Để giữ ký ức tập thể?

Năm 2020, lịch sử - sự ghi chép có hệ thống ký ức tập thể của nhân loại trong thời gian hữu hạn mà chúng ta có mặt trên trái đất này bỗng trở nên vô cùng quan trọng. Tư duy lịch sử mách bảo chúng ta rằng: dù đại dịch đã gây nên tổn hại nặng nề đến cuộc sống con người, nhân loại đã trải qua và vượt lên trên rất nhiều cơn khủng hoảng sinh tồn tương tự. Nói cách khác, tư duy lịch sử giúp chúng ta vượt qua đau khổ của hiện tại để xây dựng tương lai. Nhưng trong thời đại mà môn lịch sử đang bị quên lãng để nhường chỗ cho sự lên ngôi của ngành công nghệ thông tin, liệu có cách nào để chúng ta giữ gìn những ký ức tập thể?


Ảnh: Wired.

Sự suy thoái của tư duy lịch sử và phai màu ký ức tập thể

Sự suy thoái về tầm ảnh hưởng của các khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, mà đặc biệt là khoa lịch sử, là xu hướng đã và đang gây nên sự lo lắng trong giới học thuật trong thập niên vừa qua. Khủng hoảng kinh tế năm 2008 tại Mỹ đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự lựa chọn ngành học của sinh viên cấp bậc đại học; ngành lịch sử tại Mỹ, tuy nhiên, là ngành gánh chịu sự giảm sút về số lượng sinh viên theo học nhiều nhất trong thập niên vừa qua, dù số lượng sinh viên Mỹ theo học đại học ngày càng tăng cao. Từ năm 2011, số lượng sinh viên theo học khoa lịch sử tại Mỹ giảm gần 1/3, và chiếm khoảng 1 – 2% tổng số lượng sinh viên tại Mỹ. Ngược lại, tại các trường danh giá nhất tại Mỹ như Yale, Brown, hay Princeton, ngành lịch sử lại là ngành luôn nằm trong tốp các ngành được lựa chọn nhiều nhất; tại Yale, ngành lịch sử là ngành được lựa chọn nhiều đứng thứ ba. Sự tồn tại của nghịch lý này phần nhiều có thể giải thích được bởi sức mạnh thương hiệu của các trường đại học thuộc nhóm Ivy League ở Mỹ và những đặc quyền, đặc lợi mà sức mạnh này mang lại: một tấm bằng đại học từ Yale hay Brown không chỉ là chứng chỉ xác nhận trình độ và kiến thức của sinh viên về chuyên ngành đã học, mà còn được xem là một “thẻ bài” chứng minh khả năng trí tuệ và sự kiên trì của người sở hữu tấm bằng. Niềm tin rằng một tấm bằng đại học từ những trường Ivy League có thể cho bạn công việc ở bất kỳ cơ quan hay tổ chức nào vẫn rất mạnh mẽ trong đại bộ phận sinh viên tại Mỹ; đây là một đặc trưng mang tính phân cấp của giáo dục Mỹ.  Nhưng có lẽ quan trọng hơn hết, nghịch lý này thể hiện một hiện thực đáng lo ngại: rằng tư duy lịch sử, vốn được nuôi dưỡng bởi sự phát triển của công tác dạy – học và nghiên cứu của ngành lịch sử, đang dần trở thành đặc quyền của giới trí thức tinh hoa. Đặc quyền được dùng giáo dục như là cánh cửa mở ra những chân trời mới về không gian lẫn thời gian và rèn giũa tư duy – điểm mạnh của các ngành khoa học xã hội và nhân văn – vô hình trung trở thành một đặc điểm phân hóa giữa một chương trình giáo dục đắt đỏ và chương trình giáo dục đại chúng. Việc phân cấp giáo dục lịch sử, đi kèm với việc tư duy lịch sử trở nên “thất sủng” trong cách giáo dục được tổ chức và định hướng dẫn đến hai hệ quả lớn. Thứ nhất, ký ức tập thể được vun vén bởi không chỉ công tác ghi chép và phân tích lịch sử, mà còn được xây dựng bởi một văn hoá đại chúng yêu lịch sử, ham tìm hiểu về những câu chuyện, những tường thuật về các không gian ký ức không nằm ở thực tại. Việc tư duy và tìm hiểu lịch sử một cách có hệ thống dần trở thành hoạt động của giới tinh hoa giảm đi tính tập thể của những ký ức vô cùng quan trọng trong việc xã hội tìm được ý nghĩa và sự gắn kết của chính mình. Thứ hai, sự kém phổ biến của tư duy lịch sử trong văn hóa đại chúng giảm đi khả năng phục hồi của xã hội sau những khủng hoảng lớn. Một cộng đồng gánh chịu những hậu quả nặng nề của khủng hoảng tự nhiên, xã hội, hay bệnh dịch không thể tạo nên và lan tỏa những câu chuyện giúp họ nhìn nhận trải nghiệm tập thể nếu những câu chuyện tường thuật này không được xây dựng nên từ góc nhìn tầm chiêm nghiệm vượt ra ngoài không gian trực tiếp của cộng đồng họ. 

Sự mờ phai của tư duy lịch sử và tính “thời trang” của việc khai thác triệt để hiện tại cho tương lai không chỉ là một triệu chứng của xã hội tư bản thời kỳ cuối (hay Shoshana Zuboff gọi cụ thể hơn là xã hội tư bản giám sát), mà còn là biểu hiện của một xã hội đang dần nắm bắt nhịp điệu và nhận thức luận của công nghệ điện toán cũng như ảnh hưởng sâu rộng của công nghệ trong vận hành xã hội.

Suy giảm về sự phổ biến của ngành lịch sử và tư duy lịch sử trong xã hội trong thập niên vừa qua xảy ra trùng hợp với sự phát triển mạnh mẽ của khối ngành dữ liệu lớn và khoa học dữ liệu. Ngành khoa học dữ liệu lớn phát triển trên nền tảng phát triển tăng vọt của công nghệ điện toán và lượng dữ liệu người dùng khổng lồ được tạo ra bởi các hoạt động mua sắm, mạng xã hội, định vị, và dữ liệu về dữ liệu (metadata) do người dùng internet tạo ra khi sử dụng các dịch vụ công nghệ điện toán hằng ngày. Trước sự khả dụng của khối dữ liệu lớn này, các công ty công nghệ là những tổ chức đi tiên phong trong việc ứng dụng và phát triển các phương thức toán học điện toán tối ưu để có thể xử lý và đưa ra những tiên đoán chuẩn xác về hành vi người dùng thông qua những dấu vết điện toán mà họ dù muốn dù không vẫn phải để lại sau mỗi hoạt động trên mạng. Nhu cầu cho việc làm liên quan đến xử lý dữ liệu lớn ngày càng tăng cao với xu hướng thu thập, tích trữ, và phân tích dữ liệu của các doanh nghiệp; khối giáo dục đại học đáp trả xu hướng được chỉ định bởi thị trường việc làm bằng cách thiết kế ra các chương trình đào tạo mới liên quan đến dữ liệu lớn, cũng như kết hợp các khóa học nhỏ liên quan đến dữ liệu lớn và khoa học dữ liệu vào các chương trình có sẵn. Khối giáo dục đại học, thông qua hành động này, tiếp tục gửi các tín hiệu góp phần vào việc cường điệu hóa những lời hứa cho một “tương lai điện toán” mà các quá trình tự động hóa là quy trình cốt lõi trong cách xã hội hiện đại được vận hành. Thu thập và lưu trữ thật nhiều dữ liệu của hiện tại và dùng khối dữ liệu khổng lồ này để dự đoán thật chính xác tương lai chính là nền tảng của khoa học dữ liệu; sự lên ngôi của ngành khoa học dữ liệu mang theo không chỉ những cách vận hành tối ưu lợi nhuận mới tại các doanh nghiệp, mà còn mang theo những định hướng xã hội mang tính không gian và thời gian mới. Những gì xảy ra ngay tại thời điểm hiện tại luôn cần được dữ liệu hóa một cách có hệ thống và phù hợp với những cấu trúc điện toán sẵn có nhằm mục đích lưu giữ và phân tích về sau; dữ liệu chỉ có giá trị khi chúng có thể đưa ra dự đoán chính xác về tương lai và mang lại lợi nhuận hữu hình cho đối tượng khai thác dữ liệu. 

Ký ức tập thể và dữ liệu điện toán – hướng đến sự bổ trợ trong tương lai?

Hugo von Hofmannsthal, nhà văn người Áo đầu thế kỷ XX, mô tả khái niệm ký ức tập thể một cách rất văn chương rằng ký ức tập thể là cách mà từng lớp màng quá khứ đang vang vọng ở thực tại tập thể của chúng ta. Ở một cái nhìn mang tính phân tích hơn, nhà xã hội học và triết gia người Pháp Maurice Halbwachs cho rằng ký ức được chia sẻ ở cấp độ xã hội có thể được coi là công cụ phục vụ cho việc thiết lập sự gắn kết của xã hội, cũng như vun đắp sự tin tưởng và tính đoàn kết giữa các cá thể đồng tồn tại. Theo góc nhìn xã hội học, bất kỳ cộng đồng xã hội nào cũng cần thực hiện việc củng cố bản sắc của nó bằng cách xây dựng những câu chuyện, phiên bản quá khứ của xã hội đó; những câu chuyện, phiên bản về quá khứ này cần nhận được sự đồng thuận của các thành viên trong xã hội, để từ đó trở thành lời giải thích chung cho chính sự tồn tại của trật tự xã hội của hiện thực tập thể. Trong quá trình này, các phương tiện truyền thông đóng vai trò là chiếc tàu lưu trữ và chở ký ức tập thể đi khắp nơi; truyền thông cũng chính là “không gian”- hữu hình hay vô hình – nơi ký ức cá nhân có thể tìm thấy vị trí và sự đồng điệu hay bất hòa với ký ức tập thể. Tại những không gian này, con người còn có thể thừa hưởng những ký ức tập thể mà cá nhân họ chưa từng trải qua: ký ức và tường thuật về chiến tranh cho thế hệ hậu chiến, hình và phim ảnh về văn hóa những thập niên tiền chiến ở một châu lục xa xôi, hay chính hình ảnh và tường thuật về những sự kiện cận đại xảy ra ở các nước láng giềng. Ký ức tập thể không phải là một vật thể nguyên khối đồng nhất; ký ức tập thể là kiến trúc xã hội được xây dựng bởi những nỗ lực chính trị – xã hội luôn dịch chuyển, đi cùng với những hệ thống hạ tầng công nghệ truyền thông đang được lợi nhuận hóa ngày càng tinh vi và với những quy trình và cách thức nằm ngoài tầm giám sát của người dùng. 


Người Ý hát ở ban công động viên tinh thần nhau giữa lúc cao trào của dịch Covid-19. Ảnh: Wall Street Journal.

Ký ức tập thể là điểm tựa cho bản ngã cá nhân và là cơ sở cho sự tồn tại của ý thức cộng đồng. Đại dịch Covid-19 và những nỗ lực chống dịch toàn cầu là một ví dụ điển hình cho sự hình thành ký ức tập thể nhân loại: dù tầm ảnh hưởng của Covid-19 đến từng quốc gia và các nhóm chính trị – xã hội là không đồng đều, ký ức chung về cơn khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu không chỉ cho ta một điểm chung với những nhóm người và cá thể cách xa về không gian và thời gian, mà còn giúp ta nhận ra sự chênh vênh và tính hữu hạn của sự tồn tại của loài người trên Trái đất. Ở khắp nơi trên thế giới, chúng ta nhìn thấy hình ảnh xác người tử vong vì Covid-19 được lặng lẽ mang đi chứa ở các xe tải đông lạnh đậu dọc bang New York và chờ xử lý qua nhiều tháng trời do tỉ lệ tử vong quá cao tại Mỹ. Chúng ta cổ vũ hình ảnh người dân Ý ca hát từ ban-công nhà để an ủi nhau vượt qua giãn cách xã hội; xúc động trước hình ảnh biểu tình đòi công bằng của người da đen tại Mỹ ngay giữa đại dịch hay sững sờ trước hình ảnh đám đông xông vào Điện Capitol để chống đối kết quả bầu cử vào thời điểm mà lây lan gần như đang đỉnh điểm tại Mỹ. Gần gũi hơn với hiện thực tại Việt Nam, hình ảnh cuộc sống thường nhật dần lấy lại nhịp điệu hối hả ở các thành phố lớn tại Trung Quốc cho chúng ta một bức tranh khác về tính mong manh trong trật tự xã hội loài người: rằng cho dù trật tự của thực tại đến từ những vun đắp và đấu tranh của quá khứ, sự lật đổ và tái thiết lập trật tự mới là quy trình thiết yếu trong cách mà loài người tổ chức xã hội của chính mình. 

Công nghệ điện toán – đặc biệt là mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin qua mạng – góp phần tạo nên những không gian ký ức ngày càng đa dạng. Đằng sau những không gian ký ức vượt qua giới hạn và rào cản hữu hình này là bộ máy khai thác những dấu vết điện toán mà con người để lại một cách tự động hóa. Việc tự động hóa lưu trữ những ghi chép về ký ức sống của con người trong môi trường điện toán thay đổi cách ký ức tập thể được xây dựng và chia sẻ: ký ức chủ quan của cá nhân về những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ có thể sai khác với những tường thuật mà dữ liệu và sự tổng hợp tự động hóa của dữ liệu mang lại. Các nhà khoa học xã hội điện toán (computational social scientist) đã nhanh chóng thu thập, theo dấu, và ứng dụng các phương pháp tự động hóa như học máy và mô hình chủ đề trong việc phân tích những ký ức sống trong đại dịch. Từ những vấn đề như việc tuyên truyền kỳ thị và phân biệt đối xử với những nhóm thiểu số trên mạng xã hội trong bối cảnh Covid-19, đến việc quan sát và phân tích hoạt động thể chất và giữ gìn sức khỏe thông qua dữ liệu tự động từ các thiết bị di động, những tường thuật được kể lại từ dấu vết điện toán mà người dùng internet để lại góp phần phơi bày những phiên bản ký ức tập thể dưới hình thức những bức ảnh dữ liệu chụp vội; những bức ảnh này bổ sung vào tập hợp kho ký ức chung của chúng ta những chi tiết và câu chuyện ẩn sâu chỉ có thể được khai quật bởi chính những quy trình điện toán tự động nằm ngoài những cảm quan nội tại của con người. 


ATM gạo – một hình thức phát gạo miễn phí cho những người gặp khó khăn trong dịch bệnh ở Việt Nam. Ảnh: VnReview.

Các sử gia cũng đang dần đón nhận những biến chuyển về cách mà ký ức tập thể được tường thuật, lan truyền, và xây dựng trong thời đại mà các quá trình tự động hóa đang ngày càng trở thành một phần được tích hợp sâu rộng vào sinh hoạt xã hội. Đơn cử cho xu hướng này là dự án “Nhật ký năm tai họa đại dịch” (A journal of the plague year) bởi các sử gia đến từ nhiều quốc gia, được khởi xướng bởi một nhóm sử gia tại trường đại học Arizona State. Ngay khi đại dịch Covid-19 bùng nổ bên ngoài Trung Quốc vào đầu tháng ba, nhóm sử gia này đã nhanh chóng tạo ra kho lưu trữ ký ức trực tuyến và kêu gọi mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới gửi đến kho lưu trữ này bất kỳ dữ liệu nào mà họ cảm thấy diễn tả được những nghịch lý của việc sống giữa đại dịch – các câu chuyện bằng chữ, các vật thể điện toán như hình ảnh, video, thu âm, tweet, bài đăng trên Facebook, Instagram, Snapchat, ảnh chụp màn hình, email… với mục đích ghi chép, cập nhật, và giám tuyển theo thời gian thật những diễn biến của đại dịch với quy mô toàn cầu. Tuy lượng dữ liệu mà dự án thu thập được là không đáng kể so với lượng dữ liệu hữu cơ khổng lồ mà các nhà nghiên cứu sử học có thể thu thập một cách thủ công hoặc tự động hóa trên các trang mạng xã hội, việc dự án được đề ra thể hiện sự nhìn nhận có hệ thống cách không gian ký ức hỗn huyết bao gồm con người và những thực thể máy móc điện toán đã và đang biến đổi và cho phép cách chúng ta ghi nhớ. 

Nhìn vào tương lai công nghệ – nhân văn hỗn huyết của chúng ta

Chúng ta sống giữa sự đồng tồn tại của ký ức nội tại của cá nhân giữa những ký ức tập thể không ngừng chuyển động, cùng với hệ thống công nghệ điện toán không ngừng ghi nhận các hoạt động của con người với định hướng tối hậu là mang lại những tường thuật về chính chúng ta và xã hội mà chúng ta đang xây dựng. Chung sống với những không gian ký ức đa chiều này đòi hỏi sự nhìn nhận ký ức như là một dự án phản duy con người – rằng con người và những cảm quan của chúng ta không nên là trung tâm của cách mà chúng ta xây dựng ký ức về chính mình. Nhìn nhận vị trí của con người như là một phần, dù là một phần vô cùng quan trọng, của nền sinh thái với bề dày lịch sử vượt xa sự tồn tại của loài người, là điểm khởi đầu cho cách chúng ta kể những câu chuyện sâu sắc hơn về mình. Hệ sinh thái đa dạng loài của chúng ta – hệ sinh thái bao gồm virus, dơi, hay tê tê – còn bao gồm cả những vật thể công nghệ nhân tạo do chính chúng ta tạo ra. Cách chúng ta tạo dựng ký ức tập thể trong tương lai sẽ ngày càng dựa trên những dữ liệu điện toán do chính chúng ta để lại phía sau; nhìn nhận sự can thiệp và lực ảnh hưởng của công nghệ như một đối tác bình đẳng có lẽ là cách tốt nhất để điều hướng cho tương lai hỗn huyết của chúng ta. □

Tài liệu tham khảo
A journal of the plague year https://covid-19archive.org/s/archive/page/Share 
Halbwachs, M. (1992 [1952]). In L. A. Coser (Ed.), On collective memory. Chicago, IL: University of Chicago Press.
Olick, J. K., & Robbins, J. (1998). Social memory studies: From “collective memory” to the historical sociology of mnemonic practices. Annual Review of Sociology, 24, 105–136.
The history BA since the great recession: The 2018 AHA Majors Report https://www.historians.org/publications-and-directories/perspectives-on-history/december-2018/the-history-ba-since-the-great-recession-the-2018-aha-majors-report 
Tison, G. H., Avram, R., Kuhar, P., Abreau, S., Marcus, G. M., Pletcher, M. J., & Olgin, J. E. (2020). Worldwide effect of COVID-19 on physical activity: a descriptive study. Annals of internal medicine, 173(9), 767-770.
Uyheng, J., & Carley, K. M. (2020). Bots and online hate during the COVID-19 pandemic: case studies in the United States and the Philippines. Journal of Computational Social Science, 3(2), 445-468.

Tác giả

(Visited 29 times, 1 visits today)