Đọc sách “Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm”

Cuốn sách Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm* là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một chuyên gia đầy uy tín trong lĩnh vực khoa học chính trị hiện nay của Việt Nam.


TS Nguyễn Sĩ Dũng nói chuyện trước công chúng nhân dịp ra mắt sách “Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm”, Hà Nội, 20/8/2017. Ảnh: Hảo Linh.

Với vốn tiếng Anh được đào tạo bài bản của thời kỳ xã hội chủ nghĩa và nhờ những chuyến học hỏi kinh nghiệm tới hơn 40 quốc gia dưới nhiều hình thức khác nhau, từ tham quan đến phục vụ công tác hay tu nghiệp, với đầy đủ các loại hình chế độ chính trị, từ quốc gia hiện đại nhất cho đến các quốc gia đang trên đà phát triển – những điều đó đã giúp anh hình thành tư duy và kiến thức cho cuốn sách mới.

Có lẽ, ngay khi nhìn tên cuốn sách, người đọc sẽ nghĩ, những khái niệm đó là những vấn đề ABC, có gì đâu mà phải bàn, có gì đâu mà phải thách thức. Trong nhiều hội nghị khoa học, tôi đã luôn muốn tranh luận về những vấn đề này, nhưng không thể được với quan điểm là cái chúng ta cần phải bàn là làm thế nào để Quốc hội bảo đảm thực hiện quyền lực của mình, chứ không phải là những khái niệm, đó chỉ là những chất xám không có hương vị sôi động của cuộc sống.

Trong ấn tượng của tôi, anh Dũng là một người có năng lực và hiểu biết rất sâu sắc về lập pháp, về Quốc hội cũng như các thiết chế quyền lực quốc gia. Anh trước sau như một, dồn mọi tâm sức và kiến thức của mình cho các nghiên cứu khoa học phục vụ mục tiêu xây dựng một Quốc hội chuyên nghiệp, hiệu quả. Chính vì thế, tôi không ngạc nhiên khi anh gửi tôi bản thảo cuốn sách Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm nhưng tôi quả thực ngạc nhiên với nội dung khúc chiết của bản thảo này… Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại

Tuy nhiên, như anh Nguyễn Sĩ Dũng nói, vấn đề của khái niệm là rất cơ bản, nếu không hiểu được đúng bản chất của những khái niệm, sẽ không có cách nào làm đúng. Cách tư duy này đúng với quan điểm của nhiều nhà khoa học cho nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội chứ không riêng gì lĩnh vực lập pháp. “Một trong những lý do quan trọng giải thích tại sao ngày nay tình trạng tham nhũng trong các chính phủ lại lan tràn ở châu Phi là vì người ta đã dành quá nhiều nỗ lực để tìm cách cứu chữa vấn đề hơn là để hiểu chúng”1.

Nhiều khái niệm về Quốc hội của chúng ta hiện nay mới chỉ phản ánh nội dung nội hàm nhận thức trong nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp, nhưng khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không còn như vậy. Ví dụ, liệu Quốc hội có phải là cơ quan có chức năng vừa lập hiến vừa lập pháp hay không? Không hoàn toàn như vậy, thể chế và vận hành của Quốc hội trong một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn liền với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phải bị giới hạn quyền lực, phải làm luật theo nhu cầu của Chính phủ hành pháp. Hay theo cách nói của anh Nguyễn Sĩ Dũng: Quốc hội có chức năng lập pháp nhưng không có động cơ lập pháp, động cơ đó nằm trong tay Chính phủ… Những quan điểm, những giải thích của tác giả là rất độc đáo, sáng tạo. Có những khái niệm mà chúng ta lâu nay vốn tưởng đã hiểu quá rõ, nhưng khi đọc xong, khi chiêm nghiệm ra, chúng ta mới thấy mình còn hiểu sơ sài, đôi khi còn nhầm lẫn.

Bên cạnh việc thay đổi nội hàm các khái niệm, một loạt các thuật ngữ, các khái niệm chưa từng có ở nền kinh tế tập trung cũng được trình bày trong cuốn sách này: đó là quy trình lập pháp, với ba lần đọc có ý nghĩa, cách thức tiến hành hết sức dễ hiểu; đó là các quy tắc đề xuất ý kiến của các đại biểu, khi nào đề xuất của người đại biểu được Quốc hội đưa vào chương trình làm việc, khi nào thì không v.v… Tất cả những quy tắc đó ở phương Tây được gọi là Luật nghị viện, cho đến nay, chưa được thể hiện trong Luật tổ chức Quốc hội hiện hành.

Tròn 30 năm đổi mới về kinh tế, chúng ta đã thu được nhiều thắng lợi, nhưng lĩnh vực chính trị chưa thật sự được như kinh  tế; chúng ta vẫn cứ lấy Quốc hội với cách thức tổ chức và hoạt động trong nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quốc hội cho đến nay vẫn là một thể chế được lập ra từ một thể chế tập trung, quan liêu bao gồm cơ cấu đại diện cho mọi tầng lớp và các địa phương. Mặc dù được cơ cấu từ Trung ương, nhưng các đại biểu vẫn được bầu ra từ địa phương, hơn nữa trong quá trình hoạt động, họ được cùng các đại biểu địa phương họp thành các Đoàn đại biểu địa phương, không khác nào Thượng viện của Hoa Kỳ, như anh Nguyễn Sĩ Dũng nhận xét, nên trong trường hợp này, chúng ta có vẻ như đã không có một Quốc hội toàn quốc. Tác giả đã đưa ra sáng kiến khắc phục bằng cách thành lập đơn vị bầu cử thoát ly khỏi đơn vị hành chính địa phương.

Với những luận điểm như vậy, tôi tin rằng cuốn sách sẽ có những đóng góp nhất định đối với sự đổi mới, phát triển của đất nước, nhất là đối với các đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2016- 2021.

 

Không chỉ là một người trong cuộc, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, như tôi biết, còn là một người rất trăn trở trước vấn đề: Quốc hội hay Tỉnh hội, chuyên trách hay chuyên nghiệp, Quốc hội làm việc ở các Ủy ban hay trong những phiên toàn thể, Văn phòng nghị sĩ hay Văn phòng Đoàn đại biểu… Từ vài chục năm nay, tôi đã may mắn được nghe chính tác giả chất vấn và trả lời về những nội dung đó. Thời gian tới, khi cuộc bầu cử đã xong, liệu cử tri có còn nhớ đến tên ứng viên mà mình đã bỏ phiếu? Trúng cử trở thành đại biểu, “Hạ phai Thu tới,” tháng Mười lại bắt đầu những phiên họp thật dài “Xuân Thu nhị kỳ.” Kiêm nhiệm nhiều việc, các đại biểu liệu có còn thời giờ và tâm trí để làm tốt những điều cử tri mong ở một người dân biểu? Ta nghĩ, nghĩa là ta đang sống. Vì thế, Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm hẳn là một cuốn sách giúp chúng ta thêm suy nghĩ, nghĩa là giúp chúng ta thêm nguồn lực sống. PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

——
*NXB Sự thật và Omega+ xuất bản tháng 7/2017, 352 trang, giá bìa: 119.000 đồng.
1 Xem Dele Olowu: Governmental Corruption and Africa’s Democratiza- tion Efforts, Corrupton and Reform 7(3) (1993) tr, 227.

 

Tác giả

(Visited 21 times, 3 visits today)