Di cư và quá trình phát triển

Đại dịch COVID khiến những dòng người di cư ở phía Nam lũ lượt trở về quê hương bản quán và hệ lụy thiếu lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng hậu đại dịch là điều cực chẳng đã nhưng cũng là cơ hội hiếm hoi để nhìn nhận lại vấn đề di cư một cách có hệ thống: từ chân dung những người di cư, các động lực di cư, mối quan hệ của di cư với quá trình phát triển cũng như những chính sách di cư hiện nay.

Lễ xuất quân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Đắklắk. Ảnh: Bảo tàng Đắklắk.

Yếu tố di cư đóng vai trò quan trọng định hình diện mạo cư dân trên mọi miền đất nước trong vài thập kỷ gần đây. Phần lớn dân cư đang sinh sống ở các thành phố lớn hiện nay đều là/ từng là những người di cư. Đơn cử với TP HCM và khu vực lân cận, trong vài chục năm trở lại đây, số liệu di dân ở đây đổi thay từng ngày, chỉ riêng TP.HCM, cứ 5 năm lại tăng dân số thêm một triệu người, trong đó hơn 2/3 là người di cư. Hàng chục triệu dân cư đang sinh sống ở các tỉnh miền núi cũng có thể là con cháu của hơn 4 triệu người thuộc thế hệ đã đi xây dựng vùng kinh tế mới trong những năm 1960-1990.

Chúng ta có thể tìm thấy những phân tích hệ thống quá trình di cư, trong nửa thế kỷ trở lại đây trong cuốn sách “Di cư, đói nghèo và phát triển”, của PGS.TS Nguyễn Văn Chính vừa mới xuất bản, để thấy được mối quan hệ, đóng góp của những bước chân di cư, của từng con người nhỏ bé vào quá trình vận động lớn lao của nền kinh tế – xã hội như thế nào. Để làm rõ được những điều đó, PGS.TS Nguyễn Văn Chính tập trung nghiên cứu ba trào lưu di cư lớn ở Việt Nam từ thập niên 1960 đến nay. Đó là: (i) trào lưu di cư xây dựng vùng kinh tế mới dưới thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa (1960-1990); (ii) trào lưu di cư từ nông thôn vào đô thị từ sau đổi mới 1990 cho đến những thập niên đầu thế kỷ 21; và (iii) trào lưu di cư của các nhóm dân tộc thiểu số từ miền núi đến các khu đô thị và di cư lao động xuyên biên giới ở khu vực phía Bắc. 

Sẽ khó có thể gói ghém được bức tranh muôn mặt của người di cư, cũng như những dòng dịch chuyển “bốn phương tám hướng” của người di cư, từ nông thôn đi tới khắp các vùng kinh tế mới theo các chương trình di cư của nhà nước, di cư tự do về khắp các đô thị hay tiếp tục di cư tới các vùng nông thôn khác nhau. Bức tranh di cư ấy lại càng trở nên tiếp tục đa dạng, nhiều tầng nấc khi di cư giờ đây cũng chằng chịt như mạng nhện, giữa các tộc người khác nhau, không chỉ đổ về đô thị lớn mà còn có những nhóm di cư vắt qua biên giới, tới cả những nơi thâm sơn cùng cốc. Về loại hình di cư, có di cư lâu dài, di cư thời vụ và thậm chí có cả di cư con lắc sáng đi tối về… Giữa rất nhiều thông tin, loại hình, tiêu chí, mốc thời gian… như vậy, việc định hình chân dung người di cư đòi hỏi một cái nhìn bao quát. Và PGS.TS Nguyễn Văn Chính đưa ra những khung tham chiếu để người đọc cùng phân tích các vấn đề này.

Các thành phố lớn của Việt Nam đang trong quá trình tăng dân số cơ học – một phần tất yếu trong quá trình phát triển của đô thị nhưng lại lúng túng trong ứng xử với người di cư.

Đối với trào lưu di cư xây dựng kinh tế mới, lý thuyết phát triển kinh tế vùng và vai trò điều tiết dân số của nhà nước trong Kinh tế học Xô viết đã được vận dụng để lý giải chính sách, hướng di chuyển, các hoạt động và tổ chức cuộc sống của người di cư. Đặc biệt, những phân tích dựa trên số liệu thống kê khô khan đã được làm mềm hóa bằng những câu chuyện cuộc đời của chính những người di cư, một cách tiếp cận lịch sử di cư từ ký ức, góp phần làm sống lại một thời kỳ lãng mạn cách mạng trong đó người lao động từ vùng đông dân được huy động đến những khu vực còn hoang vắng để lập nghiệp và khai phá các vùng kinh tế mới cho đất nước.

Đối với trào lưu di cư tự do từ nông thôn và miền núi vào đô thị, tác giả sử dụng lý thuyết lực hút/lực đẩy di cư nhằm phân tích các yếu tố hút và đẩy như những động lực chính của trào lưu di cư này. Thông thường người di cư thường sẽ di chuyển khi có lực hút từ phía nơi đến và lực đẩy từ nơi đi, mà thường là sự chênh lệch giữa các điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi giữa hai nơi: nơi có lực hút có điều kiện tốt hơn nơi xuất cư. Di cư là một chiến lược sinh kế của người dân, phải cân nhắc giữa nhiều yếu tố về nguồn lực, mạng lưới xã hội, thông tin về nơi đến, cũng như các trở lực tác động tới hành trình di cư.

Tuy nhiên, tác giả cũng nhấn mạnh rằng bên cạnh việc xem xét các yếu tố hút và đẩy, quá trình di cư cũng chịu ảnh hưởng của các trở lực (obstacles), bao gồm khoảng cách di cư, tình trạng giao thông, và những quy định của pháp luật mà một nghiên cứu về di cư không nên bỏ qua. Đáng lưu ý là khi phân tích đời sống và việc làm của người di cư trong không gian đô thị, tác giả đã chỉ ra chiến lược sinh tồn của người di cư là “tối đa hóa thu nhập và tối thiểu hóa chi phí”. Chiến lược này là tác nhân chính chi phối các khuôn mẫu của lối sống, công việc và chi tiêu của người lao động di cư.

Khi nghiên cứu trào lưu di cư của các nhóm dân tộc thiểu số từ miền núi đến các khu công nghiệp, vào các đô thị hay xuyên biên giới tìm việc làm, tác giả đã chỉ ra tầm quan trọng của lý thuyết vốn xã hội và mạng lưới xã hội của người di cư, được cho là có ảnh hưởng quan trọng đến thành công hay thất bại của các chuyến di cư. Ông cho rằng mạng lưới xã hội là một phức thể của các mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với cộng đồng hay tổ chức xã hội mà trong đó mỗi cá nhân có vai trò như là một mắt xích, được gắn kết bằng các mối quan hệ khác nhau như tình bạn, trao đổi kinh tế, có ảnh hưởng và lợi ích chung. Mạng lưới xã hội có thể tạo điều kiện để người di cư giảm chi phí môi giới việc làm, tránh rủi ro và tạo điều kiện, cơ hội cần thiết trong cuộc sống của người mới di cư.

Lực hút và lực đẩy di cư

Nếu không có các tư liệu công phu của cuốn sách, chỉ nhìn thấy những luồng di cư tự do khắp cả nước hiện nay, ít ai hình dung được rằng cách đây 30 năm trở về khoảng những năm 1960, các phong trào di cư lớn chỉ có một động lực – từ chính sách của nhà nước – nhằm phục vụ cho quá trình cân đối, sắp xếp lại dân cư giữa vùng đông dân và các vùng thưa dân giữ vai trò phên dậu của đất nước. Là một sản phẩm trực tiếp của chính sách kinh tế kế hoạch hóa, Chương trình Kinh tế mới lấy vai trò của nhà nước là chủ đạo, là “lực đẩy” cho di cư thay vì để người di cư đi theo lực hút .

Trong vòng 30 năm điều động, sự hi sinh thầm lặng của 4 triệu người từ vùng đồng bằng đông dân được điều chuyển lên miền núi đã mang lại kết quả to lớn cho công cuộc xây dựng kinh tế xã hội ở các vùng phên dậu của tổ quốc. Nhìn chung, công cuộc di dân đã làm giảm áp lực dân số cho các vùng đồng bằng, mở rộng phát triển hàng triệu hecta đất nông nghiệp và lâm nghiệp.

Không phủ nhận những đóng góp tích cực đó của quan điểm lấy chiến lược của nhà nước làm động lực di cư (khác với động lực di cư tự thân như với những nhóm di cư đô thị sau này), PGS.TS Nguyễn Văn Chính phân tích thêm những vấn đề ở chiều ngược lại còn ít được chú ý – những tác động của chính sách với người di cư – chủ thể của các chương trình di cư này. Phần lớn các phân tích từ phía nhà quản lý thường nhìn thấy kết quả của chương trình trên quy mô rộng lớn, nên ít khi thấy được các phong trào này được thực hiện ồ ạt, nặng về hình thức, không đi vào thực chất, không đồng bộ và thiếu trọng điểm, tổ chức di dân ồ ạt trong khi nguồn lực phục vụ di dân ít ỏi, không thực sự quan tâm đến lợi ích của chính những người được mang khỏi không gian sinh tồn quen thuộc đến một vùng đất xa lạ. Những chiến dịch tuyên truyền nhưng lại ít thông tin trước khi xuất cư khiến cho người di cư không có ý niệm đầy đủ về nơi đến, không kịp thích nghi với nơi đến, thậm chí quá sức chịu đựng và bỏ về bấp chấp việc vi phạm tính kỷ luật chặt chẽ, nặng nề dưới thời quản lý bao cấp kế hoạch hóa. Các quan sát “từ dưới lên” trường hợp về một số làng xuất cư và các nông trường tiếp nhận nhập cư cho thấy tỉ lệ người bỏ về rất cao, các nông lâm trường mà người di cư ở Hải Hưng di chuyển tới phải chịu tỉ lệ bỏ về dao động từ hơn 30% tới 60%. Những câu chuyện đời sống được ghi lại ở một ngôi làng thuộc tỉnh Hải Hưng cũ (Hải Dương ngày nay) cho thấy những hình ảnh sống động về động lực và cuộc sống của người di cư, và đặc biệt là những sức ép của phong trào duy lý, của cuộc sống nơi “rừng xanh núi đỏ”  khiến cho một nửa người di cư phải trở về (sau này trong tổng kết 30 năm di cư của Cục Định canh định cư và vùng Kinh tế mới cũng có nhận định tương tự).

Yếu tố di cư đóng vai trò quan trọng định hình diện mạo cư dân trên mọi miền đất nước trong vài thập kỷ gần đây.

Ở điểm này, phân tích của PGS.TS Nguyễn Văn Chính mang tới góc nhìn lý thuyết và những đúc rút mang tính quy luật và thảo luận lại cách lý giải trước đây – về thất bại của chính sách di dân ra khỏi vùng đồng bằng sông Hồng – trước đây được lý giải quy về bản chất, do văn hóa và căn tính của người nông dân quen sống trong cộng đồng quen thuộc, ngại thay đổi khỏi lũy tre làng. Ông lý giải, thực chất, sự thất bại ấy là do người nông dân bị mất tính chủ động, không thể xây dựng được mạng lưới xã hội của mình, không có thông tin về nơi đến, không được lựa chọn công việc mới. Bởi vì, trong lịch sử của đất nước này, lịch sử của từng làng mạc vẫn in dấu chân người di dân, hình hài đất nước cũng được xây dựng nên từ chính những luồng di dân. Và sau Đổi mới, cũng chính những người nông dân trên đồng đất ấy, họ vẫn di cư đến các vùng đất mới bởi vì họ được tự chủ, tự quyết, tự xây dựng mạng lưới xã hội ở nơi đến và tìm việc làm. Sau khi đất nước ra khỏi thời kỳ bao cấp, kể từ những năm 1990, di cư đã trở thành xu hướng rất lớn, khi các không gian sản xuất cũ là hợp tác xã đã tan vỡ, các gia đình cá thể được trả lại vai trò tự quyết được tự do tìm chiến lược sinh tồn mới. Và di cư trở thành chiến lược sinh tồn quan trọng vì đa phần các vùng nông thôn không còn tạo đủ công ăn việc làm.

Những vấn đề chính sách hôm nay

Nhưng cũng chính từ đây, người di cư từ nông thôn ào vào đô thị mà không còn một bệ đỡ chính sách nào đằng sau lưng. Trong cuốn sách, PGS.TS Nguyễn Văn Chính cũng đề cập tới một vấn đề sâu xa: trong suốt lịch sử trước những năm 1990, các nhà quản lý ở Việt Nam không có tư duy cụ thể, hoạch định đường xa cho quá trình phát triển đô thị – mà một điểm cốt yếu trong đó là chưa tính hết đến quá trình tăng dân số cơ học – một phần tất yếu trong quá trình phát triển của đô thị. Và giờ đây không có gì đáng ngạc nhiên khi các thành phố lớn của Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa rất mạnh mẽ nhưng cách ứng xử với những người di cư vẫn còn nhiều lúng túng. Đơn cử là tình trạng người di cư tự xoay xở, vật lộn trong điều kiện gần như không thể tiếp cận các dịch vụ công cơ bản như y tế, giáo dục. 

Cơ sở hạ tầng chưa tính tới yếu tố tăng dân số cơ học trong nhiều năm nên hạ tầng y tế, giáo dục ở các thành phố lớn ngày càng quá tải. Nhiều gia đình tham gia bốc thăm giành suất vào trường mẫu giáo. Ảnh: VOV.

Thực chất của đô thị hóa là quá trình biến đổi dân số cơ học, chất lượng sống và lối sống của người dân, cùng với quá trình đô thị hóa là sự gia tăng dòng di cư nông thôn đô thị, trong đó có cả dòng di cư có kỹ năng cao vào thành phố để định cư lâu dài và dòng lao động kỹ năng thấp, lao động mùa vụ. Dòng thứ nhất thường được các thành phố rộng cửa chào đón, không chịu nhiều sức ép về kinh tế còn dòng thứ hai dường như không xuất hiện trong các quy hoạch chính sách nào, mặc dù chính là nhóm giúp giải quyết tình trạng thiếu “thợ” ở đô thị. Trong cuốn sách này, ông mang lại bức tranh về những công việc thầm lặng mà người lao động di cư đang làm cho thành phố thông qua mô tả dân tộc học về đời sống, mạng lưới của những xóm nghèo đô thị, câu chuyện cuộc đời của những người di cư làm công việc tay chân trong lòng thành phố Hà Nội. Tưởng như những bức tranh ấy không liên quan đến con đường mà thành phố này định hình – vươn mình trở thành một trong những siêu đô thị lớn nhất khu vực – nhưng thực ra thể hiện rõ nhất mối quan hệ của đô thị với nhóm người di cư. Sức ép về môi trường, nhà ở, cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội của di cư lên khu vực đô thị là có thật nhưng nếu chỉ nhìn như vậy sẽ rất phiến diện, chỉ nhìn thấy tác động tiêu cực của dòng di cư nông thôn-đô thị mà quên mất vai trò quan trọng và những đóng góp tích cực của người di cư lao động tại các thành phố, và không bao giờ cắt nghĩa được sự phát triển và thịnh vượng của thành phố đến từ đâu. Người ta thường nghĩ, sự thịnh vượng của thành phố đến từ những thành phần tinh hoa, đến từ những chiến lược, từ việc kêu gọi đầu tư, mà đa phần quên mất rằng, những khu công nghiệp mênh mông, những đô thị sầm uất được xây nên ngày hôm nay có mồ hôi thầm lặng của chục triệu người di cư từ nông thôn vào đô thị.

Mọi động thái của các nhà quản lý: lờ đi các nhóm di cư tới đô thị, hay đẩy đuổi dọn dẹp vỉa hè đều có tác động mạnh tới các nhóm di cư nghèo lẩn khuất bên dưới bề mặt đô thị hào nhoáng – thực ra vô cùng đông đảo. PGS.TS Nguyễn Văn Chính cảnh báo, nếu giới quản lý đô thị chỉ muốn đón nhận dòng di cư tinh hoa, mà lại lờ đi, không có chính sách cho những dòng di cư bình dân là đi ngược lại quy luật phát triển của quá trình đô thị hóa. Những cảnh báo ấy, không ngờ lại hiển hiện rõ nhất trong trận đại dịch lịch sử cách đây tròn một năm, ở nơi nhận luồng di cư lớn nhất Việt Nam – TP Hồ Chí Minh và khu vực lân cận. Các chính sách đầu tiên để đảm bảo giãn cách ở TP Hồ Chí Minh là giảm các hoạt động ở khu vực kinh tế phi chính thức, đóng cửa chợ dân sinh, đóng cửa chợ đầu mối… dù không cố ý nhưng đã vô hình trung “giáng đòn” mạnh không gian sinh tồn của người di cư ở thành phố, không tính tới sức ngưỡng chịu đựng của nhóm di cư ít tích lũy, khiến cho toàn bộ nhóm này điêu đứng và ồ ạt tháo chạy trở về bản quán khi TP mở cửa trở lại. Chúng ta không có thống kê đầy đủ, nhưng áng khoảng TP HCM có lực lượng lao động phi chính thức chiếm khoảng 40-50%1 lao động, hoặc riêng vỉa hè đã giải quyết khoảng 30% nhu cầu công việc và mua bán thức ăn ở thành phố2 đã phải ngừng từ lúc bắt đầu giãn cách xã hội cuối tháng 5/2021.

Sau đại dịch, khi đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng do thiếu lao động di cư, thì cái nhìn hệ thống đó mới cho chúng ta đặt câu hỏi lại về vấn đề phát triển đô thị. Để thấy rằng, nhiều đô thị khi xác định đường hướng phát triển trong 5, 10 năm, tầm nhìn dài hạn vài chục năm đã không mang vấn đề người di cư lên bàn nghị sự. Trong các bản kế hoạch đưa đô thị phát triển gắn với nhiều từ khóa như “hiện đại”, “thông minh”, “nhân lực chất lượng cao”… hầu như không nhắc gì tới người di cư nông thôn – đô thị như một nhóm đặc thù cần có chính sách phù hợp. Trong khi đó, những người di cư – hơn 7/10 người di cư không chuyên môn kỹ thuật, toàn làm từ công nhân đến những việc long đong đồng nát – vẫn là những “mao mạch” quan trọng, góp phần vào nhịp đập hằng ngày của sinh thể đô thị.

Như thế, chiến lược di cư giảm gánh nặng cho nông thôn, là win – win – win với cả nông thôn, người di cư và đô thị. Chính sách di cư tốt là chính sách hỗ trợ cho mối quan hệ này chứ không phải chỉ nhìn một phía – áp lực người di cư tạo ra cho nơi đến. □

——

1 Ngô Thị Kim Dung, nghiên cứu “Những vấn đề an sinh xã hội của người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức ở TP.HCM”, Đề tài Sở KHCN TP HCM.

2 Annette Kim, Sidewalk city, University Of Chicago Press, 2015.

Tác giả