Đắt và rẻ

Hòa vào nhiều niềm vui lớn, gần đây một số ý kiến băn khoăn. - Nước ta còn nghèo, sao chi cho APEC 14 lắm tiền thế? - Việt Nam vào WTO có khác nào cậu bé lên 5 tham gia sân banh với các cầu thủ quốc tế? - Nghèo như ta tốn tiền tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos lợi lộc gì? - Nước ta sao lại lạnh nhạt với Diễn đàn Xã hội Thế giới (WSF)?... Hay là Việt Nam không biết WSF là nơi duy nhất trên quả cầu này còn cất lên tiếng nói ở tầm vóc quốc tế về chủ nghĩa xã hội? - Hay là Việt Nam đã...? - ... Xin được giãi bày đôi điều.


Thế nào là đắt? là rẻ?
Ngày nay cả nước cứ làm ra 10 đồng thì xuất khẩu 6 đồng. Không có quốc gia đông dân nào trên thế giới đạt được điều này. Có nhiều cái để bán đến thế mà nước ta vẫn phải chôn chân trong nhóm nước nghèo nhất thế giới.
Ai cũng thấy, còn nghèo vì tổng kim ngạch xuất khẩu quá nhỏ, tỷ lệ giá trị gia tăng trong xuất khẩu quá thấp. Ai cũng thấy phải mở mang kinh tế đối ngoại, phải chiếm thêm thị phần trên thế giới. Hiển nhiên không gia nhập WTO không có lời giải.
Thông qua APEC 14, cộng đồng thế giới, nhất là những tập đoàn kinh tế lớn, nhìn nhận Việt Nam là đối tác giàu tiềm năng. Họ hưởng ứng sự mong đợi của chúng ta. Hơn nữa, ngay trong khi APEC đang họp đã có những ký kết quan trọng. Nhờ vậy FDI vào nước ta năm 2006 tăng 30% và là năm cao nhất đến nay. Xu thế này tiếp tục phát triển tại Davos tháng 1- 2007.
APEC 14, việc ta gia nhập WTO, việc CHXHCN Việt Nam xuất hiện tại Davos đã trở thành những sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong phát triển kinh tế đối ngoại của nước ta kể từ khi hoàn thành độc lập thống nhất, góp phần đưa nước ta vào một thời kỳ phát triển mới. Ngoài ra, chưa bao giờ Việt Nam có nhiều đối tác, nhiều bạn bè và vị thế quốc tế cao như ngày nay.
Chúng ta mong gì hơn nữa?
Vậy chi cho APEC 14 là nên hay không nên? Mà nên, thì đắt hay rẻ? Có một nước đang phát triển nào có thể bỏ tiền ra “mua” được một cơ hội như thế không? Chuyện gia nhập WTO và đi Davos như thế chắc đã rõ, xin không bàn nữa.

Đi chậm, để đi nhanh, đi xa
Nếu một ông tiên cho tôi một điều ước và hỏi tôi muốn ước gì?  Tôi sẽ thưa:
– Ước gì mọi người trong cả nước tôi lúc này giữ cái đầu của mình cho lạnh.
Lạnh để không ngợp trước thời cơ lớn đang đến. Lạnh để có gan lựa chọn bước đi chậm chắc lúc này. Lạnh để kiên quyết không trở thành bãi thải công nghiệp chất đống lên tương lai.
Thực vậy, tôi ước gì trong vòng 5 năm kể từ nay, thậm chí có thể 10 năm, cả nước tranh thủ tích tụ từng xu từ mọi ngành kinh tế, dồn sức cho phát triển 3 ưu tiên hàng đầu: (1)đào tạo phát huy con người, (2)phát triển kết cấu hạ tầng, (3)đổi mới, xây dựng mới thể chế và hệ thống hành chính quốc gia – vì phải lỳ lợm chịu thương chịu khó đào tạo con người và chuẩn bị cỗ xe đưa nền kinh tế nước ta đi nhanh, đi xa.
Phải chấp nhận như thế, bởi vì:
Đổi mới hệ thống giáo dục, hệ thống y tế để phát huy nguồn lực con người đắt lắm. Ai nói được đổi mới xã hội mọi mặt để nuôi nấng, phát huy vốn con người sẽ tốn kém bao nhiêu?
Rồi đây sẽ phải ném bao nhiêu tiền của cho vừa vào phát triển kết cấu hạ tầng? Còn phải làm gì nữa để thoát khỏi cảnh chợt mưa là lụt, chợt nắng là hạn?
Sẽ phải chi bao nhiêu tiền của, chất xám, ý chí chính trị để có được thể chế và hệ thống hành chính quốc gia đúng nghĩa là một bộ máy vận hành của một nhà nước pháp quyền? Mà không có nó thì không có gì phát triển được.
Rõ ràng lúc này không thể nôn nóng nhảy bổ vào phát triển bất kỳ công nghiệp nào, không phải FDI nào cũng chấp nhận hết – cốt sao tăng nhanh GDP! Lúc này càng không phải là đẩy mạnh khai thác tài nguyên đem bán và bán luôn cả môi trường, qua đó rào chắn con đường dẫn tới nền kinh tế dịch vụ, kinh tế tri thức!.. Làm gì lúc này cũng chỉ nên nhằm đẩy nhanh tích tụ vốn một cách ít trả giá nhất – để có lực thực hiện 3 ưu tiên nói trên. 
Chạy đua tăng trưởng kinh tế có sức cám dỗ lớn lắm, sẽ dẫn tới đổ vỡ. Vì thế phải có gan nuôi chí lớn: lựa chọn con đường phát triển trở thành đối tác kinh tế của cả thế giới. 

Không sợ yếu, không sợ thiếu, chỉ sợ thối chí
Từ ông Lý Quang Diệu, bao nhiêu nhân vật nước ngoài khác, và ngay cả chúng ta đang băn khoăn về những yếu kém và những cái thiếu của nước ta: Nguồn nhân lực đông nhưng yếu, kết cấu hạ tầng lạc hậu, thể chế hành chính quan liêu tham nhũng sâu…
Đấy là những băn khoăn xác đáng. 
Nhớ lại, lúc mới bắt tay vào đổi mới – nhất là khi bước vào xóa bao cấp để chuyển sang cơ chế thị trường, nỗi băn khoăn của chúng ta hồi đó lớn lắm, ngày đêm nơm nớp lo mất chế độ! Từ nỗi băn khoăn hôm ấy nước ta đã đi tới hôm nay, với tất cả trí tuệ và nỗ lực. Sở dĩ có được quyết tâm này là nhờ có lòng tin một cách thuyết phục: Đổi mới là đúng quy luật và hợp lẽ. Như thế rõ ràng cái yếu không tự nó mất đi, nhưng nếu quyết tâm làm đúng quy luật, đi với cả thế giới, thì chúng ta khắc phục được cái yếu và thành công. 20 năm qua là như thế. Ngày nay tại sao lại không thể như thế? Nhất là ngày nay bối cảnh quốc tế thuận lợi hơn nhiều cho nước ta, hiểu biết của cả nước mở mang hơn, thực lực nền kinh tế nước ta cũng lớn hơn.
Cho nên, cái thực sự đáng lo là thối chí.
Trước vận hội lớn của đất nước, cái thối chí trong tâm tư chúng ta cũng đa dạng lắm.
Cái làm chúng ta thối chí nhất là nỗi lo về sự thâm căn cố đế của những tha hóa nằm trong bộ máy vận hành đất nước và trong đội ngũ cán bộ đảng viên. Bàn về yếu kém này khi nói đến nhiệm vụ tổ chức bầu cử Quốc hội sắp tới, không phải ngẫu nhiên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nhắc nhở các cơ quan, cán bộ đảng viên phải làm tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân, chứ không được cai trị dân! Thế nhưng nỗi lo vẫn canh cánh.
Không ít người một mặt hân hoan trước quyết tâm và những bước đi táo bạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – nhất là trong việc chống quan liêu tham nhũng, trong tìm cách xóa bỏ cơ chế chủ quản, trong lành mạnh hóa kinh tế quốc doanh… Thế nhưng lo vẫn lo: Một con chim én có mang về được mùa xuân không?
Lo như thế rồi thối chí hơn? Hay là, lo như thế, mỗi người trong cả nước hãy cùng với Thủ tướng tìm cách mang về cho đất nước mùa xuân? Cùng với Thủ tướng cổ vũ cho cái đúng, cái tốt. Cùng với Thủ tướng chống cái sai. Trước hết cùng với Thủ tướng ai nấy làm đúng, làm hết trách nhiệm phần việc của mình. Bây giờ có diễn đàn đối thoại trực tiếp với Thủ tướng, không nên chỉ đặt câu hỏi. Mà còn nên đem tất cả trí tuệ và khát vọng ra bàn bạc thẳng thắn với Thủ tướng: Làm sao mang về cho đất nước mùa xuân? Cách nào hơn?
Đi như thế này, nước ta có chệch hướng không?.. Lại một dạng thối chí khác. Đấy là câu hỏi do Diễn đàn Xã hội Thế giới (WSF) ở Nairobi cách đây hơn một tháng nhen nhóm lên trong nước ta chỗ này chỗ khác.
Diễn đàn này nêu lên 12 chủ đề lớn: chống toàn cầu hóa, xóa bỏ ngăn cách giàu nghèo, không được làm trái đất nóng thêm… Những đòi hỏi về giáo dục, y tế, nhà ở cho người nghèo… Chỗ này chỗ kia giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội… Không rõ những chủ đề này được thảo luận như thế nào, vì tham dự có hàng vạn người dân tại chỗ, nên nghe là chính. Nhìn chung đấy là những chủ đề cao cả – đành rằng nội dung còn nhiều chuyện phải bàn, nhất là cách thực hiện?
So sánh với WSF Nairobi, nước ta một thời có lẽ đã có chủ nghĩa xã hội nhiều hơn những gì được diễn thuyết tại đây. Thật vậy, một thời nước ta đã có giáo dục không mất tiền, y tế không mất tiền, nhà ở không mất tiền, cả nước sống trong bao cấp và cùng nghèo nên không có phân biệt giàu nghèo, một mình một chợ trong nền kinh tế gần như tự cung tự cấp nên không cần đến toàn cầu hóa – ngoại trừ những nguồn viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em hồi đó… Rồi viện trợ hết.., và khi khủng hoảng kinh tế – xã hội trở nên trầm trọng, nước ta đã phải lựa chọn con đường đổi mới. Vậy nước ta hôm nay đang đúng hướng hay chệch hướng? Nếu WSF dạy chúng ta điều gì, thì có lẽ đấy là: Phải lựa chọn con đường phát triển. Thực ra đấy là bài học gián tiếp của WSF, do chúng ta tự rút ra cho mình, từ con đường gian truân 10 năm trước đổi mới và những năm trước đó nữa.
Những gì vận hội mới đang mang lại cho nước ta lớn lắm, có lẽ lớn hơn nhận thức của chúng ta. Nếu không giữ cái đầu cho lạnh, cơ hội hình như sẽ lớn hơn khả năng tiếp nhận của chúng ta. Để phí cơ hội, chúng ta sẽ không thể tự tha thứ cho mình, con cháu chúng ta sau này cũng sẽ không tha thứ chúng ta. Mà như thế sẽ là đắt lắm, chi một xu cho APEC 14 cũng không đáng. Xin đừng cho điều này xảy ra!
Cho nên đối với đất nước ta chưa bao giờ cái lẽ đắt – rẻ lại có ý nghĩa quyết liệt như bây giờ!

Nguyễn Trung

Tác giả