Đạo đức và nhân cách: đặc điểm số một của tư tưởng Hồ Chí Minh

Khái niệm “đạo đức” xuất hiện trong văn chương Trung Quốc rất sớm mà cho đến thời Đường, đại văn hào Hàn Dũ còn viết rằng: “Đạo đức là những từ chưa được khẳng định”. Khác với khái niệm “nhân nghĩa” đã được khẳng định rồi. Ngay bây giờ, người ta vẫn còn lờ mờ hiểu ở chỗ đó. Nếu theo Hàn Dũ thì “mỗi việc đều làm theo nhân nghĩa” thì còn gọi là đạo, còn “tự mình có thể bằng lòng với chính mình, không cần ỷ lại vào người khác” gọi là đức. Nói như Hàn Dũ cũng chưa được rõ lắm, nhưng định nghĩa của ông trong luận văn “Nguyên đạo” gợi được nhiều ý. Đạo của Nho là nhân nghĩa, Đạo của Phật là từ bi cứu khổ.





Đạo đức của Cụ Hồ như lời của Phạm Văn Đồng nói là: Trung với nước, hiếu với dân, là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, trong đó trung với  nước, hiếu với dân thuộc về đạo, nói một cách khác đó là độc lập, chủ nghĩa xã hội; còn cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư là thuộc về đức, là bộ phận quan trọng của Đức, đức trong tư tưởng của Cụ Hồ còn rộng lớn hơn nhiều, đức có thể được định nghĩa như là những tính con người cần phải rèn luyện để thực hiện cái đạo cơ bản hơn. Cái ý của Hàn Dũ rằng: “Tự mình có thể bằng lòng với chính mình, không cần ỷ lại vào người khác gọi là đức”, có lẽ như vậy. Đạo là gốc rễ, đức là thân cành hoa quả, như vậy có đức thì đạo mới được thực hiện, có đạo thì đức mới nảy sinh và phát huy tác dụng.

Khi Cụ Hồ từ trần, thì ở Pháp rộ lên một loạt bài báo của những nhân vật tiếng tăm tuyên dương Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh tụ Cộng sản trên thế giới, đã đặc biệt chú trọng đến vấn đề đạo đức trong lý luận và trong thực tiễn, không vị lãnh tụ nào sánh bằng. Họ nhấn mạnh Hồ Chủ Tịch của chúng ta đã đặt vị trí “ưu tiên cho đạo đức”. Và họ tìm cách cắt nghĩa cái điều hơi lạ ấy. Đối với họ sở dĩ như vậy là do ông Hồ chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Khổng Mạnh. Tôi đồng ý hoàn toàn với họ rằng Cụ Hồ là vị lãnh tụ Cách mạng đã đặt đạo đức ở “vị trí ưu tiên”. Tôi cũng đồng tình rằng tinh túy của tư tưởng Khổng Mạnh còn ảnh hưởng tích cực ở Việt, nhưng tôi cho rằng sở dĩ ở Việt Nam cả trong thời kỳ cách  mạng và kháng chiến, đạo đức được đặt ở vị trí ưu tiên và trước hết, điều ấy thuộc truyền thống dân tộc của một đất nước trong 2000 năm đã phải hằng mấy chục lần chống trả những kẻ xâm lược lớn mạnh hơn mình gấp bội. Muốn tồn tại, dân tộc Việt Nam không thể cậy vào số người mà phải dưa vào những con người chiến đấu. Lâu đời thành nếp tư tưởng quý trọng bậc nhất đạo đức, nhân cách, tính kiên cường bất khuất, đức quên mình vì nước vì dân… Đạo đức Cụ Hồ là đạo đức truyền thống Việt Nam. Ngày Lê-nin từ trần (1924) Nguyễn Ái Quốc khẳng định rằng sở dĩ các dân tộc Đông phương kính mến Lê-nin vì vị thầy của Cách mạng giải phóng dân tộc là một người: “Khinh thường xa hoa, yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị”. Cho nên khi mở lớp đào tạo cán bộ đầu tiên (1925), Hồ Chí Minh đã đặt ra 23 điều tư cách của người chiến sĩ được ghi trên trang đầu của sách giáo khoa “Đường Kách mệnh”. Chính vì vậy nên trong số các tiêu chuẩn bầu anh hùng quân đội trong kháng chiến, thì tiêu chuẩn đạo đức nhân cách được đặt lên hàng đầu trước cả những thành tích kỳ diệu.

Cán bộ hiện nay gồm có cả tài lẫn đức thì ước mong gì hơn? Nhưng nếu phải khiếm tài thì còn có thể hữu ích, chớ thiếu đức thì dùng vào đâu được?

Tác giả