Đơn kêu cứu của Ba Huân từ góc nhìn đa chiều

Gần đây, các phương tiện truyền thông liên tiếp đưa tin về sự kiện chấm dứt hợp tác giữa Công ty Ba Huân và Quỹ đầu tư VinaCapital. Tuy nhiên, bài viết này không bàn về khía cạnh pháp lý của tranh chấp hợp đồng giữa Công ty Ba Huân và VinaCapital mà thay vào đó sẽ phân tích lý do và những hệ quả của việc gửi đơn kêu cứu trong vụ việc Công ty Ba Huân nói riêng và những trường hợp doanh nghiệp gửi đơn kêu cứu nói chung. Cần lưu ý rằng các dữ kiện được tiết lộ qua thông tin báo chí về tranh chấp giữa Công ty Ba Huân và VinaCapital hiện nay chưa đủ để khẳng định ai đúng ai sai trong vụ việc này.

Căn nguyên của việc gửi đơn kêu cứu

Việc Công ty Ba Huân gửi đơn kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ khiến các tác giả nhớ tới một thuật ngữ vui là “đơn hươu cao cổ”. Thuật ngữ này được sử dụng bởi một số cán bộ trong cơ quan Nhà nước để chỉ những đơn kêu cứu với danh sách kính gửi đôi khi dài đến cả một trang giấy, kính gửi từ Thủ tướng Chính phủ đến các Bộ trưởng, từ Quốc hội đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Xét về khía cạnh pháp lý, “đơn kêu cứu” của doanh nghiệp không thuộc bất kỳ một biện pháp giải quyết tranh chấp hay vướng mắc chính thống nào. Nếu là tranh chấp thương mại như vụ việc của Công ty Ba Huân thì thông thường con đường giải quyết tranh chấp sẽ là thương lượng. Nếu thương lượng không thành công thì các bên sẽ lựa chọn trọng tài hoặc khởi kiện ra toà (tuỳ thoả thuận) và khi đó sẽ có “đơn khởi kiện”. Nếu là vướng mắc giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước thì khi đó doanh nghiệp có thể lựa chọn khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện hành chính, tương ứng sẽ có “đơn khiếu nại”, “đơn tố cáo” hay “đơn khởi kiện”. Lưu ý rằng những dạng thức đơn này đều được quy định trong hệ thống pháp luật với các quy định cụ thể từ nội dung đơn, chủ thể tiếp nhận đơn đến quy trình thụ lý và giải quyết… Trái ngược với các hình thức đơn chính thống, “đơn kêu cứu” không được ghi nhận trong bất kỳ văn bản pháp luật nào nhưng lại đang xuất hiện từng ngày, từng giờ và trong mọi lĩnh vực. Điều này là do đâu?

Trong một số trường hợp, việc gửi đơn kêu cứu có thể xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của doanh nghiệp về pháp luật. Tuy nhiên, tại sao có những doanh nghiệp có hiểu biết hoặc được mặc định là phải có hiểu biết pháp luật nhưng vẫn gửi đơn kêu cứu? Phải chăng doanh nghiệp muốn tỏ ra yếu thế để kêu gọi sự ủng hộ từ dư luận và cơ quan chính quyền, hay đây chính là một trong những cách thức marketing của doanh nghiệp? Có lẽ chỉ có doanh nghiệp kêu cứu mới rõ được lý do hay động cơ của việc gửi đơn này.

Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng việc gửi đơn kêu cứu là một biện pháp để doanh nghiệp tự bảo vệ mình. Lý do “tự bảo vệ” này cũng có thể đúng, tuy nhiên, nó đúng nhiều hơn với trường hợp doanh nghiệp có vướng mắc với cơ quan Nhà nước mà không phải xuất phát từ những tranh chấp trong khu vực tư nhân. Hoặc có thể đúng với những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chứ không phải với những công ty lớn được định giá cả trăm triệu đô với đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp đứng đằng sau. Thừa nhận rằng đôi khi việc gửi đơn kêu cứu giúp đẩy nhanh quá trình xử lý vướng mắc và giúp giải quyết các vấn đề nóng để xoa dịu dư luận nhưng thường rơi vào trường hợp của các cá nhân nhiều hơn là doanh nghiệp (ví dụ như vụ việc quán cafe Xin chào hay vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn).

Hành vi gửi đơn kêu cứu phần nào đã phản ánh văn hóa ứng xử của doanh nghiệp Việt Nam khi gặp phải vướng mắc hoặc bất đồng với đối tác. Đó là sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm và thiếu cả thiện chí. Nếu các bên trong giao dịch đều chuyên nghiệp trong quá trình soạn thảo và giao kết hợp đồng thì sẽ không có tình trạng “Công ty A té ngửa vì nội dung của hợp đồng không đúng với thoả thuận trước đó” hay “Doanh nghiệp B tá hỏa vì bản hợp đồng tiếng Anh và tiếng Việt không tương thích”. Còn một khi đã đặt bút ký, và hợp đồng phản ánh đúng ý chí của các bên, thì khi đó đòi hỏi các bên phải có tinh thần trách nhiệm trong việc thực thi các thoả thuận đã cam kết, bao gồm cả thoả thuận về phương thức giải quyết tranh chấp. Và cuối cùng, khi đã hợp tác một cách thiện chí, đôi bên sẽ cùng ngồi lại để thương lượng về những điểm chưa thỏa đáng để cùng nhau “gỡ rối tơ lòng” thay vì gửi đơn kêu cứu rồi “vạch áo cho người xem lưng”.

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, một phần tiêu cực đóng góp vào “văn hóa kêu cứu” của các doanh nghiệp xuất phát từ sự vận hành thiếu hiệu quả của hệ thống tư pháp Việt Nam. Chất lượng giải quyết tranh chấp của tòa án Việt Nam chưa đáp ứng được mong muốn của người dân. Trên thực tế, một vụ việc giải quyết ở toà mất trung bình khoảng hai năm, trong khi tỷ lệ thu hồi tài sản chỉ vào khoảng 20%1. Bên cạnh toà án, trọng tài thương mại cũng là một phương thức giải quyết tranh chấp mà doanh nghiệp đang có xu hướng lựa chọn nhiều hơn. Tuy nhiên, số vụ tranh chấp giải quyết bằng trọng tài tại Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% trên tổng số vụ tranh chấp thương mại được tòa án thụ lý, xét xử hằng năm2. Bên cạnh đó, nhiều phán quyết của trọng tài còn bị tòa án hủy với tỷ lệ lớn từ 20%-50%3. Trước thực trạng này, cũng khó lòng mà trách doanh nghiệp có tâm lý tin tưởng vào hiệu quả của những lá đơn kêu cứu hơn là những biện pháp giải quyết tranh chấp chính thống.

Hệ quả của việc gửi đơn kêu cứu

Lý do cho việc doanh nghiệp gửi đơn kêu cứu đã được phân tích ở phần trên, tuy nhiên có lẽ doanh nghiệp còn chưa ý thức được hết hệ quả của việc gửi đơn kêu cứu đối với cơ quan Nhà nước, đối với thị trường và cả với chính các bên liên quan trong vụ việc kêu cứu.

Trong phần lớn các trường hợp, những đơn kêu cứu gửi tới nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân (đa phần không có thẩm quyền giải quyết vụ việc) giống như “bom thư” hay “spam mail”, làm tăng gánh nặng khối lượng công việc cho các đơn vị tiếp nhận. Như đã phân tích, hiện không có quy định pháp lý nào điều chỉnh về việc giải quyết đơn kêu cứu, đồng nghĩa với việc cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận đơn kêu cứu không có nghĩa vụ phải trả lời hay giải quyết vấn đề được kêu cứu. Nhưng trên thực tế, các cơ quan quản lý Nhà nước khi tiếp nhận đơn kêu cứu thường sẽ phải xác định cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc theo quy định pháp luật và chuyển tiếp đơn kêu cứu đến cơ quan có thẩm quyền đó. Điều này vô hình trung đã làm tăng gánh nặng cho các cơ quan vốn không liên quan đến việc xử lý vướng mắc hay tranh chấp của doanh nghiệp. Đặt đơn kêu cứu của xã hội văn minh trong bối cảnh so sánh với cổ luật, ngay từ đời vua Lê Thuần Tông (năm Long Đức thứ 3, 1734) đã có quy định rõ trong điều lệ xét xử kiện tụng, theo đó: “Đầu đơn kiện tụng chỉ được khai họ tên người can việc vào trong đơn, không được khai dây dưa đến người xung quanh […]. Quan được thứ xét thấy nếu thực là người can lụy thì mới được nhận đơn; nếu kiện vu vơ theo hùa thì nên nhất thiết bác bỏ” 4. Có thể thấy, ngay từ thời xưa, bộ máy nhà nước phong kiến cũng đã gặp phải những vấn đề tương tự như “đơn kêu cứu” ngày nay và đã phải đặt ra những quy định nhằm hạn chế tình trạng này.

Thông qua phân tích vụ việc của Công ty Ba Huân, có thể nhìn thấy những nguy cơ và rủi ro nhất định từ việc doanh nghiệp yêu cầu cơ quan Nhà nước can thiệp vào một quan hệ thương mại nói riêng và quan hệ dân sự nói chung. Bản chất của quan hệ dân sự là tôn trọng sự thoả thuận của các bên (“việc dân sự cốt ở đôi bên”), với điều kiện các thoả thuận phải phù hợp với quy định pháp luật. Những thoả thuận này đồng thời cũng được tôn trọng bởi các chủ thể khác, bao gồm cả cơ quan nhà nước. Sự can thiệp của cơ quan Nhà nước vào mối quan hệ dân sự (giả sử nếu có) sẽ dẫn tới rủi ro cho việc duy trì tính công bằng của quan hệ dân sự và sự ổn định của thị trường. Thậm chí, cả nền tư pháp cũng có nguy cơ bị đe dọa nếu các thiết chế giải quyết tranh chấp chính thống như toà án bị can thiệp và không thể đảm bảo tính độc lập trong hoạt động xét xử. Ở tầm quan hệ quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài còn có thể kiện Chính phủ Việt Nam nếu các cơ quan Nhà nước có hành vi can thiệp vào hoạt động của nhà đầu tư mà hành vi can thiệp này vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Không chỉ tác động tới các cơ quan Nhà nước, thị trường hay nền tư pháp, việc gửi đơn kêu cứu như vụ việc của Công ty Ba Huân còn trực tiếp ảnh hưởng tới các bên liên quan trong vụ việc kêu cứu. Giả sử việc gửi đơn kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ là nhân tố giúp Công ty Ba Huân “thoát khỏi” mối ràng buộc với VinaCapital thì cũng cần lưu ý rằng đây thực chất là một con dao hai lưỡi với Ba Huân. Sau sự việc này, có thể sẽ có những nhà cung cấp, khách hàng hay nhà đầu tư khác nhìn Ba Huân như một đối tác thiếu chuyên nghiệp, thiếu thiện chí, thiếu trách nhiệm. Có lẽ không cần nói nhiều về tầm quan trọng của chữ “tín” trong kinh doanh, và ai cũng hiểu được chân lý “một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Còn về phía VinaCapital, có thể sẽ có những định kiến về quỹ đầu tư và hình dung mối hợp tác giữa quỹ đầu tư với các doanh nghiệp giống như cuộc đi săn, cá lớn nuốt cá bé.

Gửi đơn kêu cứu – doanh nghiệp nên hay không nên?

Khó có thể đòi hỏi doanh nghiệp phải lựa chọn con đường giải quyết tranh chấp chính thống khi những con đường này quá dài và quá gian nan để đi. Tuy nhiên hiện nay đã có những cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại mới được bổ sung trong hệ thống pháp luật (ví dụ như hoà giải thương mại), và trong tương lai, có thể sẽ có cả những cơ chế giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp từ giai đoạn tiền tranh chấp để ngăn chặn sự phát sinh của các tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ (ví dụ như Cơ chế phản hồi đầu tư có hệ thống5). Cần thiết phải ghi nhận những cố gắng của ngành Toà án trong việc nâng cao chất lượng hoạt động xét xử nói riêng cũng như những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung. Tuy nhiên, khắc phục thực trạng gửi đơn kêu cứu đòi hỏi có một sự thay đổi mang tính hệ thống, không chỉ là hệ thống pháp luật hay hệ thống xét xử mà còn ở cả nếp nghĩ của doanh nghiệp.

Và lẽ ra, thay vì gửi đơn kêu cứu để giải quyết một sự việc “đã rồi”, các doanh nghiệp cần cẩn trọng hơn ngay từ quá trình đàm phán, soạn thảo hợp đồng và trước khi đặt bút ký bởi “bút sa, gà chết”. Về cơ bản, một khi đã đồng ý tham gia giao dịch thì doanh nghiệp đều phải chịu trách nhiệm đến cùng với các cam kết của mình.
———-
* Các luật sư, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
1 Ngân hàng Thế giới, Báo cáo Doing Business 2018, Chỉ số Recovery Rate trong Bộ chỉ số Resolving Insolvency của Việt Nam
2 Thời báo Tài chính Việt Nam Online, Số vụ giải quyết qua trọng tài vẫn chưa tạo được nhiều kỳ vọng, truy cập tại địa chỉ http://thoibaotaichinhvietnam.vn/ pages/xa-hoi/2018-06-07/so-vu-giai-quyet-qua-trong-tai-van-chua-tao-duoc-nhieu-ky-vong-58411.aspx
3 Xem thêm tại Báo cáo Chẩn đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), 04/2017
4 Phan Huy Chú, Khoa mục chí – Quốc dụng chí  – Hình luật chí, Lịch triều Hiến chương loại chí tập 4, 2014, NXB Trẻ, trang 289
5 Tên tiếng Anh là Systemic Investment Response Mechanism (SIRM) – là một cơ chế phòng ngừa tranh chấp giữa nhà đầu tư và Chính phủ đang được phát triển bởi Ngân hàng Thế giới. SIRM ngăn ngừa tranh chấp giữa nhà đầu tư và Chính phủ bằng cách theo dõi và cảnh báo sớm để nhận dạng và giải quyết các vướng mắc phát sinh từ hoạt động quản lý của Chính phủ.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)