Đào tạo bản lĩnh tự khẳng định mình cho tuổi trẻ

Thông thường, hình như người lớn thích loại con cháu “gọi dạ bảo vâng” và dường như đối với các cháu bé thì không “đức tính” nào người lớn thú vị bằng sự vâng lời. Xưa kia, trong lối mòn của đạo đức học Nho giáo thì đó là“nối tiếp, làm theo, không thay đổi (kế, thuật, vô cải). Không hiểu sao, hành vi của “em Trí Vĩnh Long”, mà người ta có cớ để gọi em là “thủ phạm phá hoại”, là “nhà dễ cháy nếu cảnh báo không ai nghe thì mình tự tay phóng hỏa cho biết tay” để do đó mà truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm ngăn chặn việc “chúng ta sẽ đào tạo ra một lớp thanh niên sống vô chính phủ, không tôn trọng nguyên tắc”, khiến cứ liên tưởng đến câu chuyện em bé 16 tuổi ở Philippines dạo nào mà báo chí đã đưa tin.


Em được Tạp Chí “Time” trao giải nhất cuộc thi trả lời câu hỏi dành cho lứa tuổi từ 16 đến 18: “Ai là nhân vật quan trọng nhất thế kỷ XXI” với câu trả lời: “Tôi”! Tôi sẽ hét to lên điều này với tất cả thành phố nếu cần phải như vậy. Tôi cho rằng chính tôi, một học sinh trung học, là người quan trọng nhất thế kỷ. Tôi còn chưa ghi dấu ấn của mình vào lịch sử thế giới, và tôi không khao khát trở thành một Albert Einstein hay một Bill Gates khác. Bởi vì tôi chỉ muốn là tôi… Chúng ta không biết cái gì hay hơn sao? Chúng ta không thể ghi dấu ấn bằng chính con người thực sự là của mình hay sao?
Và rồi lẩn thẩn đặt câu hỏi: liệu với chúng ta, ta có trao giải nhất cho một cô học trò 16 tuổi, tuổi của trò Trí của chúng ta nay, với câu trả lời “có vẻ ngỗ ngược” như vậy không? Thì cũng đã có dịp để kiểm nghiệm chuyện này đấy thôi. Đó là thái độ đối với “bài văn lạ” của em học sinh lớp 11 tham gia vào kỳ thi học sinh giỏi giữa tháng 3-2005 ở Hà Nội dám viết một bài văn lạc đề. Mặc dầu biết “sẽ không được điểm nào” nhưng em vẫn viết để “chỉ muốn nêu lên chính kiến của mình”. Em tâm sự: “Dường như học sinh bọn em chỉ có quyền thích, chỉ có quyền khen hay, mà không có quyền nói lên chính kiến của mình”.
Thế rồi cũng có nhiều ý kiến khác nhau của “người lớn”, quá đà hay không thì không biết song qua đó, cũng thấy rõ quan điểm nhìn nhận về bản lĩnh tự khẳng định của tuổi học trò. Có ý kiến đanh thép lên án em bé “ngỗ ngược” dám không xúc động, dám không thích bài “Văn tế Nghiã sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu. Nhưng cũng có những ý kiến bảo vệ quan điểm của cô học sinh dám biểu tỏ chính kiến của mình, không tuân phục cung cách giảng dạy theo kiểu áp đặt tư duy, tùy tiện suy diễn Cung cách ấy được duy trì khá lâu, khiến nó trở thành một tập quán đáng sợ kìm hãm sự sáng tạo và phát triển của tuổi trẻ. Và đáng sợ hơn nữa, cung cách ấy tập dượt một thói quen bị động trông chờ, không dám tự mình suy nghĩ để có ý kiến riêng. Bằng cách ấy, nhà trường sẽ tập dượt và khuyến khích phát triển loại nhân cách chỉ biết phục tùng, không dám có bản lĩnh ủng hộ cái đúng, phê phán cái sai và “không dám là mình”.
Lịch sử Việt Nam và thế giới cho thấy những nhân cách lớn, những tài năng lớn thường không cam chịu cúc cung tận tụy theo lối mòn mà luôn bung phá. Thì nhà bác học Lê Quý Đôn hồi bé đã nổi tiếng là cậu bé “rắn đầu” rất nghịch ngợm đó thôi. Để tránh trận đòn vì tội ấy, cậu đã làm bài thơ tự vịnh, trong đó toàn nói chuyện rắn: “thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ, nay thét mai gầm rát cổ cha và tự hứa phải làm sao “kẻo hổ mang danh tiếng thế gia”. Và nếu hồi ấy người ta vì ngăn chặn lối sống vô chính phủ, không tôn trọng nguyên tắc của cậu thần đồng “ngỗ ngược” mà truy cứu tội danh “rắn đầu” của cậu rồi trị cho tiệt nọc, thì lịch sử nước nhà đã mất một nhà bác học lớn.
Đấy là nói chuyện xưa. Bước vào năm 2007, thử thách và vận hội mới đang đòi hỏi bản lĩnh của con người Việt Nam trong thời đại của Iternet nối mạng toàn cầu, thế giới đang thách thức từng người và từng cá nhân đang đối diện với cả thế giới. Những ai chần chừ tin rằng tương lai sẽ là sự tiếp tục đơn thuần của quá khứ, sẽ cảm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi mà có lẽ đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi. Cũng sẽ là quá muộn nếu không dám có những suy nghĩ táo bạo, những tìm tòi mạnh dạn, những bung phá sáng tạo để tìm ra những bước đi và cách đi phù hợp với thực tế của đất nước. Những phẩm chất đó đang được ươm mầm và sinh sôi nảy nở trong thế hệ trẻ, nguồn sinh lực bất tận của dân tộc. “Nguyên khí quốc gia” không thể tìm ở đâu khác ngoài nguồn sinh khí vô tận đó. Thế nhưng công việc to tát đó lại khởi nguồn từ những việc hàng ngày, những chuyện của “đời thường” mộc mạc không tô son vẽ phấn. Từ những chuyện nhỏ, những “nghịch lý” của đời thường ấy lại ẩn chứa những chân lý đang cần tìm tòi, phát hiện, những tiềm năng cần được tạo điều kiện để bừng nở thành khả năng hành động. Cũng có nghĩa phải thấy được những điều kỳ diệu sẽ nảy nở từ những “nghịch lý”, kể cả những chuyện “ngỗ ngược” trong quá trình được vượt qua để thực hiện sự phát triển.


Tương Lai

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)