Đầu tư cho khoa học cơ bản

Thập kỷ gần đây, con người bị cuốn trong nhịp sống sôi động của xã hội hiện đại với những nhu cầu giao lưu, giải trí ngày càng được nâng cao và phong phú cùng những áp lực công việc, thời gian của nền kinh tế thị trường. Hoàn cảnh khách quan đó khiến khuynh hướng quan tâm của các tầng lớp xã hội vào sự phát triển của khoa học cơ bản (KHCB) đất nước. Đây là một hiện tượng xã hội đang trở thành đặc trưng cho nhiều quốc gia, đặc biệt ở các nước đang phát triển thuộc thế giới thứ ba. Người ta không lưu tâm tới hiện thực rằng những tiện nghi hiện đại như telephone, TV, máy tính, điện thoại di động chỉ có được nhờ những phát minh quan trọng trong nghiên cứu KHCB. Trong nước ta đã có không ít người (kể cả trong giới quản lý khoa học) coi KHCB chỉ như là một thứ "trang sức" cho nền KH nước ta được đẹp đẽ và toàn diện hơn, do đó, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu KHCB trong những năm gần đây cũng chỉ là rất tượng trưng so với nguồn ngân sách không nhỏ (đối với Việt Nam) đầu tư cho phát triển khoa học.

Những tiện nghi hiện đại như telephone, TV, máy tính, điện thoại di động chỉ có được nhờ những phát minh quan trọng trong nghiên cứu KHCB.

Cũng vì lý do đó mà một số nhà khoa học đầu ngành của đất nước đã có ý kiến đóng góp và trình bày các quan điểm cụ thể về vấn đề này, thí dụ như những suy nghĩ gần đây của GS Hà Huy Khoái về Toán học Việt Nam và vai trò của Toán Học đối với sự phát triển của xã hội 1. Nếu như việc đánh giá đúng lao động sáng tạo của các nhà toán học không phải là đơn giản (nhất là những nghiên cứu toán học lý thuyết thuần tuý) thì việc minh biện cho những kinh phí đầu tư cho nghiên cứu VL cơ bản ở Việt Nam (nhất là những nghiên cứu đòi hỏi những thiết bị thí nghiệm đắt tiền) cũng là vấn đề rất nan giải đối với các nhà VL đầu ngành của đất nước. GS VS Nguyễn Văn Hiệu đã trao đổi rằng bản thân ông cũng đã từng khá vất vả trong việc thuyết minh ủng hộ kinh phí cho một số đề tài nghiên cứu cơ bản về VL hạt nhân và VL tia vũ trụ. Trong những ngày này, xin kinh phí để nghiên cứu vật lý nano với những hứa hẹn ứng dụng trong công nghệ cao là dễ dàng hơn nhiều so với xin kinh phí để nghiên cứu VL hạt nhân hay VL năng lượng cao. Bản thân người viết bài này cũng đã có dịp được tham dự một cuộc họp xét kinh phí cho một đề án nghiên cứu VL tia vũ trụ hàng đầu của Việt Nam và đã được nghe những ý kiến khẳng định chắc nịch từ phía các nhà quản lý KH là đề án chỉ có thể được duyệt nếu như nó thực sự mang lại những ứng dụng cụ thể trong phát triển kinh tế xã hội nước ta. Kết quả là các chuyên gia của đề án này đã phải khá vất vả tìm tòi để cố nêu ra được những tác động gián tiếp có thể của đề án đối với kinh tế nước nhà để thuyết phục các nhà quản lý. Có thể nói là quan điểm hiện thời của nhiều nhà quản lý KH đối với đầu tư và phát triển KHCB Việt Nam là không hoàn toàn thích đáng.

Kinh nghiệm phát triển KH trên thế giới từ đầu thế kỷ 20 đến nay cho chúng ta thấy rất rõ là một quốc gia với một nền khoa học ứng dụng, công nghệ phát triển cao cũng luôn là một đất nước có một nền KHCB hưng thịnh, được đầu tư và phát triển thích đáng. Một chiến lược phát triển điều hoà và hợp lý cho KHCB và KH ứng dụng là rất quan trọng đối với một nước đang phát triển, nó sẽ giúp tạo ra được một cơ chế tương tác tự nhiên và hỗ trợ lâu dài trong việc duy trì một nền KH trình độ cao, làm cơ sở nuôi dưỡng cho tất cả các ngành công nghệ hiện đại nhất như công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu, hạt nhân… Một thí dụ rất điển hình minh chứng cho quan điểm này là cơ chế đầu tư và phát triển KHCB của Hoa Kỳ: với một thâm thụt ngân sách quốc gia khổng lồ cùng gánh nặng của chiến tranh ở Iraq và Afganistan, chính phủ liên bang Hoa Kỳ vẫn đầu tư hàng năm trên 27 tỷ USD cho nghiên cứu cơ bản (NCCB) ở các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, trường đại học quốc gia (không kể hỗ trợ tài chính khá lớn từ phía các doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu tư nhân…). Đó là những hướng NCCB trong tất cả các ngành KHCB, với yêu cầu phải có những công bố KH chất lượng rất cao, phát triển các ý tưởng, mô hình, hình thức luận mới… đồng thời gắn liền với đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho tương lai của KH và công nghệ của đất nước. Những nghiên cứu ứng dụng được ngân sách liên bang cấp một khoản kinh phí gấp khoảng 5 lần số kinh phí NCCB trên, với yêu cầu nghiên cứu và triển khai mạnh mẽ các ngành công nghệ hiện đại nhất phục vụ kinh tế, xã hội và quốc phòng. Như vậy cơ chế tự nhiên và hỗ trợ của KHCB và KH ứng dụng ở Hoa Kỳ là một cơ chế có cấu trúc hình chóp, với đỉnh chóp là đầu tư cho KHCB, tuy có khiêm tốn hơn đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng, nhưng vẫn phải có đủ trọng lượng để làm đầu tàu thúc đẩy sự phát triển chung của KH và công nghệ.

Tuy chưa phải là thật sự hoàn hảo, cơ chế này đã giúp các nhà KHCB của Mỹ đoạt nhiều giải thưởng Nobel nhất so với các nước khác, cùng các nhà KH ứng dụng đăng ký hàng năm một số lượng khổng lồ các bằng phát minh và sáng chế kỹ thuật.

Với một cấu trúc rất tự nhiên và có logic, ta dễ suy ra tiếp được là một cấu trúc hình chóp như vậy cũng phải là cấu trúc đặc trưng cho mỗi một ngành KH riêng biệt 2. Thí dụ như Nhật Bản, một cường quốc phát triển trong việc ứng dụng công nghệ hạt nhân trong các lĩnh vực kinh tế quốc dân đặc biệt là điện hạt nhân, luôn rất coi trọng và đầu tư nhiều cho các hoạt động NCCB trong VL hạt nhân, sinh học hạt nhân, hoá học phóng xạ… Ai đến thăm cơ sở trung tâm của Viện Nghiên Cứu Năng Lượng Nguyên Tử Nhật Bản (JAERI) ở Tokai đều thấy một toàn nhà cao và rất hiện đại nằm ngay giữa Viện, với tên tạm dịch là Trung tâm những nghiên cứu tiền tiến (Center for Advanced Studies). Đó là nơi tụ tập các nhóm những nhà khoa học xuất sắc đang thực hiện các đề án NCCB lớn trong các lĩnh vực VL hạt nhân, sinh học, hoá học phóng xạ…, các nhóm đề tài này được ưu tiên đặc biệt trong các kinh phí nghiên cứu KH cũng như trong chọn lựa và đào tạo tài năng trẻ cho nền KH hạt nhân của Nhật Bản, với một yêu cầu duy nhất là đề án nghiên cứu phải luôn ở mức hiện đại của thế giới, có công trình KH công bố đăng tải trên các tạp chí KH quốc tế uy tín nhất và có chỉ số trích dẫn quốc tế cao. Cơ chế chọn lựa các nhóm đề tài vào trung tâm trên làm việc là đấu thầu công khai qua một cơ chế thẩm định, đánh giá cẩn thận của một hội đồng KH gồm nhiều nhà KH hạt nhân đầu ngành từ tất cả các Viện, Trường Đại Học của Nhật Bản tham gia. Thời hạn của một đề án là 5 năm và sau đó nếu nhóm đề tài có nhu cầu tiếp tục tiến hành nghiên cứu tại trung tâm thì phải tham gia đấu thầu từ đầu. Như vậy, cấu trúc hình chóp của JAERI là rất rõ ràng, với một phần quan trọng của đỉnh chóp là Center for Advanced Studies. Đó cũng là một trong những lý do chính giải thích cho ta hiểu tại sao Nhật Bản luôn là một trong các cường quốc mạnh nhất thế giới trong nghiên cứu VL hạt nhân cơ bản, Hoá Học, Sinh học phóng xạ…

Người viết bài này đã nhiều lần nêu thí dụ này cho các nhà lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) lưu ý quan tâm, nhưng rõ ràng việc xây dựng một trung tâm NCCB chất lượng cao như vậy tại Viện NLNTVN chỉ có thể khả thi khi có chủ trương ủng hộ và quyết định đầu tư kinh phí từ các mức lãnh đạo, quản lý cấp Bộ hoặc cao hơn. Đối với các nhà quản lý các hoạt động nghiên cứu và triển khai khoa học và công nghệ hạt nhân ở Việt Nam thì chắc cũng không phải dễ dàng hình dung được tại sao một trong những phòng thí nghiệm hiện đại nhất của Trung tâm Năng lượng hạt nhân CHLB Đức tại Karlsruhe lại là Phòng nghiên cứu VL tia vũ trụ (một chuyên ngành không có một liên hệ trực tiếp nào với ứng dụng kỹ thuật hạt nhân), mà đã và đang được đầu tư mạnh mẽ để luôn duy trì một hệ thống detectors hạt vào loại hiện đại nhất thế giới. Đây là một số trong nhiều thí dụ cho ta thấy cơ chế coi trọng đầu tư và phát triển KHCB của các nước phát triển.

Gần đây chúng ta đã được nghe nhiều đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước cho việc đổi mới cơ chế quản lý các hoạt động nghiên cứu KH sao cho được thoáng hơn, minh bạch hơn để động viên cao nhất nỗ lực của các nhà KH nước ta vào công cuộc xây dưng một nền KH và công nghệ Việt Nam phát triển. Đây là một việc rất cần thiết và cần được tiếp tục triển khai. Tuy nhiên theo ý kiến chúng tôi thì đã đến lúc chúng ta phải xây dựng được một cấu trúc rõ ràng cho ngôi nhà KH Việt Nam, với chân đế phải rộng, đỉnh chóp phải cao và là đầu tàu, tinh hoa của toàn bộ nền KH. Nếu ta không thực thi được mô hình này, như GS Phạm Duy Hiển đã phân tích kỹ trong bài báo của ông 2, thì có nghĩa là trong chính sách, chiến lược phát triển KH của ta có vấn đề. Trong chiến lược phát triển KH và công nghệ đến năm 2010, nhà nước đã có chủ trương ưu tiên xây dựng và phát triển một số ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu, điện tử, năng lượng hạt nhân…. Đây là một chính sách rất đúng đắn và sẽ có tác dụng tích cực nhất tới việc phát triển nền KH và công nghệ nước nhà. Việc thiết kế một ngôi nhà KH Việt Nam thích hợp chắc chắn là tiền đề quan trọng nhất cho sự thành công của chiến lược lâu dài trên.

Trong thời đại hiện nay, một ngành công nghệ hiện đại thường mang trong mình thành quả của nhiều ngành KH khác nhau, thí dụ như Công nghệ sinh học (đặc biệt là công nghệ gene) đòi hỏi ngày càng nhiều các kiến thức vật lý sâu rộng cùng các phương pháp thí nghiệm và xử lý số liệu của VL chất rắn, VL nguyên tử và VL hạt nhân; Công nghệ Vật liệu, cơ khí chính xác thì có yêu cầu ngày càng nhiều đối với các phương pháp tính toán mô phỏng của các nhà Toán học mà thường được tiến hành trên cơ sở công nghệ máy tính hiện đại nhất… Do đó nếu chỉ nghĩ đơn giản đến đầu tư cho một số ngành công nghệ trọng điểm, thiếu quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ và bền vững những ngành KHCB khác nhau, chúng ta sẽ khó mà thoát khỏi tình trạng ì trệ và thiếu nhân lực KH trình độ cao hiện nay mặc dù nhà nước đã và đang cố gắng đầu tư ngày càng tăng cho KH và công nghệ.

Gần đây nhà nước có chủ trương đẩy mạnh quá trình xã hội hoá KH, hướng các hoạt động nghiên cứu KH vào các ứng dụng thiết thực trong kinh tế quốc dân và đồng thời thu hút đầu tư cho KH từ phía các doanh nghiệp tư nhân. Đây là một chủ trương rất đúng đắn nhưng cũng chỉ có thể thực thi thật tốt một khi thiết kế của ngôi nhà KH Việt Nam hoàn tất. Chắc không nhiều người biết rằng những hãng công nghiệp ô tô lớn của Đức như Mercedes, Volkswagens vẫn chi hàng năm hàng trăm nghìn EUR để hỗ trợ những đề án NCCB trong các lĩnh vực Toán học, Thiên văn học, Vật lý hạt nhân… với mục đích duy nhất là mang lại được những hiểu biết KH ngày càng sâu hơn cho nhân loại và đồng thời mang vinh quang về cho nền KH và trí tuệ của dân tộc Đức. Tôi hi vọng rằng cũng sẽ đến lúc các nhà KHCB của Việt Nam có được vị trí xứng đáng của mình trong ngôi nhà KH Việt Nam để tham gia đóng góp tốt nhất cho công cuộc phát triển KH và công nghệ chung của dân tộc. KHCB của đất nước phải có được sự hỗ trợ và ưu tiên đầu tư kinh phí thích đáng không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn từ phía các tầng lớp xã hội khác nhau, đặc biệt từ phía các doanh nghiệp tư nhân lớn. Nếu như các doanh nghiệp hảo tâm có thể hỗ trợ, thưởng nhiều trăm triệu đồng cho các đội bóng, các vận động viên đoạt huy chương mang lại vinh quang cho Việt Nam tại SEA Games, Asiad… thì họ hoàn toàn có thể làm những việc tương tự để hỗ trợ và động viên các nhà KH của đất nước đã và đang thu được những kết quả nghiên cứu KH xuất sắc, mang lại vinh quang và tự hào cho nền tri thức và KH Việt Nam trên trường quốc tế.

Ta vẫn thường nghe nói là trong phát triển KH và công nghệ nước ta tụt hậu so với một số nước ASEAN láng giềng ít nhất 20 năm, nhưng ít người biết rằng trong hai lĩnh vực Toán Học và VL lý thuyết thì Việt Nam lại là quốc gia đi đầu của khối ASEAN, với một số lượng lớn các công trình KH xuất sắc công bố trên các tạp chí Toán học, VL quốc tế uy tín nhất. Đó là thành quả lao động sáng tạo không mệt mỏi của nhiều nhà Toán học, VL học Việt Nam từ 20 – 30 năm nay. Nhiều người trong số họ đã được tôn vinh bằng những giải thưởng, kỷ niệm chương quốc tế, từ thế hệ học sinh do họ đào tạo ra cũng đã có những em hiện đã trở thành những nhà KH tầm cỡ quốc tế. Đây là một trong những vốn “trí tuệ” rất quí của dân tộc Việt Nam mà phải được chăm sóc, hỗ trợ và tôn vinh thích đáng. Để làm được việc đó, ngoài việc đổi mới cơ chế quản lý và đầu tư cho KH, chúng ta còn phải tiến hành những hoạt động quảng bá cho trí tuệ Việt Nam, phổ biến kiến thức KH phổ thông cho đông đảo tầng lớp nhân dân. Làm sao cho dân chúng hiểu được rằng tri thức và KH không chỉ là thiết yếu đối với sự phát triển của đất nước mà còn là vốn trí tuệ quí báu của dân tộc và việc nâng niu, hỗ trợ và phát triển vốn trí tuệ đó phải là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam 3. Hãy nhớ rằng, nếu như ta luôn đòi hỏi một cách thô thiển là đằng sau mỗi một khoản đầu tư vào KH (bất kể từ ngân sách nhà nước hay từ nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp) phải có ngay một ứng dụng thực tế thì chắc chắn KH Việt Nam sẽ còn ở trong tình trạng kém phát triển và tụt hậu trong nhiều thập kỷ nữa, cùng với vốn “trí tuệ” trên của dân tộc vẫn mãi là nghèo so với quốc tế.
Tài liệu tham khảo

[1] Hà Huy Khoái, Toán Học Việt Nam: đôi điều suy nghĩ. Tạp chí Hoạt Động Khoa Học, Bộ KHCN, số tháng 4/2005, trang 12.

[2] Phạm Duy Hiển, Khoa Học Việt Nam đang ở đâu? Tạp Chí Tia Sáng, Bộ KHCN, số tháng 6/2005, trang 9.

[3] Đào Tiến Khoa, Tri Thức và Khoa Học Việt Nam cùng với sự phồn vinh của đất nước. Tạp Chí Tia Sáng, Bộ KHCN, số tháng 7/2004, trang 12; số tháng 8/2004, trang 15.

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)