Đối diện những nguy cơ cấp bách toàn cầu

Ngày nay, chúng ta mong muốn lớp trẻ được trang bị đầy đủ [tri thức] nhằm giải quyết những vấn đề mà Việt Nam cần làm chủ để có thể vươn lên trên trường quốc tế. Muốn vậy thì chúng ta phải giúp họ trở thành những người trưởng thành có tinh thần trách nhiệm một cách sớm hơn, và có nghị lực lớn hơn so với thế hệ hiện nay.

Một thông điệp hiển hiện xuyên suốt những cuộc tranh luận tại Hội thảo Quốc tế lần thứ 48 về Những nguy cơ cấp bách của hành tinh, được tổ chức và chủ trì bởi GS. Antonino Zichichi, dưới sự bảo trợ của Tổng thống Cộng hòa Italy, mà tôi được tham dự gần đây, đó là: chúng ta cần làm tốt hơn trong việc chuẩn bị cho thế hệ mai sau những hành trang cần thiết để vượt qua ngày càng nhiều những thách thức trong một thế giới không ngừng biến động.

Không một lý thuyết đứng im nào có thể là chìa khóa giải quyết được tất cả những thách thức toàn cầu mà thế hệ trẻ phải đối diện. Cách chúng ta hiểu về [những hệ thống tư tưởng có tính mở như] chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa tư bản cần thường xuyên được cập nhật theo thời gian, phù hợp với thực tiễn từ những cuộc cách mạng xã hội, kinh tế, và môi trường chính trị của một thế giới ngày càng toàn cầu hóa.

Ngày nay, chúng ta mong muốn lớp trẻ được trang bị đầy đủ [tri thức] nhằm giải quyết những vấn đề mà Việt Nam cần làm chủ để có thể vươn lên trên trường quốc tế. Muốn vậy thì chúng ta phải giúp họ trở thành những người trưởng thành có tinh thần trách nhiệm một cách sớm hơn, và có nghị lực lớn hơn so với thế hệ hiện nay.

Họ phải được mở rộng tầm nhìn để đối diện với một thế giới không ngừng biến động, để có thể điều chỉnh mục đích, lý tưởng của mình cho phù hợp với thực tiễn. Họ phải được tạo điều kiện để phát huy tư duy phê phán, phát triển khả năng tự đưa ra chính kiến riêng. Như Stéphane Hessel1 từng nói, chúng ta phải khuyến khích họ biết phẫn nộ, thẳng thắn chỉ ra những rào cản gây trở ngại cho sự phát triển của đất nước. Chúng ta, các nhà khoa học, phải cảm thấy đặc biệt quan tâm tới điều này. Đúng theo tinh thần của Jacques Monod, đó là: “Bất kể khi nào mà sự khách quan, chân lý, và công lý bị xâm hại, nhà khoa học có nghĩa vụ đưa ra chính kiến và bảo vệ nó”.

Với tinh thần như vậy, tôi xin quay lại nói về những nguy cơ của hành tinh được thảo luận ở Hội thảo năm nay.

Cũng giống như trong các năm trước, các vấn đề về năng lượng, đặc biệt là những thách thức mà ngành năng lượng nguyên tử khắp nơi trên thế giới đang phải đối diện, là một trong những chủ đề chính được quan tâm nhất. Người ta lo ngại rằng các nước mới phát triển năng lượng hạt nhân chưa có sự chuẩn bị cần thiết để có thể đáp ứng yêu cầu quản lý hữu hiệu một ngành công nghiệp đòi hỏi trình độ công nghệ tân tiến như vậy, đặc biệt là trong vấn đề đảm bảo an toàn hạt nhân. Một chủ đề khác được quan tâm nhiều là tính không tưởng của giấc mơ về năng lượng tái tạo, chí ít thì phép màu này sẽ vẫn chưa thể trở thành hiện thực trong khoảng thời gian ngắn hạn trước mắt. Ví dụ sinh động nhất là nước Đức, nơi được coi là có tiềm năng đáp ứng tất cả nhu cầu năng lượng bằng năng lượng tái tạo, một nửa từ năng lượng Mặt trời, một nửa từ năng lượng gió, nhưng trong thực tế mỗi nguồn năng lượng này chỉ mới đáp ứng dưới 10% nhu cầu năng lượng quốc gia, chưa kể tác động môi trường mà chúng gây ra còn cao hơn từ xăng, và gần gấp bốn lần so với năng lượng hạt nhân. Điều khiến tôi ngạc nhiên là lẽ ra từ lâu chúng ta phải nhận ra những trở ngại của năng lượng tái tạo, đó là: Mặt trời không phải khi nào cũng chiếu sáng, gió không phải lúc nào cũng thổi, và chúng ta vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng nào để tích trữ điện năng từ hai nguồn năng lượng trên.

Sự thiếu tỉnh táo và những suy nghĩ cảm tính tiếp tục làm hỏng những cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu và cách tiếp cận đối với sự nóng ấm toàn cầu. Một phe giương cao những phát biểu hùng hồn, còn phe bên kia thì đưa ra những cảnh báo thiếu căn cứ, khiến cả hai bên không thể gặp được nhau bằng những phân tích khách quan duy lý về tình hình thực tế, qua đó làm xấu đi trông thấy hình ảnh của ngành khoa học khí tượng nói riêng, và của khoa học nói chung, trong mắt công chúng xã hội cũng như các nhà làm chính sách. Trong khi đó, những vấn đề thực tế như mức giá dầu thế giới thấp và sự bùng nổ của ngành khai thác khí đá phiến ở Mỹ, hay tỷ trọng phát thải của Trung Quốc ngày càng cao so với thế giới, càng khiến những cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu trở nên vô nghĩa.

Chủ nghĩa khủng bố cũng là đề tài được thảo luận khá nhiều trong bối cảnh tác động từ ISIS ngày càng nghiêm trọng, song song với đó là bức tranh u ám về các nguy cơ từ tội phạm máy tính. Ấn tượng chung mà tôi cảm nhận được từ các bài trình bày của giới chuyên gia về chủ đề này là sự mệt mỏi, bất lực.

Một nguy cơ toàn cầu khác mà ảnh hưởng ngày càng rõ trong những năm qua là tốc độ đô thị hóa ngày càng cao và sự thiếu chuẩn bị của chúng ta trong việc ứng phó với các vấn đề liên quan, từ năng lượng, nguồn cung nước sạch và thực phẩm, tới an ninh.

Trong các vấn đề về ô nhiễm, năm nay chủ đề chính tập trung vào sự suy thoái của các đại dương, đặc biệt liên quan tới nghề đánh bắt cá. Một phân tích thú vị về tác động môi trường của năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo cho thấy ở Đức, năng lượng hạt nhân tạo ra tác động môi trường chỉ bằng 1/8 so với than cứng, 1/7 so với than non, 1/3 so với khí đốt tự nhiên, 1/2,5 so với năng lượng Mặt trời, tương đương với năng lượng gió (bao gồm cả trên bờ và ngoài biển), và cao gấp ba lần so với thủy điện.

Một nguy cơ mới xuất hiện được chỉ ra có nguyên nhân từ sự lạm dụng thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu trong nông nghiệp. Các bằng chứng được trình bày ở Hội thảo cho thấy đây là nguyên nhân gây ung thư ở người. Nếu thực tế đúng như vậy thì đây quả là vấn đề rất lớn đối với ngành nông nghiệp trên toàn thế giới.

Thanh Xuân lược dịch
—————
1Stéphane Frédéric Hessel (1917 – 2013) là một nhà ngoại giao, nhà văn, người từng sống sót trong trại tập trung của Phát xít Đức. Ông là một quan sát viên của quá trình biên tập Tuyên bố Quốc tế Nhân quyền (Universal Declaration of Human Rights) năm 1948. Cuốn sách Đã đến lúc nổi giận! (Time for Outrage!) của ông phát hành năm 2010 đến nay bán được 4,5 triệu bản trên toàn thế giới. Năm 2011 ông được tạp chí Foreign Policy xếp vào một trong số những nhà tư tưởng hàng đầu trên thế giới. (Chú thích của Tia Sáng).

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)