Để hiền tài thực sự là nguyên khí quốc gia

Sau một ngày làm việc (24.9.2005) và lắng nghe khoảng hơn 20 ý kiến phát biểu đóng góp từ phía đại diện của giới khoa học Việt Nam, Thủ tướng Phan Văn Khải cuối cùng đã dẫn lời của tiền nhân:

Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” để nhấn mạnh tầm quan trọng của các nhà khoa học trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Nhưng Thủ tướng cũng cho rằng để thực sự là người “hiền tài”, các nhà khoa học cũng phải tự sửa mình trước những “căn bệnh” như mất đoàn kết, thiếu tinh thần hợp tác, thiếu trung thực, hám danh, hám lợi… Thủ tướng đề nghị tổ chức hàng năm cuộc gặp gỡ giữa đại diện Chính phủ và các nhà khoa học và tiến tới có một ngày “Khoa học và công nghệ” ở Việt Nam.

Bước vào ngưỡng cửa của thế kỷ 21, thế kỷ của kinh tế tri thức và đứng trước cơ hội (và thách thức) của hội nhập, khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã làm gì và sẽ thay đổi như thế nào để đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước? Một câu hỏi đơn giản nhưng lại chưa tìm được câu trả lời đầy đủ, thích đáng. Cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và các nhà khoa học vừa qua cũng chỉ là dịp để “sới lại” những gì mà giới khoa học đã từng biết, quá biết và muốn có những thay đổi.
Động lực phát triển
Những chữ, và thành ngữ quá quen thuộc “Khoa học và công nghệ được coi là động lực phát triển đất nước” trích dẫn từ các Nghị quyết Trung ương đã được nhiều người nhắc đi, nhắc lại trong buổi làm việc, nhưng với những ý nghĩa và góc nhìn khác nhau.
Nhiều nhà khoa học cho rằng nếu đã xác định khoa học là động lực cho sự phát triển của đất nước thì nền khoa học cũng như người làm khoa học nước nhà phải thực sự được xã hội tôn trọng và coi trọng. Nhà nước cần có nhiều quan tâm hơn tới các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ để họ thực sự có “động lực” trong các nghiên cứu, nghề nghiệp.

Chuyển từ bao cấp sang thị trường: Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập để phát huy tính năng động của các tổ chức này trong nền kinh tế thị trường. Chuyển đổi các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ của Nhà nước có sản phẩm gắn với thị trường sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Có cơ chế chính sách hỗ trợ các tổ chức này trong quá trình chuyển đổi. Khuyến khích các viện nghiên cứu, trường đại học thành lập hoặc liên doanh, liên kết đối với các tổ chức trong nước, nước ngoài để thành lập các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, có chính sách khuyến khích đầu tư đặc biệt về cơ sở hạ tầng, thuế, sử dụng đất đai đối với doanh nghiệp KH&CN hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao (Trích Đề án Phát triển thị trường công nghệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30.8.2005)

“Một nghiên cứu chính như tôi, có chuyên môn, có ngoại ngữ, có công trình nghiên cứu… mà chỉ có thu nhập không quá 1 triệu đồng, tức là bằng lương của một công nhân xây dựng bậc 3 hay một công nhân ở nhà máy chế biến thì làm sao đủ sống”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Thuỷ sản 3 (Nha Trang) nói. Chia xẻ ý kiến này, Giáo sư Bùi Chí Bửu thuộc Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long cho rằng chế độ tiền lương của Việt Nam hiện rất bất hợp lý, nặng về thâm niên hơn là về trình độ thực tế: “Một tiến sĩ trẻ, giỏi ở nước ngoài về lương không bằng một cán bộ có thâm niên trong nước thì làm sao mà bình đẳng được”.
Giáo sư Hoàng Tuỵ cũng nhấn mạnh rằng khi nhà khoa học suốt ngày phải nghĩ tới chuyện mưu sinh thì khó mà làm khoa học được. Như vậy theo ông, trước mắt nhà khoa học phải có một mức sống tốt chứ chưa cần một mức sống cao. Tuy nhiên, cái cách sử dụng ngân sách cho nghiên cứu khoa học để làm tăng thu nhập cho các nhà nghiên cứu lại bị ông chỉ trích khá mạnh: “Không có nước nào như nước ta lại sử dụng tiền ngân sách cho việc nghiên cứu để tăng thu nhập. Kinh phí khoa học của các nước chỉ để cho phương tiện, thiết bị nghiên cứu khoa học chứ không để tăng thu nhập”. Chính từ chính sách tiền lương chưa thỏa đáng, nhà khoa học không có đồng lương tử tế đã dẫn tới đủ thứ tiêu cực…
Nhưng lương chưa chắc đã là tất cả, nhiều người cho rằng điều quan trọng hơn là Nhà nước phải tạo ra một cơ chế, một môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà khoa học. Theo Giáo sư Hoàng Tụy, trước hết phải có một chuyển biến cách mạng trong nhận thức về vai trò của khoa học đối với đất nước. Sở dĩ các chính sách về KH&CN hiện nay của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập bởi chúng bắt nguồn từ nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của KH&CN. “Những chính sách đã ra đời theo tôi chưa thực sự thông thoáng để huy động tri thức của người Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của KH&CN”, ông nhấn mạnh.
Tiến sĩ Phan Thanh Bình (Đại học Quốc gia TP HCM) cũng cho rằng cần phải làm việc nhiều hơn nữa để có những cơ chế và chính sách tốt cho KH&CN. Ông nói: “Rất khó có những cái mới được hình thành nếu không có cơ chế mới. Khi môi trường được thay đổi thì sẽ có những cái mới xuất hiện”.



“Các ý kiến đề nghị tạo môi trường làm việc tốt, điều kiện nghiên cứu đầy đủ; đãi ngộ xứng đáng về vật chất và tinh thần (lương, thu nhập và khen thưởng) đều là nguyện vọng chính đáng. Tuỳ theo khả năng kinh tế và ngân sách, Chính phủ đang nghiên cứu và từng bước giải quyết, nhất định sẽ tốt dần lên và thực sự khuyến khích được người tài, không làm theo kiểu bình quân chủ nghĩa mà phải theo công sức đóng góp của mỗi nhà khoa học”. Thủ tướng Phan Văn Khải
Trước những ý kiến “nóng bỏng” của các nhà khoa học, Thủ tướng Phan Văn Khải thừa nhận: “Trong các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước đều nói: “Khoa học và công nghệ là động lực, là nền tảng, là quốc sách…”. Nhưng để biến những điều này thành hiện thực thì đó là một yêu cầu đối với chúng ta”. Thủ tướng cũng nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là phải tìm cách biến các tiềm năng của KH&CN trở thành những hành động thực tế giúp đất nước thoát khỏi những nguy cơ tụt hậu đối với khu vực và thế giới. “Không có KH&CN thì làm sao chúng ta có thể đi nhanh được, làm sao có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và làm sao làm giàu cho đất nước được”, ông nói. Như vậy, theo Thủ tướng, điều mà Chính phủ hiện đang cần là các nhà khoa học, các nhà chuyên môn phải hiến kế để KH&CN nước nhà vượt qua những rào cản, trở ngại trước mắt.

Thách thức hội nhập
Tuy chưa thực sự là một “Hội nghị Diên Hồng” nhưng những ý kiến của các nhà khoa học thực sự là các trăn trở, suy tư trước sức ép của hội nhập, trước mong muốn KH&CN đóng góp nhiều hơn vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Nhà khoa học trẻ 30 tuổi Phạm Minh Tuấn đã đưa ra những ý kiến khá mạnh mẽ. Theo anh, Việt Nam tuy mới bắt đầu hội nhập với thế giới nhưng “giặc” đã đến sát sườn. “Giặc” ở đây chính là tình trạng nhập công nghệ lạc hậu để sản xuất hàng hóa. “Một điều tra đánh giá về hiện trạng công nghệ của tỉnh Đồng Nai mà chúng tôi vừa thực hiện cho thấy hàm lượng công nghệ hiện rất thấp trong số 500 doanh nghiệp được điều tra. Điều này đồng nghĩa với việc về lâu dài các sản phẩm sản xuất ở Việt Nam khó có thể có sức cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập”, anh nói và kiến nghị cần phải đưa ra một chỉ số về công nghệ trong khi xét duyệt đầu tư.

Giáo sư Nguyễn Chí Sáng (Viện Nghiên cứu cơ khí) đề nghị cần phát huy mạnh mẽ tiềm năng của các tổ chức KH&CN trong việc nghiên cứu, sản xuất những công nghệ, thiết bị thay thế hàng ngoại nhập. Ông cho biết: “Các nhà khoa học Việt Nam không phải không có năng lực, nhất là trong lĩnh vực sản xuất thiết bị cơ khí phục vụ các ngành thủy điện, xi măng, sản xuất nhôm, giấy, hóa chất. Vậy thì phải gắn các yêu cầu nghiên cứu này vào các chương trình kinh tế lớn của đất nước”. Giám đốc công ty dược phẩm Traphaco Vũ Thị Thuận cũng đồng ý với ý kiến này và cho rằng các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN cần phải gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. “Chỉ riêng hai sản phẩm sâm và linh chi đã mang lại cho Hàn Quốc mỗi năm 4 tỉ đô la. Như vậy nếu Việt Nam giải quyết tốt được công nghệ tạo nguyên liệu cho ngành dược phẩm thì đây sẽ là cơ hội tốt giúp chúng ta đương đầu với hội nhập”, bà nói.
“Khoán 10” trong khoa học
Thuật ngữ “Khoán 10” vay mượn từ thành công trong nông nghiệp Việt Nam đã được không ít các nhà khoa học sử dụng trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng. Thực chất sự vay mượn này cũng chỉ để diễn tả một điều: cần một tư duy mới, luồng gió mới để thay đổi không khí, để “cởi trói” cho lực lượng KH&CN nước nhà.
Những bùng nhùng trước mắt cần giải quyết trong KH&CN là thay đổi cơ chế hành chính phức tạp, thiết lập cơ chế đánh giá đúng giá trị chất xám của các nhà khoa học, giải quyết sự lấn cấn trong quyền sở hữu đối với các nghiên cứu mà Nhà nước đầu tư, có chế độ sử dụng người tài thích hợp, gắn các nghiên cứu KH&CN vào quyết định đầu tư trọng điểm của nhà nước, có cơ chế gắn kết các viện nghiên cứu với trường đại học, thúc đẩy việc xã hội hóa KH&CN để cho phép tư nhân tham gia vào các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ…

Ông Trương Gia Bình, Tổng giám đốc công ty FPT đưa ra một ví dụ cụ thể hơn: hiện tại Nhật Bản đang muốn chuyển giao công nghệ phần mềm nhúng cho Việt Nam nhưng chưa có viện nào ở Việt Nam nghiên cứu về vấn đề này. Các doanh nghiệp buộc phải “tự bơi”, nghĩa là tự hội họp với nhau bàn chuyện nghiên cứu. Như vậy, thời gian nghiên cứu sẽ chậm và cơ hội sẽ qua đi. Ông cũng cho rằng hiện tại đối với các doanh nghiệp, công nghệ quản lý là điều quan trọng nhất. Thế nhưng các tổng công ty 90, 91 đều không làm. Lý do đơn giản là không phải doanh nghiệp nào cũng thích đưa công nghệ mới vào. Như vậy cần phải có những tác động từ phía Nhà nước.


 

Tiến sĩ Phan Thanh Bình

Giáo sư Hoàng Tụy

Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu


Nhà KH trẻ Phạm Minh Tuấn

Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu

 

Thủ tướng Phan Văn Khải trong buổi kết luận đã nhấn mạnh: “Yêu cầu hội nhập và đổi mới công nghệ là nhu cầu bức bách trong 5 năm tới. Muốn vậy phải thúc đẩy một số việc quan trọng để tìm ra cơ chế, chính sách tạo ra động lực trong khoa học như điều mà khoán 10 đã làm trong nông nghiệp. Cái gốc của phát triển kinh tế nhanh vẫn là giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ”.
“Doanh nghiệp phải tăng đầu tư cho KH&CN, hình thành các tổ chức nghiên cứu trong doanh nghiệp. Nhà nước sẽ có cơ chế để doanh nghiệp có thể giành 3-5% doanh thu cho nghiên cứu đổi mới công nghệ. Các nhà khoa học phải đổi mới tư duy, chủ động tìm đến các doanh nghiệp để phát hiện các nhu cầu của doanh nghiệp, tìm kiếm công nghệ, giải mã, làm chủ, cải tiến và sáng tạo công nghệ”. Thủ tướng Phan Văn Khải
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan cùng với Bộ KH&CN nghiên cứu tiếp tục đổi mới các cơ chế, chính sách để làm sao tới năm 2010, đầu tư cho KH&CN phải đạt 1,5% GDP.

Bên cạnh đó, ông cho biết Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN, đặt hàng tới các viện, trường nghiên cứu. “Những bài học phát triển về KH&CN của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đáng để chúng ta tìm hiểu, học tập và phát huy”, ông nói./.

Mục đích thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm:
1.      Tăng cường trách nhiệm và nâng cao tính tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo của tổ chức KH&CN và Thủ trưởng tổ chức KH&CN.
2.      Tạo điều kiện gắn nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh và đào tạo nhân lực, đẩy nhanh quá trình xã hội hóa các hoạt động KH&CN.
3.      Tạo điều kiện tập trung đầu tư có trọng điểm cho các tổ chức KH&CN.
4.      Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN, góp phần tăng cường tiềm lực KH&CN của đất nước.
(Trích Nghị định Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập do Chính phủ ban hành ngày 5.9.2005)

Thanh Hà

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)