Điện hạt nhân hồi sinh và sự trỗi dậy của phương Đông
Điện hạt nhân hồi sinhSau một giai đoạn “ngủ đông” sau thảm họa hạt nhân Chernobyl (Ucraina) ngày 26/4/1986, điện hạt nhân “bừng tỉnh” cùng thiên niên kỷ mới. Góp phần vào sự trở lại của điện hạt nhân có các yếu tố sau: 1) Yêu cầu đa dạng hóa nguồn năng lượng để bảo đảm an ninh năng lượng; 2) Nhu cầu năng lượng bức bách của các nước đang phát triển; 3) Nguy cơ cạn kiệt nguồn nhiên liệu hóa thạch; và 4) Sự nóng lên toàn cầu do hiệu ứng nhà kính và những vấn đề môi trường, sinh thái nhiệt điện, thủy điện. Nhiều nhà khoa học dự đoán trong nửa đầu thế kỷ XXI, điện hạt nhân là nguồn năng lượng chưa thể thay thế.
TT |
|
SẢN LƯỢNG ĐIỆN HẠT NHÂN 2008 |
LPU ĐANG HOẠT ĐỘNG |
LPU ĐANG XÂY DỰNG |
LPU ĐÃ CÓ KẾ HOẠCH |
||||
Tỷ kWh |
Tỷ lệ % điện |
Số LPU |
Công suất MW |
Số LPU |
Công suất MW |
Số LPU |
Công suất MW |
||
|
Hoa Kỳ |
809 |
20 |
104 |
101.119 |
1 |
1.200 |
2 |
2.716 |
|
Pháp |
418 |
76 |
59 |
63.473 |
1 |
0 |
1 |
1.630 |
|
Nhật Bản |
240 |
25 |
53 |
46.236 |
2 |
2.285 |
13 |
17.915 |
|
Nga |
152 |
17 |
31 |
21.743 |
9 |
7.130 |
7 |
8.000 |
|
Hàn Quốc |
144 |
36 |
20 |
17.716 |
5 |
5.300 |
7 |
9.450 |
|
TOÀN THẾ GIỚI |
2601 |
15 |
436 |
372.553 |
50 |
45.438 |
137 |
151.185 |
Tính đến ngày 1.9.2009 trên thế giới có 436 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất điện là 372.533 MW đang hoạt động tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2008, các nhà máy điện hạt nhân đã sản xuất được hơn 2.600 tỷ kWh điện, chiếm 15% sản lượng điện năng toàn cầu. Năm nước đứng đầu thế giới về điện hạt nhân hiện nay theo thứ tự về sản lượng điện là Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc (Nguồn: WNA, 1.9.209).
Cũng theo Hiệp hội hạt nhân thế giới (World Nuelear Association – WNA), trên thế giới có hơn 30 nước đang xem xét nghiêm túc việc phát triển điện hạt nhân, trong đó có cả những nước dồi dào dầu mỏ như Cô-oét, Qatar, Tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE),… Cùng với khoảng 50 lò phản ứng đang được xây dựng, tính đến ngày 1/9/2009 đang có 137 lò phản ứng công suất đã được đặt hàng hoặc có kế hoạch xây dựng và 295 lò khác được dự kiến xây dựng. Hiện tại, các nhà xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân – đứng đầu là Pháp và Nga – đang rất bận rộn với những hợp đồng xây dựng, chuyển giao với các đối tác từ Hoa Kỳ, qua châu Âu, Nam Á đến Trung Quốc.
Sự trỗi dậy của phương Đông
Đầu tiên phải kể đến Trung Quốc. Mặc dù đi sau các nước kể trên khá lâu, nhưng hiện nay Trung Quốc đã trở thành một quốc gia có công nghiệp điện hạt nhân phát triển nhanh và mạnh trong khuôn khổ một chiến lược quốc gia dài hạn, có tầm nhìn xa và đầy tham vọng. Trung Quốc hiện có 11 lò phản ứng với tổng công suất hơn 8,5 GW đang hoạt động, 12 lò đang xây dựng và trong năm 2009 sẽ khởi công xây dựng ít nhất 12 lò khác. Trung Quốc đặt kế hoạch sẽ nâng tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân lên 50-60 GW và năm 2020 và 120-160 GW vào năm 2030. Không chỉ nhập khẩu công nghệ lò phản ứng của Pháp, Nga, Hoa Kỳ (gần đây nhất là hợp đồng nhập 4 lò phản ứng AP-1000), Trung Quốc còn đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển công nghệ, hướng tới mục tiêu độc lập tự chủ trong toàn bộ các khâu của chu trình điện hạt nhân, từ chế tạo thanh nhiên liệu đến công nghệ lò phản ứng. Các lò CPR-1000 công suất 1.000 MW do Trung Quốc tự thiết kế, chế tạo đang được xây dựng tại các nhà máy điện hạt nhân ở Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến và Liêu Ninh. Trung Quốc cũng đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn (Quảng Đông), sử dụng hai lò phản ứng EPR thế hệ III, nhập công nghệ châu Âu, mỗi lò có công suất 1.700 MW. Để thỏa mãn nhu cầu nhiên liệu tăng nhanh, Trung Quốc cũng đang ráo riết thu mua và tích trữ quặng urani từ khắp nơi trên thế giới (Trung Á, châu Phi, Australia,…)
Tiếp đến là Hàn Quốc. Điện hạt nhân có thể xem như cứu cánh cho một nước phải nhập khẩu đến 97% nhu cầu năng lượng. Từ lò phản ứng đầu tiên đi vào vận hành tháng 4/1978, đến nay 20 lò phản ứng với tổng công suất gần 18 GW đang cung cấp 40% sản lượng điện của Hàn Quốc. Giá điện hạt nhân của Hàn Quốc khá rẻ: 39 won/kWh (khoảng 3 xu Mỹ). Năng lượng hạt nhân được ưu tiên trong chiến lược phát triển năng lượng của Hàn Quốc với mục tiêu đến năm 2020 tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân sẽ đạt 27,3 GW và tỷ trọng điện hạt nhân sẽ tăng lên 56%. Hàn Quốc đang nỗ lực trở thành nước xuất khẩu công nghệ hạt nhân. Công ty Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) vừa ký thỏa thuận giúp Công ty Điện lực Indonesia (PNL) làm đề án nghiên cứu khả thi cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này ở đảo Java; dự kiến sử dụng 4 lò OPR-1000 công suất mỗi lò 1.000 MW do Hàn Quốc tự thiết kế và chế tạo.
Tại cuộc họp mới đây của các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN+3 tại Myanmar, Hàn Quốc đã đề nghị hỗ trợ ASEAN đào tạo nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân, sẵn sàng cung cấp những kiến thức kỹ thuật về nhà máy điện hạt nhân nhằm giúp các nước ASEAN giảm việc sử dụng năng lượng hóa thạch, giúp bảo vệ môi trường. Theo chương trình đào tạo kéo dài 3 năm từ 2009-2011, Hàn Quốc sẽ đào tạo tổng cộng 150 kỹ thuật viên và quan chức cấp cao cho các nước thành viên ASEAN.
Ấn Độ và Pakistan là hai nước Nam Á có nhà máy điện hạt nhân. Ấn Độ hiện có 17 lò phản ứng với tổng công suất điện 3.797 MW, chủ yếu tự thiết kế, chế tạo và xây lắp. Pakistan hiện có 2 lò phản ứng trong đó 1 lò có công suất 100 MW nhập công nghệ Canada và 1 lò công suất 300 MW do Trung Quốc chế tạo. Ấn Độ đang xây dựng mới 6 lò phản ứng, đã có kế hoạch 23 lò và dự kiến 15 lò khác (số lò tương đương ở Pakistan là 1,2 và 2). Ấn Độ đã ký các thỏa thuận chuyển giao công nghệ lò phản ứng với Nga và Hoa Kỳ.
Iran đang chuẩn bị tham gia vào hàng ngũ các nước có điện hạt nhân. Với sự giúp đỡ tích cực của Nga, lò phản ứng đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân Busher với công suất 915 MW sắp được vận hành. Iran đã có kế hoạch xây dựng hai lò phản ứng khác với công suất mỗi lò 950 MW (công nghệ Nga) và một lò công suất 300 MW (công nghệ Trung Quốc).
Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam là các nước Đông Nam Á đang tích cực chuẩn bị dự án điện hạt nhân. Cuối tháng 6 vừa qua, người viết bài này được tham dự Diễn đàn ASEAN+3 về an toàn hạt nhân tổ chức tại Thẩm Quyến, Trung Quốc. Đoàn Thái Lan có tới hơn 10 người, do Bộ trưởng Năng lượng dẫn đầu, có sự tham gia của quan chức Bộ Ngoại giao. Tại Diễn đàn, cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều tỏ ra sẵn sàng giúp các nước Đông Nam Á phát triển điện hạt nhân, trước hết là hoàn thiện khung pháp luật và đào tạo nhân lực để quản lý an toàn và hiệu quả nhà máy điện hạt nhân.
Nếu các dự án được thực hiện thành công, từ sau năm 2020, các nhà máy điện hạt nhân sẽ lần lượt mọc lên ở Đông Nam Á, giúp khu vực này bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, trong đó có dòng sông Mêkông đang đứng trước nguy cơ bị các dự án thủy điện hủy hoại.
Việt Nam – sự kiện và suy nghĩ
Từ sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Nhiều sinh viên xuất sắc đã được tuyển chọn đi đào tạo về điện hạt nhân tại Liên Xô (cũ) và Tiệp Khắc. Tuy nhiên do khó khăn của đất nước trong những năm 1980, dự định đó đã bị gác lại. Chất xám nhân lực điện hạt nhân hoặc ở lại Đông Âu, hoặc chảy sang các khu vực trong và ngoài nhà nước có công việc và thu nhập thích hợp hơn.
Từ giữa những năm 1990, chương trình điện hạt nhân đã được khởi động lại tích cực và thực sự khởi sắc khi Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 01/2006/QĐ-TTg ngày 03/01/2006). Thực hiện Chiến lược và Tổng sơ đồ điện VI, được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chuẩn bị Báo cáo đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Báo cáo đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định, trình Chính phủ để có thể trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm 2009 này.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2009, Chính phủ đã thông qua Báo cáo định hướng quy hoạch phát triển các nhà máy điện hạt nhân giai đoạn đến năm 2030, Báo cáo đầu tư Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, Báo cáo kết quả thẩm định Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05/9/2009).
Để dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam thành công, thứ nhất cần có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước. Dự án điện hạt nhân đầu tiên của Hàn Quốc do chính Tổng thống lãnh đạo trực tiếp. Hiện nay ở nhiều nước cũng vậy – Tổng thống hoặc Thủ tướng là người chỉ đạo chương trình điện hạt nhân. Nếu chậm trễ, chúng ta sẽ là người thua thiệt vì trong bối cảnh hiện nay các nước xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân có thể quá tải đơn đặt hàng và sẽ dành ưu ái cho những ai xếp gạch trước. Điện hạt nhân rất cần một nhạc trưởng có quyền lực và uy tín để điều hành, phối hợp nhịp nhàng, huy động tiềm lực của các Bộ, ngành, địa phương liên quan và tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế mà không ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại.
Thứ hai, cần nhanh chóng tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn liên quan đến điện hạt nhân. Hiện nay chúng ta mới chỉ có Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008. Nghị định về nhà máy điện hạt nhân đang được soạn thảo tích cực. Để thực hiện được dự án điện hạt nhân, cần hoàn thiện khung pháp luật gồm các thông tư, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn có liên quan, đặc biệt là về vấn đề bảo đảm an toàn hạt nhân. Đồng thời phải nghiên cứu tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến điện hạt nhân, như Công ước về An toàn hạt nhân, Công ước về Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân, Công ước chung về An toàn trong quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và An toàn trong quản lý chất thải phóng xạ. Đây là vấn đề mà quốc tế, đặc biệt là các nước cung cấp công nghệ điện hạt nhân rất quan tâm.
Thứ ba, cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân – yếu tố tiên quyết cho thành công của dự án. Trong đó, nguồn nhân lực cho cơ quan quản lý không thể một sớm một chiều mà có được vì ngoài trình độ rất cần có kinh nghiệm để soạn thảo văn bản, thẩm định, cấp phép, thanh tra… Trong đào tạo và sử dụng nhân lực, cần phải đề cao văn hóa an toàn, một yếu tố mà người châu Á nói chung còn hạn chế. Tai nạn hạt nhân ở nhà máy chuyển đổi nhiên liệu Tokai (Nhật Bản) cách đây đúng 10 năm (30/9/1999) làm hai công nhân tử vong là một ví dụ thường được các chuyên gia an toàn hạt nhân nước ngoài sử dụng khi nói về sự yếu kém của văn hóa an toàn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách đặc thù để giữ chân nguồn nhân lực, tránh làn sóng chảy máu chất xám lần thứ hai khi sẽ có không ít cơ hội làm việc cho các công ty liên quan đến điện hạt nhân của nước ngoài tại Việt Nam với thu nhập và chế độ đãi ngộ hấp dẫn.
Thứ tư, đa số các nhà máy điện hạt nhân hiện đang được xây dựng sử dụng loại lò thế hệ II+, một số nước (Pháp, Nhật, Hoa Kỳ, Phần Lan, Trung Quốc,…) đang phát triển loại lò thế hệ III để nâng cao tính an toàn. Dự kiến sau năm 2020, các loại lò thế hệ III sẽ dần dần thay thế cho các loại lò thế hệ II đang hoạt động từ nhiều năm nay. Vì vậy rất mong các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cân nhắc trong việc lựa chọn công nghệ và nhà cung cấp để đáp ứng yêu cầu giải quyết bền vững vấn đề nhiên liệu, phụ tùng thay thế, bảo dưỡng sửa chữa nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, tiến tới làm chủ công nghệ, từng bước nội địa hóa điện hạt nhân trong tương lai.