Một phần nguồn thu còn được sử dụng để giúp vận động thay đổi chính sách, không chỉ để giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường mà còn nhằm cải thiện chất lượng của các đồ uống lành mạnh.
Chẳng hạn ở Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ, kể từ 2017 tới nay, thuế đồ uống có đường đã đóng góp 385 triệu đô la vào nguồn thu của thành phố. Từ 2020 tới 2022, gần một nửa số tiền này được dùng để tài trợ cho chương trình giáo dục mầm non miễn phí, thông qua đó, thuế đồ uống có đường đã tạo ra khoảng 800 – 1.350 việc làm mới và 28 – 60 triệu USD thu nhập lao động bổ sung, vì cha mẹ có thể tham gia thị trường lao động hoặc tăng năng suất lao động của mình. Những lợi ích này ảnh hưởng chủ yếu tới các gia đình có thu nhập thấp.
6 khuyến nghị cho Việt Nam
Chúng ta đã có cơ sở rõ ràng về việc thuế đồ uống có đường cần phải được xem xét như một biện pháp can thiệp chính sách y tế công cộng hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức về chuyển đổi chế độ dinh dưỡng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, giảm bớt gánh nặng do các bệnh không lây nhiễm gây ra trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đều ủng hộ việc sử dụng chính sách tài khóa để giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Kinh nghiệm từ các quốc gia áp dụng thuế đồ uống có đường cũng cho thấy, có thể sử dụng nguồn thu từ thuế để tài trợ cho các chương trình công cộng hoặc các sáng kiến y tế.
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã đánh thuế vào đồ uống có đường trong những năm gần đây, cả về thiết kế chính sách thuế hiệu quả cũng như xây dựng các chiến lược hỗ trợ chính sách một khi luật thuế được đưa vào thực thi. Một số bài học thực tiễn vẫn có thể được áp dụng như các định hướng cơ bản cho việc xây dựng chính sách thuế:
Thứ nhất, tất cả các loại đồ uống có đường cần phải được xem xét đưa vào đối tượng chịu thuếđể thực sự cải thiện sức khỏe cộng đồng và để tránh việc sử dụng thay thế đồ uống có đường chịu thuế bằng sản phẩm đồ uống có đường khác mà không bị đánh thuế. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống được bổ sung đường tự do trong quá trình sản xuất/pha chế và đường tự nhiên có sẵn trong thực phẩm.
Thứ hai, mức thuế suất đủ lớn sẽ tạo ra các tác động chính sách có ý nghĩa hơn trong giảm tiêu dùng và gánh nặng bệnh tật cũng như chi phí liên quan. Tại nhiều quốc gia, việc áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức thấp 10% cho thấy mặc dù có những thay đổi về lượng calo và lượng đường tiêu thụ từ đồ uống nhưng việc giảm gánh nặng thừa cân, béo phì ở phạm vi cộng đồng chưa đủ mạnh.
Thứ ba, thuế đánh trên hàm lượng đường sẽ tạo ra hiệu quả tối đa trong việc giảm tiêu thụ đường. Hai phương pháp đánh thuế đồ uống có đường được sử dụng phổ biến nhất trên toàn cầu thường dựa trên giá trị đồ uống hoặc hàm lượng đường. Mặc dù thuế dựa trên giá trị có thể tạo ra nhiều doanh thu hơn nhưng chúng lại không hiệu quả bằng thuế áp theo hàm lượng đường trong việc điều chỉnh sản phẩm để giảm lượng đường. Bằng cách khuyến khích ngành công nghiệp cải tiến sản phẩm hoặc giới thiệu các sản phẩm mới có lượng đường thấp hơn, thuế dựa trên lượng đường trong đồ uống có thể giúp giảm lượng đường tiêu thụ nhiều hơn.
Thứ tư, cần phải lập kế hoạch sử dụng nguồn thuế thu được một cách hiệu quả, từ đó, góp phần cải thiện phúc lợi công cộng, tăng cường công bằng y tế và nâng cao tác động tích cực ròng của thuế.
Thứ năm, việc kết hợp thuế đồ uống có đường với các trợ cấp hoặc ưu đãi nhằm giảm chi phí và khuyến khích tiêu dùng các thực phẩm và đồ uống lành mạnh hơn sẽ tạo nên tác động sức khỏe lớn hơn so với việc chỉ đánh thuế đồ uống có đường. Kết hợp thuế đồ uống có đường với các khoản trợ cấp cho trái cây và rau quả cũng có thể bù đắp bất kỳ gánh nặng tài chính ngắn hạn nào mà người tiêu dùng có thu nhập thấp phải gánh chịu. Lý tưởng nhất, thuế đồ uống có đường nên được thực hiện như một phần của một chiến lược chính sách rộng lớn hơn bao gồm các chính sách hỗ trợ lẫn nhau như hạn chế tiếp thị và in cảnh báo bắt buộc ở mặt trước bao bì đối với các sản phẩm có nhiều đường, muối, chất béo bão hòa và các chất có hại khác.
Thứ sáu, cần phải cung cấp thông tin về tác hại của đường, hiệu quả của thuế, và chuẩn bị kỹ lưỡng các phản hồi có tính khoa học để giải đáp lại các luận điểm của ngành công nghiệp nước giải khát. Việc thiết kế và thông qua thuế đồ uống có đường đòi hỏi sự phối hợp, nỗ lực lâu dài của các cơ quan chuyên môn từ các bộ chủ quản. Sự thành công của chính sách thuế phụ thuộc nhiều vào sự hợp tác của các cơ quan chính phủ, các nhà kinh tế, chuyên gia y tế công cộng, học giả, tổ chức y tế, và truyền thông. Sự tham gia này nên bắt đầu sớm trong quá trình phát triển thuế để xây dựng sự đồng thuận và tăng cường hỗ trợ giữa các đơn vị.□
——-
Áp thuế theo hàm lượng đường đem lại hiệu quả cao
Nước Anh đã thực hiện đánh thuế đồ uống có đường dựa trên hàm lượng đường của từng sản phẩm. Theo đó, các sản phẩm có chứa hơn 8g đường trên 100 ml sẽ bị đánh thuế ở mức 0,24 bảng/lít; đồ uống có chứa từ 5 tới 8g đường trên 100 ml sẽ bị đánh thuế ở mức 0,18 bảng/lít; đồ uống chứa ít hơn 5g tổng đường trên 100 ml không phải là đối tượng chịu thuế. Thiết kế thuế theo hàm lượng đường như vậy sẽ khuyến khích ngành công nghiệp điều chỉnh lại sản phẩm của mình, giảm hàm lượng đường trong các sản phẩm để tránh các mức thuế cao. Thực tế cho thấy việc áp thuế đồ uống có đường đã dẫn đến việc cải cách công thức đồ uống rộng rãi trong ngành nước giải khát của Anh và làm giảm đáng kể lượng đường trong các sản phẩm giải khát.
Sau năm đầu tiên áp dụng thuế, lượng đường được tiêu thụ từ các sản phẩm nước giải khát (bao gồm cả các sản phẩm bị đánh thuế và không bị đánh thuế) giảm 10%, trung bình mỗi tuần, mỗi hộ gia đình ở Anh giảm tiêu thụ 30g đường. Tin vui cho ngành giải khát là tổng lượng nước giải khát được tiêu thụ không đổi. Và người tiêu dùng cũng không chi tiêu nhiều hơn cho bánh kẹo hay các đồ uống có cồn. Thói quen tiêu dùng của người Anh trở nên lành mạnh hơn nhờ có thuế đồ uống có đường. Sau hai năm, tổng lượng đường được loại bỏ từ các sản phẩm đồ uống có đường lên tới 45 triệu kg.
Tính đến năm 2019, các nhà sản xuất đã giảm 44% hàm lượng đường trong đồ uống chịu thuế và tỷ lệ đồ uống chịu thuế ước tính giảm khoảng 34%. Trong khi tổng doanh số bán hàng thu được từ đồ uống có đường bị đánh thuế tăng 15% trong giai đoạn 2015–2019, lượng đường mua từ đồ uống bị đánh thuế lại giảm 35% do đồ uống chứa ít đường hơn.
———-
1 Hiện nay có 47 quốc gia và 16 vùng lãnh thổ áp thuế đối với đồ uống có đường.
Tài liệu tham khảo
Đánh thuế đồ uống có đường: Chính sách tài khóa để cải thiện sức khỏe cộng đồng – Chương trình nghiên cứu thực phẩm toàn cầu tại Đại học Bắc Carolina – Chapel Hill
Hướng dẫn của WHO về chính sách đánh thuế đồ uống có đường để thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh.
Đánh thuế đồ uống có đường – Lập luận của ngành công nghiệp nước giải khát – Chương trình nghiên cứu thực phẩm toàn cầu tại Đại học Bắc Carolina – Chapel Hill